Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Thái bảo TRẦN PHONG


Bổ sung tiểu sử Các nhà khoa bảng VN

Ngô Đức Thọ
THÁI BẢO TRẦN PHONG ( ? - 1485)
 nạn nhân tính nghi kỵ của vua Lê Thánh Tông

Người huyện Tiên Lữ – Nay là huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên.
Đỗ khoa Hoành từ năm Tân Hợi niên hiệu Thuận Thiên 4 (1431) đời Lê Thái Tổ.
Làm quan đến chức Hộ bộ thượng thư kiêm Thái tử tập khách (hầu Kinh diên, tức dạy học cho Thái tử Bang Cơ sau là Lê Nhân Tông) gia chức Thái bảo, Ngự sử đài đô ngự sử. Lê Thánh Tông cho rằng ông là bề tôi thân tín của Lê Nghi Dân nên kết tội rồi bị xử trảm (1485).
Trần Phong thi đỗ khoa Hoành từ (1431) đầu đời Lê Thái Tổ, khi đó vua mới lên ngôi, muốn cầu hiền tài mở khoa Hoành từ. Nhưng thời đó chưa có quy chế đầy đủ, hồ sơ thất lạc hết, chính sử cũng bỏ sót không ghi điều gì về khoa thi này. Duy nhất chỉ có Lịch triều đăng khoa lục (LTĐK) có ghi khoa này với họ tên của 5 người thi đỗ:
1- Nguyễn Thiên Tích (Nội Duệ, Tiên Du)
2- Trình Thanh (nguyên quan Ứng Thiên, trú quán xã Trung Thanh Oai huyện Thanh Oai)
3-Đặng Huệ Liên (không ghi quê quán)
4-Chu Tam Tỉnh (huyện Thanh Đàm, sau là Thanh Trì)
5-Trần Phong (người huyện Tiên Lữ, không ghi thôn xã)
Lịch triều hiến chương loại chí (LTHCLC)của Phan Huy Chú cũng chỉ ghi được tên khoa thi, nhưng không ghi người thi đỗ. Các tài liệu khác cũng đều thiếu các khoa thi đầu đời Lê Thái Tổ. Bia Văn miếu Xích Đằng kê tên các Tiến sĩ người Hưng Yên, ngay bia đầu tiên có tên Trần Phong, nhưng cũng chỉ ghi người huỵện Tiên Lữ, không có tên xã thôn. Vì vậy đối với Thái bảo Trần Phong, ngày nay chúng ta chỉ biết ông quê huyên Tiên Lữ (Hưng Yên), nhưng không biết xã thôn nào.
Sau khi thi đỗ,Trần Phong đựoc bổ chức văn hàn tại triều. Sang đời Thái Tông, ngày 15 tháng giêng  năm Thiệu Bình 1 (2-1434), Trần Phong và Chu Tam Tỉnh được phong chức Cục phó cục Ngự Tiền học sinh. (Toàn thư, BK11-4a )
Tháng 11 năm Thiệu Bình 4 (12-1437), lấy Trần Phong làm Hữu hình viện đại phu.(Toàn thư BK,11-47a ).
Thời Lê Thái Tông, tháng Giêng năm Thái Hòa 6 (2-1448), vua “lấy Trần Phong làm Thị kinh diên” (dạy học cho Thái tử Bang Cơ).
Năm Diên Ninh 6 (1459) Lê Nghi Dân giết vua Lê Nhân Tông, tiếm ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Hưng. 
Năm Thiên Hưng 1 (1459) Lê Nghi Dân sai Trần Phong, Lương Như Hộc, Trần Bá Linh sang nhà Minh cầu phong. (Toàn thư, BK12,98b). 
Khi sứ bộ Trần Phong trở về thì Lê Nghi Dân đã bị giết, hoàng tử Tư Thành lên ngôi, tức vua Lê Thánh Tông. 
Trần Phong đương nhiên phụng sự dưới triều vua mới.
Từ Quang Thuận 1 đến Quang Thuận 4 (1460-1463), vua Lê Thánh Tông tiếp tục dùng Trần Phong làm quan Kinh diên.
Tháng 12 Quang Thuận 4 (1463), vua Lê Thánh Tông lấy Trần Phong làm Hình bộ Thượng thư.”(Toàn thư, BK12 -13b)
Năm Quang Thuận 6 (1465), “Đổi Trần Phong ra làm Tuyên chính sứ Tây đạo”.(Toàn thư, BK12 -20a)
Quang Thuận 8 (1467), lại điều Trần Phong về kinh thăng Hộ bộ thượng thư. (Toàn thư,BK12 -30b)
Quang Thuận 8 (1467) Trần Phong làm Hình bộ thượng thư kiêm thái tử tân khách (Toàn thư, BK12 -30b)
Cùng năm Quang Thuận 8 (1467), sai Hộ bộ thượng thư kiêm Cung sư phủ Thái tử tân khách Trần Phong đi khám đất công ở hương Lam Sơn và thôn Dâm để cấp cho các công thần (Toàn thư, BK12 -29b)  
Quang Thuận 8 (1467) lấy Trần Phong làm Đông cung quan (Toàn thư, BK12 -37b)
Hồng Đức 5 (1474), Gia phong Trần Phong làm Thiếu bảo ngự sử đài đô ngự sử. (Toàn thư, BK13 -4a)
Hồng Đức 6 (1485), Tháng 12 giết Trần Phong.(Toàn thư, BK13- 49b)
Qua tóm tát lý lịch làm quan trên đây có thể thấy Trần Phong là văn thần làm việc tại triều dưới 5 triều vua thời Lê sơ (từ Thái Tổ đến Thánh Tông). Thời Lê Thái Tổ Trần Phong chưa được trọng dụng gì mấy, từ thời Thái Tông mới được lấy vào cung dạy học cho Thái tử (Nhập thị kinh diên). Nhưng chính việc làm thầy dạy học cho thái tử tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trần Phong vì dạy học cho thái tử Bang Cơ nên cũng thân gần với em vua là Nghi Dân, khi Nghi Dân tiếm ngôi, Trần Phong tiếp tục đựoc tin dùng làm Chánh sứ sứ bộ sang nhà Minh cầu phong cho Nghi Dân. Không may khi Trần Phong về nước thì vua mới đã lên ngôi. Lê Thánh Tông tiếp tục sử dụng Trần Phong, nhưng trong bụng không thích và có ý nghi ngờ lòng trung thành của Trần Phong. Việc Trần Phong khi đi sứ mua nhiều thứ quý lạ của Bắc quốc đem về nước để trục lợi vua cũng biết. Vua nói với Đô Ngự sử Nguyễn Thiện:
"Khoảng năm Thái Hòa, Diên Ninh, trên thì Tể tướng, dưới đến trăm quan, tranh nhau bòn lợi, hối lộ bừa bãi....Lệ Đức hầu (Nghi Dân) ưa thích của quý vật lạ, Nguyễn Như Đổ và Trần Phong đi sứ sang Bắc quốc mua sắm kể hàng ngàn, xoay xở đủ trăm cách. Còn như lòng trung của hai người đó thì ai biết? (Toàn thư, BK12 -17b)
Năm Quang Thuận 4 (1463), khi lấy Trần Phong làm Hình bộ Thượng thư, vua bảo với mấy người trong đó có Trần Phong: “ Ta nghe Tư Mã Quang có nói: "Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến họa loạn". Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng ngươi quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm không lơi, các ngươi chớ có quên đấy!".
Câu nói ấy có ý khuyên răn, nhưng thoáng chút ý gì có vẻ ghê sợ!
Đến năm Quang Thuận 6 (1485) Trần Phong hầu vua đến hơn 25 năm rồi, vua nói thật vua vẫn để bụng việc Trần Phong hồi trước dạy học cho Nghi Dân vẫn có ý xem thường mình, Vua bảo  với Thượng thư Nguyễn Như Đổ và mấy người nữa rằng:
“Trần Phong hồi trẻ là cựu thần của Lệ Đức hầu ( tức là Lê Nghi Dân). Đến khi hắn làm kinh diên cho Nhân Tông thì yêu quý Lệ Đức, rất khinh miệt ta. Nay Phong làm bầy tôi của ta lại thường mang lòng bất trung, bảo rằng ta đặt quan hiệu của nhà Minh mà làm trái thông chế của quốc triều, cái bụng trái đạo làm tôi của hắn đã rõ lắm rồi. Phong đã bội phản, ai buộc được tay ta mà ta không thể giết nó? Phong là tên phản quốc, ai là kẻ giơ càng bọ ngựa bênh nó hãy tự ra thú để ta được biết?”
(Quang Thuận) năm thứ 6 (1465), Đổi Trần Phong ra làm Tuyên chính sứ Tây đạo.
Hầu việc cho một ông vua kỹ tính lại hay nghi ngờ như Lê Thánh Tông mà ứng xử của Trần Phong nhiều khi quá phóng túng. Trần Phong có người em là Trần Cẩn phạm điều lỗi gì đó, vua đem việc nói với Phong, có ý hỏi ý Phong Cẩn là người thế nào. Nhưng Phong không hiểu ý, nhân dịp đó lại nói thêm các điều xấu của Cẩn. Lê Thánh Tông rất chê điều ấy của Phong, không chỉ trích trước mặt Phong, nhưng lại nói với nhiều triều quan:
"Trần Cẩn là em Trần Phong. Cẩn có tội. Trẫm hỏi Phong về hành vi ngày thường của Cẩn thì Phong nhân thế bới móc hết cái xấu của Cẩn ra, định làm hại Cẩn. Cái tình anh em cơ hồ sụp đổ rồi; nhân luân bại hoại không gì tệ bằng thế. Nếu Phong biết sửa chữa lầm lỗi một lòng trung hiếu, thì ta cũng kiễng chân mà chờ đợi kết quả sửa đổi sau này của hắn".(Quang Thuận 6 [1465], Toàn thư, BK12 -20a)
Ai nghe câu nói ấy của Lê Thánh Tông đều hiểu Trần Phong ở vào tình thế khá nguy hiểm, nhưng không ai bảo cho Phong biết. Cùng năm ấy, Trần Phong phạm lỗi, bị điều đi làm Tuyên chính sứ Tây đạo, năm sau (1466) lại được điều về kinh sai phái vài việc lặt vặt (đi Lam kinh xem xét các trường hợp một số nhà thế gia chiếm đoạt đất đai làm của riêng v.v...) Tuy thế Lê Thánh Tông theo định kiến vẫn rất ghét Trần Phong. Không xẩy ra việc gì, tự dưng (1468) vua cũng nói với bọn Nguyễn Như Đổ lời lẽ rất gay gắt:
"Ta xem Trần Phong ngoài mặt thì kêu căng, trong bụng thì xu nịnh, nói năng khinh suất. Đến như xiểm nịnh kẻ quyền quý thì lật đật như con lang già giẫm yếm xéo đuôi; liếm trôn trĩ của Đức Trung, hút mủ nhọt cho Nguyễn Yên, đó là kế sở trường để nên quan to của Phong đấy".
Vua còn biết chuyện Trần Phong buổi sáng theo các quan hặc tội Nguyễn Đức Trung, nhưng đến đêm lạị tới nhà Đức Trung để tạ lỗi. Đức Trung là cha của Trường Lạc Hoàng hậu, còn Yên là cậu của Hoàng hậu. Phong xin làm thông gia với Yên, lạy ở ngoài sân suốt ngày, Yên mới gả cho” (Toàn thư, BK12 -48b).
Cuối cùng năm Hồng Đức 16 (1485), nhân có bàn việc sắp xếp quan hiệu, vua có ý theo quy chế của quốc triều. Có người hặc tội, cho là Phong phỉ báng vua. Lê Thánh Tông hết sức tức giận, giao xuống cho đình nghị. Trần Phong bị tống ngục rồi chết.  (Toàn thư, BK13-49b  )
Trần Phong chết rồi, Lê Thánh Tông đăng triều vẫn không thôi quát thét:
"Trần Phong lúc trước làm bầy tôi cũ Lệ Đức hầu, nay hắn thờ trẫm, nhưng vẫn chứa đựng cái lòng không hết đạo làm tôi, hắn thường phỉ báng trẫm là sắp xếp quan hiệu theo chế độ nhà Minh, mà không theo thông chế của quốc triều, hắn thật là một bầy tôi bạn nghịch".
Lê Thánh Tông nói: “Hắn là một bầy tôi bạn nghịch”. Sử ghi kỹ như ta đã biết, nhưng chẳng thấy Trần Phong phản nghịch ở điểm nào ? Cái chết của  Trần Phong thật là một vụ án oan khốc của một vị đại thần đã dự triều chính suốt 5 đời vua đầu triều Lê, rốt cục phải chết thảm dưới triều đại của một vị vua thường được ca ngợi là đấng minh quân của một thời kỳ được coi là thịnh trị trong sử Việt.
Hậu duệ của ông (nếu còn) khi lập gia phả cũng nên sử dụng các tư liệu quốc sử đã dẫn trong bài này để chiêu tuyết cho ông.”
- Trần Phong 陳封tự Thái Khai 太開.
LTĐK (I, 2b); TThư (BK13,49b); TVTL (III, 125b)
Tác phẩm:
Hiện còn 1 bài thơ chép trong TVTL.
Mạn hứng  漫興 Q.10,126 a

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét