Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

THĂNG LONG -ĐẤT HỌC NGÀN NĂM



Lời dẫn: Bài này tôi viết tháng 10-2010, nhân Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, sau đó đã post lên blog của tôi Yahoo360/ngoducthohannom, để được vài tháng thì phải chuyển sang blog hiện nay (http://ngoducthohn.blogspot.com/) nhưng chưa kịp copy bài này sang, thành ra thư mục của Google vẫn có bài này của Ngô Dức Thọ, nhưng muốn xem thì không có. Nay nhân lục lạo các ổ lưu vừa tìm thấy bản word còn lưu. Vậy xin post lên ngoducthohn để lưu, quý bạn nào chú ý chủ đề này. nhã ý muốn xem qua cũng thuận tiện. Ngô Đức Thọ

THĂNG LONG -ĐẤT HỌC NGÀN NĂM



Nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội

THĂNG LONG - đất học ngàn năm



NGÔ ĐỨC THỌ


Thăng Long đất học là “chuyện ngàn năm” mà chúng ta dưòng như lại rất thiếu tài liệu. Sự thực cũng có một ít sử liệu về vấn đề này: Thời Bắc thuộc, các triều đại phong kiến Trung Quốc gây tội ác ngút ngàn với dân ta, nhưng có một viên Thái thú là Sĩ Nhiếp muốn biến địa hạt cai trị của ông ta thành đất cát cứ có kinh tế và văn hoá phát triển không kém gì Bắc triều nên chú trọng truyền bá chữ Hán ở Giao Châu. Người nước ta cũng công bằng nhận định Sĩ Nhiếp có công mở mang sự học. Thủ phủ Luy Lâu thời Sĩ Nhiếp là một trung


tâm Phật giáo đã dịch được 15 quyển kinh từ chữ Phạn ra chữ Hán. Phật giáo coi chúng sinh nhất loạt bình đẳng nên không nhấn mạnh việc học, vì sợ rằng chính việc học lại tạo ra sự bất bình đẳng khác. Tuy vậy, các nhà sư phần nhiều đều uyên thâm Hán học, bởi vì có giỏi chữ Nho mới có thể nghiên cứu được các kinh sách Phật giáo. Dưới bóng các mái chùa không chỉ tư tưởng từ bi bác ái của Phật Đà mà cả nền văn hoá chữ Hán liên tục được truyền dạy ở Giao Châu trong nhiều thế kỷ. Nhờ vậy đến thời độc lập dưới thời Ngô Đinh Lê triều đình mới có thể sử dụng công cụ chữ Hán để đặt định triều nghi thể chế. Trí thức Phật giáo được trọng đãi để phụ tá cho triều đình. Đại sư Khuông Việt thủa nhỏ học Nho, sau mới theo đạo Phật, đời Đinh Tiên Hoàng phàm các việc quân quốc triều đình sư đều được tham dự. Đời Tiền Lê uy tín của thiền sư Vạn Hạnh rất lớn, ai cũng biết sư là người hiểu thời biết người: Thấy con cháu của Lê Đại hành bất đức vô đạo, sư bí mật vận động để Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra cả một thời đại hưng thịnh của đất nước.

Đầu triều Lý, vùng Kinh Bắc có nhiều chùa viện nổi tiếng không kém thời trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Ngay trên đất Thăng Long từ trước đã có những chùa lớn như chùa Khai Quốc, sau khi định đô, nhà Lý dựng thêm nhiều chùa khác, như các chùa Cát Tường, Cửu Liên Giáo Nguyên, Diên Hựu (Một Cột ) v.v…Trụ trì các chùa viện đó là các thiền sư như Viên Chiếu, Cứu Chỉ, Thông Biện, Mãn Giác v.v…không những là các bậc cao tăng chuyên sâu Phật học mà cũng là những nhà hoạt động văn hoá rất danh tiếng. Nho giáo thực hành, qua cả ngàn năm ảnh hưởng tiệm tiến khá rõ về y phục, phong tục tập quán (lễ tết, ma chay, cưới xin v.v…), tín ngưỡng tôn giáo (đạo thờ cúng tổ tiên) v.v…Nhưng việc học Nho giáo kinh điển chỉ ở quy mô gia đình, ít người có được. Lý Thánh Tông sinh ở Thăng Long, từ nhỏ học Nho, “khi lớn lên vua thông kinh truyện, sành âm luật, nhất là về vũ lược”(Đại Việt sử lược), vì vậy khi nối ngôi cầm quyền, vua thấy rõ xã hội ta cần phải có một nền giáo dục Nho học kinh điển để đào tạo các nhân tài đủ tầm cỡ kinh bang tế thế. Vua Lý Thánh Tông quyết định lập đền thờ bậc “Vạn thế sư biểu” của đạo Nho đánh dấu một bước ngoặt lịch sử: quốc gia Đại Việt từ đây bắt đầu một nền học vấn chính thức là Nho học. Việc học cũng có ý nghĩa tượng trưng: hoàng tộc và con cái đại thần học trước rồi sau mới mở rộng ra cho mọi người. Lý Nhân Tông nối ngôi, mở ngay khoa Minh kinh bác học, lấy được người đỗ đầu là Lê Văn Thịnh. :

“Lê Văn Thịnh người làng Đông Cứu huyện Gia Định, tính ham học. Bấy giờ chưa có khoa cử, dầu ai thông minh lanh sáng đến đâu cũng phải o đường Phật giáo mà được lựa chọn đề bạt; riêng có Văn Thịnh chăm đọc sách. Đến giờ mở khoa thi, hơn 10 người trúng tuyển, Văn Thịnh đỗ đầu. Đời truyền rằng Lê Văn Thịnh là người khai khoa đầu tiên” ( Trần Ký Đằng, Danh tiết lục)[1]

Ông được chọn vào cung làm thầy học cho vua, được vua tin cậy tham vấn nhiều việc nước, chưa đầy năm đã thăng chức Thị lang bộ Binh. Trong chức vụ này, ông có công đi đàm phán thành công, nhà Tống phải trả lại cho ta 6 huyện và 3 động, ông được thăng đến chức Thái sư (Tể tướng). Dù bị án oan phải đi đày, nhưng danh tiếng Lê Văn Thịnh vẫn toả sáng như bông hoa đầu mùa của tầng lớp trí thức Nho học Việt Nam.

Dưới triều Trần, Nho học phát triển mạnh. Năm 1232 Trần Thái Tông mở khoa thi Thái học sinh đầu tiên, nhưng nổi tiếng nhất là khoa Thiên Ứng Chính Bình 16 (1247): Từ khoa này bắt đầu đặt danh hiệu của 3 vị đỗ cao nhất (Tam khôi) là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Kỳ diệu là Trạng nguyên Nguyễn Hiền mới 13 tuổi. Trạng

được hưởng đủ mọi ơn vinh, nhưng đặc cách cho về quê nghỉ ngơi đọc sách, đủ 18 tuổi về triều nhận chức. Ông làm quan đến chức Thượng thư, danh tiếng lưu truyền không ngớt. Bảng nhãn Lê Văn Hưu cũng đỗ khoa ấy, về sau là người khởi soạn bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư. Thái Tông đặt thêm danh hiệu Trại Trạng nguyên để lấy đỗ người từ Thanh Hoá trở vào. Trại Trạng nguyên Trương Xán quê ở châu Bố Chánh (phía nam đèo Ngang) đỗ khoa ấy là minh chứng thời Trần việc học đã mở rộng đến tận các miền xa xôi. Mặt khác điều đó cũng thể hiện Thăng Long là trung tâm văn hoá giáo dục có sức hội tụ nhân tài khắp bốn phương đất nước. Các cấp học dưới người học có thể học tại gia đình,học các thầy ở đia phương, nhưng người học cao thì vài năm trước khi thi thường về lưu học ở Thăng Long. Khu vực xung quanh Văn Miếu QTG như phường Bích Câu, trại Ngọc Hà được nhắc đến nhiều trên các trang thơ văn ký sự của các Nho sinh về kinh lưu học để được dự các buổi tập văn ở trường Giám. Một không khí học tập náo nức như thế cách nay cả 8-9 trăm năm quả thật làm xúc động đến nao lòng đối với cả người thời nay.

Sau ba lần đánh thắng giặc Nguyên, năm 1266 triều Trần lại tiếp tục mở các khoa thi Thái học sinh. Khoa lớn nhất kể từ đầu đời Trần là khoa Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long 12 (1304) đời Trần Anh Tông. Hàng nghìn thí sinh Nho học trong cả nước đua tài, 44 người đỗ. Số không đỗ nhưng qua được 4 kỳ là 330 người, đều cho lưu lại học tập ở Quốc Tử Giám - Một con số sinh viên nội trú rất lớn, đời sau cũng ít khi theo kịp. Năm Quang Thái 9 (1396) lần đầu tiên sử ghi “ thi các Cử nhân trong nước”, cũng lần đầu tiên có sự phân cấp thi Hương và thi Hội. Có thể thấy quy chế thi cử ở đời Trần đã khá đầy đủ. Người đỗ đạt phần nhiều là những bậc tài danh nổi tiếng. Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn sang sứ nhà Nguyên đối đáp như vang, sáng tác thơ văn ngay giữa điện đình, đời sau không ngớt lời khen ngợi. Với lớp trí thức như vậy, triều Trần xây dựng được cả một nền văn hiến rất rực rỡ:

“Về thời toàn thịnh dưới triều Trần văn học cực thịnh, luật lệ giấy tờ thật đầy đủ” (Lê Quý Đôn)

“Đến Lý -Trần nối trị, văn vật mở mang. ….Trị bình đời nối, văn nhã đủ điều. ....Văn chương nẩy nở như rừng; sách vở ngày càng nhiều, nếu không vì binh lửa mà hoá tro tàn thì trâu kéo phải toát mò hôi, nhà chất phải cao lút cột”(Phan Huy Chú)

Khi triều Trần đã suy, năm 1370 Nghệ Tông còn làm được một viêc có ý nghĩa: quyết định cho đặt bài vị thờ phụ Quốc Tử Giám Tư nghiệp Chu Văn An ở Văn Miếu. Chỉ một bản Thất trảm sớ “ nghĩa động quỷ thần” (Lê Tung) đủ tiêu biểu cho khí tiết thanh cao của biết bao thế hệ trí thức Nho học Việt Nam.

Triều Hồ ngắn ngủi nhưng mở đựoc một khoa thi Thái học sinh năm Thánh Nguyên thứ 1 (1400): Khoa này rất nổi tiếng vì chọn được nhiều bậc danh nho - trong đó có Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Triệu Thái, Phan Phu Tiên v.v…

Triều Lê khởi nghiệp từ vị anh hùng áo vải, các đầu lĩnh nghĩa quân cũng không mấy ai được học hành nhiều. Nhưng từ khi Nguyễn Trãi tìm đến Lam Sơn, Lê Lợi có trong tay Bình Ngô sách với phương lược “tâm công” hơn “công thành”, “dĩ nhu thắng cương”, “nhân nghĩa thắng hung tàn”, đó là những khái niệm tinh thuần của Nho giáo, của Hán học, chỉ những bậc đại Nho như Nguyễn Trãi mới có niềm tin vận dụng vào thực tiễn. Trước đã nghe danh cửa Khổng sân Trình, nay lại gặp bậc hiền tài như Nguyễn Trãi, lòng sùng bái của Lê Lợi với đạo Nho có thể nói là vô bờ, trở thành một niềm khát cầu – kỳ vọng lớn lao ở tầng lớp trí thức Nho học nước nhà. Khi Bình Định vương chỉ mới tiến tiến quân đến đóng dinh ở bãi Bồ Đề (Gia Lâm), dân các nơi nghe tin đến giúp vua đánh giặc, trong số đó có rất nhiều học sinh ở các phủ huyện. Vua nhân dịp ấy tổ chức “dã chiến” một cuộc thi Nho học (đông 1427) với cả ngàn người dự thi. Vua ngồi trên chòi cao, Lại bộ thượng thư Nguyễn Trãi lấy ngay đề tài nóng hổi tuyên đọc đề thi: Văn dụ hàng thành Đông Quan. Khoa ấy chọn được 33 người, bổ nhậm ngay vào các chức việc. Đó thật là một cuộc tuyển chọn hiền tài tưng bừng ngoạn mục độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa cử, không chỉ riêng với nước ta mà hẳn cũng không có tiền lệ nào khác ở các nước đồng văn hay thế giới. Việt Nam học kinh điển của Trung Quốc, nhưng cách thức quý trọng kẻ sĩ cũng thật rất khác thường!

Vua Lê Thái Tông đặt định những quy chế khoa cử thi hành lâu dài ở nước ta như: chính thức gọi tên là khoa thi Tiến sĩ, định lệ 3 năm mở một khoa, quy định các danh hiệu học vị theo tên ba giáp, lễ rước bảng vàng, truyền lô xướng danh v.v…Khoa Nhâm Tuất Đại Bảo thứ 3 (1442) do chuẩn bị kỹ nên kết quả rất mỹ mãn, nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa cử nước ta. Khoa ấy, số thí sinh ứng thí 450 người, qua thi Hội lấy trúng cách 33 người. Vào thi Đình, vua ngự ở điện Hội Anh, đích thân ra đề thi văn sách. Ban giám khảo (gọi là Độc quyển) gồm các vị Hàn lâm viện học sĩ Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Trình Thuấn Du, Lý Tử Tấn cùng hầu vua chấm bài. Vua đích than cầm bài duyệt lại rồi quyết định thứ bậc cao thấp: Ba vị Tam khôi là Trạng nguyên Nguyễn Trực, Bảng nhãn Nguyễn Như Đỗ và Thám hoa Lương Nhu Hộc v.v...

Tả Bi đình

Bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất Đại ào 3 (1442)

Vườn bia VM-QTG. Tả bi đình và Bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất Đại Bảo 3 (1442).

Từ kỳ thi trên bãi cát trước dinh Bồ đề đến thi Hội thi Đình khoa Đại Bảo, vương triều nhà Lê quả thật xếp bậc nhất trong việc trọng đãi hiền tài. Không khí trang nghiêm đến mức linh thiêng thành kính ấy khiến cho mãi mấy chục năm sau học sĩ Thân Nhân Trung soạn văn bia khoa này phải bật lên lời cảm thán đã trở thành danh ngôn bất hủ:

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia là công việc trước nhất. Vì kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết dường nào…”

Tin tức về các khoa thi Hội thi Đình từ kinh đô Thăng Long là đề tài bàn luận lan truyền đến tận các thôn nghèo xóm vắng, là nguồn cảm hứng, kỳ vọng ước mơ cho bao thế hệ kẻ sĩ xuất thân từ chốn vách đất lều tranh. Cứ 3 năm một lần phố phường Thăng Long lại náo nức tiếp đón kẻ sĩ khắp nơi về kinh thi Hội. Các hàng sách ở hàng Gai, giấy bút ở phố hàng Giấy hàng Bút vẫn là nơi đến thường xuyên của của các Giám sinh QTG, mỗi mùa thi cử đến lại càng tấp nập náo nhiệt biết bao.

“Đến đời Quang Thuận, Hồng Đức vận nước tươi sáng, khoa mục xuất thân, nhân tài đầy dẫy, đủ cung cho nước dùng” (Phan Huy Chú, Văn tịch chí).

Thời Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông hiền tài khoa sau tiếp khoa trước, đúng là “rồng mây gặp hội”, vua sáng tôi hiền. Vua chăm lo đến cả điều kiện ăn ở của các sinh viên ở QTG. Một đêm vua vi hành ra Quốc Tử Giám đi qua các dãy nhà nội trú, nghe đôi vợ chồng trẻ kêu nhau hết muối, vua bèn bảo người hầu về lấy một lọ muối đem ra đặt bên thềm cho vợ chồng nhà kia. Hậu thế biết chuyện không ai không cảm kích trước tấm lòng nhân ái quý Nho trọng sĩ của Thuần Hoàng đế. Các nghi thức vinh danh hiền tài các đời trước đã có đủ, nhưng vua nghĩ nghi thức long trọng được ít lâu rồi người đời cũng quên đi, không lấy gì lưu truyền danh tính cho đời sau biết? Thế là vua giao cho Thượng thư bộ Lễ sưu tập hồ sơ các khoa từ đầu đời bản triều để soạn sách Đăng khoa lục. Tháng 5-1485 (Hồng Đức 15) bộ sách Đăng khoa lục đầu tiên của nước ta đã khắc in xong đem ban cho các sinh viên ở Quốc Tử Giám. Các Giám sinh tất phải vui mừng vì họ đọc thấy trong đó tên tuổi người của địa phương, dòng họ hoặc chính là cha ông chú bác mình.

Có sách Đăng khoa lục rồi, vua vẫn nghĩ để làm cho đến mức tột bậc. Vua biết sách ấy in ra cũng chỉ vài trăm bản, người có sách xem vài lần rồi xếp vào hòm xiểng hay trên giá sách im lìm, không mấy ai biết đến! Vua nhớ Tiên đế (Thái Tông) đã đặt lệ dựng bia đề danh cho các Tiến sĩ, nhưng vì triều đình nhiều việc nên việc dựng bia chưa làm. Khắc một tấm bia phải tốn nhiều công phu: bộ Công sai người vào Thanh Hoá (núi An Hoạch, huyện Đông Sơn) hay xuống Hải Dương (núi Kính Chủ , Kinh Môn) chọn đá; chọn các kíp thợ giỏi việc khắc chữ đục bia; Trung thư giám chon người viết chữ đẹp v.v...Việc soan văn bia thì Thượng thư Lễ tìm hồ sơ, cung cấp chính xác danh sách họ tên quê quán Tiến sĩ từng khoa. Các bài ký mỗi khoa phân công một hai quan Hàn lâm viện có danh tiếng soạn thảo. Bản thảo soạn duyệt xong, kiểm soát kỹ rồi mới giao cho các kíp thợ khắc chữ tạc bia. Ngày rằm tháng Tám năm Giáp Thìn Hồng Đức 15 (tức ngày 4- 9-1484) vua cho làm lễ dựng đợt đầu một loạt 10 bia, một quang cảnh thật hoành tráng làm nức lòng người. Ngày nay vào thăm vườn bia, nghe giới thiệu câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” thì đó bia khoa Đại Bảo nổi tiếng, chính là tấm bia đầu tiên được dựng trong đợt đầu tiên đó. Sự kiện dựng bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Thăng Long đánh dấu thành tựu rực rỡ của nền văn hóa giáo dục dưới triều Lê. Đông các học sĩ Đỗ Nhuận viết:

“Triều Lê ta văn minh đầy đủ, khoa mục mở mang, gây ra từ đời Thuận Thiên, bắt đầu từ đời Đại Bảo, thịnh hành đời Đại Hòa, mà thịnh nhất ở đời Hồng Đức vậy.” (Toàn thư, BK8)

Không chỉ một bia Đại Bảo hay bia Đại Hòa, cả vườn bia sắc đá xanh đen, nét chữ cổ kính, tuy không có những tia lấp lánh, nhưng ánh sáng văn hóa của nó tỏa rạng trong tâm hồn mỗi người. Những tấm bia ấy đương thời là sự tôn vinh các nhân tài thành đạt để mọi người noi theo, nhưng cũng có cả những dòng sắc lạnh khuyên răn kẻ có học phải biết giữ gìn phẩm giá danh tiết mới có thể làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ đối với xã hội. Đó là những ý nghĩa chính đã được thế giới biết đến qua việc 82 bia tiến sĩ triều Lê -Mạc được NESCO xếp hạng Ký ức thế giới.

Nay những người đứng ra cầu tìm hiền tài và tất cả các hiền tài nguyên khí quốc gia đều đã về vĩnh hằng. Những đóng góp của họ hoà tan cả trong lịch sử phát triển của quốc gia Đại Việt nghìn năm văn hiến. Còn lại trên đất Thăng Long một khu vườn cây cối xanh tươi, tủa lên trời xanh 82 tấm bia Tiến sĩ lưu dấu quá trình hình thành và phát triển của tầng lớp trí thức Nho học Việt Nam.

Văn Miếu là một biểu trưng, vườn bia là cả một pho lịch sử văn hóa giáo dục rất đặc sắc của Việt Nam. Không chỉ những tấm bia mới là đặc sắc, mà đặc sắc chính là cả nền văn hóa giáo dục Việt Nam từ bao gian nan lầm lũi, kiên trì vận hành cả mấy ngàn năm để làm nên những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc ta. Thời trung cổ cả thế giới bao trùm bởi một làn bóng tối âm u, nhưng bên bờ Biển Đông dân tộc ta gây dựng được một nền văn hóa giàu nội lực như vậy rất đáng để cho chúng ta một niềm tự hào chính đáng. Mỗi khi nói dân tộc ta có truyền thống hiếu học, tôi thường tự phản biện: có dân tộc nào lại không hiếu học ? Nhưng nghĩ kỹ, sự học hành của cả một dân tộc liên tục suốt tiến trình lịch sử mấy ngìn năm như vậy quả là một truyền thống rất lớn, một đặc sắc rất rõ nét của nền văn hóa Việt Nam. Và, thời nào cũng vậy, Thăng Long bao giờ cũng là một miền đất học có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với cả nước. Kính chúc sức mạnh và khí phách Thăng Long trường tồn!

N.Đ.T













2 nhận xét:

  1. Đất học Tàu thì có! Giờ lôm côm học Tây thì toàn bằng giả, tiến sĩ hữu nghị dốt đặc cán mai thì vẻ vang gì mà cứ tự sướng và lừa dối trẻ con mãi vậy ông?

    Trả lờiXóa
  2. Anh nặc danh thử về kiểm tra lại tổ tông nhà anh trong gia phả xem các cụ anh học gì. Nói 1 đằng anh quằng sang 1 nẻo. Cũng là 1 bài phổ thông thôi. Ghét tàu thì vẫn ghét chứ cái gì của ông cha mình thì mình vẫn quý trọng chứ. Thử nếu cụ nhà anh được khắc tên trên bia Văn miếu xem? Chắc là không có đâu. Còn bằng giả và dốt thì tôi ủng hộ anh, nhưng không phải tất cả nhé. Mà họ dốt mà chạy được cái bằng giả với lại làm được cái Ts hữu nghị thì cũng khá lắm rồi. Thông cảm cho họ đi, cái chính của kẻ sĩ là từ mình chứ. Bài này là bài mang tính giới thiệu thêm thôi mà.

    Trả lờiXóa