Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT (Bản thử nghiệm, chưa xb)












Giới thiệu bộ Từ điển Hán Việt do Viện Hán Nôm biên soạn (TBHNH 1997)

30/09/2007


GIỚI THIỆU BỘ TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT DO
VIỆN HÁN NÔM BIÊN SOẠN
NGÔ ĐỨC THỌ
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
1.1. Trong cuộc tiếp xúc văn hóa ngót 2000 năm giữa Việt Nam và Trung Quốc, những thành tựu ngôn ngữ văn tự Hán được người Việt Nam học tập, vận dụng, đã trở thành văn tự chính thức của các triều đại Việt Nam. Đến ngày nay, trong ngôn ngữ nói cũng như trong các văn kiện chính trị ngoại giao, văn hóa, khoa học, thông tin đại chúng v.v..., các từ Hán - Việt vẫn còn được sử dụng với một tỷ lệ khá cao (ước từ 60-80%). Có thể nói tiếng Hán - Việt là một bộ phận quan trọng nhất trong di sản văn hóa truyền thống của Việt Nam.
1.2. Do áp lực của chủa nghĩa thực dân Pháp, loại chữ viết dùng mẫu tự Latin ghi âm tiếng Việt trước chỉ được dùng trong một phạm vi rất hẹp (chủ yếu là tài liệu của các nhà truyền giáo phương Tây), đến đầu thế kỷ XX trở thành thông dụng, được chính thức coi là chữ Quốc ngữ của Việt Nam. Đây là một tình trạng khác hẳn với các nước trong khu vực dùng chữ Hán như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, - những nước này, trong tiến trình giao lưu văn hóa khoa học với thế giới vẫn bảo lưu hệ văn tự truyền thống của mình.
Sự thay thế chữ Hán bằng chữ Quốc ngữ Latin hóa ở Việt Nam tuy cũng có những tiện lợi, nhưng đồng thời nó cũng gây nên một sự hụt hẫng rất quan trọng, khiến cho người Việt thuộc thế hệ chữ Quốc ngữ hầu như bị tách rời với bề dày di sản văn hóa thành văn chủ yếu được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Để hiểu biết lịch sử, văn hóa, văn học, tư tưởng, học thuật của dân tộc, suốt mấy chục năm qua đã có vài thế hệ các học giả có tâm huyết tự nguyện làm công việc dịch lại các tác phẩm của tiền nhân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện nay cũng đang thực hiện nhiệm vụ đó với hy vọng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu di sản văn hóa dân tộc, không những cho đại chúng mà cả các nhà nghiên cứu không có chuyên môn về Hán văn cổ Việt Nam.
1.3. Công việc lớn lao gìn giữ, nghiên cứu khai thác các di sản Hán Nôm đó, từ lâu, giới trí thức và những người am hiểu các vấn đề văn hóa của các nước nhà đều cho là phải có sự hiểu biết tinh thông, hoặc đủ mức tạm gọi là chuyên sâu về Hán ngữ và Hán văn cổ Việt Nam mới có thể thực hiện được. Ngược lại, nếu hiểu biết về vốn từ Hán Việt ngày một sơ sài, âm nghĩa, điển cố thiếu chính xác thì di sản quý giá đó khó tránh khỏi tàn lụi trong lớp bụi của thời gian.
2.1. Do tầm quan trọng của vấn đề như vậy, Viện Nghiên cứu Hán Nôm ngay từ cuối những năm 80 đã nhận thấy sự cần thiết phải biên soạn một bộ Từ điển Hán Việt có quy mô tương đối lớn lớn, cố gắng tối đa để phản ánh cho được những tri thức và thành tựu mà giới ngữ văn Hán Nôm học Việt Nam đã từng bước đạt được cho đến nay. Kế hoạch biên soạn Từ điển Hán Việt của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã được lãnh đạo UBKHXH VN (nay là Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia) chấp thuận, và từ tháng 7-1991 bắt đầu cấp kinh phí cho thực hiện.
2.2. Để thực hiện kế hoạch đó, Viện đã tổ chức một Ban Biên tập gồm 10 ủy viên biên tập có trình độ và kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy lâu năm; và một Ban sưu tập cứ liệu gồm 18 nghiên cứu viên của Viện.
2.2.1. Do mục tiêu khoa học của đề tài, nhóm công trình xác định bộ Từ điển Hán Việt biên soạn lầnnày cần phải đạt được sự chính xác khoa học trong việc xác định hình, âm, nghĩa của mỗi từ/ chữ Hán Việt.
- Về âm: Ban biên soạn phải sử dụng các sách vận thư tự điển cổ của Trung Quốc như:Đường vận 唐 韻, Quảng vận 廣 韻, Tập vận 集 韻, Vận hội 韻 會, Chính vận 正 韻 v.v.. để xác định chính xác âm đọc. Nguyên tắc phiên âm: một mặt bảo đảm giữ âm truyền thống của những từ thông dụng, một mặt bảo đảm khôi phục âm đọc Hán Việt thời Đường Tống theo nguyên tắc phiên thiết. Những từ có đến 2-3-4 cách đọc (gắn với những nghĩa khác nhau) đều được ghi vào từ điển.
- Về nghĩa: (a) Các từ đơn: Ban biên soạn tham khảo nhiều từ điển của Trung Quốc nhưKhanh Hy, Từ nguyên, Từ hải v.v…, lựa chọn những nghĩa quan trọng mà về sắc thái ngữ nghĩa người Việt Nam có thể phân biệt được. Có từ Trung Quốc chia làm 5-6 ý nghĩa nhưng chỉ thích hợp với người Việt 3-4 nghĩa thì chỉ lấy những nghĩa đó. Ở mỗi nghĩa, người soạn lựa chọn những câu trích dẫn thích hợp nhất với ý nghĩa đã nêu. Ban biên soạn đặc biệt coi trọng chọn lựa những cứ liệu trong các sách kinh điển của Trung Quốc (Ngũ kinh, Tứ thư v.v…) và tác phẩm nổi tiếng khác của Lão Tử, Trang Tử, Hàn Phi Tử, Tuân Tử v.v… Đó là cơ sở quan trọng để giúp người dùng từ điển hiểu chính xác các từ ngữ đã được dùng trong các thư tịch cổ Trung Quốc. (b) Các từ ghép (2-3 âm tiết) cũng theo các xử lý như đối với từ đơn, nhưng chú ý lựa chọn những từ ghép quan trọng nhất, tạm thời chưa lấy những từ ghép quá ít khả năng sử dụng, - nghĩa là có khả năng cực hiếm khi xuất hiện trên văn bản. Các cứ liệu từ ghép Hán Việt Nam cũng được dựa vào như đã nói, - nếu những cứ liệu đó rõ ràng và nổi tiếng hơn thì người biên soạn sẽ sử dụng để thay thế hẳn cứ liệu của Trung Quốc. Từ điển chú ý chủ yếu đến các từ ghép cổ, khó hoặc tương đối khó hiểu, còn đối với những từ ghép Hán Việt đã trở nên thông dụng như Hành chính, Nhân dân, v.v… thì coi là đối tượng của từ điển tiếng Việt hiện đại, không đưa vào từ điển này.
2.2.2. Để bộ từ điển phản ánh được các cứ liệu Hán văn Việt Nam, ngay từ khi triển khai dự án. Ban cứ liệu đã thực hiện việc rút phiếu trích dẫn các từ Hán đã được các tác gia Việt Nam sử dụng. Mỗi trích dẫn đều chép đủ nguyên văn chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa, ở cuối phiếu ghi xuất xứ tên sách, tên bia, số quyển, tập, trang v.v… Việc này thực ra không có gì đáng gọi là mới lạ đối với các nhà làm từ điển, nhưng đối với việc rút cứ liệu trên các tác phẩm Hán văn Việt Nam thì đây là lần đầu tiên được Viện Hán Nôm thực hiện để đưa vào Từ điển Hán Việt một danh sách gồm 500 đơn vị thư tịch và 300 văn bia phần lớn là các tác phẩm nổi tiếng, đã được lựa chọn để lấy cứ liệu: từ Thiên uyển tập anh, Việt điện u linh, Khóa hư lục, Tam tổ thực lục, Việt sử lược v.v.. (đời Lý Trần); Lam Sơn thực lục, Bình Ngô đại cáo, Đại Việt sử ký toàn thư, Thơ văn Lê Thánh Tông (đời Lê). Ô Châu cận lục, Truyền kỳ mạn lục (đời Mạc), Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục (đời Lê Trung hưng), Đại Việt sử ký tiền biên (đời Tây Sơn), Hoàng Việt nhất thống địa dư chí, Nghệ An ký, Đại Nam thực lục Tiền biên. Chính biên, Khâm dịch Việt sử thông giám cương mục (đời Nguyễn) v.v… Như vậy, bên cạnh các tác phẩm của Trung Quốc, Từ điển Hán Việt do Viện Hán Nôm biên soạn có tương đối nhiều cứ liệu Hán văn Việt Nam trích dẫn từ tác phẩm của Trần Thái Tôn, Tuệ Trung thượng sĩ, Hồ Nguyễn Trừng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liên, Dương Văn An, Nguyễn Dữ, Lê Quý Đôn, Lê Quang Định, Bùi Dương Lịch và các sách của Sử quán triều Nguyễn v.v… Đây chính là phần đặc sắc nhất của bộ Từ điển Hán Việt được biên soạn lần này, do đó nó được đặt thêm tiều đề phụ: “Lần đầu tiên sử dụng cứ liệu Hán văn Việt Nam”.
2.2.3. Về các sắp xếp các mục từ: hiện nay trong giai đoạn sơ thảo, để tiện làm việc, chúng tôi tạm sắp xếp theo thứ tự các bộ thủ như trong các từ điển của Trung Quốc. Nhưng ở giai đoạn làm bản thảo hoàn chỉnh để xuất bản có thể Ban biên tập sẽ tính đến phương án xếp theo thứ tự ABC của tiếng Việt. Nhưng dù chính văn sắp xếp theo cách nào thì ở cuối sách cũng có bảng kê bổ trợ để người dùng có thể tra cứu theo yêu cầu của mình.
3.1. Sau hơn 5 năm làm việc, đến nay nhóm công trình đã soạn xong bản sơ thảo gồm:
* 12.500 mục từ (chữ) đơn.
* 165.00 mục từ ghép.
* 215.000 cứ liệu có xuất xứ trong các thư tịch, bi ký Hán văn Việt Nam; lựa chọn được 85.000 dẫn liệu đưa vào các mục từ.
* Số trang bản thảo: khoảng 6.000 trang in vi tính khổ giấy A4 với cỡ chữ 10.
3.2. Với bản sơ thảo vừa hoàn thành, chúng ta đã có trong tay một bản thảo TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và là lần đầu tiên đó là một từ điển có trích dẫn văn liệu Hán văn cổ của Trung Quốc và Việt Nam để chứng minh từ nghĩa. Căn cứ vào kết quả đã đạt được, ngày 16-9-1997 vừa qua Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp bộ do GS Đinh Gia Khánh làm chủ tịch đã đánh giá cao công phu của tập thể biên soạn, khẳng định bộ Từ điển Hán Việt do Viện Hán Nôm chủ trì thực hiện là một bộ sách công cụ có quy mô và chất lượng đáp ứng yêu cầu khoa học của chuyên ngành, có ý nghĩa lớn và đáp ứng được yêu cầu tra cứu, học tập Hán văn của đông đảo người đọc, của chuyên gia các ngành, đặc biệt là các chuyên gia trẻ có yêu cầu và trách nhiệm khai thác nghiên cứu di sản Hán Nôm.
3.3.3. Biên soạn một công trình lớn như Từ điển Hán Việt thông thường là phải thực hiện qua nhiều giai đoạn, hoàn thiện dần từng bước, lại phải có sự tiếp tay của nhiều nhà khoa học, qua nhiều thế hệ, qua nhiều lần xuất bản. Bản sơ thảo tuy đã hoàn thành, nhưng để có thể xuất bản được trong vài năm tới, công trình này cần được chỉnh lý, biên soạn, biên tập hoàn chỉnh, nhiều công việc còn cần được thực hiện bổ sung – Như thu thập thêm thích đáng các từ ghép về nhân danh, địa danh; các điển cố, danh vật v.v… nói chung cần phải bổ sung thêm nhiều. Các cứ liệu Hán văn Việt Nam trích xuất trong thư tịch bi ký là bộ phận rất đáng quý và có ý nghĩa, được coi là một đặc sắc của từ điển này, vẫn cần được bổ sung, - nhất là các cứ liệu trong bia, chuông cổ thì nhìn chung còn ít. Chính vì vậy, Hội đồng nghiệm thu công trình đã đề nghị Lãnh đạo Trung tâm KHXH&NVQG cấp kinh phí bổ sung, chỉnh lý sơ thảo, để bộ Từ điển Hán Việt do Viện Hán Nôm biên soạn sớm được xuất bản để đáp ứng yêu cầu của xã hội.
4. Thế kỷ XXI đang tới gần, đất nước ta đang tiến đến những thời cơ mới, vận hội mới. Nhiệm vụ giữ gìn phát huy nền văn hiến lâu đời của dân tộc trông đợi ở những người có tâm huyết, hy vọng ở các chuyên gia trẻ sẽ đóng góp tài năng cho chuyên ngành khoa học nghiên cứu di sản Hán Nôm. Cho dù còn không ít vấn đề cần suy nghĩ để hoàn thiện công trình, nhưng vớiBản sơ thảo khá đồ sộ đã có trong tay, nếu được các cấp lãnh đạo quan tâm đúng mức trong việc cung cấp điều kiện vật chất, kinh phí cần thiết, chúng ta có thể hy vọng bộ từ điển do Viện Hán Nôm biên soạn sẽ sớm được xuất bản xứng đáng với cái tên Hán Việt đại từ điển mà Ban biên soạn đã đề nghị được đặt tên cho nó.

Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr.603-609)



TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT
Đồng Chủ biên: NGÔ ĐỨC THỌ





Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

THĂNG LONG -ĐẤT HỌC NGÀN NĂM



Lời dẫn: Bài này tôi viết tháng 10-2010, nhân Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, sau đó đã post lên blog của tôi Yahoo360/ngoducthohannom, để được vài tháng thì phải chuyển sang blog hiện nay (http://ngoducthohn.blogspot.com/) nhưng chưa kịp copy bài này sang, thành ra thư mục của Google vẫn có bài này của Ngô Dức Thọ, nhưng muốn xem thì không có. Nay nhân lục lạo các ổ lưu vừa tìm thấy bản word còn lưu. Vậy xin post lên ngoducthohn để lưu, quý bạn nào chú ý chủ đề này. nhã ý muốn xem qua cũng thuận tiện. Ngô Đức Thọ

THĂNG LONG -ĐẤT HỌC NGÀN NĂM



Nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội

THĂNG LONG - đất học ngàn năm



NGÔ ĐỨC THỌ


Thăng Long đất học là “chuyện ngàn năm” mà chúng ta dưòng như lại rất thiếu tài liệu. Sự thực cũng có một ít sử liệu về vấn đề này: Thời Bắc thuộc, các triều đại phong kiến Trung Quốc gây tội ác ngút ngàn với dân ta, nhưng có một viên Thái thú là Sĩ Nhiếp muốn biến địa hạt cai trị của ông ta thành đất cát cứ có kinh tế và văn hoá phát triển không kém gì Bắc triều nên chú trọng truyền bá chữ Hán ở Giao Châu. Người nước ta cũng công bằng nhận định Sĩ Nhiếp có công mở mang sự học. Thủ phủ Luy Lâu thời Sĩ Nhiếp là một trung