THẤY GÌ QUA CUỘC ĐÀN ÁP
BIỂU TÌNH
NGÀY 9 THÁNG 12?
(Nhật ký biểu tình ngày
9-12-2012)
Đào Tiến Thi
Giọt máu oan cừu đỏ núi sông
(Võ Liêm Sơn)
PHẦN I: BỊ BẮT
Sau cuộc đàn áp thô bạo ngày 5-8-2012, thì ngay cả những người tích
cực nhất cũng chán nản, buông xuôi, phó mặc số phận đất nước về đâu thì về.
Nhưng lòng người đâu đâu có dễ yên như thế. Liền trong thời gian rất ngắn, một
khoảng một tuần, Trung Cộng giáng liền 3 đòn chí mạng vào nền độc lập chủ quyền
của Việt Nam: phát hành hộ chiếu in bản đồ lưỡi bò mà trong đó Việt Nam mất gần
hết phần Biển Đông của mình (22-11-2012[i]),
tuyên bố khám xét tàu thuyền trong vùng “chủ quyền” (tức đường lưỡi bò, 28-11),
cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta (nơi cách đảo Cồn Cỏ có 43 hải lý, 30-11).
Vì vậy, cuộc biểu tình ngày 9-12-22012 nổ ra như một hành động tất yếu, tức
nước vỡ bờ.
Theo thông lệ của hai kỳ biểu tình trước (hè 2011 và hè 2012), mỗi khi
thằng anh Trung Cộng đánh vỗ mặt đểu quá thì Đảng và Nhà nước ta cũng để cho
dân ta mở mồm tí chút, tức là thả lỏng một vài cuộc biểu tình đầu (5-6-2011,
1-7 và 8-7-2012, như tiếng “ắng” lên của con chó bị đánh đau. Tuy lần này không
ai hy vọng được như thế nữa nhưng một số bác có kinh nghiệm vẫn cho rằng cuộc
ngày 9-12 này cũng không đến nỗi quá rắn, tức là họ sẽ đàn áp ở mức “chấp nhận”
được. Lúc đầu tôi cũng tin như thế.
Nhưng rồi tôi cảm thấy thấy lần này sẽ khủng bố mạnh hơn, bắt đầu từ
trận mưa comment, dấu hiệu phá đám bất thường của an ninh diễn ra trong suốt ngày
8-12 trên Ba Sàm (entry Thông báo tổ chức
mít tinh phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc, ngày 7-12, cho đến giờ này –
10g ngày 11-12 – có 1421 comment !). Bọn khủng bố bằng bàn phím này giả vờ là người
yêu nước để gây nhiễu, khiến ai (chưa có kinh nghiệm) muốn đi biểu tình cũng có
phần hoang mang và nản lòng. (Tôi sẽ có bài bàn riêng về chuyện này, nếu có
điều kiện).
Và cho đến tối 8-12, những tin tức trên mạng càng cho tôi nhận định về
sự quyết tâm đàn áp của chính quyền. Đặc biệt, chiều tối, bác công an khu vực
đi họp cuộc họp khẩn cấp về báo cho tôi biết, rằng ngày mai sẽ căng thẳng và
khuyên tôi đừng đi nữa. Nhưng tôi vẫn quyết tâm. Tôi cho vào ba lô bàn chải
răng, khăn mặt, thuốc men và cả một bộ quần áo ngủ, đề phòng bị bắt giữ qua
đêm. Vợ tôi lo lắng bảo: “Biết bị bắt rồi còn đi làm gì?”. Tôi bảo: “Có những
việc biết rõ là nguy hiểm nhưng không thể không làm. Nếu mình không đi thì ai
đi? Hy vọng giữ được nước bây giờ thực ra chỉ còn vài phần trăm thôi, nhưng còn
làm được gì thì vẫn phải làm”. Cho đỡ tủi hổ.
Sáng sớm vợ tôi đi chợ về, đã thấy hai thanh niên đầy khả nghi đứng
bên kia đường, đối diện ngõ vào nhà tôi. Ngõ vào nhà tôi ngắn ngủn, chỉ độ hai
chục mét nên thỉnh thoảng vợ tôi lại giả vờ ra quan sát và vẫn thấy hai tên ấy.
Vợ tôi rất lo, vì hôm nay thằng bé (Đào Lê Tiến Sỹ) đi thi, lỡ nó tưởng đi biểu
tình mà tóm rồi giữ chân luôn thì gay quá. Lúc thằng bé đi, vợ tôi lại theo ra.
Thằng bé đi khỏi thì hai thanh niên cũng nhổ neo. Có lẽ thấy về nó đi về phía
Cầu Giấy, không phải hướng Nhà hát Lớn nên chúng bỏ? Thực ra ban đầu tôi không
tin họ là an ninh, vì có thể có sự ngẫu nhiên nào đó. Nhưng về sau cháy Sỹ kể:
lúc đang làm bài thi, bỗng thầy giám thị hỏi: “Có Đào Lê Tiến Sỹ đi thi đây
không?”. “Có. Thưa thầy có việc gì ạ?”. Giám thị: “Không biết. Thấy trên Khoa
điện xuống hỏi”. Thi xong, cô giáo bí thư đoàn của Khoa Văn hỏi: “Em còn đi đâu
không?”. “Không ạ”. “Ừ, đừng đi đâu đấy nhé!”. Vậy thì rất có thể hai thanh
niên chầu trực nói trên là người nhà nước rồi. Họ không canh tôi mà canh cháu
Sỹ. Họ sợ thanh niên hơn.
Sợ trong khi chờ xe bus sẽ gặp rắc rối, và nếu đến sớm cũng dễ gặp rắc
rối, tôi đợi sát giờ mới gọi một taxi. Cậu lái xe ngạc nhiên khi thấy tôi đội
mũ bảo hiểm và chỉ đến Nhà hát Lớn mà lại đeo ba lô như là đi xa. Tôi nói luôn
cho cậu biết là tôi đi biểu tình. Hoá ra cậu thanh niên này chả hề biết những
chuyện Trung Cộng gây hấn. Tôi nói tôi đi biểu tình nhiều lần rồi, từng bị bắt
rồi, hôm nay phòng trước bị bắt nên trong ba lô này là các vật dụng tối thiểu
cần dùng nếu bị bắt. Cậu hết sức ngạc nhiên. Ngạc nhiên về những sự kiện cậu
chưa hề nghe. Ngạc nhiên tại sao chống xâm lược mà lại bị bắt. Lúc đến nơi, tôi
bảo cho tôi xuống chỗ công viên Tao Đàn, đối diện Nhà hát Lớn, nhưng từ xa thấy
nhiều công an ở đó, sợ vạ lây, cậu xin tôi xuống khi còn cách cả trăm mét. Tôi
vui lòng. Lúc này là 8g45.
Các bậc cấp và khu vực trống trước Nhà hát Lớn đã được dành cho chương
trình ca nhạc “Khát vọng Trẻ” (sao lại có một chủ đề chung chung như vậy?),
trống nhạc đã nổi lên bì bùng, nhưng chỉ lóp ngóp vài người. Xung quanh vườn
hoa Tao Đàn có một số công an áo xanh lượn lờ.
Không thấy một đám tụ tập nào có vẻ là người đi biểu tình, tôi rảo
bước quanh vườn hoa Tao Đàn. Gặp được mỗi bác Tô Oanh (Bắc Ninh), người tôi đã
gặp trong mấy cuộc biểu tình trước. Rủ bác ngồi đâu uống nước chờ đợi giờ G
nhưng bác nói đang có việc bận. Tôi kiếm được một hàng trà chén trong công
viên, vừa uống vừa quan sát. Cách giờ G vài phút vẫn không thấy ai, tôi tiến
đến chỗ mép vườn hoa, tiếp cận đám thanh niên đang tụ tập ở bên kia bãi trống
trước Nhà hát Lớn để xem có ai “người mình” ở đấy không. Chỉ thấy hầu hết là
những thanh niên mặc bluson đen hoặc xanh sẫm, giông giống nhau cả, không có
dáng dấp người đi biểu tình, có lẽ họ đi cổ động hay họ chính là các nghệ sỹ đi
biểu diễn chương trình “Khát vọng Trẻ” này. Nhưng có lẽ đều không phải, vì sau
này tôi thấy lực lượng bắt cóc người biểu tình cũng ăn mặc kiểu như thế. Tôi
đánh bạo băng sang, hy vọng gặp “người mình” hoặc có “người mình” ở đâu đó sẽ
nhận ra tôi. Thì đúng vậy. Đứng lẫn trong đám thanh niên và cảnh sát này có chị
Hiền Giang, bác Lê Hùng và một vài người quen nữa. Tôi mừng rỡ, nhưng lúc này
công an đã bắt đầu đuổi “người lạ” ra khỏi khu vực. Chúng tôi bắt đầu lúng
túng. Đứng thì không được mà đi khỏi chỗ này thì biết ai khởi sự cho. Tôi rút
lá cờ trong túi đưa cho bác Lê Hùng, bảo: “Chú lớn tuổi nhất ở đây, chú tung cờ
để tập hợp đi”. Bác Lê Hùng nhận cờ nhưng còn lưỡng lự. Bỗng nhiên chúng tôi
phát hiện ngay bên kia đường có khoảng hai chục người, vẻ rất quen, đã tập hợp lại.
Chúng tôi ào sang. Gặp anh Nguyễn Tường Thuỵ, các em Minh Hằng, Hạnh, Lê Anh
Hùng, Trương Ba Không, cháu Phương và nhiều người quen khác. Vui trào nước mắt!
Cờ, biểu ngữ nhanh chóng được tung ra và những tiếng hô đanh thép “Đả đảo Trung
Quốc xâm lược” đã vang lên bất ngờ. Không biết nhiều người nấp ở đâu mà trong
mấy phút đã lên đến năm, sáu chục người. Tuy còn ít mà tiếng hô nghe đã vang
dội. Có lẽ lòng người tức tưởi bấy lâu, như cái lò xo bị nén chặt, giờ thành
năng lượng bật lên, nên thật mãnh liệt. Xe công an cũng nhanh chóng áp sát và
phát ra những tiếng chói gắt: “A “nô”, đồng bào chú ý... Vấn đề tranh chấp trên
Biển Đông, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương rõ ràng và kiên quyết bảo vệ
chủ quyền “nãnh” thổ, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng phương pháp đối
thoại hoà bình... Yêu cầu không đứng dưới “nòng” đường... Mọi hành vi cản trở
các “nực nượng nàm” nhiệm vụ, gây rối trật tự công cộng sẽ bị xử phạt...”. Chao
ôi, một đoạn văn lủng củng, chẳng ra lý lẽ gì cả, chỉ nặng về đe doạ người biểu
tình. Người đọc thì ngọng líu ngọng lo. Có lẽ đây là những lời củ chuối nhất so
với tất cả các lời “thuyết phục” trong các cuộc biểu tình trước đó. Có người
tức quá quát lên: “Giải thích thế à, hả? Tôi cũng tức nghẹn trong lòng. Biểu
tình không là hoà bình, là ngoại giao thì là cái gì? Chúng tôi có ai đem vũ khí
không? Có ai làm sướt một lỗ chân lông của một thằng Tàu nào không?
Đoàn người không tụ tập lâu mà tuần hành luôn dọc phố Tràng Tiền, mỗi
lúc một đông. Trước khi bị khủng bố có lẽ đến 400 người (nhưng sau biết rằng
trong số này có đến 1/4 là an ninh chìm). Tôi thầm nghĩ cứ tốc độ này khi về
đến chỗ cắt Điện Biên Phủ - Trần Phú sẽ được đến sáu, bảy trăm. Những tiếng hô
lần này nghe phẫn uất lạ thường. Bởi vì
chỉ từ tháng tám đến nay Trung Cộng đã ra đòn liên tiếp, bao nhiêu là trò ÁC,
BẨN, THÂM ĐỘC và chúng được MẶC SỨC TUNG HOÀNH vì người dân Việt Nam ta đã bị/
được Đảng và Nhà nước ta khoá mồm, khoá tay rồi.
Minh Hằng, sau 5 tháng tù đày
(mà phần lớn thời gian ở tù, cô tuyệt thực), lúc mới ra tù thân tàn ma dại, mà
hôm nay lại lẫm liệt như hè năm ngoái. Chỉ có mái tóc thì bạc đến nửa, khiến
tôi vô cùng xót xa. Và câu khẩu hiệu cô hô nếu ai để ý cũng có khác năm ngoái:
“Đả đảo TRUNG CỘNG xâm lược”. Tôi lại gần bảo: “Em hô vừa phải thôi, giữ sức,
vì không thể khoẻ như năm ngoái được. Mà em gọi “Trung Cộng” là chính xác lắm”.
Minh Hằng bảo: “Đúng thế. Mình nói Trung Cộng nghĩa là không có nhân dân Trung
Quốc trong đó. Nhân dân Trung Quốc không có tội, họ cũng khốn khổ vì nhà cầm
quyền Trung Cộng”. Tôi cảm phục sự nhận thức của cô.
Tôi thấy một chị có tuổi, cao lớn, chống nạng, thêm một cháu thanh
niên dìu đi. Chị đi rất khó khăn, nhưng tinh thần rất hăng hái, tiếng hô của
chị vang, đanh, đầy phẫn nộ. Tôi thấy chị quen quen nhưng không thể nhớ chị là
ai. Hỏi cháu thanh niên dìu chị, cháu bảo cũng không biết. Nhưng rồi có người
giới thiệu ngay cho tôi chị là chị Hài, người trong bức ảnh nổi tiếng về cuộc
biểu tình chống Trung Cộng đầu tiên cách đây đúng 5 năm. Tôi bảo: “Chị trong
bức ảnh đó thật dũng mãnh. Nhưng hôm nay trông chị già đi nhiều quá, em không
nhận ra được”. Chị bảo: “Từ hai linh bảy mà lại”. Thực ra 5 năm đâu phải dài.
Chị vốn là dân oan, đã từng đi khiếu kiện khắp nơi. Ngoài nỗi đau Tổ quốc, chị
còn nỗi đau và nỗi nhọc nhằn vô tận của người dân oan, bảo không già nhanh sao
được.
Vào đường Tràng Thi một đoạn, cuộc tuần hành đang khí thế thì bỗng
nhốn nháo. Hàng loạt thanh niên chạy huỳnh huỵch, luồn lách qua đám đông. Những
thanh niên này áo bluson đen hoặc xanh sẫm, không hề đeo băng đỏ, rất giống một
số thanh niên lúc đứng trước sân Nhà hát Lớn. Có người hô “Bắt người. Đả đảo
bắt người”. Tôi chưa rõ chúng bắt ai và bắt ở chỗ nào nhưng cũng vội hô theo
“Đả đảo bắt người”. TIếng hô tiếng quát hỗn loạn. Tôi còn đang ngơ ngác thì
thấy hai tên nắm hai cánh tay tôi kéo đi, nắm nhẹ thôi, như là kiểu quen nhau.
Tôi quát “Làm gì thế” và vằng mạnh cánh tay theo phản xạ tự nhiên. Cả hai tên
tuột ra. Chúng tuột tay hay là chúng bỏ tôi để chạy lên hỗ trợ cho đám bắt đang
bị chống trả quyết liệt kia thì không rõ. Mà bọn này ở đâu ra đông thế? Chúng
bắt người có vẻ rất chuyên nghiệp (sẽ nói thêm ở phần sau). Có mấy cú bắt mà
tôi không thể nhìn rõ nạn nhân là ai, vì nó nhanh quá và đám an ninh chìm thì
đông quá. Tôi nhận cháu Phương bị chúng bắt rất hung hãn và cháu thì chống trả
rất quyết liệt. Người bị bắt thứ hai mà tôi thấy được, cũng là người sau cùng
trước khi đến lượt tôi là cô Hạnh. Tôi lao cứu cô nhưng chả ăn thua gì. Rồi
không khí bỗng nhiên chìm xuống bất ngờ. Chỉ có
tiếng cãi cọ trên xe, còn dưới đường mọi người đã dạt đâu gần hết. Tôi
có thể sẽ không bị bắt nếu yên lặng bỏ đi. Trên xe cũng có vẻ chật lắm rồi,
không cần bắt thêm nữa. (Xe này bé, cỡ xe 24 chỗ, có lẽ không gọi là xe bus
được). Nhưng tôi cảm thấy bỏ đi hay cứ đứng nhìn tuyệt vọng thì tủi hổ quá nên
lại tiếp tục hô to: “Đả đảo bắt người trái phép! Đả đảo bắt người trái phép!”.
Thế là xuất hiện ngay 3 tên nhào vào bắt tôi. Tôi quát to: “Buông ra. Chúng mày
là ai?” Một tên giật biểu ngữ của tôi, nhưng tôi giữ được. Một tên bảo: “Mời
bác lên xe”. Tôi nhìn thẳng vào mặt nó, quát to: “Mời hay bắt? Côn đồ thế à?
Bắt người trái phép không xấu hổ à?”. Một tên bảo: “Thì mời chú lên xe mà”. Tôi
bảo: “A, mời kiểu côn đồ có khác! Thôi để tôi tự đi”. Một tên nói: “Ờ, có thế
chứ. Nhẹ nhàng vẫn dễ chịu hơn”. Tôi tức trào tận cổ, không thể tìm ra câu nào
đáp lại cho xứng đáng, nhưng rồi cũng nói được một câu: “Ừ, nhẹ nhàng với côn
đồ vậy, vì chả còn cách nào khác”. Đến sát cửa xe có một tên công an sắc phục
nữa tiếp tay. Chúng ấn tôi vào chiếc ghế ngay sau ca bin.
Tôi là người bị bắt cuối cùng. Bên dưới chật ních và vẫn đang cãi cọ
om sòm. Hình như cháu Phương vừa bị đánh, đang phản ứng gay gắt. Anh Tường Thuỵ
vốn nho nhã điềm đạm, hôm nay cũng bừng bừng lửa giận. Anh Trương Dũng bị chúng
giật máy ảnh phản ứng quyết liệt nhất. Tôi nhận ra hai tên vừa bắt mình liền
lấy máy ảnh ra chụp nhưng chúng ngăn lại. Sau một hồi cãi nhau với anh Dũng,
một tên bảo đồng bọn: “Thôi cho chụp thoải mái đi, có gì mà sợ”. Không khí
trong xe vì thế trở nên trật tự. Tôi lấy máy ảnh chụp hai tên lúc nãy. Sau này
mới biết sở dĩ chúng tự tin cho chụp là vì về trại Lộc Hà chúng thu máy ảnh và
xoá hết, “không sợ” là phải.
[i] Tạm tính
từ khi mình “phát hiện”.
PHẦN II- TRONG TRẠI “PHỤC HỒI NHÂN PHẨM” LỘC HÀ
10g8 phút, xe vừa đến Trại Lộc Hà thì Anh Ba Sàm gọi điện hỏi tình
hình. Tôi đưa máy cho chị Dương Thị Xuân để chị đọc tên từng người vì chị đã
ghi được từ lúc trên xe. Công an lùa nhanh chúng tôi vào nhà chứ không cho đứng
dềnh dang ở ngoài. Trong “Phòng chờ xử lý vi phạm”, chúng tôi thống nhất nhanh
là dứt khoát không đi “làm việc”, không ký bất xứ cái gì, bởi việc bắt là hoàn
toàn trái luật.
11g, một ông sỹ quan trung tuổi ra “mời” đi làm việc. Anh ta là xưng
là cảnh sát điều tra, biển tên trên áo là Kiều Đình Vinh. Chúng tôi phản đối
quyết liệt, vì chẳng có gì phải điều tra cả. Riêng tôi có một cuộc đối chất
ngắn với anh ta như sau:
– Anh xưng là cảnh sát điều tra, vậy anh hãy điều tra những kẻ bắt
chúng tôi về đây.
Anh ta túm luôn cái cụm từ “điều tra những kẻ bắt” của tôi để túm luôn
tay tôi kéo đi, như là đã tận dụng được chỗ sơ hở của đối thủ. Anh ta nói:
– Thì anh phải cung cấp thông
tin, chúng tôi mới điều tra được chứ. Đi, mời anh đi theo tôi!
– Khoan đã. Kẻ bắt chúng tôi cũng chính là các anh, còn điều tra gì
nữa? Còn phía chúng tôi, chúng tôi đi biểu tình, chả có gì phải điều tra cả.
Các anh bắt người thật vô cớ.
Anh ta lại túm ngay chữ “vô cớ” để dẫn dụ tôi vào kế của anh ta:
– Anh nói anh bị bắt vô cớ, vậy
hãy đi làm việc với chúng tôi để chúng tôi làm rõ xem chúng tôi “vô cớ” hay “có
cớ”.
A, anh này ranh thật – tôi nghĩ bụng. Tôi bảo:
– Việc bị bắt vô cớ tôi sẽ khiếu kiện sau, tức là khi nào tôi được trở
về. Lúc ấy tôi mới có điều kiện viết đơn và gửi đơn, chứ ở đây đến giấy bút cũng
chả có, tôi chịu. Nếu khi trở về chưa kịp làm đơn mà các anh thích điều tra
ngay, cứ có “trát” mời, tôi sẽ đi.
Có một số cuộc lôi kéo gay gắt của mấy tên mặc thường phục với cháu
Phương và với anh Trương Dũng. Mặc thường phục lại không biển thẻ thì không thể
nhân danh bất cứ điều gì để làm việc với người bị bắt nhưng chúng lại hung ác,
lì lợm hơn hẳn số mặc sắc phục. Chúng cứ chĩa camerra vào chúng tôi để quay
trong khi anh Dũng quay thì chúng giật máy. Mà anh Trương Dũng thì tính nóng
như Trương Phi nên càng kích thích tính hung hãn của chúng. Có lúc chúng quyết
tâm lôi bằng được anh Dũng đi nhưng mọi người cũng quyết tâm lôi lại.
Sau một hồi cãi vã, họ rút lui.
Buồng vệ sinh ở đây cực kỳ bẩn thỉu. Đầy phân chuột, phân gián và
không có nước nôi gì hết. Nhưng ngay bên ngoài lại là chiếc ô tô chở một chiếc
máy tối tân: máy phá sóng điện thoại. Từ lúc vào trong nhà mọi sự liên hệ với
bên ngoài đều bị cắt đứt. Chúng tôi chẳng khác gì những nạn nhân bị bắt cóc đưa
về động quỷ, hoàn toàn cách ly với bên ngoài. Nhưng chúng tôi không khổ sở bằng
thân nhân và bạn bè chúng tôi, vì họ không biết tình trạng chúng tôi ra sao.
Tôi thương vợ tôi nhiều bệnh tật lại hay lo lắng, làm sao yên lòng được đây.
Tôi lại thương những người bị bắt lần đầu, nhất là mấy cháu, mấy em còn trẻ. Để
khuây khoả, tôi tranh thủ làm quen với họ. Có bốn người tôi rất thương và cảm
phục: một cháu nữ sinh viên Đại học Kinh tế, một cháu đi làm thuê người Quảng
Ninh, một bác nông dân ở Cầu Giấy, một kiến trúc sư người Đà Lạt. Cháu sinh viên
Đại học Kinh tế bút danh Vũ Phan, người bé nhỏ, bị bắt lần đầu, lúc mới vào
cháu lo lắng nhưng vẻ mặt vẫn cương nghị. Tôi động viên cháu và dặn cháu khi về
trường thế nào cũng có rắc rối ít nhiều nhưng đừng sợ. Cứ bình tĩnh phân tích
lẽ phải trái với các thầy cô, sẽ có nhiều người hiểu ra. Nếu cần thì kiến nghị
lên Bộ Giáo dục và nhờ các giáo sư có uy tín trợ giúp. Cháu người Quảng Ninh
tên Ngọc, 18 tuổi, ít hơn con trai tôi một tuổi nhưng đã ra Hà Nội làm thuê gần
2 năm. Cháu nói cũng mới tạm đủ sống cho bản thân, chưa có tiền gửi về cho bố
mẹ. Tôi thương cháu quá, bảo: “Cháu tự nuôi được bản thân là giỏi rồi. Ở tuổi
cháu, hầu hết bố mẹ phải đổ tiền của nuôi ăn học, tốn kém lắm mà chưa chắc đã
kết quả gì”. Anh Sơn, người Cầu Giấy, nông dân chính hiệu, tuy rằng nay không
còn ruộng đất nhưng vẻ nông dân chất phác và lam lũ vẫn hiện lên từ dáng người,
nét mặt, áo quần, cử chỉ. Nói chuyện một lát, tôi thấy anh rất quan tâm các vấn
đề của đất nước, lo lắng cho số phận đất nước như một người trí thức thực thụ
(trong khi bao nhiêu trí thức lại trùm chăn, hỏi gì cũng ù ù cạc cạc). Anh Chu
Minh Tuấn, kiến trúc sư người Đà Lạt, đang tuổi tráng niên, người cao lớn,
gương mặt cao ráo, sáng sủa. Những người trời phú cho tướng phong lưu như thế
thường chước bạ cuộc đời vào các thú ca lâu, tửu quán chứ ai nhọc thân vì đất
nước giang san. Thế mà Tuấn từ Đà Lạt ra Hà Nội thăm người nhà, chỉ tình cờ mà
nhập luôn vào cuộc biểu tình đầy nguy hiểm này.
Gần 12g trưa, khi nhiều người đã bưng suất cơm hộp lên chuẩn bị ăn thì
cỡ chục công an lại xuất hiện, lại “mời”
đi “làm việc”. Tôi lại phải đôi co một hồi với ông sỹ quan cảnh sát điều tra
Kiều Đình Vinh lúc nãy. Khi anh ta nắm tay tôi kéo đi, tôi chỉ thẳng vào mặt
anh ta, kiên quyết:
– Hãy sống theo hiến pháp và pháp luật, thưa ông sỹ quan. Lấy lý do gì
mà kéo tôi đi như vậy?
Ông sỹ quan bỗng nhiên đắc chí:
– Anh đã nhân danh pháp luật thì tôi cũng nhân danh pháp luật mà nói
với anh rằng: anh đã vi phạm pháp luật.
– Tôi vi phạm cái gì?
– Xuống đường gây rối trật tự công cộng, vi phạm nghị định 38.
– Này, anh thừa biết chúng tôi đi biểu tình. Biểu tình chống xâm lược,
bảo vệ Tổ quốc.
Ông sỹ quan càng có vẻ đắc chí hơn nữa, nói dằn từng tiếng thật rành
mạch:
– Tôi-nói-cho-anh-biết-đi-biểu-tình-là-phi-pháp-việc-chống-Trung-Quốc-đã-có-các-nhà-lãnh-đạo-lo-không-phải-là-việc-của-các-anh-anh-rõ-chưa?
Tôi nhắc mấy người đứng cạnh nhớ câu nói đó của viên sỹ quan công an
mà có lẽ có hàm cấp cao nhất trong số công an đang ở đây.
Trong lúc ăn trưa, tôi còn được gặp một người rất ấn tượng là anh Ngô
Nhật Đăng, con trai nhà thơ quân đội Xuân Sách (nhà thơ nổi tiếng với tập “Chân
dung văn học” mà giới văn chương ai cũng thuộc chí ít vài bài). Từ bé anh theo
hầu các bậc cha chú nên có cả kho chuyện “hậu cung” của giới tướng lĩnh, văn
nghệ sỹ và cả giới quan chức chính trị. Tuy vậy anh không theo nghề cha mà theo
nghề kinh doanh, làm ăn liên doanh tận cả bên Âu châu.
1g15 chiều công an lại xuống, cả mười mấy người, đông hơn ban sáng và toàn
mặc sắc phục, mặt mày cũng sắt đá hơn lúc sáng. Sau một hồi đôi co, họ xông vào
lôi một số người nhưng bị kéo lại mạnh mẽ. Cuối cùng đích thân viên chỉ huy
Kiều Đình Vinh ôm lấy một người và sau đó đồng bọn xông vào lôi đi. Tuy vậy,
chúng bắt 6, 7 người đầu cũng khá vất vả. Về sau, chúng tôi mệt và còn ít người
nên để mặc chúng cứ thỉnh thoảng xuống “nhót” một, hai người.
3g20 thì tới lượt tôi (sau đó còn lại Nguyễn Tường Thuỵ, Thuý Hạnh,
Nguyễn Minh Sơn, Phạm Chính, Chu Minh Tuấn,...). Mặc dù trước đó mọi người đều
đã “ngoan ngoãn” đi, không cần lôi kéo, và khi “mời” thì tôi đứng lên “vâng”
ngay, nhưng hai tên dẫn giải vẫn muốn thị uy tôi. Một tên giật lấy quyển sổ tôi
đang cầm nhưng tôi giữ được và quát lại “Vô lễ vừa chứ”. Tôi cúi xuống xách ba
lô thì chúng ngăn lại, đòi “xách hộ”, khiến tôi phải gắt lên chúng mới nhượng
bộ.
Phòng hỏi cung tôi là một căn phòng tồi tàn với mấy thứ vật dụng cũng
tồi tàn. Viên công an mặt non choẹt tên Nguyễn Tiến Dũng tuy rằng da rất trắng
nhưng lại giữ thái độ mặt sắt với tôi từ đầu đến cuối. Cậu ta chỉ vào cái ghế
chân khập khễnh và vẹt mất một góc bằng bàn tay, nói rất xẵng: “Mời ngồi”. Tôi
lừ mắt lại, bảo: “Anh ăn nói cho lịch sự”. Hắn nhắc lại, tuy có chủ ngữ nhưng
giọng gắt hơn: “Tôi-mời-anh-ngồi!”. Tôi bảo: “Tôi bằng này tuổi đầu nhưng vẫn
gọi các anh là “anh” đấy, còn anh lại nói trống không với tôi”.
Bắt đầu là màn khám xét. Một tốp 4, 5 người dỡ tung các đồ đạc trong
ba lô, điện thoại, máy ảnh. Thấy mấy tờ A4 in mấy bài thơ, một vị xem đi xem
lại mãi rồi hỏi: “Anh là nhà thơ à?” Tôi bảo: “Xem thì biết”. Chả là anh ta
thấy bài Là thi sỹ của Sóng Hồng,
nhưng chắc không hề biết bài thơ này và cũng không biết Sóng Hồng (Trường
Chinh) là ai nên nghi ngờ. Cái thẻ nhớ điện thoại tôi nhét vào một ngăn nhỏ
cũng bị tìm thấy. Một tên khám người tôi, nắn đi nắn lại túi quần. Lát sau lại
có một toán nữa vào khám lại. Lại lục soát người và bấm xem điện thoại, máy ảnh
một lần nữa. Tôi cứ tưởng chúng chỉ xem hoá ra chúng xoá sạch các ảnh. Thế là
mất các hình ảnh đẹp về cuộc biểu tình hôm nay cũng như đã phi tang các hình
ảnh tội ác của chúng.
Màn đầu làm việc cũng hơi gay gắt. Điều tra viên Dũng hỏi tên tuổi
tôi. Tôi nói: “Tôi sẽ nói tên tuổi, chẳng có gì phải giấu cả. Nhưng muốn thế
anh phải trả lời lý do bắt tôi đến đây trước đã”. Anh ta thì cứ bắt tôi khai
tên tuổi rồi mới nói lý do. Thấy tôi có vẻ “bướng” nên một đám 4, 5 tay nữa vào
hỗ trợ. Một tay có tuổi mặc thường phục rất thích lý sự nhưng lại lý sự cùn.
Tôi cáu quá, cắt luôn anh ta: “Anh mặc thường phục, không biển tên, chức vụ,
không đủ tư cách làm việc”. Anh ta buộc phải bỏ đi.
Cuối cùng thì cậu Dũng này cũng chịu nói lý do trước:
– Tôi nói lý do anh bị bắt nhé: Anh gây rối trật tự công cộng, vi phạm
nghị định 38. Thế nào, bây giờ thì anh có chịu khai tên tuổi, địa chỉ không?”
– Tưởng lý do gì chứ đấy là điều các anh cố tình bịa đặt và đã quen
thuộc. Anh thừa biết tôi đi biểu tình.
– Thì anh đi biểu tình, nhưng anh đi xuống lòng đường hò hét, thế là
gây mất trật tự.
Dù cái trò đánh tráo khái niệm này nghe đã quá quen tai nhưng tôi vẫn
tức nghẹn. Tôi nói:
– Đi biểu tình thì phải hô hét, nếu không sao thành biểu tình? Còn đi
xuống lòng đường chẳng qua là chỗ không có vỉa hè mà đi. Anh hãy nhìn vào lương
tâm anh để gọi đúng tên sự vật đi: Tôi đi biểu tình, chứ tôi không rồ mà đi
“gây rối trật tự”. Nếu có đi “gây rối trật tự” thật thì các anh cũng chả thèm
bắt, đúng không?
Anh ta im lặng ít giây rồi nghiêm nghị: “Tôi đã nói lý do, bây giờ yêu
cầu anh nói tên”. Tôi nói rành mạch họ tên, chỗ ở, nơi làm việc. Tôi bảo: “Tôi không
ký cái gì đâu đấy”. Anh ta bảo “được thôi” rồi cắm cúi ghi. Sao ghi những gì
nhiều vậy? Ba bốn tờ giấy. Tôi ngồi chờ rất lâu, chán quá, và để đỡ căng thẳng,
tôi đổi giọng thân mật, bảo:
– Này, cháu ghi gì lắm thế? Chú xem thử được không?
– Không. Anh bảo anh không ký thì không cần xem. – Anh ta lạnh tanh.
Tôi thấy có cả “Biên bản xử phạt vi phạm hành chính”. Hay thât, biên
bản xử phạt mà người bị xử phạt không được biết. Tôi bảo: “Các anh làm những
việc thật đáng xấu hổ”.
Rồi hai, ba cậu thường phục xách đồ nghề lăn tay đến. Tôi bảo: “Tôi
không phải tội phạm mà bắt lăn tay, làm thế là làm nhục tôi, một trò làm nhục
đểu cáng. Tôi phản đối”. Một cậu bảo: “Bình thường thôi mà, chú vẫn đi lăn tay
làm CMT đấy thôi. Đừng để chúng cháu phải ép chú”. Tôi thấy có chống cũng không
nổi, bảo: “Lăn tay làm CMT khác hẳn trò này, đừng cố đánh tráo. Nhưng các anh
cưỡng bức thì tôi thua. Thôi muốn làm gì thì làm”. Thế là chúng làm ngay. Thiện
nghệ. Điêu luyện. Hăng hái. Mẫn cán. Hết 10 đầu ngón tay lại úp cả hai bàn tay
vào tờ giấy. Hai bàn tay tôi vấy mực, đen sì, nghĩa là chúng đã bôi đen được
người yêu nước. Tuy bọn kỹ thuật viên này không đáng ghét như bọn điều tra viên
nhưng cái công việc nó làm lại dã man quá. Ngoài kia giặc Tàu tha hồ cười nhăn
nhở “hảo, hảo” và sẽ thưởng công cho chúng (đúng ra là cấp trên của chúng) bằng
những cái bắt tay, những cái ôm hôn và tiếp tục lấn chiếm biển đảo Việt Nam.
Tôi thấy ghê tởm!
Lăn tay xong, ĐTV Dũng đưa tôi đi rửa tay. Hắn cẩn thận đứng chặn tại
cửa buồng vệ sinh. Lúc ra được mấy bước, tôi thấy còn sót xà phòng ở cổ tay,
vào rửa lại, hắn cũng theo trở lại như lần trước.
Hắn kéo tôi ra sát cổng, cái cổng chỉ hé một tí, hắn bảo “Anh về
được”. Tôi bảo: “Tôi đứng đây chờ các bạn tôi”. “Không được!”. Hắn vẫy tay một
cái, hàng rào công an đội mũ bảo hiểm có chữ “CAX (công an xã) chuyển động
ngay, sẵn sàng hót tôi tức thì. Tôi bảo: “Thôi hiểu rồi. Không cần khiêng đâu”.
Một tên bảo: “Nhẹ nhàng với nhau thôi
mà”.
Ôi, nhẹ nhàng của côn đồ có khác!
--------------------
Tạm tính từ khi mình “phát hiện”.
PHẦN III- TRỞ VỀ VỚI TRÁI TIM RỈ MÁU
Tôi bước ra cổng trại “phục hồi nhân phẩm” khoảng 4 rưỡi, thấy nhiều người đã được ra trước và rất nhiều biểu tình viên quen thuộc đi đón. Con trai tôi chạy lại ôm lấy bố. Tôi không ngờ nó đã chờ ở đây suốt từ 11g30, nghĩa là đi thi về là bổ sang luôn, “quên” ngay lời dặn của cô giáo bí thư đoàn “không được đi đâu”. Sự có mặt của cụ Lê Hiền Đức (ngoài tám mươi) và cụ Ngô Đức Thọ (gần tám mươi) trong đoàn đi đón khiến chúng tôi rất cảm động. (Cụ Đức bị gọi “làm việc” suốt sáng nay, được thả là đi ngay sang đây). Giáo sư Ngô Đức Thọ đọc tặng tôi bài thơ:
Chúng bắt anh rồi, Đào Tiến Thi
Biểu tình yêu nước
tội tình chi?
Hô vang phản đối
quân xâm lược
Bành trướng khôn
hồn hãy cút đi!
Trong lúc chờ đón anh Nguyễn Tường Thuỵ, người bị giữ cuối cùng thì
xảy ra cuộc cãi cọ với mấy an ninh mặc thường phục. Mấy tay này đã từng rất
hung hăng lúc trong trại với cháu Phương, rồi lại ra gây sự với những người đi
đón ngoài cổng từ lúc trưa, giờ lại tiếp tục phá đám bằng việc ngăn cản mọi
người chụp ảnh, quay phim. Lời qua tiếng lại, anh Trương Văn Dũng chúng bị lôi
trở lại trong trại. Thế là bùng lên cuộc đấu tranh đòi thả người. Những tiếng
hô “thả người”, “trả người” ào lên từng đợt rồi tạm nghỉ, rồi lại ào lên. Khổ
thân Giáo sư Ngô Đức Thọ cứ giải thích mãi cho mấy chú công an xã đứng canh
vòng ngoài về sự bắt người, giữ người vô lý, dù mấy chú này cứ lắc đầu “chúng
cháu chỉ biết gác đây thôi, chúng cháu không có quyền gì cả”. Cụ Lê Hiền Đức
thì liên tục gọi cho công an các cấp chất vấn lý do bắt giữ người đồng thời cụ
trả lời các đài báo khắp nơi về sự việc đang diễn ra. Thời đại thông tin cũng
thú vị thật: một bà già ngoài tám mươi mới bập bõm sử dụng công nghệ thông tin
nhưng đã làm cho cả thế giới phải quan tâm!
Trời xám xịt rồi tối hẳn. Con gái anh Ngô Nhật Đăng đi mua bánh mì
mời mọi người. Mấy cậu an ninh chìm
(nhưng lộ mặt ai cũng biết) sau mấy hồi gây sự cũng chẳng còn việc gì làm, ngồi
ngồi xuống vệ cỏ, buồn thiu. Cứ tình hình này không khéo hai bên lại thi gan
nhau như hôm giam cụ Lê Hiền Đức ở Sở 4T (1-6-2012). Xem ra giờ này công an
Hoàn Kiếm đã về hết. Mấy chuyến xe lúc nãy chắc là cuối cùng rồi, vì lâu lắm
rồi không có xe nào ra nữa. Chúng tôi tiếc không chặn mấy xe đó lại. Lần này
nếu có xe nào ra nữa sẽ chặn. Quản nhiên có một xe kia rồi. Chúng tôi dàn hàng
ngang, khoác tay nhau chặn lại và hô khẩu hiệu đòi người. Xe này không thể tiến
lên được. Có người bảo trong xe là nhân viên y tế, không phải công an. Cũng có
thể thế, vì thấy mặc áo trắng. Nhưng dù xe nào thì cũng phải chặn, vì chúng tôi
không còn cách nào khác. Chán sau xe này phải chạy vào. Cuối cùng thì chúng
cũng phải thả anh Trương Dũng. Lúc này mọi người đã rất mệt mỏi, chỉ tập trung
hô vài câu chống xâm lược rồi về. Cảm giác không được mạnh mẽ như hôm 5-8-2012,
hôm ấy người bị bắt và người đi đón trước khi về còn làm một cuộc biểu tình
hoành tráng tại cổng trại giam này khiến bà con chung quanh rất ngưỡng mộ.
So với cuộc biểu tình hôm 17-7-2011, một trong những cuộc biểu tình bị
đàn áp dã man nhất của năm 2011, với số người bị bắt là 46 người trong đó có
tôi thì cuộc đàn áp biểu tình hôm nay còn khinh khủng hơn nhiều. Ngoài việc độc
giả đã thấy qua lược thuật ở các phần trên, tôi có thể nêu một số nhận xét dưới
đây.
1. Kỹ thuật bắt người mang
tính chuyên nghiệp hơn hẳn. Nếu hôm 17-11-2011 huy động rất nhiều dân phòng
(trong đó có nhiều người lớn tuổi) tham gia bắt người dẫn đến có một số người
bị bắt nhầm, một số người bị xây sát thì lực lượng bắt người lần này toàn thanh
niên to khoẻ. Họ rất đông, di chuyển nhanh, chộp người rất nhanh, kết hợp khống
chế với dụ dỗ “Mời lên xe”, việc bắt do đó gọn hơn, nhanh hơn. Điều này khiến
tôi và một số người phải nghĩ khả năng họ được tập huấn ở nước ngoài, hay được
chuyên gia nước ngoài huấn luyện[i].
2. Thái độ của lực lượng
tham gia bắt cũng như xét hỏi tỏ ra lạnh lùng, sắt đá hơn tất cả mọi lần.
Trước khi bắt không có màn ngăn chặn, cãi lý, thuyết phục như nhiều
cuộc biểu tình năm ngoái. Nghĩa là hoàn toàn không còn chuyện hai bên có sự
thừa nhận, cảm thông nào nữa. Cuộc bắt người ngày 17-7-2011 chí ít cũng là dân
phòng mang sắc phục. Cuộc bắt người ngày 21-8-2011 chí ít an ninh cũng núp dưới
“thanh niên tình nguyện” mang băng đỏ. Lần này thì chẳng sắc phục, chẳng băng
đỏ gì hết. Cuộc bắt người ngày 12-9 diễn ra bất ngờ, lạnh lùng, tàn bạo, trâng
tráo.
Khi đưa về trại giam cũng vậy. Nhớ hôm, 17-7-2011
khi về Mỹ Đình, chúng tôi “đấu khẩu” với các công an viên ở đây kịch liệt,
cũng có lúc căng thẳng nhưng nhìn chung họ chỉ im lặng hoặc chỉ cười trừ, thậm
chí về sau còn có phần thân thiện2. Còn
lần này, tất nhiên vẫn không loại trừ có những cá nhân người công an nào đó đi
làm cái việc phản dân hại nước này một cách miễn cưỡng, nhưng nhìn chung lực
lượng công an đã rõ ràng là một bộ máy công cụ, đối lập với nhân dân, tức tối
khi thấy nhân dân kiên quyết chống xâm lược. Những người công an này khi xét
hỏi chả thèm quan tâm gì đến chuyện chống Trung Quốc, chỉ nhăm nhăm buộc tội
người biểu tình vào tội “gây rối trật tự công cộng”. Một sự buộc tội trâng
tráo, trơ trẽn nhưng họ cũng chẳng lấy làm xấu hổ. Như tôi đã kể trong phần 1,
tôi nói với tay công an tên Dũng: “Tôi đi biểu tình, chứ tôi không rồ mà đi
“gây rối trật tự”. Nếu có đi “gây rối trật tự” thật thì các anh cũng chả thèm
bắt, đúng không? Độc giả hãy xem bài Bật
cười đám đông hò hét rèn “tự tin” giữa đường Hà Nội” để lời nói của tôi được chứng minh ngay.
Trong khi đó ngoài Biển Đông, tàu hải giám Trung Cộng và ngư dân Trung
Quốc ngang nhiên vào vùng biển của ta, đã thế chúng còn quấy rối, hành hung tàu
của ta. Đối chiếu hai hình ảnh – công an đàn áp biểu tình và Trung Cộng hung
hăng ngoài biển, lòng tôi đau thắt và không thể nào không liên hệ đến một chi
tiết trong phóng sự Cơm thầy cơm cô
của Vũ Trọng Phụng (1936), ấy là hình ảnh con sen Đũi bị con mụ chủ nhà nhét
giẻ vào mồm, đồng thời giữ chân nó để cho một thằng Tây đen hiếp. Không chỉ đau
nữa mà là ghê tởm!
3. Lực lượng nhân, sỹ trí
thức Hà Nội tham gia biểu tình chống xâm lược ngày càng ít, nói chính xác là
trí thức “thượng lưu” – những người có học hàm học vị và vị trí xã hội cao –
ngày càng ít. Một số vị đã tham gia mùa hè năm ngoái sang năm nay đi được đôi
buổi hoặc vắng bóng hoàn toàn. Cho đến cuộc 9-12, hình như chỉ còn trí thức
bình dân – những blogger, kỹ sư, biên tập viên, giáo viên phổ thông,... Điều
này khác khác với Sài Gòn, nhân sỹ trí thức xuống đường ngày càng nhiều, trong
đó có nhiều người đã từng giữ những chức vụ nhất định trong bộ máy nhà nước.
Phải chăng, so với Sài Gòn, trí thức Hà Nội đông đảo hơn, hàm lượng chất xám
cao hơn nhưng kém dũng khí hơn? Nếu điều đó là đúng thì cũng dễ hiểu: trí thức
miền Bắc đã gắn bó lâu dài với hệ thống công chức nhà nước, đã sống nhờ lâu dài
vào hệ thống ấy, vả lại kinh tế thị trường ở miền Bắc cũng kém phát triển hơn
(ra “chợ trời” mưu sinh khó hơn), cả hai điều ấy làm cho trí thức cam chịu cảnh
“Sỹ khí rụt rè gà phải cáo”. Dễ hiểu để thông cảm cho họ. Nhưng mà buồn. Đất
nước lâm nguy như thế này mà họ vẫn yên tâm trùm chăn.
4. Một số người vẫn cho
rằng nhà nước ta sợ từ biểu tình chống xâm lược mà trở thành biểu tình chống
nhà nước cho nên quyết dẹp bằng được. Tôi thì không nghĩ thế. Những cuộc biểu
tình của dân oan mất đất diễn ra như cơm bữa nhưng đâu có bị đàn áp mạnh mẽ và
phải dẹp triệt để như biểu tình chống xâm lược. Ở đây chỉ có thể là đã có sự cam
kết với Trung Cộng. Điều này chính ông Nguyễn Chí Vịnh đã nói thẳng ra từ năm
ngoái khi tham gia Đối thoại chiến lược quốc phòng - an ninh Việt Trung.
Trong đối thoại đó, ông Vịnh đã “thông
báo về chủ trương xử lý việc tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc
tái diễn” (Xem Tuổi
trẻ online thứ sáu,
28-10-2011).
Sự thoả thuận đó không xấu nếu
lẽ ra trong khi Trung Cộng ép ta phải dẹp biểu tình thì ta ta ép được Trung
Cộng phải chấm dứt những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Nhưng ở đây lại không hề có sự
trao đổi cân bằng đó. Thế là Việt Nam vừa bị đánh vừa bị bịt mồm,
không những không được kêu đau mà còn phải tiếp tục ca ngợi Trung Cộng!
Có điều không phải chủ trương đó đã thành hiện thực ngay. Những cuộc
đàn áp khi mạnh, khi nhẹ năm ngoái và hè năm nay cho ta phỏng đoán rằng, trong
“triều đình”, có thể có hai phái, “chủ hoà” và “chủ chiến” (chủ trương chống
xâm lược Trung Cộng, không phải chủ trương chiến tranh) và ban đầu hai phái còn
ngang sức nhau, nhưng từ cuộc đàn áp 5-8 đến cuộc này cho thấy phái “chủ hoà”
đã thắng thế.
5. Cứ đà này đủ biết tiền
đồ dân tộc ta đi về đâu. Xem video quay cảnh người Bùi Thị Minh Hằng gào khóc
thê thiết giữa đưường phố Hà Nội (sau khi cuộc biểu tình bị đàn áp dữ dội: “...
nói lên tiếng nói yêu nước thì bị trả thù, tra tấn... Trời ơi, dân tộc Việt Nam
tôi, bốn nghìn năm lịch sử của dân tộc tôi...” tôi trào nước mắt. Tiếng kêu xé
lòng và bất lực của Minh Hằng cũng là tiếng kêu xé lòng và bất lực của hàng
triệu người yêu nước hiện nay.
Báo chí chính thống gần đây có
một số bài phê phán sự tham lam vô độ của Trung Cộng, điều này cho thấy sự mâu
thuẫn trong chính sách của Đảng và Nhà nước. Đã biết Trung Cộng nó tham lam như
thế thì còn hy vọng gì “đối thoại hoà bình” và sao lại chỉ có duy nhất một biện
pháp là “đối thoại hoà bình” bằng ngoại giao, còn lại đàn áp bất cứ một biện
pháp nào khác (trong khi biểu tình cũng là một một biện pháp hoà bình) thì hy vọng
giải quyết cái gì. Thực tế đã chứng minh biện pháp “đối thoại hoà bình” với
Trung Cộng đã trở nên vô nghĩa, xấu hổ.
Đứng ở phía lợi ích dân tộc thì sự tham lam ấy của người Trung Quốc kể
ra cũng là lẽ thường tình. Vì như Charles Darwin đã nêu, bản chất sự sống là
cuộc cạnh tranh sinh tồn3, và trong cuộc cạnh tranh ấy, quy luật là
“mạnh được yếu thua”. Từng cá thể như vậy mà trên phạm vi dân tộc cũng như vậy.
Dân tộc nào yếu hèn thì sẽ bị tiêu diệt. Lịch sử loài đã ghi lại hàng trăm dân
tộc đã vĩnh viễn không còn trên bản đồ thế giới. Các nhà cách mạng Việt Nam đầu
thế kỷ XX như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, khi “chiêu hồn nước” đều lấy quy
luật “mạnh được yếu thua” để thức tỉnh mỗi người dân của đất nước. Thực tế lịch
sử các quốc gia cũng cho thấy: Nhượng bộ ngoại bang không bao giờ là phương
sách giữ nước của bất cứ quốc gia nào, bất cứ thời đại nào, trái lại chỉ kích
thích thêm lòng tham và quyết tâm theo đuổi mục tiêu thôn tính của kẻ mạnh.
Thực tế trong mấy năm qua, Trung Cộng đã tiến những bước dài trong việc lấn
chiếm Biển Đông của Việt Nam,
chỉ vì Việt Nam
cứ lùi mãi.
Chẳng lẽ 90 triệu người Việt Nam bây giờ cứ khoanh tay đứng nhìn Trung
Cộng nẫng dần mảnh đất mà cha ông mấy nghìn năm qua đã đổ cả núi xương, sông
máu để gây dựng và gìn giữ?
ĐTT
............................................................
[i] Nước ngoài đây là nước có kinh nghiệm đàn áp biểu
tình nhưng không phải nước văn minh, vì những nước văn minh, nhiều nhất họ chỉ
giải tán bằng vòi rồng phun nước, bằng lựu đạn cay. Nếu có bắt người thì chỉ
bắt những phần tử quá khích có hành động đập phá hoặc đánh nhau với cảnh sát.
2 Hôm đó
công an Mỹ Đình chỉ đáng chê trách một điểm, là họ hứa cho xe đưa trở lại vườn
hoa Lenin nhưng cuối cùng đánh bài lảng, thế thôi.
3 Ngày nay ở nhiều nước người ta còn giáo dục
ý thức canh tranh sinh tồn cho trẻ em. Xem: http://www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=2675
Đào Lê Tiến Sĩ lên Trại Lộc Hà đón bố.
Đặng Bích Phượng và Thuý Hạnh
Ngô Đức Thọ và cụ Lê Hiền Đức đangnói với một gã cú đứng che người ngăn khong cho ai chụp ảnh.
Nguyễn Thuý Hạnh (Tây Hồ) vừa ra.
Ngoo Đức Thọ, Thuý Hạnh (Tây Hồ)
Blogeur Người Buôn Gió, Nguyễn Văn Phương, Blogeur JB. Nguyễn Hữu Vinh Blogeur
Trung tâm Lưu trú Lộc Hà (h.Đông Anh, Hà Nội)
Phố Lộc Hà (Đông Anh, Hà Nội)
............. Xem thêm ở: http://ngoducthohn.blogspot.com/2012/12/bieu-tinh-9-122012-taih-ha-noi-va-sai.html
[1] Nước ngoài đây là nước có kinh nghiệm đàn áp biểu
tình nhưng không phải nước văn minh, vì những nước văn minh, nhiều nhất họ chỉ
giải tán bằng vòi rồng phun nước, bằng lựu đạn cay. Nếu có bắt người thì chỉ
bắt những phần tử quá khích có hành động đập phá hoặc đánh nhau với cảnh sát.
2 Hôm đó
công an Mỹ Đình chỉ đáng chê trách một điểm, là họ hứa cho xe đưa trở lại vườn
hoa Lenin nhưng cuối cùng đánh bài lảng, thế thôi.
3 Ngày nay ở nhiều nước người ta còn giáo dục
ý thức canh tranh sinh tồn cho trẻ em. Xem: http://www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=2675
Đào Tiến Thi nói:Sáng Chủ nhật (9-12)này số nhân sỹ trí thức Hà Nội tham gia biểu tình chống xâm lược có vẻ ít hoen ở Sài Gòn. Một số vị đã tham gia mùa hè năm ngoái sang năm nay thấy vắng. Chưa rõ nguyên nhân vì sao?
Trả lờiXóa