Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

ĐƯỜNG LƯỠI BÒ RỐT CỤC LÀ CÁI GÌ ?

  ĐƯỜNG CHÍN ĐOẠN RỐT CUỘC LÀ CÁI GÌ ?
        Dẫn:  Về cái bản đồ đường lưỡi bò phi pháp mà nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn nêu lên, các nhà nghiên cứu VN và nước ngoài đã có không ít bài phê phán. Chủ nhân blog này cũng có bài Lai lịch và thực chất của đường lưỡi bò đăng trên VietnamNet (và trên trang nhà).
Bài ấy được một số bạn đọc quan tâm và vài trang mạng cũng có chuyển đăng tiếp. Tính chất của cái bản đồ bành trướng ấy rất nguy hiểm và độc hại, không những bị thế giới bác bỏ, phê phán, mà ngay chính một bộ phận người Trung Quốc lục địa cũng nhận rõ nó rất vu vơ mơ hồ, không có cơ sở pháp lý. Hình như ít hoặc chưa có bài nào giới thiệu về những ý kiến trái chiều này của những người Trung Quốc có lương tri, tôi có chọn dịch một bài này. Tham khảo chính người họ đập lại bọn bành trướng có lẽ cũng rất có ích cho đấu tranh pháp lý -ngoại giao của ta. Mời bạn đọc cùng xem.- Ngô Đức Thọ.
%name
         ĐƯỜNG CHÍN ĐOẠN RỐT CUỘC LÀ CÁI GÌ
Trong cuộc tranh chấp ở Nam Hải, một trở ngại rất không thể né tránh là đường chín đoạn của Trung Quốc. Việc vẽ ra cái đường hình chữ U ấy trên biển Nam Hải phải truy ngược lên nhũng năm 30 của thế kỷ XX. Bấy giờ một số nhân sĩ yêu nước cảm nhận sâu sắc việc cương vực biển của Trung Quốc bị xâm chiếm cho nên vẽ lên trên bản đồ cái đường hình chữ U ấy để biểu thị phạm vi cương vực biền của Trung Quốc. Chẳng hạn như “Trung Quốc kiến thiết tân đồ” Bạch Mi sơ biên năm 1936 là loại bản đồ có vẽ đường đứt quãng kiểu đó. Bức bản đồ ấy chỉ muốn nói “ đó là những nơi ngư dân nước ta làm ăn sinh sống, chủ quyền về những nơi đó đương nhiên thuộc về chúng ta”, không có bất cứ chứng cứ  nào được nêu rõ ra cả, không nói rõ các nhân sĩ kia khi vẽ đường ấy căn cứ vào những gì, đã làm những điều tra nào. Hầu như có thể rất khẳng định mà nói rằng: Đó chỉ là đường vẽ hết sức chủ quan! (phi thường chi chủ quan!)
Sau khi Lâm Tuân [1] tuyên bố chủ quyền ở Tây Sa và Nam Sa [2] , Chính phủi Trung Quốc tiến thêm một bước xác định phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc ở Tây Sa và Nam Sa . Vì thế năm 1947 Ti phương vực Bộ Nội Chính xuất bản “Bản đồ các đảo Nam Hải” trong đó vẽ đường đứt 11 đoạn. Bấy giờ Chính phủ Dân quốc tuyên bố đó là đường lãnh hải của Trung Quốc. Năm 1953 CHNDTH bỏ hai đoạn ở vịnh Bắc Bộ đi, thế là trở thành đường 9 đoạn như ngày nay chúng ta đã biết rõ ( trong bài sẽ gọi là đường chín đoạn)
Mặc dầu Trung Quốc luôn luôn kiên trì đường chín đoạn, nhưng dù là chính phủ Dân quốc hay chính phủ CHNDTH từ trước đến nay đều không giải thích rõ ràng cái đường chín đoạn ấy rốt cục là thế nào, trước nay cũng không thể hiện rõ ràng trong cái đường chín đoạn ấy Trung Quốc có những quyền lợi và nghĩa vụ gì, thậm chí không hề công bố toạ độ [của nó]. Ngôn ngữ chính thức (quan phương) của Trung Quốc gọi đường chín đoạn ấy một cách lòng thòng là “hải cương” (cương vực biển), hơi chính thức một chút thì gọi là “đường cương giới lịch sử”, càng mơ hồ hơn nữa thì gọi là “hải vực cận kề của các đảo Nam Hải” (Nam Hải chư đảo lâm cận hải vực)
Quốc tế nói chung đều cho rằng đường chín đoạn là đòi hỏi lớn nhất của Trung Quốc trong đàm phán tranh chấp ở Nam Hải. Thế nhưng ngay cả các chuyên gia của Trung Quốc đối với cơ sở pháp lý của đòi hỏi ấy cũng mơ hồ không hiểu rõ. Hồi tháng 6-2011 trong chuyên mục “Mỗi hổ một chiếu” trong chương trình “Vệ thị” trên trang mạng Phượng Hoàng , khi bàn về vấn đề Nam Sa có vị tướng về hưu đồng thời là một chuyên gia quân sự nổi tiếng - khi nhắc đến đường chín đoạn còn nói: “Hy vọng các chuyên gia trong nước mau chóng chỉnh lý cơ sở pháp lý của đường chín đoạn để Trung Quốc dùng trong đàm phán”.
Vì sao việc xác định cơ sở pháp lý của đường chín đoạn lại khó khăn thế? Nguyên nhân căn bản là vì khái niệm đưòng chín đoạn về cơ bản là mâu thuẫn với Công ước quốc tế về luật biển mà Trung Quốc từng tích cực thúc đẩy để đạt tới và được tuyệt đại bộ phận các nước trên thế giới thừa nhận.
Trước hết, phạm vi của đường chín đoạn rất lớn (rộng), ngoài Tây Sa, Nam Sa, phần tây nam của đường chín đoạn có vùng biển rất lớn không hề có bất cứ một hòn đảo nào. Những nét vẽ ở đây, trái lại, hầu như vẽ đến tận cửa ngõ nhà dân các nước Philippine, Malaixia , Brunei  và Việt Nam . Nếu căn cứ theo chủ trương của Trung Quốc thì tất cả các đảo ở Tây Sa và Nam Sa đều thuộc về Trung Quốc. Nhưng nếu căn cứ theo đơn đăng ký các đảo sở hữu lấy các đảo có vùng đặc quyền kinh tế làm đường cơ sở thì phạm vi cũng nhỏ hơn đường chín đoan.
Ở đây tôi sử dụng một bản đồ của tác giả tư nhân [3] để thuyết minh về điểm này. Xuất xứ của bản đồ này có trong văn khố Wikipedia. Đó là bản tổng đồ về sự tranh chấp lãnh hải của các nướ Đông Á và Đông Nam Á. Phần Nam Hải của bản đồ ấy, giả định rằng tất cả những đảo có tranh chấp đều thuộc Trung Quốc, lại căn cứ đường cơ sở của quần đảo Tây Sa mà Trung Quốc đã công bố cùng các đảo thuộc quần đảo Nam Sa mà khi triều lên vẫn lộ hẳn lên mặt nước để tính đường cơ sở mà tính toán vùng đặc quyền kinh tế, thì ở đây có ba điểm cần chú ý:
southsea8
-Đưòng liền màu đỏ là vùng đặc quyền kinh tế theo tính toán của Trung Quốc.
-Đường vạch đứt màu đỏ là Đường chín đoạn
-Đưòng vàng da cam là đường lãnh hải TQ theo ý nghĩa nghiêm cách nhất.
-Một là: TQ từ trước tới nay chưa từng công bố vùng kinh tế đặc quyền ở Nam Hải, cho nên chỉ có thể sử dụng các văn bàn dân gian.
-Hai là: TQ từ trước tới nay chưa từng công bố đường biển cơ sở của qđ Nam Sa, cho nên chỉ có thể tính toán theo cách dân gian của mình.
-Ba là: Theo quy định của Luật biển [quốc tế] chỉ những đảo và đá nào lộ trên mặt biền khi nước triều lên (trướng triều) mới có thể xin đăng ký lãnh hải 12 hải lý, nhưng trong đó chỉ những đảo nào có thể duy trì sự cư trú của con người hoặc hoạt động kinh tế của bản thân con người mới có thể chủ trương (coi là) vùng đặc quyền kinh tế. Vì vậy, cái bản đồ đã dẫn trên thực tế mở rộng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của TQ lên rất lón. Giả sử rằng sự tính toán của bản đồ ấy là chính xác, thì kết quả của sự tính toán ấy là đường chín đoạn của TQ ở rất xa ngoài vùng kinh tế đặc biệt (ND: nghĩa là rộng hơn rất nhiều vùng đặc quyền kinh tế), nổi bật nhất là mấy bộ phận:
        Vùng biển mở ra từ phần phía tây của đường chín đoan sát gần với Nam Bộ của Việt Nam;
        Vùng biển mở ra từ phần phía nam đường chín đoạn sát gần với  Malaixia;
        Vùng biển mở ra từ phần đông nam và đông của đường chín đoạn sát gần với Philippine, đặc biệt là đoạn đông nam sất gần với đảo Palawan (巴拉望).
Đáng chú ý là: trong đó đều là những vùng biển hiện đang sản xuất rất nhiều dầu mỏ, đặc biệt là ở .
Vậy giới học thuật xem xét vấn đề này như thế nào?
Qua phân tích của các học giả nước ngoài và cả các học giả TQ,  có mấy cách giải thích không giống nhau như sau:
- Cách giải thích thứ nhất: Đường chín đoạn là cương giới trên biển của TQ có nghĩa là bên trong đường chín đoạn ấy là vùng biển nội hải của TQ, bên ngoài đường chín đoạn ấy mới là lãnh hải của các nước khác, hoặc là vùng biển quốc tế (công hải). Cách nói (giải thích) này không có bất cứ căn cứ pháp lý nào. thế nhưng đó lại là định nghĩa phổ biến nhất trong dân chúng TQ đối với đường chín đoạn. [!!!] Các bản đồ do TQ xuât bản luôn luôn dùng đường quốc giới để đánh dấu và chú thích đường chín đoạn, vô tình hay hữu ý cũng dẫn đường cho công chúng ủng hộ quan điểm này.
- Cách giải thích thứ hai:  Đường chín đoạn là vùng nước có tính lịch sử của TQ. Chính phủ TQ hiện nay ngày càng dùng nhiều theo cách giải thích này. Lý do là vì một số học giả cho rằng định nghĩa vùng nước có tính lịch sử được nêu lên từ những năm 70-80 [của TK.20] rất lâu trước khi Luật biển quốc tế ra đời. Dụng ý [của định nghĩa ] này là quy định rằng một số vùng nước có quan hệ mật thiết với lãnh thổ của một nước. Cái khái niệm “vùng nước có tính lịch sử” này từ khi xuất hiện  bản thân nó đã có một ý nghĩa không rõ ràng đối với luật quốc tế, [vì thế] nó cũng không được thừa nhận rộng rãi. Sau khi Luật biển quốc tế ra đời, do  [khái niệm về] lãnh hải, vùng tiếp giáp và vùng kinh tế đặc quyền được chính thức quy định thì [khái niệm về] “vùng nước có tính lịch sử”, cùng với tên gọi của nó cũng dần dần đi tới điểm kết thúc lịch sử, trong Luật biển quốc tế nó cũng không được nhắc đến nữa.
Cái định nghĩa “vùng nước có tính lịch sử” ấy là gì?, có quyền lợi gì cũng có nhiều cách giải thích. Trong các chuyên gia về luật quốc tế, những người ủng hộ cho thuyết vùng nước có tính lịch sử chỉ chiếm một số ít. Những chuyên gia ủng hộ cho thuyết “vùng nước có tính lịch sử” có hai điểm nhận thức chung: Những quốc gia gọi một vùng nước là có tính lịch sử cần có [hai] điều kiện:
-Vùng nước ấy không hề có tranh chấp,
-Quốc gia đó thực tế đã hành sử chủ quyền lâu dài ở vùng nước ấy, đặc biệt là quyền quản hạt bằng pháp luật. Chỉ có thực hiện hai điểm đó mới có thể thuyết minh vùng nước đó có liên hệ chặt chẽ với nước mình trong lịch sử.
Chỉ đối với một vài ví dụ cũng đã có thể thấy tình hình ở Nam Hải có xu hướng khác xa [với những quy định nói trên]. Ví dụ như vịnh Pie đại đế (Peter the Great Gulf) ở phía bắc biển Nhật Bản được nước Nga tuyên bố là vùng nước có tính lịch sử của mình. Vùng nước này ăn sâu vào đất liền, hai bên đều là lãnh thổ của nước Nga, cửa vịnh rộng đến 108 hải lý (nhỏ hơn độ rộng của vùng kinh tế đặc quyền), không có tranh chấp với nước nào xung quanh; trong lịch sử, vùng biển này hoàn toàn do người Nga quản lý, đặc biết là quyền quản hạt bằng pháp luật, bất cứ  xem xét từ phương diện nào cũng đều phù hợp với những nhận thức chung nói trên. Cho dù như vậy, quốc tế cũng chưa hề thừa nhận đó là vùng nước có tính lịch sử của Nga.
Đối với biển Nam Hải của Trung Quốc thì biển Nam Hải hoàn toàn cách rất xa với đại lục, xung quanh toàn là các nước tranh chấp chủ quyền, quan trong hơn cả là trong thực tế lịch sử Trung Quốc chưa bao giờ hành sử trên thực tế quyền quản hạt bằng pháp luật đối với vùng nước này. Một ví dụ rõ ràng nhất là từ thời cổ đến nay tàu thuyền đi lại trên biển Nam Hải hoàn toàn tự do, xưa nay không cần thông báo xin phép với chính phủ Trung Quốc. Gần đây chính phủ Trung Quốc cũng phải thừa nhận sự thực ấy. Trong bài viết của một học giả thuộc phái ủng hộ cách giải thích  này cũng phải thừa nhận rằng, so với việc các nước khác tuyên bố vùng nước có tính lịch sử của mình thì tình hình của Truung Quóc thuộc một loại riêng rất độc đặc.[!!]
- Cách giải thích thứ ba: Đường chín đoạn không phải  chỉ báo  đó là cương giới biển của Trung Quốc, mà là chỉ báo tất cả các hòn đảo và bãi đá ở trong đường chín đoạn ấy đều là lãnh thổ của Trung Quốc. Tác phẩm có quyền uy trong giới thuật là cuốn Nghiên cứu cương vực biển của Trung Quốc theo quan điểm này. Theo tôi (tác giả blog), cách giải thích thứ ba này là cách giải thích có chỗ đứng vững nhất trong luật quốc tế. Thế nhưng cách giải thích thứ ba này trong công chúng TQ lại tựa như không có vị trí gì. Thậm chí trong con mắt của nhiều “chuyên gia” thì cách giải thích đó dường như không thể chấp nhận được. Sau sự kiện Nam Hải [4] , tôi xem một số tin bài thuộc chượng trình “Vệ thị” của trang mạng Phượng Hoàng, ấn tượng của là PV Gia Tân đã không đứng trên lập trừng này để giải thích đường chín đoạn với công chúng.
Trong tuyên truyền của Trung Quốc, sau khi TQ công bố đưòng chín đoạn, một thời gian dài (trước khi phát hiện dầu mỏ vào những năm 70) không có nước nào có bàn luận gì khác. Cách nói đó tựa như đúng mà thực ra là sai (tự thị nhi phi). Đúng là hơn 30 năm về trước không có chính phù của nước nào phản đối đường chín đoạn ấy. Thế nhưng cũng không có một chính phủ liên quan nào thừa nhận đường chín đoạn ấy! Thái độ của chính phủ các nước đối với đường chín đoạn ấy là “nhìn nhưng không thấy” (thị nhi bất kiến).
Trong thực tế thì từ trước đến nay không một nước nào thừa nhận quyền có lợi ích của Trung Quốc ở khu vực ấy. Nước Mỹ sau chiến tranh thứ hai không ngừng có các hoạt động ở vùng biển bên trong đưòng chín đoạn ấy, nhưng hầu hết các trường hợp đều không chịu sự can dự của Trung Quốc (trừ những hoạt động gần sát lãnh hải của đại lục Trung Quốc và các đảo ở Nam Sa). Những năm 40 -50 sau chiến tranh thứ hai, Philipppine, Pháp và Việt Nam (Nam Việt Nam) nhiều lần đề xuất đòi hòi chủ quyền đối với các đảo ở  Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Các đảo ấy hoàn toàn nằm trong đường chín khúc. Nếu nói rằng từ sau khi TQ công bố đườn chín đoạn không có ai tranh cãi về chủ quyền các  đảo nằm trong đường chín đoạn ấy thì không tránh khòi tự lừa dối mình và lừa dối người! Vì nếu các đảo nằm trong đường chín đoạn ấy đều phát sinh tranh chấp thì làm sao có thể nói các quốc gia ấy đều thừa nhận đường chín đoan? Kỳ thực, cái gọi là “ không có nước nào bàn luận gì khác” đại khái chỉ là vì Trung Quốc từ trước đến nay chưa hề có một sự giải thích chính thức nào đối với cái đường chín đoạn ấy (thậm chí toạ độ của nó cũng không hề công bố)! (Khi vẽ lên bản đồ lại cũng không chịu (ngv: bất khẳng/ có thể dịch: không dám) nêu rõ định nghĩa,  vì thế các bên khác không biết căn cứ vào đâu mà nêu lên “bàn luận” khác?)
Ý nghĩa không rõ ràng của đường chín đoạn có ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề tranh cãi về Nam Hải. Do đưòng chín đoạn chiếm một vùng rất rộng lớn, [nhưng] ý nghĩa luật pháp không rõ ràng, khiến cho các nước lân bang không có cách ứng xử nào thích hợp để thuận tùng với nó. Ví như lần trước đây tàu thăm dò của Việt Nam bị tàu TQ cắt cáp quang chính là xẩy ra ở bên rìa của đưòng chín đoạn. Nơi ấy theo lý luận của Việt Nam là bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam , cách vùng đặc quyền kinh tế [của Trung Quốc] theo lý luận của Trung Quốc khá xa. Cách xử lý hàm hồ của Trung Quốc không nghi ngờ gì nữa chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm xẩy ra xung đột. Các học giả và chính trị gia quốc tế lâm vào tình trạng mơ hồ và bàn luận sai trái rất nhiều, ngay cả ở trong nước của Trung Quốc cũng có những chuyên gia đề xuất “tư duy mới” (trong nguyên văn không có ngoặc kép) chủ trương sửa đổi đường chín đoạn cho khỏi mâu thuẫn với Công ứoc quốc tế về luật biển.
Do đưòng chín đoạn ăn sâu thâm căn cố đế trong tâm mắt của  người dân Trung Quốc, lập tức sửa đổi ngay thì e rằng không phải là việc dễ. Nhưng một cách sớm nhất đưa ra lời giải thích minh xác về định nghĩa của đường chín đoạn, công bố nghĩa vụ và quyền lợi [của Trung Quốc] trong đường chín đoạn là đạo lý phải nên như thế của một nước lớn [5] .
                                                        Nguyên văn: blog.sina.com.cn/s/blog_4b2ed3c30100uuft.html
NGÔ ĐỨC THỌ dịch.
1g45 ngày Chủ Nhật 14-8-2011
3g 25 soát xong.

Chú:
(1)             Về Lâm Tuân và Bản đồ do Lâm Tuân chủ trì biên vẽ, xem: Ngô Đức Thọ: Lai lịch và thực chất của đường lưỡi bò. Vietnamnet, ngày 4-8-2011 , và cả trên blog này.
(2)             Tác giả là người TQ cho nên theo chính thống viết Tây Sa (tức Hoàng Sa), Nam Sa (tức Trường Sa), ở dưới không chua nữa.
(3)             Ngvăn: dân gian đích địa đồ, chỉ các bản đồ do tác giả tư nhân không phải cơ quan nhà nước biên vẽ.
(4)             Sự kiện Nam Hải: không nói rõ, nhưng chắc là chỉ vụ tầu BM 02 của Việt Nam bị tàu TQ cắt cáp quang, ở dưới cũng có nhắc lại.
(5)             Phân tích lập luận của bài này về cơ bản là khẳng định quan điểm đường lưỡi bò không hề có cơ sở pháp lý nào. Thay vì phải bác bỏ nó triệt để thì ở câu kết tác giả lại nêu ý “chiết trung”, cho rằng TQ là nước lớn có đạo lý phải giải thích minh bạch định nghĩa về đường lưỡi bò. Đường chín đoạn đã đựoc nêu lên một cách phi pháp thì Trung Quốc làm gì còn có “nghĩa vụ và quyền lợi ” trong cái đưòng chín đoạn ấy nữa mà giải thích?. Có lẽ tác giả cần viết câu ấy cho đỡ sốc với quan điểm chính thóng của chính phủ TQ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét