Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

TIẾN SĨ PETER KNOST ỦNG HỘ VIỆT NAM, PHÊ PHÁN ĐƯỜNG LƯỠI BÒ PHI PHÁP CỦA TQ

Trong cuộc biểu tình ở Berlin của người Việt Nam tại Đức ngày thứ bảy 9-7 vừa qua, Tiến sĩ sử học Peter Knost người Đức đã đọc một bài diễn văn được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt.
Tôi có ý tìm đọc bài diễn văn này, vừa may sáng nay nhận được các hình ảnh cuộc biểu tình và cả bản dịch bài diễn văn do TS Nguyễn Đức Mậu (Viện Văn học) chuyển cho. Cám ơn trang nguồn NguoiViet. de, dịch giả Nguyễn Thế Tuyền và  bạn Nguyễn Đức Mậu rất nhiều và xin chuyển đăng bài đó để quý bạn đọc trang nhà của ngoductho cùng tham khảo.

Kính gửi: Ngài Tiến sĩ sử học Peter Knost
                                (Cộng hoà Liên bang Đức)
Tôi là công dân Việt Nam quan tâm thời cuộc và vận mệnh của Tổ Quốc mình, tôi chân thành cám ơn Tiến sĩ đã có những phát biểu tốt đẹp về truyền thống yêu nước kiên cường bảo vệ chủ quyền của nhân dân Việt Nam, thẳng thắn phê phán đường lưỡi bò 9 đoạn phi pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc. Hy vọng ngài Tiên sĩ cũng như giới nhân sĩ trí thức CHLB Đức tiếp tục quan tâm, ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bành trướng bá quyền.
Hà Nội, 7-11-2011
Ngô Đức Thọ, GSTS Ngữ văn học (Hán Nôm)
***
%name
Tiến sĩ Sử học Peter Knost đang phát biểu tại cuộc biểu tình chống TQ ngày 9/7/2011 tại Berlin (H.1)
Vài lời giới thiệu
Kính thưa các quý vị, xin quý vị cho phép tôi, một nhà sử học, trước hết lướt qua phần lịch sử để rồi sau đó đánh giá và sắp xếp những sự kiện mới xảy ra gần đây, dưới con mắt của „người ngoài“ từ xứ châu Âu.
Đã từ nhiều thế kỷ, lịch sử Việt Nam và Trung Quốc rất ít khi có được tình láng giềng tốt đẹp. Tranh chấp xảy ra thường xuyên, vì người láng giềng to lớn luôn tìm cách thôn tính và muốn làm bá chủ một phần lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi những nhà sử học đã có lúc nghĩ rằng, thời đại ấy qua rồi, nhưng rất đáng tiếc chính sách của Trung Quốc hiện tại có vẻ như muốn làm sống lại những vấn đề tưởng chừng đã lui về dĩ vãng – lần này không phải trên đất liền mà là trên biển.
Nhìn lại quá khứ
Lịch sử Trung Quốc xâm lăng chống Việt Nam có thể dò theo dấu vết từ hơn 2100 năm về trước, kể từ năm 111 trước Công nguyên, khi Trung Quốc chinh phục nước Nam Việt. Sau khi nước Đại Việt ra đời vào năm 939,  nền hòa bình đã tồn tại nhiều thế kỷ, tuy nhiên người láng giềng  phương bắc luôn luôn là mối nguy cơ cho dải đất Việt, cuộc thôn tính vào thế kỷ thứ 15 là một minh chứng.
Lần xâm lược gần đây nhất của Trung Quốc chống Việt Nam trên đất liền còn in đậm trong ký ức của chúng tôi: Sau khi quân đội Việt Nam được cả thế giới hoan nghênh vì chiến công giải phóng Căm pu chia và lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pốt năm 1979, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch chống Việt Nam, nhưng ngụy biện bằng „hành động trừng phạt“ để giảm bớt căm phẫn của dư luận.
Sau khi hiệp ước hòa bình giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết vào năm 1991, tưởng như tình hình đã bình thường hóa, thông qua quan hệ buôn bán ngày càng tăng giữa hai nước láng giềng. Nhưng cuộc tranh chấp vẫn tiếp tục xảy ra, hầu như nó không được sự chú ý của dư luận thế giới cho đến mấy tuần trở lại đây. Nhưng lần này không xảy ra trên đất liền mà là trên biển.
Ngay từ năm 1974 giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có những khủng hoảng dữ dội trên lĩnh vực ngoại giao xung quanh vấn đề chủ quyền quần đảo Trường Sa. Bên cạnh Việt Nam và CHND Trung Hoa những nước và vùng lãnh thổ khác cũng lên tiếng đòi chủ quyền  đối với quần đảo này. Đó là Đài Loan, Phi lip pin, In đô nê xia và Brunei. Quần đảo Trường Sa nằm rất xa địa phận Trung Quốc, nó nằm giữa Việt Nam và Phi lip pin.
Năm 1980 giới lãnh đạo CHND Trung Hoa quyết định trực tiếp chiếm một số đảo thuộc Trường Sa,  họ đã  huy động lực lượng hải quân và thực hiện chiến dịch đánh chiếm. Trong cuộc hải chiến năm 1988, hải quân Trung Quốc đã đánh chìm hai tàu Việt Nam và dùng quân chiếm 7 đảo ở Trường Sa. Trong trận chiến đó 70 chiến sĩ  Việt Nam đã thiệt mạng. Sau đó Trung Quốc cho xây căn cứ quân sự trên mỏm Fiery – Cross. Theo nguồn tin Mỹ cung cấp, cho đến nay đã có khoảng 1000 lính đóng trên 10 hòn đảo mà Trung Quốc đã chiếm.

Tham vọng bành trướng của Trung Quốc
Quan điểm của phía Trung Quốc là toàn bộ quần đảo Trường Sa và những đảo Hoàng Sa nằm ở phía bắc, cách bờ biển phía đông Việt Nam 325 km là một bộ phận của tỉnh Hải Nam. Mặc dù diện tích không lớn nhưng hiện tại hai quần đảo này là trung tâm điểm cho sự tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Lý do được dự đoán là ở trong vùng này có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt rất lớn.
Trước sau như một, Trung Quốc vẫn đòi chủ quyền phần lớn biển Đông và đã nhiều lần dùng vũ lực tấn công tàu thăm dò của tập đoàn dầu khí Việt Nam Petrovietnam – bất chấp công ước quốc tế.
Cái gọi là „Đường lưỡi bò chín đoạn“ do Trung Quốc tuyên bố chiếm hơn 80% biển Đông, gói trọn quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc muốn chứng minh toàn bộ vùng biển giữa Hải Nam, Việt Nam, In đô nê xia và Phi lip pin là vùng quyền lợi của mình. Điều đó đã vi phạm luật biển quốc tế (Hiệp ước về luật biển UNCLOS, 1982). Và đồng thời nó cũng không phản ánh tinh thần của Hiệp ước do chính Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN năm 2002 về quyền khai thác biển (Declaration on Conduct of Parties in the South China SEA, DOC).
Tranh chấp đang xảy ra
Gần đây sự tranh chấp đã đạt mức độ căng thẳng đến kịch tính:
Ngày 26 tháng 5 năm 2011 hải quân Trung Quốc tấn công vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí Binh Minh. Ngày 9 tháng 6 năm 2011 tàu quân sự Trung Quốc  đã cắt cáp  tàu thám hiểm „Viking 2“ của Việt Nam. Và vụ này cũng xảy ra trong vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam, tức là trong vùng 200 hải lý cách bờ. Trong giới hạn  này, bất cứ nước nào cũng có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên hợp pháp.
Ngày 8 tháng 6 năm 2011 thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố về vấn đề này:
Việt Nam dũng cảm tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình, quyền tối thượng và thẩm quyền đối với lãnh hải và các đảo của Tổ quốc.
Đài truyền hình trung ương Đức ARD đưa tin về vấn đề này ngày 15 tháng 6 năm 2011 trong mục „Sự kiện trong ngày“ (Tagesschau):
Mới cách đây mấy ngày lại xảy ra một vụ tiếp theo,  một tàu hải giám Trung Quốc đã cắt cáp của một tàu thuộc tập đoàn dầu khí Việt Nam. Hà Nội trả lời bằng công bố tập trận trên biển. Ở Hà Nội, hàng trăm người đã xuống đường để bày tỏ tinh thần đoàn kết với chính phủ của họ. Trước Đại sứ quán  Trung Quốc, những khẩu hiệu được ghép từ những chữ cái rời với nội dung:“ Chúng tôi, 85 triệu dân Việt Nam, phản đối những hành động của Trung Quốc gây ra trong vùng chủ quyền của chúng tôi“.
Tiến sĩ Sử học Peter Knost đang phát biểu tại cuộc biểu tình chống TQ ngày 9/7/2011 tại Berlin (H.2)
Sự hiếu chiến của Trung Quốc không những hướng mũi tấn công vào Việt Nam mà còn tấn công cả các tàu của Phi lip pin và các nước khác ở Đông Nam Á. Ngay từ ngày 2 tháng 3 đã xảy ra vụ gọi là vụ Reed – Bank, trong đó một tàu thăm dò của Phi lip pin bị hai tàu hải giám  Trung Quốc đe dọa ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa và bắt phải ngay lập tức rời khỏi vùng này.
Tóm lại
Chính sách cố tình  khiêu khích nói trên đang gây nguy hiểm cho sự ổn định và an ninh của toàn bộ khu vực châu Á Thái Bình Dương và như vậy ảnh hưởng đến toàn thế giới. Chính vì thế, tình hình thời sự ở biển Đông đối với chúng tôi ở châu Âu xa xôi cũng là một đề tài quan trọng.
Tất cả các nước ASEAN hãy cùng với Liên Hiệp Quốc cần phải chặn đứng tham vọng bành trướng nói trên và bắt Trung Quốc phải tôn trọng những Hiệp ước mà chính họ đã cầm bút ký.
 
Tác giả: Tiến sĩ Sử học Peter Knost (người Đức)
Nguyễn Thế Tuyền (Chemnitz, CHLB Đức) chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét