Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

NGÔ ĐỨC KẾ - người giới thiệu học thuyết Đacuyn đầu tiên ở Việt Nam

Năm nay nhân dân thế giới kỷ niệm 200 năm sinh nhà sinh vật học vĩ đại người Anh Charls Robert Darwin (1809-1882). Ông là tác giả của Học thuyết tiến hoá có ảnh hưởng rất to lớn trong sự phát triển của nền văn minh của nhân loại.
Học thuyết Đacuyn không chỉ là cuộc cách mạng trong sinh vật học mà còn mở ra nhiều môn khoa học mới như di truyền học, vi sinh vật học, ứng dụng rộng ữai trong nông nghiệp, chăn nuôi  v.v…đem lại lợi ích to lớn cho loài ngơời. Ngày nay đã có học thuyết Đác - uyn mới, có nhiều khám phá, bổ sung chỉnh lý nhũng kết luận mà thời Đác-uyn chưa có phương tiện nghiên cứu. Thế giới đã biết nhiều về học thuyết Đác-uyn, nhưng ở Việt Nam cho đến những năm 20 của thế kỷ trước hầu như chưa mấy ai biết đến Đác- uyn. Nói học văn minh mà chưa biết Đác - uyn có thể nói là chưa bắt đầu.

Cách nay 85 năm và cách thời Đác-uyn hơn 60 năm, Ngô Đức Kế đã là người đầu tiên giới thiệu tiểu sử và học thuyết Đác-uyn. Trên tạp chí Hữu Thanh do ông làm chủ bút từ cuối năm 1923, sang đầu năm 1924 ông viết bài Khảo về học thuyết của hai ông tổ văn minh đời nay giới thiệu hai nhà triết học Bacon (1561-1626) và Descarts (1596-1650) (No11&12). Đến số 21 ra ngày 1-9-1924 Ngô Đức Kế đăng bài Khảo về học thuyết di truyền học của ông tổ học thiên diễn Đạt Nhĩ Văn ( Darwin ).
Ngày nay học thuyết của Đác-uyn đã được giảng dạy từ các trường trung học, đất nước đã có nhiều chuyên gia, nhà khoa học không những am tường mà còn có không ít sáng tạo ứng dụng học thuyết Đacuyn trong thực tế sản xuất và nghiên cứu khoa học.
Nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhà bác học thien tài, tôi mời quý vị và các bạn đọc lại  bài văn của Ngô Đức Kế, - một nhà cựu học nhưng từ những năm đầu thế kỷ đã không ra    làm quan, ở nhà đọc tân thư, tận sức thâu thái những tư tưởng tiến bộ của nhân loại để truyền bá vào trong nước, góp phần chấn hưng dân khí mở mang dân  trí nhằm cứu nước xây nền độc lập cho đất nước.
Bài này trước đăng Hữu thanh (như đã dẫn trên), năm ngoái nhân kỷ niệm 130 năm sinh Ngô Đức Kế đã được đưa vào trong cuốn Ngô Đức Kế cuộc đời &
UpAnh.com
Tác phẩm.  SPAN style="COLOR: rgb(153,51,0)">n giới thiệu ngoductho@hn.vnn.vn


Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Darwin
Khảo về học thuyết Di truyền học của ông Tổ học Thiên diễn (1)Đạt Nhĩ Văn (Darwin)

Ngô Đức Kế

Gần năm sáu mươi năm nay, trong thế giới vô luận chính trị, học thuật, tông giáo, tư tưởng đều sinh biến đổi rất lớn, so với mấy nghìn năm trước, giống như là một trời đất mới vậy. Nói tiến hoá, nói cạnh tranh, cầu làm ưu thắng, không chịu liệt bại. Phàm những lời nói ấy trên từ các nhà đại chính trị các nước, dưới đến học trò các nhà tiểu học hiệu, chỗ nào cũng là một câu nói thường, mà cái ảnh hưởng sinh ra rất lớn. Nói về nước này cùng nước khác thì vì đó mà nổi lên cái chính sách đế quốc, nói về học này này cùng học khác thì nổi lên phái triết học tổng hợp ; cái thế giới từ thế kỷ 20 về sau, có lẽ sẽ bị cái chính sách ấy, cái triết học ấy phủ bọc lấp đầy, mà sự tiến bộ của loài người không thể suy lường được. Cái phong trào ấy khơi từ đâu ? Khởi từ năm 1859 ông Đạt Nhĩ Văn xuất bản bài luận “Chủng nguyên”  (2)
Đạt Nhĩ Văn (Charles Robert Darwin) sinh ở nước Anh năm 1809, là cháu ông Ai Lạp Sĩ Mã (Erasmus Darwin) một nhà học thuốc cùng học bác vật có danh tiếng, về loài thực vật biến đổi cũng có khảo cứu được nhiều. Cha tên là La Bạt (Robert) cũng nối nghiệp thuốc. Ông Đạt Nhĩ Văn chín tuổi thì mất mẹ, đang lúc bé, học ở trường lại thường thua người em gái ; ông chỉ thích góp nhặt những loài cỏ cây, sâu bọ, cá ốc mà choi, đó là cái tư cách nhà bác học trời sinh như thế. Đến 16 tuổi vào nhà đại học ở Tô Cách Lan ( Scotland ) được ông thầy giáo trọng lắm, nhờ ông thầy ấy đào tạo mới có chí lập công nghiệp lớn trong học giới.
Năm 1831, ông học đã tốt nghiệp, nhân lúc ấy chính phủ nước Anh chăm nom săn sóc việc học, sai một chiếc thuyền thám hiểm đi vòng quanh thế giới để xem xét và thực nghiệm. Đạt Nhĩ Văn nhờ ông thầy cũ tiến cử, được phụ theo chiếc tàu Bích Khắc Nhi (3) mà đi. Lúc ấy ông 22 tuổi, thuyền ra Lợi Vật Phó ( Liverpool ) thẳng sang Nam Mỹ châu, qua úc châu, quanh khắp quả đất, năm năm mà trở về.
Trong năm năm ấy thực làm cái cơ sở cho một đời ông, bao nhiêu cái trí thức có thực nghiệm đều được ở đó. Lúc đã về, làm sách Nhật ký tàu Bích Khắc Nhi vượt bể công bố ra rồi, thanh giá lừng lẫy, chẳng khỏi vài ba tháng, mà các nước đã dịch ra khắp cả. Ông lại tiếp tục xuất bản hai quyển sách Khảo về học địa chất cùng các đảo san hô trong lúc tàu Bích Khắc Nhi vượt bể, từ đó danh tiếng bác vật càng lừng lẫy lắm.
Năm 1842, ông từ biệt thành Luân Đôn, về ở chỗ hương thôn, từ tuyệt những việc trần tục, cho được vắng vẻ yên nhàn, đem những tài liệu đã góp được, cùng những lẽ mới đã biết được trong năm năm vượt bể trước ấy, mà sắp đặt lại, nhồi đúc lại. Chủ ý ông cốt để lòng nghiên cứu cho đến chỗ chân lý rất mực, hết cái tinh lực trong một hai mươi năm mới thành sách, hoặc là đến đời sau mới công bố, chẳng muốn cẩu thả mà mua danh trong đời, ấy cái con mắt ông trông đến chỗ sâu xa như thế.
Ngờ đâu việc chẳng như lòng, năm 1858, có người bạn thiết (4) ông Đạt từ bên nam Mỹ gửi lai cảo một bản sách cho ông, nhờ ông trước đem chất chính cùng một bậc tiền bối là ông Lê, rồi thì công bố ra. Ông Đạt đọc báo cáo ấy, thì té ra trong ấy những tân thuyết tân lý đều là ám hợp với những lẽ mình đã mệt lòng khổ chí nghiên cứu bấy lâu mà chưa phát bố ra. Tuy vậy, ông Đạt không phải như người nhỏ mọn, sợ người ta tranh mất danh mình mà sinh lòng ghen ghét, ông bèn đem cái nguyên cảo ấy cho hai ông tiền bối là ông Lê cùng ông Phú, hai người ấy là bạn thân ông Đạt, vẫn biết rõ cái chí thú, cái hoài bão ông Đạt bèn báo ông Đạt cũng biên tập cái tân thuyết của cả ông mà đồng thời phát bố ra. Ông Đạt bèn rút cái đại lược câu luận của ông, cùng sách của ông bạn đem tuyên bố tại hội học ở Luân-Đôn.
Hai sách ấy đã ra đời, làm rung động tai mắt học giả cả nước, người thì khen rằng mới mẻ, kẻ thì chê rằng nói càn, bình luận nhao lên, không biết đâu phải trái. Ông Đạt liền góp thêm tài liệu, mở rộng lời bàn, sắp đặt thứ lớp thành bản sách mới, gọi là “Chủng nguyên”, nghĩa là cỗi gốc loài giống, năm 1859 xuất bản.
Trước khi sách Đạt Nhĩ Văn ra đời, thì người đời đều nhận rằng loài giống là nhất định không thay đổi được ; vật gì giống gì ban đầu cũng bởi Thượng đế tạo ra, từ lúc tạo lập cho đến ngày nay chưa hề thay đổi bao giờ; con chó ngày nay thế nào thì con chó đời xưa cũng thế, loài động vật thế, loài thực vật cũng thế, cây rêu cây tùng ngày nay cũng tức là cây rêu cây tùng đời xưa, loài nào loài nấy xưa nay vẫn y như thế. Còn như nói rằng loài động vật thực vật hạ đẳng cứ theo thứ lớp thay đổi tiến hoá dần dần mãi cho đến lúc thành loài người, thì cái thuyết quái lạ ấy không ai tưởng đến. Trước ông Đạt tuy có một hai người học bác vật, có xét được các hiện tượng biến thiên của muôn vật, mà phát khởi cái mối manh ra, đến ông của ông Đạt là Ai Lạp Sĩ Mã cũng từng có xướng cái thuyết ấy, song các ông ấy chỉ lược biết cái dấu tích đổi dời tiến hoá, mà không biết cái sở dĩ làm sao. Kịp đến sách “Chủng nguyên” ra đời rồi sau cái là người cùng muôn vật hoá hoá sinh sinh mới rõ rệt ra thế giới. Nay thuật lại đại lược sau này.
Đạt Nhĩ Văn nói các nguyên nhân làm sinh vật đổi dời đều bởi cái lệ chung sinh tồn cạnh tranh, ưu thắng liệt bại, nghĩa là muôn vật có cái bởi tự nhiên, có cái bởi người làm. Bởi tự nhiên thì gọi là tự nhiên đào thải (lựa học), bởi người làm gọi là nhân sự đa đào thải ; đào thải mãi mãi thì loài giống mới tiến lên.
Thế nào gọi rằng nhân sự đào thải? Phàm loài động vật mà người nuôi, loài thực vật mà người trồng, thường nhân cái cách nuôi cùng cách trồng khách nhau mà sinh vô số loài biến đổi. Thí dụ: con thỏ nhà, cho nó ăn một vật nọ mà làm cho nó khác sắc lông, nuôi có một cách kia mà làm cho nó dài tai; cứ như vậy, muốn cho nó biến thành hàng trăm loài cũng không khó gì, mà kỳ thực thì ban đầu chỉ là một loài thỏ rừng mà thôi. Lấy đó mà suy, cho đến nuôi chim cưu, nuôi cá vàng, trồng cúc trồng lan cũng đồng một lẽ như thế. Đều là lúc ban đầu một giống đơn giản mà sức người làm ra cho biến đổi đến mấy chục mấy trăm thứ không cùng. Ông Đạt đã từng lưu tâm tra xét chim cưu đổi giống, lúc bấy giờ người nước Anh hay nuôi chim cưu, ông Đạt làm hội viên hội nuôi chim cưu, đã đạt hết sức xét được những phép đổi giống đến mấy trăm thứ.
Loại giống thay đổi như thế, không phải thoắt vậy mà đổi ngay đi cả đâu, đó là từ cái điểm rất nhỏ mà sau thì lớn. Thử xem loài chó, có loài chó làm chó giữ nhà, có loài chó chăn dê, có loài chó kéo xe, mỗi loài đều có cái tính chất cái trí năng khác nhau, để thích hợp với người sai bảo, đó không phải nguyên sinh như thế đâu, thực là bởi lòng người thầy bảo luyện tập đã lâu đời, mở được phần trí năng của nó, cho nên mới có thế. Không những loài vật như thế mà thôi, dù loài người cũng có như thế. Người Tư Bá Đạt ( Sparta ) nước Hy Lạp xưa, thường dùng phép đào thải ấy: phàm con mới đẻ, nếu mà yếu đuối tật nguyền thì bỏ đi không nuôi, không cho truyền cái giống ấy ra, chỉ nuôi những đứa cứng mạnh để truyền giống tốt. Vậy cho nên dân Tư Bá Đạt khoẻ mạnh hùng vũ có tiếng, đến ngày nay xem trong lịch sử, còn tưởng thấy được cái di phong, như thế là nhờ có cái công người đào thải mà được.
Từ lúc cái học thuyết ông Đạt Nhĩ Văn đã rõ sáng ra, thì về việc giáo dục các nước có ảnh hưởng lớn, tuy rằng cái thế giới văn minh này, không có lẽ dùng cái thủ đoạn bạo tàn như người Tư Bá Đạt đâu, song đã biết được rằng cái tinh thần cùng cái thể phách người ta, đều nhân luyện tập mà sinh biến đổi khác thường, vậy cho nên các học hiệu ngày nay lại càng chú ý về hai đàng thể dục cùng đức dục, ngày xưa chỉ trọng dạy bảo mà nay thì càng trọng luyện tập; treo một cái mục đích rất phải rất tốt, khiến người một nước cùng người cả thế giới nom đó mà tiến lên, chất chứa lâu ngày mà đến được ; ấy là cái công hiệu học thuyết của ông Đại Nhĩ Văn cả.
Gọi là tự nhiên đào thải là nghĩa thế nào, thì Đạt Nhĩ Văn chưa dám vội đoán, phải xem kỹ xét sâu, hết lòng nghĩ ngợi, mãi sau mới tìm ra cái lẽ chung “vật canh thiên trạch” (5)  – Cây này cùng cây kia đồng ở một chỗ mà bên khô bên rậm khác nhau, đó tất là trong cái sức cây tốt ấy có chỗ đặc biệt để thích hợp với cái cảnh ngộ tự nhiên thì mới tự tồn được, mới truyền giống được. Ví như giữa bãi sa mạc,  có các thứ sâu đủ các sắc sinh ở giữa ấy, thì lúc thụ sinh cũng vẫn như nhau, song sâu xanh sâu đỏ sâu đen các thứ sâu ấy đều dễ nhận thấy, cho nên những loài chim loài cắc kè thường bắt mà ăn, khiến cho các thứ sâu ấy mỗi ngày mỗi giảm đi, mà giống nòi phải đến tiêu diệt ; còn lại đó là giống sâu nào đồng một sắc với loài cát khó nhận cho thấy được mà thôi. Dù đến loài chim loài tắc kè cũng thế, những con sắc xanh sắc đỏ sắc đen, thì dễ nhận, loài sâu trông thấy đều trốn tránh hết, thành ra nó thường không kiếm được ăn mà chết, càng ngày càng ít đi, mà giống nòi phải đến tiêu diệt ; còn lại đó là giống chim giống cắc kè nào đồng một sắc với bãi cát, khó nhận cho thấy được mà thôi. Vì cớ ấy, cho nên phàm những chỗ bãi sa mạc, chỉ có loài trùng sắc vàng sắc trắng cùng loài chim sắc vàng sác gio mà thôi, vì nó thích hợp với cái cảnh ngộ tự nhiên, cho nên mới sinh tồn được.
Ông Đạt suy nguyên cái lẽ “vật cạnh” rằng : cái số loài vật ở mặt đất sinh sản ra so với cái số vật chất để bổ dưỡng cho sống thì thường thường không xứng nhau, cái suất nhiều hơn không biết bao nhiêu mà kể xiết được; nếu chỉ sinh mà không diệt, thì chỉ một con đực một con cái sinh ra con cháu đã đủ choán hết cả mặt địa cầu.
Tức như loài người là loài sinh đẻ ít mà lại chậm, vậy mỗi 25 năm thì số người sinh gấp lên một lần, cứ thế mà tính, thì chỉ một vợ một chồng sinh ra con cháu, trải một ngàn năm đã thấy đứng chen chân nhau trên mặt địa cầu rồi, huống chi loài động vật loài thực vật, sinh sôi nảy nở rất chóng quá hơn loài người biết bao! Trong loài động vật mà sinh sản chậm nhất là loài voi, từ 30 tuổi đến 90 tuổi là hạn sinh đẻ, lấy số ít lắm mà tính, mỗi con cái con đực sinh được 6 con, trải bảy trăm năm mươi năm thì được một nghìn chín trăm con voi. Xem một loài voi thì các loài khác cũng suy xét được. Như vậy, ở trong một quả đất, diện tích có chừng, mà sinh bao loài giống đông đúc không có chừng, thì thế tất phải đến cạnh tranh. Cái kết quả cạnh tranh ra thế nào? Tức là: “cái nào thích hợp thì sống còn”, là cái công lệ đã nói trước ấy.
Ông Đạt nói, cái sức đào thải tự nhiên không lúc nào hở, cũng không lúc nào thôi, so với cái sức đào thải người làm rộng hơn quá vạn vạn. Cũng tỉ như đem những vật trời sinh, cùng những vật người tạo ra hai bên so sánh nhau vậy. Và cái ảnh hưởng ấy không những đồng một giống như thế mà thôi, dù giống này cùng giống khác cũng thường có quan hệ với nhau rất là rối rít.
Xưa có người lấy giống hoa lan ở bên Anh đem trồng ở đồng nội Nữu Tây Lan (New Zealand) trồng mãi mà không sinh nở ra được, duy có trồng chỗ gần làng xóm thì mới tốt mà nảy ra nhiều mầm. Xét cho biết cái cớ ấy, thì vì rằng giống lan sinh nảy thì thường nhờ con ông truyền đem cái phấn hoa của nhụy đực cùng nhụy cái lẫn theo nhau thì mới truyền giống được. ở đất Nữu Tây Lan nhiều thứ chuột đồng hay ăn ong, không có ong cho nên giống lan không sinh nẩy ra được. Còn chỗ gần làng xóm mà khác thế là vì có mèo, có mèo cho nên không có chuột đồng, không có chuột thì tự nhiên ong nhiều, có ong cho nên lan mới tốt được. Ai biết rằng cây lan sinh sản cùng với con mèo mà có quan hệ lớn như thế? Ông Đạt dẫn những chứng cứ ấy rất nhiều, khiến người ta biết rằng sự vật cùng sự vật quan hệ với nhau, cái nguyên nhân ấy thật là phiền tạp, cái sức con mắt ông Đạt thật là vĩ đại.
Muôn vật đều cạnh tranh cả, song khác loài mà cạnh tranh không bằng đồng loài mà cạnh tranh càng kịch liệt hơn. Vì rằng loài vật nào cũng kiếm vật ăn, mà khác loài thì khác đồ ăn, cho nên không thiệt hại nhau; như con hùm với con trâu, con lang với con dê, con chim với con rắn mà cạnh tranh nhau, thì không bằng hùm với hùm, lang với lang, rắn với rắn.
Phàm loài gì gần nhau thì cạnh tranh càng kịch; loài người tranh với loài chim loài cá không bằng tranh với loài thú; người Âu châu tranh với các mọi rợ châu khác không bằng các nước Âu châu tranh lẫn nhau. Cạnh tranh càng kịch thì loài nào tối thích càng xuất hiện ra.
Cái loài nào đã thích hợp sinh tồn, thì không những sinh tồn cái bản thể mà thôi, tất đem cái sở dĩ được hơn sở dĩ được thắng mà truyền cho con, con lại truyền cho cháu, như vậy lâu lâu rồi cái tài năng đặc biệt ấy, loài vật khác cũng không bằng được, mà cái năng lực ban đầu ngẫu nhiên mà được đó nay biến ra cái tài năng tính chất nhất định, dần dần biệt thành một chủng tộc riêng, ấy đó là cái nguyên do biến chủng khởi từ đó.
Nếu biết rõ lẽ ấy, thì biết rằng hiện nay mọi vật đông đúc, nhiều loài nhiều thứ khác nhau, lúc đầu tất có bởi một dòng dõi nào, nếu cứ cái bản chất mà xét kỹ ra thì tất có cái dấu tích đồng với nhau có thể tìm ra được. Lúc đầu chắc là đồng một tổ, mà hiện nay các sinh vật đông đúc như thế, chẳng qua chỉ noi theo cái lệ tự nhiên đào thải mấy mươi vạn năm nay, ít ỏi mà dần dần rườm rực đó mà thôi. Dù loài người cũng là một giống trong sinh vật, không sao trốn khỏi cái công lệ ấy. Cho nên Đạt Nhĩ Văn đã cứ theo nhà học địa chất đã tra xét những sinh vật còn dấu tích ở trong tầng đá dưới hết trong vỏ quả đất, xét cái thứ tự đổi dời tiến hoá, mà loài bản luận  “Tổ loài người” năm 1871 xuất bản. Ông ra bản sách ấy để tỏ ra loài người cũng là từ loài hạ đẳng động vật dần dần tiến hoá mà thành ra.
Ông Đạt từ lúc xuất bản bài luận “Chủng nguyên”, rồi sau cứ nghiên cứu mãi, sưu tập mãi mãi, đến già không thôi, sau cứ lục tục xuất bản đến hơn 20 thứ nữa. Năm 1882 ông mất, 74 tuổi, tin buồn ấy đăng lên trong các báo, vô luận người biết ông, kẻ không biết ông, ai cũng một lòng thương xót. Sau được quốc hội nghị định, lấy lễ quốc tang đem di hài ông về táng bên một ông danh nho là Nại Đoan ( Newton ). Nga, Đức, Mỹ, Pháp, ý Đại Lợi, Tây Ban Nha, đều sai quan đến dự lễ táng, các viên đại biểu của các nhà đại học cùng các học hội, đều dự lễ tang kể hàng nghìn.
Những sách công ông Đại Nhĩ Văn đến 27 thứ, nghĩa lý tinh thâm, chứng cứ rộng rãi, dẫn bao nhiên bậc hồng nho thạc học, hết sức nghiên cứu cả đời cũng chưa hết được mối manh, huống chi trong một hai tờ giấy ngắn ngủi mà muốn rút cái ý nghĩa cốt yếu ra làm sao cho được? Song sở dĩ thảo cái bài này, là muốn cho quốc dân biết cái căn do tư tưởng đổi dời về đời cạn thế, lại cho biết rằng cái học thuật ấy không những chỉ coi là một khoa học bác vật mà thôi, cái lẽ hơn được kém thua tự nhiên đào thải ấy thực là thông hành cả, nhất thiết nước nhà, giống họ, tông giáo, học thuật, hết thảy nhân sự, không kỳ việc nhỏ việc lớn, không có gì không vào  trong cái phạm vi thiên diễn, chẳng hơn thì kém, chẳng còn thì mất; phàm những loài huyết khí sinh trưởng giữa thế gian này phải nên trông đó mà sợ hãi lo lắng làm sao cho thích hợp để cầu sinh tồn ở ngày nay mới được.
Lúc đầu cái tân thuyết ông Đạt Nhĩ Văn mới ra đời thì người đạo Da Tô xem như là thù nghịch, cũng như mấy trăm năm trước họ phản đối cái thuyết quả đất chuyển động vậy. Vì câu luận ấy trái với sách Cựu ước nói “Đấng Thượng đế trong bảy ngày mà tạo thành các loài vật, loài người” ; tuy vậy, cái chân lý thường được thắng lợi về sau, đến ngày nay thì hội đạo cũng phải nín, không thể phản đối được nữa.
Hữu Thanh, số 21.ngày 1-9-1924

(1)   Học Thiên diễn: Học thuyết về sự tiến hoá tự nhiên của muôn loài, nay gọi là thuyết tiến hoá
(2)   Chủng nguyên: Nguồn góc các loài.
(3)   Bích Khắc Nhi: Beagle, tên con tàu thám hiểm.
(4) Bạn thiết: bạn thân.       Người bạn thân của Đacuyn nói đây là Alfred Ru ssell Wallace (1823-1913).
(5) Vật canh thiên trạch: sinh vật cạnh tranh sinh tồn, thiên nhiên chọn lọc.





UpAnh.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét