Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Lưu dấu sự hình thành và phát triển đội ngũ Trí thức Nho học Việt Nam

Về một ý nghĩa quan trọng nhất của
Hệ thống Bia Tiến sĩ VM-QTG Thăng Long
 
Lưu dấu quá trình hình thành tầng lớp Trí thức Nho học Việt Nam
 

GS.TS Ngô Đức Thọ
 
 


Trong khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long của Việt Nam ở Hà Nội hiện nay có một nơi có liên quan với nó nhưng là một di tích khác - Đó là vườn bia gồm 81 bia Tiến sĩ triều Lê và 1 bia Tiến sĩ triều Mạc.
Theo thời gian, nhũng tấm bia này lần lượt được dựng lên trong vừon bia xung quanh Thiên Quang tỉnh. Năm Tự Đức thứ 6 (1863) án sát Hà Nội Lê Hữu Thanh cho dựng hai đình bia và nhà dài che bia mỗi bên hai dãy. Hai bức hình mà bác sĩ Hocquart chụp được vào khoảng năm 1884-1885 và cả bức ảnh Vikipedia thu được như ta thấy chỉ còn hai đình bia, các dãy nhà bia đều đã hư hoại không còn. Các tấm bia đứng mỗi bên hai hàng khá chỉnh tề, đó là kết quả quy tập của Lê Hữu Thanh. Còn 4 dãy nhà bia hiện nay là do Trung tâm VMQTG mới dựng gần đây.
Số lượng văn bia của khu di tích như số đã ghi trên. Trong một cuốn sách về văn bia tiên sĩ ở VNQTG tôi đã khảo cứu năm dựng của từng bia, trình bày các điều tra từng thời kỳ như Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng có bao nhiêu khoa, những khoa nào đã được dựng bia, khoa thực chưa dựng bia, khoa nào đã dựng nhưng sau bị mất v.v.., trong bài viết này xin không phải nhắc lại nữa.
Xin xem: Văn Miếu –Quốc Tử Giám và Hệ thống bia Tiến sĩ ở Thăng Long. Ngô Đức Thọ khảo cứu và giới thiệu
Trong cuốn: Văn Miếu-QTG và 82 bia Tiến sĩ. Ngô Đức Thọ khảo cứu, giới thiệu và hiệu đính. Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học VM-QTG xuất bản, H.,2002.
 
Trải bao nắng mưa hơn 5 thế kỷ, các chứng nhân đá còn lại ngày nay và mai sau nữa, chắc hẳn phải có điều gì mới mẻ để nói với chúng ta? Bài viết của tôi tìm kiếm mối liên hệ của nhiều sự kiện lịch sử, cố gắng đọc cho ra những thông điệp có ý nghĩa từ Vườn bia Tiến sĩ VMQTG.
Các bia Tiến sĩ ở VMQTG có nhiều ý nghĩa đối với lịch sử văn hiến của dân tộc ta, các nhà nghiên cứu từ trước đến nay phần nhiều đều có bàn đến. Phần tôi trong cuốn sấch đã dẫn tôi cũng đã trình bày mấy vấn đề như:
I.Gia trị lịch sử – văn hoá của các bia Tiến sĩ VMQTG2.
II.Sử liệu tin cậy nhất về các nhà khoa bảng.
III. Giá trị văn học -  điêu khắc  - thư pháp.
Có vài vấn đề liên quan đến ý nghĩa tổng thể của khu di tích, trước chỉ mới trình bày kết hợp vào trong các mục nêu trên. Tham luận hôm nay tôi xin trình một trong những ý nghĩa và giá trị quan trọng nhất của các bia Tiến sĩ VMQTG, đó là chủ đề:
 
 
Các bia Tiến sĩ VMQTG Thăng Long:  biểu tượng của sự hình thành và phát triển tầng lớp trí thức Nho học Việt Nam .
Với việc dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử, giai cấp phong kiến Việt Nam thể hiện quyết sách tiếp thu Nho giáo để dùng Nho giáo làm chuẩn mực cho đường lối trị nước.
Sau cả ngàn năm Bắc thuộc, nhiều lĩnh vực văn hoá của người Việt giao lưu sâu, tiến đến tương đồng với văn hoá Trung Quốc (nghi lễ [cưới xin, ma chay], phong tục, tập quán, tín ngưỡng [thờ  cúng tổ tiên]),  nhưng đó đều là những mặt thuộc phạm trù Nho giáo thực dung. Còn Nho giáo lý thuyết ý thức hệ không đặt được chân đứng ở VN. Lý do:  các quan Tàu sang cai trị chỉ lo thu thuế bắt lính cho triều đình, vơ vét cho bản thân, không có trách nhiệm truyền bá Nho giáo lý thuyết ở Giao Châu – các địa phương miền Lĩnh Nam bên chính quốc của họ cũng không hơn gì. Trong khi đó các nhà sư, với thế thượng phong từ thời Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, nắm chặt chữ Hán làm phương tiện hữu hiệu để truyền bá Phật giáo. Sự truyền bá đó là sâu rộng, đến mức chỉ khoảng 60 năm sau khi chấm dứt thời bị đô hộ, lịch sử đã có thể ghi nhận Đại Việt dưới triều Lý là một quốc gia độc tôn Phật giáo. ở triều đình thì có các nhà sư được tôn làm quốc sư, hoàng thân quốc thích chia giữ các chức vụ quan trọng với sự giúp rập của những thuộc hạ ít nhiều có chữ nghĩa được học chữ Hán ở các nhà chùa. Triều Lý với vị vua sáng nghiệp có tầm nhìn xa trông rộng như Lý Thái Tổ (dời đô) tất nhận thức được sự hẫng hụt những kiến thức để tổ chức công việc trị nước lâu dài. Không ai giúp được họ việc này. Kinh sách Phật giáo thấm nhuần tư tưởng từ bi giải thoát của đức Phật, nhưng Phật không bàn về phương cách trị nước. ấn Độ là nơi ra đời của Phật giáo, nhưng vương quốc cổ ấn Độ tồn tại được bởi chủ thuyết của đạo Bà La Môn với nguyên tắc phân chia đẳng cấp rất khốc liệt. Chính đức Phật đã phải rời khỏi vương triều của đẳng cấp Bà La Môn tối cao để tìm đường cứu độ chúng sinh. Các vua Lý không bỏ nước để theo chân đức Phật. Vậy, tuy không đặt ra chọn lựa, mà sự chọn lựa thực đã nẩy sinh từ thực tiễn. Đó là con đường đã dẫn Lý Thái Tổ và các con cháu nối ngôi tiến dần đến ngôi đền tư tuởng của Khổng giáo.
Một loạt các sự kiện (rất chầm chậm ở tầm quốc gia): 
-10 sau loạn ba vương, Lý Thái Tông dẫn bách quan đến đền Đồng cổ đọc lời thề “Trung hiếu” (đạo đức trung tâm của đạo Nho), năm 1042 ban Hình thư. Lý Thánh Tông năm 1070 dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử. Lý Nhân Tông năm 1075 mở khoa thi Nho học cấp quóc gia đầu tiên, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh được trọng dụng làm quan đến chức Thượng thư, lo việc bang giao với Trung Quốc.
-Các khoa thi “Đại tỉ” (thi lớn ở kinh đô, tuơng đương như khoa thi Tiến sĩ ) thòi Lý –Trần thưa và không đều kỳ, nhưng đã thành thường pháp suốt đời Lý. Sang triều Trần giáo dục Nho học phát triển mạnh. Toàn quốc thi Hương đã phải chia ra làm 6 trường. Các Cử nhân về kinh thi Hội đông đến trên dưới 1000 người. (Khoa 1304 đời Trần Anh Tông – khoa Mạc Đinh Chi đỗ Trạng nguyên, 44 người đỗ Thái học sinh. Vua cho những người thi Đình không đỗ nhưng thi Hội trúng cách được ở lại kinh học Quốc Tử Giám, con số là 330 người [Toàn thư BK6-19a], - đông hơn sĩ số của cả Đại học VN ở Hà Nội sau hoà bình lập lại năm 1954).
Trên quy mô toàn xã hội, những chuyển biến về tư duy nếp sống v.v…thường phải thời gian lâu dài, khó một sớm một chiều thay đổi được. Nếu kể cả thi Hương số người được đào tạo Nho học có thể đã đông đến mấy nghìn người. nhưng phần đông chỉ làm các chức quan lại cấp thấp ở địa phương. Nhà Trần vẫn theo nguyên tắc của chính quyền quý tộc, người đỗ đạt cao nhưng xuất thân bình dân thường chỉ được bổ dụng chức quan nhỏ ở triều đình – Bản thân Nho sĩ cũng nhiều người không hứng thú việc chấp chính, họ ẩn dật làm môn khách cho các vương hầu (Trạng nguyên Bạch Liêu làm gia khách của Thượng tướng Trần Quang Khải; cuối Trần Thái học sinh Nguyễn Phi Khanh làm gia sư ở dinh Tư đồ Trần Nguyên Đán; nhiều người theo gương Trúc Lâm đại sĩ xuất gia tu hành, hoặc ở lại quê nhà dạy học, tìm thú tiêu dao nơi suối rừng) v.v…
Tình hình chung như thế: có thể nói số người được đào tạo Nho học khá đông, nhưng tầng lớp trí thức Nho học vẫn chưa có vị thế thích đáng trong xã hội. Không lưu ý đúng mức đặc điểm này có lẽ sẽ khó hiểu tại sao mong muốn cầu tìm kẻ sĩ hiền tài của các vua Lê lại đến mức có thể gọi là khát khao, bia Tiến sĩ các khoa không ngớt xướng ngôn “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” như vậy.
Lịch sử có quy luật nhưng cũng có những may mắn ngẫu nhiên. Lê Lợi là một người gặp may như vậy. Vị anh hùng này chỉ  là phú hào đất Lam Sơn, chữ nghĩa cũng chỉ đủ để đơn từ giao thiệp với người Minh. Trong hàng lãnh đạo nghĩa quân lúc ấy không thấy ai có duyên may học hành nhiều. Đén khi Nguyễn Trãi từ Đông Quan vào tìm minh chủ thì tình hình đã đổi khác. Có được Nguyễn Trãi, Lê Lơi có trong tay Bình Ngô sách với phương lược “tâm công” hơn “công thành”, “dĩ nhu thắng cương”, “nhân nghĩa thắng hung tàn”, đó là những khái niệm tinh thuần của Nho giáo, của Hán học, chỉ những bậc đại Nho như Nguyễn Trãi mới có niềm tin vận dụng vào thực tiễn.  Trước đã nghe danh cửa Khổng sân Trình, nay lại gặp  bậc hiền tài như Nguyễn Trãi, lòng sùng bái của Lê Lợi với đạo Nho có thể nói là vô bờ, trở thành một niềm khát cầu – kỳvọng lớn lao về tầng lớp trí thức Nho học nước nhà. Khi Bình Định vương tiến quân đến bãi Bồ Đề (Gia Lâm), dân các nơi nghe tin đến giúp vua đánh giặc. Khi ấy bên thành Đông Quan quân Vương Thông đang đóng đầy, mà vua cũng chưa lên ngôi hoàng đế. Thế nhưng Bình Định vương nhân dịp ấy tổ chức “dã chiến” một cuộc thi Nho học (1426) với cả ngàn người ứng thí, chọn được bọn các ông Đào Công Soạn 33 người, bổ nhậm ngay vào các chức việc. Đó thật là một cuộc tuyển chọn hiền tài tưng bừng ngoạn mục độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa cử, không chỉ nói riêng Việt Nam mà hẳn cũng không có tiền lệ nào khác ở các nước đồng văn. Việt Nam học kinh điển của Trung Quốc, nhưng cách thức quý trọng kẻ sĩ như thế, tôi nghĩ nên mời các chuyên gia văn hoá của Liên hiệp quốc dành cho lời bình giá.
Thái Tông Lê Nguyên Long nối chí, đã có những quyết sách rất quan trọng định hướng cho cả quy chế khoa cử được thi hành lâu dài ở nước ta. Ngay năm đầu tiên lên ngôi vua đã đặt định những quy chế rất cụ thể. Tên gọi: Tiến sĩ khoa (khoa thi Tiến sĩ; định lệ: 3năm mở một khoa – năm trước thi Hương, năm sau thi Hội. Các danh hiệu học vị chính thức: Đệ nhất giáp…, Đệ nhị giáp …, Đệ Tam giáp…v.v…Các nghi thức: sau thi Hội yết Bảng mực nhạt (Đạm mặc bảng), sau thi Đình yết Bảng vàng. Bộ Lễ định ngày dẫn các tân khoa Tiến sĩ vào điện đình làm lễ tạ ơn vua rồi đến dinh bộ Lễ dự quốc yến vua ban, lĩnh các cành hioa vàng hoa bạc theo thứ bậc khác nhau v.v.. Các quy chế nghi thức này có lệ theo quy định của các triều trước, có lệ mới đặt theo quy chế của nhà Minh, như lệ treo bảng vàng theo lệ khoa v.v…Bậc đại bối Cao Xuân Dục cho rằng định lệ cho dựng bia Tiến sĩ cũng đã được vua Lê Thái Tông quy định trong dịp này. Khoa thi Tiến sĩ đầu tiên của triều Lê không diễn ra trong năm sau như dự định của vua mà phải dãn hạn đến năm Nhâm Tuất Đại Bảo 3 (1442) mới thực hiện được.
Lê Thánh Tông đạo học tinh thuần, hoằng dương trị đạo. Vua nghĩ tiên đế gian lao gây dựng cơ đồ, càng dốc tâm  xây dựng nền giáo dục, mọi việc đều đặt định quy chế rõ ràng.Về thi cử từ khoa Quang Thuận 4 (1463) tuân thủ nghiêm nhặt định lệ ba năm mở một khoa thi, năm trước thi Hương năm sạu thi Hội. Định lệ thi Hương thi Hội ổn định lâu dài, không chỉ với triều Lê mà triều Mạc và triều Nguyễn sau này cũng theo đúng lệ ấy.
Đúng là: “Đến đời Quang Thuận, Hồng Đức vận nước tươi sáng, khoa mục xuất thân, nhân tài đầy dẫy, đủ cung cho nước dùng” (Phan Huy Chú, Văn tịch chí).
Tầng lớp trí thức Nho học đủ đức tài kinh bang tế thế, đến giai đoạn này trưởng thành vững mạnh, xứng đáng với niềm kỳ vọng của cả quốc gia.
 Tính đến khoa Hồng Đức 15 (1484) với 12 khoa thi Tiến sĩ, triều Lê đã đào tạo và phát hiện được 418 Tiến sĩ các hạng (đứng đầu là 8 Trạng nguyên). Các vị đại khoa ấy đã được bổ dụng các chức việc để thi thố tài năng giúp vua giúp nước. ước vọng có một lớp người có học thức tài năng mà những người có trọng trách cai trị quốc gia từ các triều Ly-Trần-Hồ đến đầu Lê hằng mong đợi nay đã trở thành hiện thực. Phần đông các vị đó những cống hiến cho đất nước, khiến cho đường lói nhân chính của vua thấm đến với dân gian trăm họ. Đạo đức tài năng của họ đã đưa quốc gia Đại Việt bước lên con đường sáng, dù chưa phú cường, nhưng xã hội yên bình, văn hoá giáo dục mở mang, người dân được an cư lạc nghiệp. Cho đến khi ấy, những người trẻ tuổi còn tại vị trong triều ngoài quân, người nhiều tuổi đã về trí sĩ chốn hương thôn, cũng nhiều người đã khuất như Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1474), HG Dương Chấp Trung (1414-1469),HG Nguyễn Bá Ký (?-1465) v.v…Vua nghĩ những  người anh tú ấy eeuar đất nước khi thi đỗ được ghi tên Bảng vàng, ra làm quan được hưởng lộc nuớc, nhưng khi nằm xuống cỏ che mưa xoá, dăm ba năm không ai  nhắc đến danh tính cũng mai một, không còn gì để cho đời sạu trông ngóng noi theo. Vua nhớ Tiên đế (Thái Tông) đã đặt lệ dựng bia đề danh cho các Tiến sĩ, nhưng vì triều đình nhiều việc nên việc dựng bia chưa làm. Sử không ghi rõ vua sai chuẩn bị việc ấy, nhưng chỉ cho biết sự kiện lớn ấy đã diễn ra ngày 15-8 năm Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (5-9-1485):
“Ngày 15, dựng bia có bài ký ghi tên các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 vua Thái Tông triều ta đến nay. Vua cho là từ năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông đến giờ1, việc dựng bia, đề tên tiến sĩ các khoa vẫn chưa làm được, sai Lễ bộ thượng thư Quách Đình Bảo biên rõ họ tên, thứ bậc các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông, khoa Mậu Thìn năm Thái Hòa thứ 6 triều Nhân Tông, khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ 4, khoa Bính Tuất năm thứ 7, khoa Kỷ Sửu năm thứ 10, khoa Nhâm Thìn năm Hồng Đức thứ 3, khoa ất Mùi năm thứ 6, khoa Mậu Tuất năm thứ 9, khoa Tân Sửu năm thứ 12 đến khoa Giáp Thìn năm nay, khắc vào bia đá.” (Toàn thư, BK13-3a)
    Như Toàn thư đã ghi thì lễ dựng bia đợt đầu hôm ấy dựng luôn một loạt 10 bia một quang cảnh thật rất hoành tráng. Tiếc vì không có tư liệu riêng biệt nào khác nên xin dẫn một đoạn trong bài ký bia khoa Đại Bảo (1442) là tấm bia đầu tiên được dựng trong đợt đầu ấy để có thể biết sự kiện dựng các bia Tiến sĩ có ý nghĩ quan trọng như thế nào:
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia là công việc trước nhất. Vì kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết dường nào, đã được đề cao bởi khoa danh, lại được ban tước trật cao trọng. Ơn ban đã nhiều mà vẫn coi là chưa đủ. Lại nêu tên ở tháp Nhạn, ban danh hiệu Long hổ để ngợi khen. Mở tiệc báo tin, triều đình mừng được người tài, không việc gì không làm hết mức. Nay thánh thượng anh minh lại nhận thấy việc lớn tốt đẹp tuy đã vẻ vang một thời, nhưng lời khen tiếng thơm chưa đủ để lưu truyền lâu dài cho hậu thế. Vì thế lại cho khắc đá đề tên dựng ở cửa nhà Thái học để cho kẻ sĩ chiêm ngưỡng, hâm mộ phấn chấn, rèn luyện danh tiết, hăng hái tiến lên giúp rập hoàng gia. Há phải chỉ là chuộng hư danh, sính hư văn mà đặt ra đâu!”
Câu văn:
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. ”(Hiền tài quốc gia chi nguyên khí. Nguyên khí thịnh tắc quốc thế cường dĩ long, quốc thế nỗi tắc quốc thế nhược dĩ ô)
        hàm súc như chân lý, đã trở thành một danh ngôn. Các soạn giả văn bia các khoa sau cũng dẫn câu ấy đến 7 lần (các khoa Hồng Thuận 3[1511], Chính Trị 8 [1565], Hoằng Định
5 [1604], Phúc Thái 1 [1643], Vĩnh Thọ 4 [1661], Chính Hoà 15 [1694], Chính Hoà 21[1700]). Các nhà nghiên cứu, nhà văn thế hệ hiện nay thì số lần trích dẫn, bình luận không đếm xuể: Google ghi vào cacho 1670 lần.
Tôi dịch chú bia Tiến sĩ Văn Miếu giở đi giở lại chỉnh trang câu ấy không biết bao lần, lần nào cũng xúc động. Cả câu sau đây nữa:
“Ôi, kẻ sĩ ở chốn trường ốc lều tranh, danh phận thật là nhỏ mọn mà được triều đình đề cao hết mực như thế, thì người mang danh kẻ sĩ phải trọng thân danh mình mà lo báo đáp, phải nên thế nào?”
Nay thì những người đứng ra cầu tìm và tất cả các hiền tài nguyên khí quốc gia đều đã về vĩnh hằng. Những đóng góp của họ đã hoà tan cả trong lịch sử phát triển của quốc gia Đại Việt nghìn năm văn hiến. Còn lại một mảnh đất nhỏ um tùm trong rặng cây vẫn tua tủa lên trời xanh 82 tấm bia Tiến sĩ để lưu dấu quá trình từ thai nghén đến trưởng thành của tầng lớp trí thức Nho học Việt Nam .
Bước chân vào khu vực các tấm bia này có lẽ không ai nghĩ rằng chỉ những tấm bia của thời thịnh trị hoặc có tên của những danh nhân hết sức lỗi lạc mới là đáng trân quý. Vườn bia ấy không chỉ tiêu biểu cho các nhà tri thức triều Lê mà cũng đại diện cho cả các nhà khoa bảng từ thời Trạng nguyên khoa Minh tinh Lê Văn Thịnh đời Lý, các tri thức Nho học đời Trần - Hồ như Trần Chu Phổ, Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Triệu Thái v.v… Tôi nghĩ đó là ý nghĩa tổng thể, thực có, của vườn bia VMQTG mà những ai đã viếng thăm nơi đây đều cảm nhận được. Còn việc soi kính hiển vi để nghiên cứu tường tận, khi cần thiết cũng phải làm, nhưng toàn bích không tì vết thường rất hiếm. Nhưng thời đại đã lùi xa, ngày nay chúng ta chẳng lẽ không thể rứt bỏ tâm trạng nặng nề chê trách cha ông, rằng chung cục thì tầng lớp tinh hoa đó của dân tộc đã thất bại trước trách nhiệm lãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm hồi cuối thé kỷ XIX (dẫn đến nhiều hệ luỵ về sau) hay sao? Lại còn chuyện cái mà ta học được chỉ là tri thức của Nho giáo, như đã trình bày ở trên, lẽ nào chúng ta lại quên mất phép biện chứng lịch sử để không hình dung ra: nếu vua quan triều Lý quay lưng với phương Bắc thì chỉ còn cách vô vọng nhìn qua biển Đông để dõi đến phía chân trời còn chưa biết rõ có những đất nước nào bên kia bờ Thái Bình Dương? Nếu không thế ắt chỉ dẫm chân tại chỗ, cùng duy trì thôn xóm không một tiếng đọc Thi Thư như các bản của các tộc người nói tiếng Mường, Thái, Tày Nùng hiện nay. Còn như yêu thích thuyết Nhân Nghĩa của đạo Khổng Mạnh, yêu thích thậm chí bắt chước, mô phỏng văn minh của người Hán để làm đẹp cho văn hoá mình không có nghĩa là không đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, không bắt sống Toa Đô, đuổi dài Thoat Hoan, hoặc như gần đây nhất chặn quân bành trướng xua về bên kia biên giới. Văn tức là người, nhưng con chữ thì chỉ là phương tiện, các thế hệ Việt Nam ngày nay và mai sau nếu rẻ rúng với tri thức thành tựu của người xưa thì cũng khó biết đặt chân trên mảnh đất nào để tiến lên.
Chính vì lẽ đó mà tôi nghĩ vô cùng trân quý các tấm bia Tiến sĩ ở VMQTG, hy vọng nó còn mãi lâu dài để lưu dấu cả quá trình vẻ vang nhưng là rất lâu dài gian khổ để hình thành nên tầng lớp Trí thức Nho học Việt Nam .
29 tháng 7 năm 2007
Ngô Đức Thọ
 
(Hội thảo góp ý kiến để xây dựng Hố sơ Ký ức Thế giới Bia VMQTG)

Phụ lục I
Bảng tổng hợp các khoa thi - Người soạn bia -                                       
Số người dự thi – Số  người đỗ
    
Thứ tự Khoa thi Người soạn bia Số ngườidự  thi Số  lấy đỗç Chia 3 giáp
   
 
   
NhấtGiáp
Nhị  giáp
Tam giáp
1. Đại Bảo 3 (1442) Thân Nhân Trung    450 33 3 7 23
2. Đại Hoà 6 (1448) Đỗ Nhuận    750 27 3 12 12
3. Quang Thuận 4 (1463) Đào Cử 1.400 44 3 15 26
4. Quang Thuận 7 (1466) Đàm Văn Lễ 1.100 27   8 19
5. Hồng Đức 6  (1475) Lê Ngạn Tuấn 3.000 43 3 13 27
6. Hồng Đức 9 (1478) Nguyễn Đôn Phục khg ghi 62 3 9 50
7. Hồng Đức 12 (1481) Nguyễn Trọng ý 2.000 40 3 8 29
8. Hồng Đức 18 (1487) Thân Nhân Trung khg ghi 60 3 30 27
9. Hồng Đức 27 (1496) Lưu Hưng Hiếu khg ghi 30 3 8 19
10. Cảnh Thống 5 (1502) Đàm Văn Lễ 5.000 61 3 24 34
11. Hồng Thuận 3 (1511) Lê Tung khg ghi 47 3 9 35
12. Hồng Thuận 6 (1514) Vũ Duệ 5.700 43 3 20 20
13. Quang Thiệu 3 (1518)  Nguyễn Văn Thái khg ghi 17 3 6 8
14. Minh Đức 3 (1529)  Nguyễn Cư Nhân 4.000 27 3 8 16
15. Thuận Bình 6 (1554) Nguyễn Đăng Cảo khg ghi 13 5 8  
16. Chính Trị 8 (1565) Nguyễn Đăng Cảo khg ghi 10 4 6  
17. Gia Thái 5 (1577) Nguyễn Đăng Cảo khg ghi 5 3 2  
18. Quang Hưng 3 (1580) Khương Thế Hiền khg ghi 6   4 2
19. Quang Hưng 6 (1583) Khương Thế Hiền khg ghi 4   3 1
20. Quang Hưng 12 (1589) Khương Thế Hiền khg ghi 4   2 2
21. Quang Hưng 15 (1592) Nguyễn Văn Lễ khg ghi 3   2 1
22. Quang Hưng 18 (1595) Nguyễn Văn Lễ khg ghi 6   2 4
23. Quang Hưng 21 (1598) Trịnh Cao Đệ khg ghi 5   3 2
24. Hoằng Định 3 (1602) Khương Thế Hiền khg ghi 10   2 8
25. Hoằng Định 5 (1604) Nguyễn Văn Lễ 5.000 7   2 5
26. Hoằng Định 8 (1607) Nguyễn Đăng Minh khg ghi 5   1 4
27. Hoằng Định 11 (1610) Nguyễn  Đăng Minh khg ghi 7   1 6
28. Hoằng Định 14 (1613) Nguyễn  Đăng Minh 1.000 7     7
29. Hoằng Định 17 (1616) Lê Đình Lại khg ghi 4     4
30. Hoằng Định 20 (1619) Lê Đình Lại vài ngàn 7   1 6
31. Vĩnh Tộ 5 (1623) Lê Đình Lại 3.000 7     7
32. Vĩnh Tộ 10 (1628) Trịnh Cao Đệ khg ghi 18 1 3 14
33. Đức Long 3 (1631) Trịnh Cao Đệ vài ngàn 5 1 2 2
34. Dương Hoà 3 (1637) Trịnh Cao Đệ khg ghi 20 3 2 15
35. Dương Hoà 6 (1640) Nguyễn Văn Lễ 6.000 22   2 20
36. Phúc Thái 1 (1643) Nguyễn Đình Chính 2.000 9   2 7
37. Phúc Thái 4 (1646) Khương Thế  Hiền khg ghi 17 1 1 15
38. Khánh Đức 2 (1650) Nguyễn Đình Chính khg ghi 8 1 1 6
39. Khánh Đức 4 (1652) Nguyễn Đình Chính 2.000 9   2 7
40. Thịnh Đức 4 (1656) Bùi Sĩ Tiêm 3.000 6     6
41. Vĩnh Thọ 2 (1659) Nguyễn Quý Ân khg ghi 20 3 2 15
42. Vĩnh Thọ 4 (1661) Dương Bật Trạc 3.000 13 3 2 8
43. Cảnh Trị 2 (1664) Nguyễn Nham khg ghi 13   1 12
44. Cảnh Trị 5 (1667) Nguyễn Kiều khg ghi 3     3
45. Cảnh Trị 8 (1670) Bùi Sĩ Tiêm 2.000 31 2 2 27
46. Dương Đức 2 (1673) Nguyễn Quý Ân 3.000 5     5
47. Vĩnh Trị 1 (1676) Dương Bật Trạc 3.000 20 1 3 16
48. Vĩnh Trị 5 (1680) Nguyễn Nham 2.000 19   2 17
49. Chính Hoà 4 (1683) Nguyễn Kiều 3.000 18 3 1 14
50. Chính Hoà 6 (1685) Bùi Sĩ Tiêm 2.800 13 1 1 11
51. Chính Hoà 9 (1688) Nguyễn Quý Ân khg ghi 7   1 6
52. Chính Hoà 12 (1691) Dương Bật Trạc 3.000 11   3 8
53. Chính Hoà 15 (1694) Nguyễn Nham 2.000 5     5
54. Chính Hoà 18 (1697) Nguyễn Kiều 3.000 10   2 8
55. Chính Hoà 21 (1700) Bùi  Sĩ  Tiêm 2.000 19 1 3 15
56. Chính Hoà 24 (1703) Nguyễn Quý Ân 3.000 6   1 5
57. Vĩnh Thịnh 2 (1706) Dương Bật Trạc 3.000 5     5
58. Vĩnh Thịnh 6 (1710) Nguyễn Nham khg ghi 21 1 1 19
59. Vĩnh Thịnh 8 (1712) Nguyễn Kiều 2.000 17 1   16
60. Vĩnh Thịnh 11 (1715) Bùi Sĩ Tiêm 2.500 20   2 18
61. Vĩnh Thịnh 14 (1718) Vũ Công Tế 3.000 17 1 2 14
62. Bảo Thái 2 (1721) Đoàn Bá Dung 3.000 25 1 3 21
63. Bảo Thái 5 (1724) Đỗ Lệnh Danh 3.000 17 1 2 14
64. Bảo Thái 8 (1727) Nguyễn Duy Đôn 3.000 10 1   9
65. Vĩnh Khánh 3 (1731) Phạm Khiêm ích khg ghi 12 1 3 8
66. Long Đức 2 (1733) Nguyễn Quán Giai 3.000 18 1 2 15
67. Vĩnh Hựu 2 (1736) Nguyễn Đình Thái khg ghi 15 2 1 12
68. Vĩnh Hựu 5 (1739) Bạch Phấn Ưng 3.000 8   1 7
69. Cảnh Hưng 4 (1743) Bạch Phấn Ưng 2.000 7 1 1 5
70. Cảnh Hưng 7 (1746) Dương Công Chú 2.000 4   1 3
71. Cảnh Hưng 9 (1748) Dương Công Chú 3.000 13 1 1 11
72. Cảnh Hưng 13 (1752) Nhữ  Đình Toản khg ghi 6 1 1 4
73. Cảnh Hưng 15 (1754) Lê Quý Đôn khg ghi 8     8
74. Cảnh Hưng 18 (1757) Nhữ Đình Toản khg ghi 6   1 5
75. Cảnh Hưng 21 (1760) Nguyễn Nghiễm khg ghi 5     5
76. Cảnh Hưng 24 (1763) Lê Quý Đôn khg ghi 5     5
77. Cảnh Hưng 27 (1766) Nguyễn Nghiễm khg ghi 11   1 10
78. Cảnh Hưng 30 (1769) Lê Quý Đôn khg ghi 9   1 8
79. Cảnh Hưng 33 (1772) Phan Trọng Phiên khg ghi 13   2 11
80. Cảnh Hưng 36 (1775) Nguyễn Hoàn khg ghi 18     18
81. Cảnh Hưng 39 (1778) Nguyễn Hoàn khg ghi 4     4
82. Cảnh Hưng 40 (1779) Phan Trọng Phiên khg ghi 15   2 13
                            
                                Cộng............                         1307    85        283      939
.    w Đệ nhất giáp: (Trạng nguyên, Bảng nhãn,Thám hoa)         85 người.
     w Đệ nhị giáp:   (Chính Tiến sĩ, tức Hoàng giáp)                283 người.
     w Đệ Tam giáp:(Đồng Tiến sĩ xuất thân, tức  Tiến sĩ)          939 người.
                                                                                Cộng:              1.307 người
(1307 lượt người thi đỗ, trong đó có 3 người thi đỗ hai lần – 3= 1.304 người)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét