Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

ĐỀN THỜ và MỘ HOÀNG GIÁP THÁI TỂ TUYỀN QUẬN CÔNG NGUYỄN DUY THÌ

Di tích Các nhà khoa bảng Việt Nam:

ĐỀN THỜ và MỘ HOÀNG GIÁP THÁI TỂ TUYỀN QUẬN CÔNG NGUYỄN DUY THÌ (1572-1651)
NGÔ ĐỨC THỌ 
Tiểu sử tốm tắt:
Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì 阮惟時 quê xã Yên Lãng (làng Láng) huyện Yên Lãng – Nay là thôn Hợp Lễ xã Thanh Lãng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc. Cha của Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu.
27 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng 21 (1598) đời Lê Thế Tông.
Ông từng đi sứ sang nhà Minh. Làm quan đến chức Tham tụng, Hộ bộ Thượng thư kiêm Chưởng lục bộ sự, Thái phó, tước Tuyền quận công 泉郡公 , vinh phong Tá lý công thần, được mở phủ Bình Quân 秉鈞府. Thọ 81 tuổi. Sau khi mất được truy tặng chức Thái Tể, thuỵ là Hành Độ 衡度 .


Tài liệu tham khảo:

LTĐK(III,2a); LĐĐK, 118a; ĐKSB, 63b; LHĐK I,47a); .Toàn thư (BK 18); Văn bia TS VMQTG: N°1339.



(Trích: CÁC NHÀ KHOA BẢNG VIỆT NAM (1075-1919) Ngô Đức Thọ chủ biên. Biên soạn: Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Hữu Mùi. Hà Nội, Nxb Văn học, 1993; Tái bản H.,2006, tr.450

+ Bài này có dán nhiều ảnh, khi mở lên nếu thấy khoảng trống lớn tức ảnh chưa lên kip, vui lòng lăn chuột động và chờ giây lát ảnh sẽ lên đủ (đã thử nhiều lần)

Không thấy sử ghi thoạt đầu Hoàng giáp được bổ chức gì. Nhưng bản Khai hành trạng Công thần do dòng họ Nguyên Duy xã Yên Lãng soạn có cho biết về những năm đầu trong cuộc đời làm quan của Nguyễn Duy Thì:

Sau khi thi đỗ (1598) Hoàng giáp Nguydễn Duy Thì được bổ chức Hàn lâm Hiệu lý Viện Hàn lâm giúp các việc từ hàn trong triều Lê trung hưng thời Triết vương Trịnh Tùng.




Bản khai Hành trạng công thần Thái Tể Tuyền quận công Nguyễn Duy Thì



Năm Canh Tí ( 1600) theo ngự giá vua Lê chúa Trịnh về trấn sở Thanh Hoa.

Năm Tân Sửu (1601) giữ chức Hộ khoa Cấp sự trung, tước tử.

Năm Bính ngọ (1606) làm Phó sứ trong sứ bộ sang nhà Minh.

Thời gian này nhà Lê Trung hưng mới thu phục kinh đô Thăng Long (23-2-1593), nhưng nhà Mạc vẫn còn chiếm cứ ở Cao Bằng vài nơi biên giới và vùng Đông bắc. Nhà Mạc liên tục sai sứ sang kêu cứu và tố cáo ly gián để nhà Minh không thừa nhận triều Lê Trịnh. Sứ bộ Phùng Khắc Khoan (1596) được đón tiếp trọng thị nhưng vua Minh vẫn chưa chịu phong vương cho họ Lê. Đến năm này (1606), chúa Trịnh Tùng sắp xếp hai sứ bộ: Một đoàn do Hoàng giáp Lê Bật Tứ làm chánh sứ sang đáp lễ cảm ơn; Một sứ bộ khác hùng hậu hơn, do hai Hoàng giáp Ngô Trí Hoà, Nguyễn Thực làm chánh sứ và 5 người khác làm phó sứ mang quốc thư cầu phong cũng lên đường đi tiếp sau. Trong sứ bộ này có một Phó sứ là hoàng giáp Nguyễn Duy Thì.

Năm Giáp Thân (1608) đi sứ trở về, Nguyễn Duy Thì được thăng chức Thiêm đô ngự sử, tuớc bá (Phương Tuyền bá 芳泉伯 ), được cấp cho hai xã Yên Lãng và Hợp Lễ (sau đổi là xã Yên Lãng) để phục dịch (tuỳ hành ứng vụ)

Chính quyền triều Lê Trịnh tuy đã thiết lập khá ổn định, trong nước đã tương đối được yên bình, nhưng cuộc nội chiến với nhà Mạc suốt mấy chục năm khiến cho sản xuất nông nghiệp đình đốn, làng xóm tiêu điều chưa phục hồi, mất mùa liên tiếp nhiều năm. Lo lắng trước tình đó, tháng 8 năm Hoằng Định 13 (9-1612) Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Thì cùng Giám sát ngự sử Phạm Trân (TS 1592 đời Mạc) và mấy đồng liêu khác nữa đã trình lên chúa Trịnh Tùng một bản Khải văn bày tỏ mối quan tâm của các ông trước hiện tình triều chính, nêu lên những việc chính sự cấp thiết phải tu chỉnh để chuyển tai hoạ thành điềm lành, trên hợp với ý trời, dưới thuận với lòng người.Toàn thư trích dẫn gần đủ toàn văn tờ Khải này:




Khải văn năm 1612 của Nguyễn Duy Thì trong Toàn thư, BK 18-8ab

"Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời rồi. Cho nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói rét thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khoá bừa bãi, để cho dân được thoả sống mà không còn tiếng sầu hận oán than. Thế mới là biết đạo trị nước, biết cách sai dân. Nay Thánh thượng (chỉ chúa Trịnh) để ý tới dân, thi hành một chính sách cốt để nuôi dân, ban ra một mệnh lệnh, cũng nghiêm răn nhiễu dân.

Lòng yêu dân đó, thực là lượng cả của trời đất, cha mẹ vậy. Nhưng kẻ thừa hành thì chưa biết thể theo đức ý của bề trên, chỉ chăm làm điều hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã, mọi việc nhiễu dân, không điều gì không làm, khiến dân trong nước, con trai thì không có áo, con gái thì không có váy, tiệc hát xướng không còn, lễ cưới xin không đủ, sống nuôi chết đưa không trông cậy vào đâu, ăn uống chi dùng hàng ngày mọi bề đều thiếu, dân mọn nghèo hèn cho đến sâu bọ cỏ cây đều không sống nổi.

Vì thế, cảm động đến đất trời, khiến cho lòng trời ở trên không thuận, tai hoạ lũ lụt tràn ngập quá mức thường, chắc là có quan hệ với chính sự hiện nay, há chẳng nên sợ hãi, tu tỉnh, nghĩ đến tội lỗi gây nên thế sao? Nếu biết thi hành chính sách bảo vệ dân thì dưới thuận lòng người, trên hợp ý trời, và chuyển tai oạ thành điềm lành, lúa được mùa luôn, người người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp ức muôn năm của nước nhà từ nay cũng do đó mà bền vững lâu dài vậy". (Toàn thư, BK18 -8 a-b)

Phan Huy Chú cho biết Triết vương Trịnh Tùng “khen và nhận lời” các điều nói trong bài khải của Nguyễn Duy Thì (LTHCLC, Nhân vật chí). Khoảng cuối năm 1613 triều đình “sai triều thần chia nhau đi các xứ xét hỏi nỗi đau khổ của dân gian. Người phiêu giạt thì tha tạp dịch ba năm để về yên cư phục nghiệp”(Toàn thư, BK18-10a)

Năm Bính Thìn Hoằng Định 17, tháng 2 (3-1616) Nguyễn Duy Thì được thăng Phó đô ngự sử (Hành trạng chép năm Tân Hợi [1611]).

Tháng 2 năm Hoằng Định 19 (3-1618) Nguyễn Duy Thì làm Đốc thị trong cánh quân do Xuân quận công Trịnh Xuân chỉ huy phối hợp với quân do Thanh quận công Trịnh Tráng cùng tiến đánh quân của Khánh vương nhà Mạc. Thế lực quân Lê Trịnh trong trận này rất lớn, quân Mạc không dám giao chiến.

Quý Hợi (1623), tháng 6 – Hành trạng ghi là “Hữu sự nhật” (ngày xấy ra sự việc”), chỉ sự việc ngày 18 tháng 6 Triết vương Trịnh Tùng bị ốm, lấy thế tử là Thanh quận công Trịnh Tráng giữ binh quyền. Con thứ là Vạn quận công Trịnh Xuân gây nội biến, chúa Trịnh Tùng phải chạy ra Hoàng Mai (Thanh Trì), rồi mất ở quán Thanh Xuân. Trong cuộc biến này, Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì bảo vệ chính thống của thế tử Trịnh Tráng, ông giúp việc quân theo Trịnh Tráng đưa vua Lê Thần Tông lánh về Thanh Hoa để lo việc dẹp loạn. Nhà Mạc nhân lúc Thăng Long có biến tiến quân về tận Đông Dư, Thổ Khối (Gia Lâm). Trịnh Tráng tập hợp lực lượng xong tiến đánh thu phục, lại rước vua Lê về Thăng Long.

Giáp Tí (1624) Phương Tuyền hầu vâng mệnh làm Đốc suất (giám chiến) trong cánh quân của Thái bảo Luân quận công tiến đánh Cao Bằng, truy đuổi đến tận “Thiện Thắng quốc 善勝國” của nhà Mạc (tên gọi này chưa thấy tư liệu nào nói đến),bắt được Mạc Kiền Thống giải về kinh sư.

Thanh vương Trịnh Tráng lên ngôi, xét công phò tá truy tuỳ, thăng Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì làm Lại bộ Tả thị lang kiêm Quốc Tử giám Tư nghiệp, tước Phương Tuyền hầu (Sắc phong NDT 01 ngày 16 tháng 11 Vĩnh Tộ 7 (15-12- 1625 ).




Sắc phong NDT 01 ngày 16 tháng 11 Vĩnh Tộ 7 (15-12- 1625 .

Năm Bính Dần (1626) Phương Tuyền hầu vâng mệnh làm Đốc suất (giám chiến) trong cánh quân của Thái bảo Lân quận công tái tiến đánh Cao Bằng, giết tại trận Thái bảo Lâm quận công của nhà Mạc. (Hành trạng ghi: khi thăng trận trở được thăng Công bộ thượng thư) ( Sắc Phong Vĩnh Tộ 8, ngày 13-5).

Năm Đinh Mão Vĩnh Tộ 9 (1627) Trịnh Tráng lấy danh nghĩa vua Lê viết thư cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở Đằng Trong, đại khái nhắc tình nghĩa hai họ Trịnh Nguyễn cùng ý nguyện tôn phù nhà Lê, chỉ vì kẻ xấu ly gián nên mới thành ra cái thế đối địch. Nay “nếu ngươi cố giúp triều Lê ta để nhà vua được mạnh thì thân danh của ngươi cùng nước cùng vinh hiển…. Nếu vẫn chấp mê, đem quân chống mệnh, thì oai trời đến đâu chỉ trong chớp mắt núi cao cũng thành ra đất bằng…” Toàn thư chép gần hết bức thư ấy (BK 18- ), và ghi: “ Mùa xuân sai quan mang sắc dụ Thái bảo Thuỵ quận công Nguyễn Phúc Nguyên”, nhưng không nói rõ ai mang sắc thư đi. Sử nhà Nguyễn thì cả Đại Nam thực lục Tiền biên và Cương mục đều không nói gì đến việc vua Lê chúa Trịnh gửi thư lần ây. Nhưng bản Hành trạng của Tuyền quận công có ghi việc ấy: “Năm Đinh Mão (1627) Phương Tuyền hầu Nguyễn Duy Thì vâng mệnh mang sắc chỉ của vua Lê vào Thuận Hoá dụ họ Nguyễn. Ông trình bày các điều lợi hại để khuyên họ Nguyễn trở về phục mệnh triều đình nhà Lê. Nhưng họ Nguyễn không nghe, lại còn bắt bẻ làm nhục sứ giả. Nhưng ông vẫn cứng cỏi không chịu chịu khuất, khi về được triều đình rất khen ngợi”

Năm Đức Long 4, ngày 15 tháng Tư (tức DL 2-6-1632) ông được thăng Công bộ thượng thư kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp Thiếu phó Tuyền quận công Thượng trụ quốc thượng trât. (Toàn thư, BK 18-31b); Sắc phong NDT 03 [1632 ])




Kỷ Tỵ (1629): Làm Đốc suất (giám chiến) trong cánh quân do Thái bảo Nhạc quận công tiến đánh giặc

“Uy Lãng”, không giao chiến, chỉ tuyên dụ mà Uy Lãng quy hàng. Về triều được ngợi khen là “nhất ngôn thắng thập vạn sư” (Một lời thắng mười vạn quân) (Hành trạng ghi sau trận này ông được thăng tước Quận công. (Chính xác thì phải đến 1632 Nguyễn Duy Thì mới được phong Tuyền quận công với các chức tước đã dẫn trên (x.Sắc phong NDT 03). Hành trạng ghi: cấp cho hai huyện Đông Ngàn và Ninh Giang “vi chế”[làm chế độ], có lẽ là quy chế ruộng ngụ lộc như đã nói ở các trang trước)

Tháng 10 năm Đức Long 2 (11-1630) nhà Minh sai hai sứ bộ sang đòi lễ cống. Trịnh Tráng phái Nguyễn Duy Thì, Giang Văn Minh, Lê Khả Trù, Thân Khuê lên cửa Nam quan đợi đón sứ giả (BK18-28a).

Tháng 12 năm Đinh Sửu Dương Hoà 3 (quy ngang là năm 1637, nhưng đầu tháng Chạp thì đã sang tháng 1-1738 rồi) triều đình một lúc cử hai sứ bộ sang sứ nhà Minh. Một đoàn do Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu con trưởng của Thiếu phó Nguyễn Duy Thì làm chánh sứ, một đoàn đoàn do Thám hoa Giang Văn Minh làm chánh sứ. Về hai sứ bộ này Toàn thư chỉ ghi có mỗi câu như vậy. Cương mục thì bỏ qua không nói đến. Nhưng Lịch triều hiến chương loại chí cuar Phan Huy Chú nói đến hai lần, cho biết rõ hơn.

Sở dĩ có lệ cả hai sứ bộ cùng đi vì lệ cũ 3 năm một kỳ tuế cống, từ năm 1584 đời Mạc Mậu Hợp định lệ cứ 6 năm cống hai lễ (x. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Bang giao chí). Toàn thư ghi chung vào một mục, không nói rõ đoàn nào đi trước đoàn nào đi sau, chứng tỏ chi tiết ấy không mấy quan trọng, có thể hiểu cả khi đi và khi về cả hai đoàn nhập chung với nhau. Chuyên đi sứ này rất nổi tiếng nhưng ngày nay sách báo hầu như chỉ nói về chánh sứ Giang Văn Minh người đã ứng khẩu câu “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” để đối đáp với vế xuất ngạo mạn của một viên quan nhà Minh. Nhưng chuyến đi sứ ấy không kết quả, vua Minh vẫn không chịu phong vương cho vua An Nam, chánh sứ Giang Văn Minh lại bị chết trên đường về. (Tôi không đủ thông tin để ghi nhận việc “người Thanh/ sic!!!???” giận nên mổ bụng Giang Văn Minh đổ thuỷ ngân vào cho đưa về nước, xin xem bài riêng của Ngô Đức Thọ: Về chuyến đi sứ và cái chết của sứ thần Giang Văn Minh). Nhưng chuyến ấy không chỉ chánh sứ Giang Văn Minh mà cả chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu cũng chết trên đường về! Một chuyến đi sứ khi trở về chết cả hai viên chánh sứ, thật là một đau thương động trời, nhưng đáng tiếc, sử sách không ghi lấy một dòng! Không chỉ Toàn thư, cả Cương mục cũng không hề ghi về hai đoàn đi sứ năm ấy! Nhưng Tuyền quận công Nguyễn Duy Thì khi vâng mệnh lên của Nam quan đón sứ thần trở về thì chắc chắn đã được báo tin dữ ấy! Thật đau xót cho người cha thuộc hàng nhất phẩm triều đình phải đi đón con trưởng đi sứ trở về trên chuyến xe tang. Việc tang của quan đại thần đầu triều như vậy mà Toàn thư bỏ qua không ghi, chỉ ghi Thiếu phó Nguyễn Duy Thì cùng các ông Nguyễn Thọ Xuân, Nguyễn Xuân Chinh, Nguyễn Quang Nhạc, Phạm Phúc Khánh vâng mệnh lên cửa Nam quan đợi đón sứ thần về nước (Toàn thư, BK 18 -35b)

Hai cha con làm quan đồng triều, nhưng đau xót là người con lại phải ra đi trước cha già! Tuyền quận công Nguyễn Duy Thì nén lòng chịu nỗi đau ấy để cáng đáng thêm các trọng trách mới: Từ đầu năm Canh Thìn Dương Hoà 6 ông đảm trách thêm chức vụ Tế tửu Quốc Tử Giám và Chưởng Hàn lâm viện sự - tức cơ quan đứng đầu Viện Hàn Lâm (Sắc phong NDT 04 ngày 3 tháng 9 Dương Hoà 6 (tức DL ngày 29-4-1640).

Hai năm sau vua Lê và chúa Trịnh chọn ông giữ chức Thượng thư bộ Binh (Sắc phong NDT 05 ngày 27 -4 Dương Hoà 8 tức DL ngày 27-5-1642.)


Ba năm sau vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng đổi chức Thượng thư bộ Lại cho ông (thôi Thượng thư bộ Binh), nhưng lại kiêm nhiệm trọng trách lớn: Lại bộ thượng thư kiêm Chưởng Lục bộ sự - Tức chức vụ Tể tướng thứ hai sau Thanh vương Trịnh Tráng (Sắc phong NDT 06 ngày 26 - 4 Phúc Thái 3 (tức DL ngày 21-5-1645).


Sắc phong NDT 06 ngày 26 - 4 Phúc Thái 3 (tức DL ngày 21-5-1645).

Lúc này ông đã 73 tuổi. Theo lệ đời Trung hưng, các đại thần 70 tuổi về trí sĩ. Nhưng Trịnh Tráng đặc cách mời giữ không cho ông về trí sĩ. Chúa Trịnh Tráng đặc cách cho dựng phủ đệ ở ngay làng Láng quê cụ, đặt tên là phủ Bỉnh Quân 秉鈞府 ( Bỉnh quân dấu hỏi ở chữ Bỉnh, chứ không phải dấu huyền, nghĩa là “nắm giữ sự điều hoà, điều phối”) để quan Chưởng lục bộ làm việc tại gia. Các bộ viện có điều gì khải trình thì cho người chạy ngựa chuyển đến phủ Bỉnh Quân phê duyệt. Từ phủ Bỉnh Quân về kinh những khi đẹp trời ông tự mình cưỡi ngựa, chỉ lấy mấy tên lính kỵ theo hầu. Có khi gặp kỳ bình văn ông đến ngay trường Giám để dự rồi mới vào triều. Ồng vừa làm việc ở phủ Lục bộ (phủ Tể tướng) tại Thăng Long, vừa làm việc tại phủ Bỉnh Quân cho đến năm Khánh Đức 3 lâm bệnh nhẹ, ngày 11 tháng 9 Canh Dần (tức DL ngày 1-11-1651) viên mãn thọ chung tại phủ đệ Bỉnh Quân tại quê nhà, hưởng thọ 81 tuổi. Vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng truyền lục bộ binh dân tổ chức phục dịch tang lễ rất mực trọng thể.

Hơn 50 năm giữ trọng trách dưới ba triều vua hai đời chúa, uy danh Thái tể Nguyễn Duy Thì lừng lẫy một giai đoạn nhiều biến động lịch sử đầu thời Lê Trung hưng. Đó là những năm tháng cuộc Trung hưng của nhà Lê mới thành công. Tuyền quận công Nguyễn Duy Thì tuy cũng có tham gia một số trận đánh (giữ chức giám chiến), nhưng chủ yếu ông thực hiện nhiều trọng trách dân sự, phủ dụ binh dân những địa phương vốn là chỗ dựa của nhà Mạc, chiêu tập dân xiêu dạt đưa về quê quán khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, sau vài chục năm đã có thể thấy được cảnh thế thăng bình. Nguyễn Duy Thì là nhà chính trị có tài, biết lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng của người dân. Tờ Khải năm 1612 do ông khởi thảo có tác dụng với đương thời và được lưu ghi trong sử sách. Ông còn là nhà Nho có uy vọng, nhiều năm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám - trường đại học đào tạo nhân tài Nho học cho các triều đại Việt Nam . Câu đối khắc cột đình bia trên mộ ông phần nào bao quát được những cống hiến lớn lao của danh nhân Nguyễn Duy Thì:

八袞外春秋累朝元老(Cột bên trái)



四十年宰輔萬古名家(Cột bên phải )


Bát cổn ngoại xuân thu, luỹ triều nguyên lão,

Tứ thập niên tể phụ, vạn cổ danh gia.

Dịch


Tám chục lẻ xuân thu, bậc nguyên lão mấy triều,

Bốn mươi năm Tể tướng, vị danh nhân muôn đời.

(N.Đ.T)

Một văn bản có giá trị lịch sử trong việc đánh giá danh nhân Nguyễn Duy Thì là bản sắc chỉ của vua Lê Thần Tông tuyên phong công trạng của quan Tể tướng: Sau khi trang trọng nhắc lại đầy đủ chức tước của người quá cố, lời văn của sắc chỉ hàm súc bao quát xứng tầm kính trọng đối với một bậc đại nguyên lão của triều đình:

“vi huân thần, thuỷ chung toàn tiết, đa hữu huân lao ư quốc, tại chức hoăng thệ/ là bậc huân thần trước sau vẹn toàn phẩm tiết, có nhiều công lao với quốc gia, qua đời khi đang tại chức.”

Xét công lao đó của Tuyền quận công Nguyễn Duy Thì, vua Lê Thần Tông đã truy tặng ông chức Thái tể và ban tên thuỵ là Hành Độ 衡度 (nghĩa là: Nắm giữ pháp độ).

Ảnh chụp nguyên bản sắc chỉ truy tặng và bản dịch như sau :




Sắc: Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Lại bộ Thượng thư, kiêm Chưởng Lục bộ sự, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Hàn lâm viện Thị độc, Chưởng Hàn lâm viện sự ,Thái phó, Tuyền quận công, Thượng trụ quốc thượng trật Nguyễn Duy Thì vị vi huân thần, thuỷ chung toàn tiết, đa hữu huân lao ư quốc, tại chức hoăng thệ, ưng gia tặng tứ thuỵ.

Khả tặng Thái tể, thuỵ Hành Độ. Cố sắc.

Khánh Đức tam niên cửu nguyệt thập cửu nhật.

Dịch:

Sắc (truyền lệnh) cho:

Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Lại bộ Thượng thư, kiêm Chưởng Lục bộ sự, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Hàn lâm viện Thị độc, Chưởng Hàn lâm viện sự ,Thái phó, Tuyền quận công, Thượng trụ quốc thượng trật Nguyễn Duy Thì

Về việc: Là bậc huân thần thuỷ chung ven toàn phẩm tiết, có nhiều công lao với quốc gia, qua đời khi đang tại chức, nên được gia tặng và ban tên thuỵ.

Nay tặng chức Thái tể và ban tên thuỵ là Hành Độ (Nắm giữ pháp độ)”

Niên hiệu Khánh Đức 3 ngày 19 tháng Chín (DL là ngày 1-11-1651)

(Thư của ông Nguyễn An Kiều cho tôi biết ở quê hàng năm vẫn Giổ cụ Thái Tể ngày 11 tháng Chín, sắc phong truy tặng đề ngày 19 tức sau khi cụ mất 8 ngày)






Ì

Sau khi đi thăm đền thờ Thái tể tướng công làng Yên Lãng trở về, viết vội bài này vừa để tưởng nhớ bậc danh nhân của đất nước, vừa để lưu giữ tư liệu bổ sung cho cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam mà nhóm chúng tôi đang thực hiện, tôi muốn ghi lại lời ý của người đương thời nói về chính danh nhân của thời đại ấy:

“vi huân thần, thuỷ chung toàn tiết, đa hữu huân lao ư quốc”/Là bậc huân thần thuỷ chung ven toàn phẩm tiết, có nhiều công lao với quốc gia.

Đó chính là Hoàng giáp Tế tửu Quốc Tử Giám Thái tể Tuyền quận công Nguyễn Duy Thì.

Kết thúc bài viết này, tôi muốn được gửi lời cảm ơn tộc trưởng họ Nguyễn Duy xã Yên Lãng là ông bà Nguyễn Duy Mùi và các cụ các ông bà trong họ đã hướng dẫn cho chúng tôi là Ngô Đức Thọ và Nguyễn Đức Toàn chiêm bái đền thờ cụ Thái Tể và cho phép chúng toi ghi lại các hình ảnh chính điện,hậu cung cùng các bản chụp Sắc phong mà các vị đã bảo quản rất chu đáo. Tôi cũng đặc biệt cám ơn ông An Kiều - thứ nam của Giáo sư hoạ gia Nam Sơn cũng là hậu duệ cụ Thái Tể, khi biết chúng tôi đã về Láng thăm đền thờ cụ đã cung cấp thêm cho chúng tôi nhiều tư liệu tham khảo về danh nhân Nguyễn Duy Thì, trong đó có bản Khai hành trạng công thần bằng chữ Hán mà hôm gặp ông Mùi chúng tôi chưa được biết. Tôi cũng đặc biệt vui mừng vì nhân duyên về thăm đền cụ Thái Tể mà lại được biết thêm về Giáo sư hoạ gia Nam Sơn (1890-1973) người đã đề xuất và cùng với hoạ sĩ Victor Tardieu (1870-1937) người Pháp là hai nhà đồng sáng lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương 1925-1945. Đó là cống hiến có ý nghĩa quan trọng đối với nền nghệ thuật đương đại của nước Việt Nam ta. Tổ tiên làm vẻ vang cho con cháu, nhưng đến lượt con cháu đền ơn trả nghĩa làm vinh danh cho tổ tiên xưa có lẽ là như thế chăng?

Ngạn Xuyên NGÔ ĐỨC THỌ

1-5-2011.

Phụ lục:

Sắc phong của cụ Thái tể NGUYỄN DUY THÌ (Bản thân)


Tác phẩm còn lại:


-Thơ chữ Hán:

Hai bài Thất ngôn chép trong Toàn Việt thi lục:

彭城懷古和正使阮朴甫韻 Bành Thành hoài cổ, hoạ Chính sứ Nguyễn Phác Phủ (TVTL,Q.23 -94b)

泊舟彭城遇雪次正使阮朴甫韻 Bạc chu Bành Thành, ngộ tuyết thứ, hoạ Chính sứ Nguyễn Phác Phủ vận (TVTL,Q.23 -95a)

-Văn bia: 02 bài

興功修造/渡沫寺碑 Hưng công tu tạo Đò Mát tự bi, № 2569-70

靜慮禪寺碑/功德信施 Tĩnh Lự thiền tự bi, № 4484 -85








Hoành phi chính điện, 3 chữ : "THƯỢNG TRỤ QUỐC "


Vị cực nhân thần, tự cổ vị văn tư tướng phủ,

Khánh lưu miêu duệ, ngật kim nhận thị cựu cao môn

(Vị tột bề tôi, từ xưa chưa nghe có phủ đệ riêng nào lớn như thế,

Phúc cho con cháu, đến nay còn thấy nơiđây là chốn cao môn xưa.)




Hoành phi: "TƯỚNG CÔNG TỪ " (Đền Tướng công)





Tổ tính quý tôn, vạn đại trường tồn, danh kế thịnh;

Tổ đường linh bái, thiên niên hằng tại, đức lưu quang.

(Dòng họ tôn quý, muôn đời trường tồn, người nổi danh nối nhau xuất hiện,

Chiêm bái nhà thờ tổ linh thiêng,dòng họ ngàn năm còn mãi, đức sáng lưu truyền)



Nhiều sắc phong của triều Lê Trung hưng các niên hiệu: Vĩnh Tộ ( 1619-1628), Đức Long (1629 -1634), Dương Hoà (1635-1643), Phúc Thái (1643-1649), Khánh Đức (1649-1652), Thịnh Đức (1653-1657), Cảnh Hưng (1740-1786).Tất cả 33 đạo . Trong đó có 07 đạo của bản thân cụ Duy Thì, 14 đạo phong cho các cụ là ông bà nội, cha mẹ và chính phu nhân cụ Duy Thì; 06 đạo sắc phong của cụ Duy Hiểu, 04 đạo của Duy Kính, Duy Mão, Duy Chẩn (cháu nội cụ Duy Thì, con cụ Duy Hiểu)


Trước sân có hai đình bia: Bên trái: Bia Tiểu sử của Hoàng giáp Thái tể Nguyễn Duy Thì

Bên phải: Bia Tiểu sử của Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu (con trưởng cụ Thái tể )





凜凜侯門深似海

依依古廟屹如山



Lẫm lẫm hầu môn thâm tự hải,

Y y cổ miếu ngật như sơn

Dịch

Thăm thẳm hầu môn sâu tựa biển,

Nguy nga cổ miếu dựng như non.

(N.Đ.T)






Mộ cụ Hoàng giáp Thái tể Tuyền quận công Nguyên Duy Thì ở thửa đất hình Con Cá trên cánh đồng thuộc xã Lý Hải nay là thôn Lý Hải xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc




Hậu duệ của Thái tể Tuyền quận cồng Nguyễn Duy Thì: người đứng gần cột câu đối bên trái là ông tộc trưởng Nguyễn Duy Mùi, bên phải ông Mùi là ông Nguyễn An Kiều - thứ nam của Giáo sư Hoạ gia Nam Sơn (Nguyễn Vạn Thọ), bên cạnh ông Kiều là ông Nguyễn Duy Hợp, các hậu duệ ở quê và con cháu ông An Kiều.
%PGS.TS Ngô Đức Thọ Chủ nhiệm công trình Từ điển Các nhà Khoa bảng VN, ông Điền cán bộ Văn Hoá xã Phú Xuân, ông Nguyễn Duy Trừ tộc trưởng dòng họ Hoàng giáp Nguyễn Duy Tường cùng hai bác người thôn Lý Hải cùng đi thăm mộ Thái tể Nguyễn Duy Thì. (ảnh do NCS TS Nguyễn Đức Toàn chụp)

Thực hiện:

Ngô Đức Thọ & Nguyễn Đức Toàn

2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cháu có hai thắc mắc xin bác chỉ bảo:
      1-Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ Tục Biên Q3 Vua Lê chúa Trịnh (1663 - 1675)có chép:
      "Mùa thu, sai Nguyễn Duy Thì lên cửa quan, đón sứ thần Nguyễn Duy Hiểu về nước. Duy Hiểu dâng sớ nói: "Đến Yên Kinh, dâng biểu cầu phong quốc vương, [vua Minh] giao cho bộ bàn, họ cho rằng không có văn bản cũ để lại có thể tra xét được, nên không cho. Chỉ ban sắc thư tưởng lệ thôi"

      Như vậy cụ Hiểu còn sống khi về nước?

      2-Bài "Không chỉ có một Giang Văn Minh"
      http://antgct.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=55836
      có viết rõ:

      "Hiện đền thờ cụ Nguyễn Duy Thì còn lưu giữ bảy đạo sắc phong đời vua Lê Thần Tông (cho cụ Hiểu?). Đặc biệt có đạo rất quý hiếm, đó là tấm sắc phong vua Lê ghi nhận công lao đi sứ của Hoàng Giáp Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu, có đóng Quốc ấn “Hoàng đế chí bảo” cho thấy vua Lê Thần Tông và triều đình thời chúa Trịnh Tráng đánh giá rất cao công lao đi sứ lần ấy. Các sắc phong khác phần nhiều chỉ khen ngợi chung như trung cần, mẫn cán, phụ bật triều chính. Sắc phong này ghi rõ: “…vâng mệnh đi sứ sang Bắc quốc nộp lễ cống, hoàn thành việc nước, có công… Sắc Nguyễn Duy Hiểu… đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu, do vâng mệnh đi Bắc sứ tuế cống, bị bức hại nên đã chết thảm thương, có công lao vì nước mà yên nghỉ khi đang tại chức, nên gia tặng chức Thị lang Bộ Hình, tước Hầu…”. (Các vị tư nghiệp và Tế tửu Quốc Tử Giám - Hà Nội). Nội dung khen tặng và hình thức dấu Quốc ấn có thể sánh ngang với lời vua Lê Thần Tông khen ngợi Chánh sứ Giang Văn Minh: “Đi sứ không làm nhục mệnh vua, thực là anh hùng thiên cổ!” .

      Bác thì bảo chỉ có 6 sắc chỉ về cụ Hiểu. Bác có nhìn thấy sắc phong "do vâng mệnh đi Bắc sứ tuế cống, bị bức hại nên đã chết thảm thương, có công lao vì nước mà yên nghỉ khi đang tại chức" này không ạ?

      Xóa