Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

ĐỀN THỜ HOÀNG GIÁP NGUYỄN DUY TƯỜNG ĐỜI LÊ SƠ

Di tích Các nhà khoa bảng Việt Nam


ĐỀN THỜ VÀ MỘ HOÀNG GIÁP THAM CHÍNH NGUYỄN DUY TƯỜNG


Tóm tắt tiểu sử:

NGUYỄN DUY TƯỜNG (1485 - 1526)


Người xã Lý Hải huyện Yên Lãng – Nay là thôn Lý Hải nay là thôn Lý Hải xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc. Cha của Nguyễn Hoành Xước, ông nội Nguyễn Thế Thủ.


Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận 3 (1511) đời Lê Tương Dực.


Khoa trước (1508) ông đã thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, nhưng không nhận; khoa này thi lại, đỗ Hoàng giáp. Làm quan đến chức Tham chính. Khi mất được tặng chức Thị lang, phong phúc thần.


- Đỗ năm 27 tuổi (TSTL).


LTĐK(II,9b); LĐĐK (II,60a), ĐKSB, 32b; LHĐK(I,45a); TSTL,58a; N°1369.


(Trích: Các nhà khoa bảng Việt Nam. Ngô Đức Thọ chủ biên. Biên soạn: Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Hữu Mùi. H., Nxb.Văn học, 1993; 2006; tr.277)


Ông từ nhỏ đã có tiếng thần đồng, học đâu nhớ đấy. Nhưng thời thế đổi thay, Nguyễn Duy Tường tuy hai lần đi thi đều đỗ cả hai, nhưng không gặp thời thịnh trị vua sáng tôi hiền như người chú của ông là Nguyễn Bảo Khuê đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Mùi Hồng Đức 18 (1487) dưới thời Lê Thánh Tông. Khoa trước ông thi đỗ nhưng không nhận Đệ tam giáp đồng tiến sĩ là khoa thi thời vua Uy Mục - một ông vua nổi tiếng hoang dâm hiếu sát, nhẫn tâm giết hại cả bà nội mình. Vua Tương Dực nhờ các trung thần nghĩa sĩ ủng hộ diệt đựoc Uy Mục, lập được quốc thống mà sử gọi Hồng Thuận trung hưng (cuộc trung hưng thời Hồng Thuận). Nhưng vua thiếu uy đức, bị nhiều bề tôi có quyền thế làm phản, vua phải dựa vào thế lực này để đánh dẹp thế lực kia. Cuối cùng người giỏi đóng vai “trung thành” là Mạc Đăng Dung thắng thế. Thông gia với Mạc Đăng Dung là Phạm Gia Mô làm Thượng thư bộ Lễ lôi kéo đồng liêu ký thư thỉnh nguyện xin vua Chiêu Tông phong chức Tiết chế thuỷ bộ chư doanh mười ba đạo cho Mạc Đăng Dung, tiếp đó cho thăng Thái phó tức là Tể tưởng, nắm toàn bộ các công việc quân dân triều đình. Những bề tôi thân tín của vua lần lượt bị Mạc Đăng Dung giết hại. Mưu toan giết vua cướp ngôi của Mạc Đăng Dung đã lộ rõ, bề tôi trung thành của nhà Lê nổi lên chống lại Mạc Đăng Dung, nhiều người thà chết không chịu hợp tác. Hàn lâm Hiệu lý Nguyễn Thái Bạt ,Thượng thư Lê Tuấn Mậu bị cưỡng ép vào chầu đã nhổ nước bọt vào mặt Mạc Đăng Dung v.v..Sau khi Phó đô tướng Hà Phi Chuẩn dấy nghĩa cần vương ở Bắc Giang thua trận bị bắt đem về Thăng Long xử trảm, một loạt các văn thân tướng lĩnh ở vùng Kinh Bắc cầm đầu hương binh chống lại Mạc Đăng Dung. Lại bộ Thượng thư Đàm Thận Huy khởi binh ở Ông Mặc huyện Đông Ngàn; Bình Hồ bá Nghiêm Bá Ký khởi binh ở Lương Cầm (Yên Phong). Nguyễn Duy Tường trước làm Tham chính Thanh Hoa, hồi này đã chuyển ra làm Tham chính Kinh Bắc. Khi nghe tin Mạc Đăng Dung ép buộc vua Chiêu Tông trao cho y chức Tể tướng, Nguyễn Duy Tường và Hiến sát sứ Nguyễn Tự Cường (quê Tam Sơn, Đông Ngàn) đã ra lệnh giải trại cho quân lính về quê. Khi quân triều đình kéo đến đánh, Nguyễn Duy Tường chạy thoát về quê nhà tụ họp hương binh xã Lý Hải và các làng lân cận lập đồn binh chống đánh quân của Mạc Đăng Dung, nhưng thế cô không giữ được. Cương mục ghi: “Lại bộ Thượng thư Đàm Thận Huy, Kinh Bắc tham chính sứ Nguyễn Duy Tường, Hiến sát sứ Nguyễn Tự Cường và Bình hồ bá Nghiêm Bá Ký đều thống suất hương binh chống đánh với Đăng Dung: không thắng được, đều tự tử chết” (Cương mục, XXVII-12). Cương mục không ghi ngày, nhưng chép việc vào cuối tháng 12 năm Ất Dậu Quang Thiệu 10, lúc ấy đã sang khoảng giữa tháng 1- 1526. Như vậy sử ghi Nguyễn Duy Tường tự tử chết, nhưng truyền thuyết dân gian vùng Yên Lãng đều kể Hoàng giáp Nguiyễn Duy Tường bị thương trong khi giao chiến, sau khi quân lính đã bị đánh tan cả, ông bị thương ôm vai phóng ngựa chạy về đến chỗ khu 18 cây muỗm ở quê nhà (gần chỗ đền “Quốc tế” hiện nay) mới ngã ngựa mà qua đời.


Sau khi Mạc Kính Vũ thua trận phải chạy trốn sang lãnh thổ Trung Quốc (5-1666), sự nghiệp trung hưng của nhà Lê kết thúc toàn thắng. Tham tụng Phạm Công Trứ tâu lên vua Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc xin tuyên dương cho các bề tôi tử tiết, ban thưởng cho các quan văn võ và binh sĩ có công. Tháng 11 năm ấy (12-1666) triều đình sắc phong Tiết nghĩa Thượng đẳng thần cho 8 vị, Tham chính Nguyễn Duy Tường xếp thứ 7 trong số 8 vị ấy (7 vị khác là: Vũ Duệ,Ngô Hoán,Nguyễn Mẫn Đốc, Nguyễn Thiệu Tri, Đàm Thận Huy, Lê Tuấn Mậu và Nguyễn Tự Cường). Cùng đợt ấy, sắc phong Tiết nghĩa Trung đẳng thần cho 5 vị: Lê Vô Cương, Nguyễn Hữu Nghiêm, Lại Kim Bảng, Nguyễn Thái Bạt và Nghiêm bá ký.


“Những người được phong làm thần, đều cho dựng từ đường ở trong làng theo thời tiết tế tự như thể lệ tế bách thần. Con cháu của họ thì lựa chọn bổ dụng những người có đức hạnh tốt; còn những người khác thì đều trừ dao dịch cho nhà họ”.(Cương mục, XXXIII,21)


Hoàng giáp Tham chính Nguyễn Duy Tường cũng được triều đình cho dựng đền thờ ở xã Lý Hải trong dịp ấy. Đền mang tên là “Tiết nghĩa từ”, được hưởng quy chế “Quốc tê” tức là hàng năm xuân thu nhị kỳ quan đầu Trấn thay mặt triều đình đến làm chủ tế, được cấp tiền công chi dùng lễ vật. Nguyên đền trước ở vị trí vườn 18 cây muỗn, về sau đền bị hư hại không sửa chữa được nên chuyển tế khí về thờ ở từ đường dòng họ, tức là đền thờ hiện nay dang được tu sửa để đắp đại tự nguyên có của đền là “Tiết nghĩa từ”. Theo cụ Trưởng tộc thì mộ của cụ Tiết nghĩa (Nguyễn Duy Tường) táng ở xứ đồng Tư Kim trong xã.



























[科目重登]四海聞


捐生義肯負為臣


子孫奕世登儒選


天理昭昭顯在人


紹治陸年蒲月之上浣新鐫

Biển gỗ sơn mài màu mận chín, chữ khải thếp vàng. Đây là một trong những di vật quý nhất của đền thờ Nguyễn Duy Tường. Đáng tiếc là trước đây (không rõ năm nào) người ta không hiểu nội dung, e ngại liên quan vua quan phong kiến nên đã cưa phá làm hai mảnh mà mảnh trên đã bị mất hẳn, khiến cho bài thơ thất ngôn 8 câu bị mất hẳn 4 câu đầu và cả 4 chữ câu thứ 5, liên quan đến những thong tin về tác giả và năm soạn cũng bị mất! Tài liệu do cụ Nguyễn Duy Trừ ghi thì nói đây là tấm biển do triều đình nhà Lê ban mà sau này khắc lại vào đời Thiệu Trị. Nhưng dòng lạc lhoản ghi ở cuối bài thơ này ghi là "Tân thuyên" (mới khắc lần đầu), suy nghĩ sơ bọ của tôi đây là thơ Ngự chế của vua Thiệu Trị nên mới được khắc chạm sơn son thếp vàng như vậy. Các vua triều Nguyễn muốn đề cao lòng trung nghĩa nên thường rất chú ý đề vịnh về những bề tôi tiết nghĩa của triều Lê. Hiện chúng tôi chưa rõ toàn bộ thơ ngự chế của vua Thiệu Trị đã được khắc in công bố hay chưa nên chưa có điều kiện tra cứu để xác minh vấn đề của bài thơi này, tạm ghi vần đề tại đây để tiếp tục tra cứu.


Nội dung bài thơ vịnh sự tích tiết nghĩa của Hoàng giáp Tham chính Nguyễn Duy Tường. Lạc khoản cho biết tấm biển được chế tác năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Riêng 4 chữ đầu của câu thứ 5, bản ghi chép của cụ Nguyên Duy Trừ ghi được 4 chữ ấy là : "khoa mục trùng đăng 科目重登 "(xem trên ảnh còn vết lờ mờ có thể nhận dạng đúng 4 chữ ấy), còn 4 câu đầu hiện chưa tra cứu được.


Phiên âm: ...


[Khoa mục trùng đăng] tứ hải văn,


Quyên sinh nghĩa khẳng phụ vi thần,


Tử tôn dịch thế đăng Nho tuyển,


Thiên lý chiêu chiêu hiển tại nhân.


Thiệu Trị lục niên bồ nguyệt chi thượng cán tân thuyên.


Dịch nghĩa:


Dòng họ có nhiều người đỗ đạt, nổi tiếng trong thiên hạ,


Quên mình vì việc nghĩa, không phụ danh người bề tôi.


[Cho nên] con cháu nhiều đời thi đỗ các khoa thi Nho học,


Đúng là đạo trời hiển rạng ở con người.


Niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 6, thượng tuần tháng cỏ Bồ (tức tháng 5 ) khắc mới lần đầu.




Sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783)




Sắc phong năm Thành Thái thứ 2 (1890)




Sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924)






Đền thờ Hoàng giáp Nguyễn Duy Tường có tên "Tiết nghĩa từ" có quy chế "Quốc tế". Vdề sau đền hư hỏng, dòng họ chuyển về thờ tại từ đường họ Nguiyễn Duy. Nay dòng họ đang xây lại cổng đền để gắn biển tên đền là TIẾT NGHĨA TỪ節義祠như cũ.




thực hiện 22-4-2011


NGÔ ĐỨC THO - NGUYỄN ĐỨC TOÀN


PHẢ HỆ DÒNG HỌ NGUYỄN DUY





Cụ Nguyễn Duy Trừ (người thừa kế dòng cụ Nguyễn Duy Tường) sau khi về hưu ít lâu đã mua một bức tranh khảm trai tên là " Vinh quy bái Tổ" mong sẽ có ngày làm nhà trưng bày tôn vinh truyền thống dòng họ có nhiều nhà khoa bảng đỗ đạt cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét