Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Hoàng giáp NGUYỄN DUY HIỂU (1602 –1639),nhà ngoại giao có công với nước

Di tích Các nhà khoa bảng Việt Nam
Hoàng giáp NGUYỄN DUY HIỂU (1602 –1639), nhà ngoại giao có công với nước
NGÔ ĐỨC THỌ
I. NGUYỄN DUY HIỂU: GIA THẾ VÀ XUẤT THÂN………………….. …… II. NGUYỄN DUY HIỂU: CHÁNH SỨ SANG SỨ NHÀ MINH NĂM 1638….1.Tình hình liên quan đến chuyên đi sứ năm 1638…………………………………….2. Phái đoàn của hai Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu và Giang Văn Minh:………………III. CÂU ĐỐI VÀ CÁI CHẾT CỦA CHÁNH SỨ GIANG VĂN MINH……….IV. CHÁNH SỨ NGUYỄN DUY HIỂU: LÀM XONG VIỆC NƯỚC, CÓ CÔNG, CHẾT KHI ĐANG TẠI CHỨC…………………………………………………………

I. NGUYỄN DUY HIỂU: GIA THẾ VÀ XUẤT THÂN
Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu là con trưởng của Hoàng giáp Thái Tể Tuyền quận công Nguyễn Duy Thì.Xã Yên Lãng trước gọi là xã Hợp Lễ, sau  đổi là xã Yên Lãng huyện Yên Lãng. Nay tên thôn lấy tên cũ là thôn Hợp Lễ, xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc.Ông là con trưỏng của Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì. Bấy giờ cuộc Trung hưng mới lập, thế lực nhà Mạc còn mạnh. Sau khi cụ Duy Thì thi đỗ Hoàng giáp, kinh đô Thăng Long một phen kinh động vì cuộc phản loạn của các viên tướng Phạn Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê. Mạc Kính Cung nhân đó lại về chiếm Thăng Long. Bình An vương Trịnh Tùng lại phải đưa vua Lê Kính Tông (Duy Tân) về Tây Đô (Thanh Hoá) để giữ căn bản. Theo bản khai Hành trạng công thần, bấy giờ Nguyễn Duy Thì giữ chức Hàn lâm viện Hiệu lý là từ thần thực hiện các việc soạn thảo từ chương văn kiện của triều đình. Hành trạng kê năm Canh Tí (1600) ông hỗ giá nhà vua về Thanh Hoa là nói về sự kiện này, khi đó ông giữ chức Hộ khoa cấp sự trung, tước Phương Tuyển tử 芳泉子. Dẹp yên phiến loan và tiến đánh buộc quân Mạc phải rút khỏi kinh
%name

Dthảo Phả hệ dòng họ Nguyễn Duy do cụ Nguyễn Duy Trừ thôn Lý Hải xã Phú Xuân cùng huyện soạnđô, tháng 9-1601 Trịnh Tùng lại đón xa giá về Thăng Long. Trong năm Tân Sửu (1601) này, Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì, Hộ khoa Cấp sự trung, kết duyên cùng  bà Dương Thị Vinh. Nguyễn Duy Hiểu 惟曉, con đầu lòng của ông bà đã ra đời trong gia đình và bối cảnh xã hội như vậy.Dòng họ Nguyễn Duy làng Yên Lãng (Láng) và họ Nguyễn Duy thôn Lý Hải có chung cụ tổ là Hoàng giáp Nguyễn Duy Tường (1485 - 1526), công thần Tiết nghĩa  cuối thời Lê sơ. Theo Phả hệ (trích ảnh ở trên) thì đời trên cụ Duy Tường, về ngành thứ còn có cả cụ Nguyễn Bảo Khuê (1456-?,  HG 1487), một trong 28 vị Tao Đàn nhị thập bát tú thường hầu cận bàn chuyện văn chương với vua Lê Thánh Tông.  Nguyễn Duy Tường đỗ đại khoa thời Lê Thánh Tông, hai lần ứng thí đỗ cả hai, nhưng chỉ nhận danh hiệu lần thi sau (Đoan Khánh 4 [1508]) là Hoàng giáp. Cụ từng đi sứ sang nhà Minh, khi Mạc Đăng Dung đoạt ngôi nhà Lê, nhiều nhà khoa bảng danh tiếng vùng Sơn Tây, Kinh Bắc dấy quân chống lại, trong số đó có Tham chính xứ Kinh Bắc Nguyễn Duy Tường. Thế cô lực yếu, hương binh của Nguyễn Duy Tường bị quân triều của Mạc Đăng Dung đánh bại, chủ soái Nguyễn Duy Tường tử trận. Sau ngày nhà Lê trung hưng, Nguyễn Duy Tường là một trong 8 người được truy tặng tôn hiệu Tiết nghĩa công thần. Con trưởng cụ Duy Tường là Nguyễn Hoành Xước đỗ Tiến sĩ đời Mạc Đăng Doanh (Đại chính Mậu Tuất,1538), làm quan đến Hiến sát sứ. Con trưởng cụ Hoành Xước là Nguyễn Thế Thủ Tiến sĩ đời Mạc Mậu Hợp (Đoan Thái 1/1586). Hiện nay, Do gia phả cổ bị khuyết một số đời, cho nên hiên nay chưa so khớp giữa chi trưởng họ Nguyễn Duy bên Lý Hải từ đời Nguyễn Thế Thủ với họ Nguyễn Duy bên làng Yên Lãng từ đời Nguyễn Duy Trung (ông nội) và Nguyễn Duy Vị (cha của Hoàng giáp Thái tể Nguyễn Duy Thì) mà bản phả bên Lý Hải ghi là “ cháu đời thứ bảy của cụ Duy Tường”. Bản thân Nguyễn Duy Hiểu xuất thân từ một dòng danh gia thế phiệt, sau khi thi đỗ Hoàng giáp, Nguyễn Duy Hiểu theo lệ được bổ  chức Hàn lâm viện Hiệu lý, tước Tu thận doãn 修慎尹。(Sắc phong 01, ngày 9 tháng 8 Vĩnh Tộ 10 [Tức DL 6-9-1628])
%name
   
 Ch sau my tháng sau, xét ông là con ca Thiếu phó Tuyn qun công - người có công lao phò tá cho Thng quc chính Thanh Đô vương (tc chúa Trnh Tráng khi y chưa thăng tước Thanh vương) triu đình đ ngh thăng tước Nghĩa Phú t   義富子 cho Nguyn Duy Hiu (Sắc phong 02 ngày 23 tháng 4 Vĩnh Tộ 11 [ tức DL 15-5-1629])
%name
  Tháng 10  năm ấy (11-1629), khi Thanh Đô vương Trịnh Tráng được thăng tước Đại nguyên suy tước Thanh vương, nhiều đại thần tại triều cũng được gia thăng quan tước: Nguyễn Duy Hiểu được thăng chức Lại khoa cấp sự trung.(Sắc phong 03, Ngày 27 tháng 11 Đức Long 1  [tức DL 11-12-1629])
%name
 
Chưa đầy 2 năm sau, Lại khoa cấp sự trung Nguyễn Duy Hiểu đã được thăng chức Lại khoa Đô cấp sự trung (Sắc phong 04 ngày 9 tháng 10 Đức Long 3 (tức DL 4-10-1631)
%name
  Hơn nửa năm sau, từ Lại khoa Đô cấp sự trung, Nguyễn Duy Hiểu được thăng lên một chức quan trọng: Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử (tước vẫn Nghĩa Phú tử như cũ) ( Sắc phong 05 ngày 12 tháng 3 Đức Long 4 (tức 3-5-1632)
%name
Nguyễn Duy Hiểu ra làm quan là được “đồng triều” với thân phụ ông, Thiếu phó Tuyền quận công Nguyễn Duy Thì. Lần này ông được vào Ngự sử đài mới thực được tham dự chính sự cùng với thân phụ khi ấy đang làm Thượng thư bộ Công kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp.Từ đây chức vụ đã khá cao, không thăng tiến nhanh như trước nữa, trong dăm bảy năm sau Nguyễn Duy Hiểu vẫn giữ chức Thiêm đô ngự sử ở Ngự sử đài, cho đến đầu năm 1638 ông được cử đi sứ sang nhà Minh.
II. NGUYỄN DUY HIỂU: CHÁNH SỨ SANG  NHÀ MINH NĂM 1638
1.Tình hình liên quan đến chuyên đi sứ năm 1638
Theo một tiền lệ từ cuối đời Mạc Mậu Hợp, việc tuế cóng nhà Minh vẫn giữ lệ 3 năm một lần, nhưng để giảm đi lại, quy định 6 năm một lần, nhưng tính là 2 lễ (x. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Bang giao chí). Từ đầu thời  Lê trung hưng vẫn theo như thế. Có thể kê phái bộ của những chuyến sang sứ trước: -Năm Đức Long 2 (1630): Hai phái bộ…2 chánh sứ: Trần Hữu Lễ và Dương Trí Trạch.-Năm Vĩnh Tộ 8 (1626): Hai sứ bộ 2 chánh sứ: Nguyễn Tiến Dụng và Trần Vĩ.-Năm Vĩnh Tộ 2 (1620): Hai sứ bộ …2 chánh sứ:Nguyễn Thế Tiêu và Nguyễn Cung.-Năm Hoằng Định 14 (1613): Hai sứ bộ….2 Chánh sứ: Lưu Đình Chất, Nguyễn Đăng.Ở đây chúng ta không bàn chung về bản chất và hình thức lệ thuộc giữa các triều đại phong kiến Việt Nam với vua “thiên triều” Trung Quốc, chúng ta chỉ muốn tìm hiểu những con người của chúng ta đã làm nhiệm vụ đi sứ của mình như thế nào. Trong hai phái bộ sang sứ như vậy, nếu gặp năm bên nhà Minh có vua mới hoặc mừng thọ thì một sứ bộ lấy cớ mừng lên ngôi hoặc mừng thọ, nếu không thì gọi là “tạ ơn” (cám ơn chung chung. Nay các phái đoàn ngoại giao của ta ra nước ngoài cũng cám ơn nước bạn đã giúp đỡ Việt Nam , chỉ có điều là đối với các ngài phong kiến thì ngôn từ phải rất chi là tự hạ thấp, nhún nhường! Lịch sử là như thế, biết làm sao được ?); một sứ bộ gọi là “tuế cống”, tức nộp cống khoản theo định kỳ.Thực tế tình hình bang giao giữa nhà Minh với nhà Lê từ đầu thời Trung hưng đến giai đoạn này có thể nói là chưa hề ổn thoả. Dù có nhiều sứ bộ của nhà Lê sang (như đã dẫn trên), nhưng suốt mấy chục năm nhà Minh vẫn thông sứ với nhà Mạc ( ở Cao Bằng) mà chưa phong quốc vương cho vua Lê (tức là chưa công nhận nhà Lê).
2. Phái đoàn của hai Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu và Giang Văn Minh:
Sử đời Lê Trung hưng không ghi gì về nội dung bang giao, nhưng cẩn thận chép các đoàn đi đoàn về không thiếu sót! Về chuyến đi của hai chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu và Giang Văn Minh, Toàn thư ghi:
“Đinh Sửu,[Dương Hoà] năm thứ 3 [1637] (Minh, Sùng Trinh năm thứ 10) : …Tháng  12, ngày 30, có nhật thực. Sai Chánh sứ là Nguyễn Duy Hiểu, Giang Văn Minh, Phó sứ là Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình, Thân Khuê, hai sứ bộ sang nước Minh cống hàng năm”. (Toàn thư, BK 18, 34a)
%name
(Toàn thư, BK 18-35a)
Qua năm Vĩnh Tộ 5, tháng 4  (5 -1939) sử ghi tiếp việc cử các đại thần đi đón hai sứ bộ trở về; còn nội dung và tình hình đi sứ cụ thể ra sao không chép. Toàn thư có ghi sơ lược việc đi về như vậy, còn Cương mục (Sử quán triều Nguyễn soạn) hoàn toàn bỏ qua, không ghi về chuyến đi sứ này của hai phái bộ nhà Lê.
Vậy thì dẫu ai muốn tìm hiểu sâu hơn về chuyến đi sứ này cũng đành chịu gác bút, bó tay!Nhưng may có nhà sử học Phan Huy Chú giúp cho hậu thế được biết, dù chỉ ở mức sơ qua thôi, nhưng đúng ngay vào chuyến đi sứ năm 1637 của hai chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu và Giang Văn Minh ngày nay đã trở thành rất nổi tiếng. Về phái bộ của hai vị chánh sứ này, LTHCLC, Bang giao chí của Phan Huy Chú ghi ở 2 mục: Bang giao chí I và Bang giao chí II, trong đó ơ Bang giao chí I ghi:“Thần Tông, năm Dương Hoà thứ 3 [1637] (ngang với năm thứ 10 Sùng Trinh nhà Minh) sai Nguyễn Duy Hiểu, Giang Văn Minh, Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi sang Minh cầu phong. Khi bọn Duy Hiểu đến Yên Kinh thì bộ (đây là bộ Lễ của nhà Minh. NĐT chú) bàn là không có lệ cũ để tra, nên không phong, chỉ ban sắc khen thưởng khuyến khích". Xét (nguyên văn lời án của Phan Huy Chú):  “Từ khi họ Mạc cướp ngôi, nhà Minh tước bỏ sự phong vương (cho vua nhà Lê. NĐT ghi thêm cho rõ), chỉ phong cho chức Đô thống sứ, các đời noi theo, không dám xin đổi. Đời Mạc Mậu Hợp Thái bảo là Giáp Trưng từng có sớ tâu, nói việc đó rất nhục cho nước, xin cho đình thần bàn, sai quan Đông các nghĩ tờ quốc thư cầu phong và tờ cầu phong của kỳ lão quan lại đệ sang quân môn Lưỡng Quảng, xin hội xét và nhờ tâu lên vua Minh. Lễ vật cầu phong thì tra theo lệ cũ sửa soạn tề chỉnh, đợi được mệnh lệnh thì lập tức tiến đi. Sự khôi phục quốc hiệu, tôn trọng quốc thể khiến dân yên nước thịnh, thực ở việc này. Mạc Mậu Hợp chưa quả quyết làm. Đến khi nhà Lê Trung hưng, nhà Minh lại lấy chứ Đô Thống sứ phong cho. Chỉ vì trong khoảng ba đời còn nhiều việc, nên chưa kịp biện bạch, đến đây mới xin phong. Nhà Minh vẫn không cho, chẳng qua là vì tai mắt quen với sự nghe thấy gần đây vậy.
 (Phan Huý Chú, Lịch triều hiến chương loại chí. Bản dịch Viện sử học. H.,Nxb.Sử học, 1962. Tập IV.  Bang giao chí, tr.150.)
Trong tình hình sử liệu của nước ta, những ý kiến và ghi chép đã dẫn trên của Phan Huy Chú không những hiếm mà có thể coi hầu như là duy nhất cho chúng ta hiểu biết ít nhiều về công việc của đoàn đi sứ sang nhà Minh đầu năm 1638.Hy vọng có thông tin nhiều hơn, tôi đã tra tìm cả sử sách của Trung Quốc. Sử liệu loại này thì phải tìm trong Minh sửMinh thực lục. Minh sử, về năm cuối niên hiệu Sùng Trinh thứ 6 (1633) ghi: “Năm ấy An Nam vào cống 是年,安南入貢"  (明史卷二十三 本紀第二十三 ). Đây có thể là sứ bộ của Tần Hữu Lễ và Dương Trí Trạch đã về nước vào ngày 20 tháng 3 Sùng Trinh 6 (27-4-1633 ) với một tổn thất là Phó sứ Bùi Bỉnh Quân chết bên nuớc Minh” như Toàn thư đã ghi, còn Minh sử (đã dẫn) thì chỉ có một câu ấy, không có chi tiết. Còn về năm Sùng Trinh 11 (1638), Minh sử ghi:  “ Năm ấy có Thổ Lỗ Phồn, Lưu Cầu vào cống”(Minh sử, Q.6), không thấy nói có sứ thần An Nam. Cả Sùng Trinh 12, 13, 14 v.v… cũng không có điều nào ghi An Nam nhập cống.Minh sử đã không ghi, phải gắng tìm thêm ở Minh thực lục,  vì nói chung sử liệu ở Minh thực lục đầy đủ hơn. Kinh đô nhà Minh lúc đó vẫn ở Yên Kinh (tức Bắc Kinh), các sứ bộ Việt Nam khoảng giai đoạn này vừa đi đường thuỷ vừa đi đường bộ, cả đi về thường vào khoảng trên dưới 20 tháng. Hai sứ bộ do Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu và Thám hoa Giang Văn Minh lên đường đúng vào ngày cuối năm Đinh Sửu (tức ngày 13-2-1638 DL) (1), khoảng tháng 5 Dương Hoà 5 ( 6- 1639) trở về như Toàn thư đã ghi. Như vậy, nếu chuyến đi này của sứ bộ An Nam được ghi vào Minh thực lục thì sẽ có trong Sùng Trinh thực lục Q.11 hoặc Q.12. Tôi đã tìm kỹ ở cả 2 quyển 11 và 12 không có điều ghi về An Nam, nhưng lui xuống sau đó 1 năm, tức Sùng Trinh thực lục 崇禎實錄 Q.13 chép việc về năm Sùng Trinh 13 (1640) tìm thấy sử liệu sau đây:
崇禎實錄卷之十三(懷宗端皇帝,十三) 崇禎十三年  冬十月癸酉,兵科給事中張縉彥上言:『廣西巡撫林贄為安南頭目鄭梉代請王爵。臣考安南自莫登庸纂逆,降封都統。迨後黎寧居漆馬江,以延黎祀。至黎維潭,逐 莫民,歲貢方物;神祖嘉其忠順,准襲都統使。今之請封,何功也?雖朝廷「字小」,不靳殊典;而荒夷要挾,豈可徇情!使鄭梉得其志,將遂悍橫,憂及中土;即 欲以茅土之券,塞谿壑之欲,豈可得哉』!上是之。
Sùng Trinh năm thứ 13 [1640], mùa đông, tháng 10, ngày Quý Dậu: Binh khoa cấp sự trung Trương Tấn Ngạn dâng sớ tâu: “Quảng Tây tuần phủ Lâm Chí thay lời cho đầu mục An Nam là Trịnh Tráng xin phong vương tước. Thần xét An Nam từ khi Mạc Đăng Dung soán nghịch giáng phong xuống chức Đô Thống. Về sau Lê Ninh đóng ở vùng sông Tất Mã để kéo dài việc thờ tự nhà Lê. Đến khi Lê Duy Đàm đuổi dân nhà Mạc, tuế cống phương vật, Thần Tổ [tức Minh Thần Tông] khen có lòng trung thuận, chuẩn cho được nối chức Đô Thống sứ. Nay xin phong như thế, [liệu] đã có công lao gì? Tuy là đối với nước nhỏ không tiếc phải cho biệt lệ, nhưng đối với cái miền hoang di hiểm yếu ấy há có thể theo tình mà được đâu! Làm cho Trịnh Tráng đắc chí chỉ khiến cho y ngày càng ngang ngược hung hãn, gây mối lo cho Trung thổ (tức Trung Hoa). Dù y có muốn lấy cái giấy tờ cỏ rả mà che lấp ý đồ hang hốc, há có thể được đâu!”, Vua  cho là phải.          (Sùng Trinh thực lục, Hoài Tông Đoan hoàng đế, Q.13) Đoạn văn này nói việc “đầu mục An Nam Trịnh Tráng” dâng thư cầu phong đích thực là nói về hai sứ bộ của Nguyễn Duy Hiểu và Giang Văn Minh đi sứ sang nhà Minh (Khoảng thời gian này không có sứ đoàn nào khác của An Nam trên đất Minh). Nội dung chính đoạn này cơ bản khớp với đoạn văn do Phan Huy Chú trích đã dẫn ở trên (“Khi bọn Duy Hiểu đến Yên Kinh thì bộ bàn là không có lệ cũ để tra, nên không phong…”. Đáng chú ý là sử liệu này không có trong Minh sử, mà chỉ có trong Sùng Trinh thực lục của Minh thực lục: Bộ sử này gồm 15 Thực lục của 13 triều vua, 2 phụ lục với tổng số 3.045 quyển, trước chỉ có các bản chép tay lưu tàng trong Nội phủ và một số tàng thư lâu trong hoàng cung nhà Minh, gần đây mới được Sở NC Lịch sử Ngữ ngôn thuộc Trung ương Nghiên cứu viện Đài Loan xuất bản năm 1961 bằng phương thức in ảnh theo nguyên bản của Thư viện Quốc gia Bắc Kinh. Có được đoạn trích dẫn trên, chứng tỏ Phan Huy Chú đã có một nguồn sử tịch khác để có thể dẫn dụng được sử liệu trong Sùng Trinh thực lục của Minh thực lục. Vừa qua, nhà xuất bản Hà Nội đã xuất bản ba tập bản tuyển chọn và dịch chú Minh thực lục có kèm theo ảnh chụp nguyên bản Hán văn (2). Cuối T.3 đã trích dịch đến mấy điều mục các năm từ Sùng Trinh 2 (1629) đến Sùng Trinh 13 (1640). Vừa khéo là, tờ tâu của Trương Tấn Ngạn cũng đã có trong T.3 , nhưng phần này bản dịch chú căn cứ theo nguyên văn ảnh ấn của Sùng Trinh trường biên  崇禎長編. Vì vậy, để tiện so sánh với cùng sự việc ghi ở Sùng Trinh thực lục 崇禎  實錄 mà tôi đã dẫn dụng ở trên, dưới đây trích ảnh nguyên văn (và văn dịch) của bản Trường biên: 
"Ngày 6 tháng 10 năm Sùng Trinh thứ 13 [18/11/1640]Cấp sự trung khoa Binh Trương Tấn Ngạn dâng lời tâu: Tuần phủ Quảng Tây Lâm Chí được đầu mục An Nam Trịnh Tráng xin thay mặt để thỉnh cầu tước Vương. Khảo về An Nam từ đời Mạc Đăng Dung hàng được phong Đô Thống sứ, sau đó Lê Ninh đóng tại sông Tất Mã lo thờ phụng họ Lê. Đến đời Lê Duy Đàm đuổỉ nhà Mạc, hàng năm cống sản vật địa phương; Thần tổ khen trung thuận, chuẩn cho tiếp tục chức Đô Thống sứ. Nay lấy công gì mà lại xin phong? Tuy triều đình che chở nước nhỏ, không hẹp hòi, nhưng Man Di đầy tham vọng, Trịnh Tráng đắc chí tranh hoành gây mối lo cho đất đai nội địa, như cỏ tranh làm tắc nghẽn khe suối; làm sao có thể cho phép được!" Hoàng thượng cho là phải" (3)

%name
(Minh thực lục v.1, tr.389; Hoài Tông q.13, tr.10a)
Nhưng để hiểu rõ đoạn văn trích trên có mấy vấn đề cần lý giải:-Đoạn văn này được đặt ở Q.13 tức về năm Sùng Trinh thứ 13 (1640): Thoạt xem cảm nhận như có chênh lệch chậm khoảng 1 năm, nếu nó được xếp vào Q.12 tức năm Sùng Trinh 12 (1639) thì hợp lý hơn. Một bộ sử lớn cả mấy vạn trang, đôi khi  vẫn có những sự kiện bị xô lệch hoặc xếp sai chút ít như vậy. Nhưng đọc kỹ thấy dụng ý của người biên soạn không có ý định nói về công việc của sứ bộ của An Nam, mà chỉ muốn ghi lời tâu của viên quan Cấp sự trung bộ Binh Trương Tấn Ngạn về việc phong tước cho vua An Nam, cho nên không nhất thiết soạn giả phải xếp ở Q.11 cho đúng năm sứ bộ An Nam còn ở trên đất Minh. -Trương Tấn Ngạn nói Tuần phủ Quảng Tây “vị An Nam đầu mục Trịnh Tráng đại thỉnh vương tước” (thay lời cho đầu mục An Nam là Trịnh Tráng xin phong vương tước). Biểu cầu phong của vua Lê ắt phải đích danh đứng tên vua Lê, tự xưng là “An Nam đầu mục”. Đây viên quan này lại nói “Đầu mục An Nam Trịnh Tráng” là nghĩa thế nào? Từ đầu thời Trung hưng đến lúc này vua Minh chưa hề phong tước An Nam quốc vương cho vua Lê, vì vậy không thể có chuyện biểu cầu phong chuyến này xin phong tước cho Trịnh Tráng. (Có việc vua Minh phong tước cho Trịnh Tráng là An Nam Phó quốc vương, nhưng đó là chuyện về sau: đến năm 1647 vua Minh phong cho vua Lê Thần Tông của nước ta là An Nam quốc vương, sau đó đến 11-1651 mới phong cho Trịnh Tráng tước Phó quốc vương). Tôi chỉ có thể lý giải được rằng đây là một cách nói kênh kiệu của viên quan Cấp sự trung bộ Binh để tỏ ra rằng y hiểu thực chất biểu cầu phong cho vua Lê do Trịnh Tráng sắp đặt; chứ không phải là biểu của chính Trịnh Tráng xin phong tước cho mình. -Nghi thức đi sứ, như chúng ta đã biết - qua mô tả của nhiều tác giả các tập thơ sứ trình, các sứ bộ nước ta khi đến Quảng Châu vào chào Tuần phủ Quảng Tây. Tuần phủ Quảng Tây làm biểu văn về triều tâu việc có sứ thần An Nam sang lý do như thế như thế. Triều đình cho lệnh tiến phát Bắc Kinh thì sứ bộ mới lên đường. Tuần phủ Quảng Tây tháp tùng sứ bộ về kinh, khi thực hiện các nghi thức vào hoàng cung, yết kiến vua v.v..cũng đều do Tuần phủ Quảng Tây làm tiếp dẫn. Ngay nghi thức chuyển quốc thư lên vua Minh cũng phải qua tay Tuần phủ Quảng Tây chứ không phải sứ thần An Nam tự mình đưa vào. Vì thế, một cách kênh kiệu - viên quan Cấp sự trung bộ Binh nhà Minh nói tắt ngang là Tuần phủ Quảng Tây Lâm Chí “đại thỉnh” (thay lời xin phong tước vương cho “đầu mục An Nam”). Bản thân Lâm Chí không có ơn huệ riêng gì để có thể thay lời xin phong tước cho đầu mục An Nam được.Đó là mấy điểm liên quan đến văn bản sử liệu cần lý giải, còn chính lời tâu của Trương Tấn Ngạn thì nội dung đã rất rõ ràng: y thuộc phái những viên quan chủ trương duy trì bang giao với nhà Lê ở An Nam như lệ cũ từ đầu thời Trung hưng: Một mặt thông sứ với nhà Lê Trung hưng, nhưng chỉ phong vua Lê chức Đô Thống, chứ không phong cho tước quốc vương; một mặt vẫn cho thông sứ và nhận lễ vật tuế cống của nhà Mạc ở Cao Bằng. Biểu tâu của Trương Tấn Ngạn có khả năng đã được gửi lên triều đình đúng vào dịp triều đình nhà Minh nghị bàn biểu cầu phong của vua An Nam, vua Minh cho lời tâu của y là “phải”!Thực ra đó cũng là thể thức nhỏ nhặt của triều đình nhà Minh, còn đối sách với triều Lê Trung hưng ở An Nam, nhà Minh đã vạch sẵn từ đầu. Triều vua nào cũng theo cách “bắt cá hai tay”, “ngư ông thủ lợi” như thế cả. Thâm ý đã vạch sẵn, chẳng có Trương Tấn Ngạn thì một kẻ khác cũng tâu trình như thế. Dẫn ra đây thêm một trường hợp nữa cho rõ mưu mô của các quan bành trướng “thiên triều”:Từ mấy chục năm trước, năm Vạn Lịch 21 (1593) viên Tuần phủ Quảng Châu là Trần Đại Khoa đã dang biểu tâu rằng:
二 十一年,廣西巡撫陳大科等上言:「蠻邦易姓如弈棋,不當以彼之叛服為順逆,止當以彼之叛我服我為順逆。今維潭雖圖恢復,而茂洽固天朝外臣也,安得不請命而 撊然戮之。竊謂黎氏擅興之罪,不可不問。莫氏孑遺之緒,亦不可不存。倘如先朝故事,聽黎氏納款,而仍存莫氏,比諸漆馬江,亦不翦其祀,於計為便。」廷議如 其言             
“Bọn man di Nam bang đổi họ như thay cờ, không nên coi sự phản hay theo của bọn với nhau mà cho là thuận hay nghịch mà chỉ nên coi sự phản hay theo của họ đối với ta mà xét là thuận hay nghịch. Nay [Lê] Duy Đàm tuy muốn khôi phục, nhưng [Mạc] Mậu Hợp là bề tôi bên ngoài (ngoại thần) của thiên triều, sao dám không thỉnh mệnh mà ngang nhiên giết chết ông ta? Tôi thiết nghĩ cái tội tự ý dấy lên như thế (của họ Lê) không thể không hỏi tới, mà họ Mạc bị giết sạch các dây mối cũng không thể không cho tồn tại. Cứ theo như việc cũ của tiên triều, cho họ Lê được nộp cống khoản, mà vẫn để cho họ Mạc được tồn tại như những người ở sông Tất Mã thì cũng không mất thờ cúng, cứ theo kế ấy là tiện” Triều đình nghị bàn, nghe theo lời tâu đó” (Minh sử, Q.321: Ngoại quốc liệt truyên, An Nam)
Thực chất vấn đề như vậy, nhà Lê trung hưng cũng không lạ gì, nhưng vì muốn giữ bang giao hoà hảo với nước lớn, triều đình hầu như đều đặn cách khoảng 6 năm lại phải cử phái đoàn gồm hai sứ bộ sang triều cống nhà Minh. Kể từ sứ bộ của Phùng Khắc Khoan (dân gian thường gọi là Trạng Bùng) năm 1597, tiếp sau là sứ bộ của Ngô Trí Hoà, Nguyễn Thực năm 1606, rồi đến sứ bộ các năm 1613, 1620,1626,1630 mà ở đoạn trên, bài viết này đã nhắc đến;  mà trong Bang giao chí, Phan Huy Chú cũng đã kê đủ - đến chuyến đi này của sứ đoàn do hai chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu, Giang Văn Minh dẫn đầu, cộng là 7 sứ đoàn. Mỗi sứ đoàn gồm hai vị chánh sứ, phần nhiều đều chọn những vị có học vị hàng Tam khôi hoặc Hoàng giáp, thành viên chính thức là các vị hàng Tam giáp (Tiến sĩ), nhân viên tuỳ tùng các hạng mỗi sứ bộ ít ra cũng 5 - 6 người. Lễ vật cho các kỳ tuế cống thì hầu như phải chuẩn bị thường xuyên. Sứ bộ trước chưa về đã phải cho làm các đồ chạm khắc mỹ nghệ vàng bạc, tìm kiếm các đặc sản sừng tê, ngà voi, trầm, hương, kỳ nam v.v…để chuẩn bị cho kỳ đi sứ tiếp sau. Các nhà khoa bảng được cử đi sứ có vinh dự rất lớn, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Khi lên bộ khi xuống thuỷ, trải bao gió mưa, ăn chực nằm chờ, đến kinh đô nhà Minh còn phải lo đi chỗ này chỗ kia yết kiến quan chức các bộ viện. Gặp những viên quan nhiều lịch lãm thì việc giao tiếp cũng dễ dàng, nhưng cũng không tránh khỏi những kẻ võ biền hách dịch, cậy thế “thiên triều” để hạch sách điều này điều khác. Tài năng ứng đối giỏi giang khéo léo mà vua quan triều đình kỳ vọng các sứ giả chính là ở những lúc như thế. Nếu lấy mục đích thỉnh cầu phong vương đối chiếu với chính sách ngoại giao ít tính vương đạo đậm tính bá quyền của nhà Minh, chúng ta có thể hình dung biết bao khó khăn cho việc ứng xử của sứ giả nước ta khi đến công cán ở kinh đô nhà Minh. Nhưng vượt lên tất cả, phần nhiều các sứ thần tỏ rõ họ là những người có khí phách tiết tháo, dẫu gặp nghịch cảnh cũng không bao giờ chịu khuất. Tài năng văn chương của các sứ thần Đại Việt đã nổi tiếng từ thời Tống Nguyên, từ Lê Văn Thịnh đời Lý đến Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn đời Trần, Lê Thiếu Dĩnh, Lê Đức Huy (tức Sử Đức Huy), Đào Công Soạn, Trịnh Thiết Trường, Nguyễn Thiên Tích đời Lê sơ v.v.. Vang dội hơn nữa, với tài năng của sứ thần Phùng Khắc Khoan đầu thời Lê Trung hưng, ngay tại sân triều ứng khẩu làm ngay một lúc 35 bài thơ mừng thọ vua Minh, không chỉ khiến cho danh sĩ Trung Quốc khâm phục, mà sứ thần nước ngoài như Đàm Tuý Quang của Triều Tiên cũng hết sức hâm mộ. Người trong nước thì kính trọng coi họ như “Quả chuông” (bảo khí quốc gia) (Đem chuông đi đấm nuớc người) làm vang danh đất nước, triều đình coi họ là những sứ giả “bất nhục quân mệnh”.
III. CÂU ĐỐI VÀ CÁI CHẾT CỦA CHÁNH SỨ GIANG VĂN MINH
Sứ mệnh của phái đoàn bang giao do hai chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu và Giang Văn Minh dẫn đầu lần này so với các đoàn trước không hề nhẹ nhàng hơn. Trái lại, qua lời tâu của viên quan ở bộ Binh có thể thấy vua quan nhà Minh vẫn chưa quên mối hận đối với con cháu của vị anh hùng khởi nghĩa Lam Sơn. Không may là hai vị chánh sứ họ Nguyễn họ Giang không có tập thơ văn nào để lại cho nên chúng ta không biết được tường tận cuộc đấu tranh ngoại giao mà hai vị đã tiến hành ở kinh đô nhà Minh. Nhưng cũng thật may mắn, những đôi tai thính nhạy đã lưu truyền được một câu thơ bất hủ của vị chánh sứ họ Giang. Tương truyền trong chuyến đi này có một viên quan nào đó của nhà Minh, trong lúc chuyện trò thơ văn với sứ bộ đã có thái độ thiếu hiểu biết đối với truyền thống của người An Nam, cố ý nhắc lại chuyện cột đồng Mã Viện  khi y ra một vế đối:
     銅柱至今苔已綠
   
Đồng trụ chí kim đài dĩ lục ( Đồng trụ đến nay rêu đã mọc)
Chánh sứ Giang Văn Minh cảm thấy bị xúc phạm, ứng khẩu đáp ngay câu đối:
     白騰自古血猶紅
   
Bạch Đằng tự cổ huyết do hồng! (Bạch Đằng từ trước máu còn tươi)Câu đối ấy xét về chữ nghĩa, thanh điệu, luật đối đều hết sức chuẩn mực. Đặc biệt về ý nghĩa “đối chan chát” thì không biết bao thế hệ người nước Nam ta từ bấy đến nay, mỗi khi ngẫm ngợi hoặc truyền đọc cho nhau nghe, tự nhiên trong người như phấn chấn hẳn lên. Có một cái gì đó tựa như hồn thiêng sông núi đang lướt qua nâng bổng từ trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người Việt, bất kể Nam Bắc thành thị thôn quê. Ý nghĩa của văn học rất lạ kỳ: chỉ 7 chữ đó thôi nhưng đủ làm cho danh tiếng của sứ thần Giang Văn Minh trở thành bất tử cùng hồn thiêng đất nước! Cái mà chúng ta vẫn nói là sức mạnh tinh thần của người Việt Nam là một tổng thể của những giá trị mà bình nhật nó như dàn trải ra, rồi cô đọng lại, ngấm sâu vào trong vô vàn điểm hội tụ đến mức có thể gọi là “cận tâm linh ” như vậy. Đó là văn học có văn bản, nhưng văn bản đã mất đi cùng với tác giả thiêng liêng của nó! Đến lượt văn học truyền khẩu, qua bao năm tháng đã chuyển cho chúng ta những con chữ thần thái tinh anh đầy tự hào.Bản thân sứ thần Giang Văn Minh cũng trở thành một nhân vật huyền thoại. Toàn thư chỉ ghi ngày tháng sứ bộ lên đường, không cho biết gì về những ngày sứ bộ ở trên đất Minh, cũng như hành trình trở về. Liên quan đên chuyên đi đó của hai sứ bộ chỉ còn một tin cuối cùng được xếp vào cuối tháng tư năm Dương Hoà 5 (khoảng tháng 5- 1639) nói triều đình “sai thượng thư, Thiếu phó Tuyền quận công Nguyễn Duy Thì cùng bọn Nguyễn Thọ Xuân, Nguyễn Xuân Chinh, Nguyễn Quang Nhạc, Phạm Phúc Khánh lên cửa quan đợi mệnh đón sứ thần về nước ( Toàn thư, BK 18-35b)Đại Nam nhất thống chí ở truyện Giang Văn Minh đã chép rằng người ra vế xướng là vua Minh Hy Tông, sau khi nghe sứ thần An Nam đối lại như trên, “vua Minh rất tức giận, sai  mổ bụng Giang Văn Minh, nhưng khen là người có tiết tháo, bèn sai lấy thuỷ ngân ướp xác và cho ngậm nhân sâm rồi trả quan tài về nước, việc bang giao vẫn theo như cũ. Khi quan tài về, vua Lê thân hành đến viếng, than thở nói: “Đi sứ không làm nhục mệnh vua, thực là anh hùng thiên cổ!”

%name
  (Đại Nam nhất thống chí. Sơn Tây. Bản dịch Viện Sử học. H.,Nxb.KHXH, 1971. T.4, tr.239). Các tài liệu sách báo của ta (kể cả quốc ngữ và tư liêu Hán Nôm) trước nay chép về sứ thần Giang Văn Minh có thể chia làm 2 loại:-Loại thứ nhất : Có chép việc vua Minh sai giết Giang Văn Minh, mổ bụng đổ thuỷ ngân, đóng quan tài chuyển vè nước. Loại tài liệu này có căn cứ ở ghi chép của Đại Nam nhất thống chí (đã dẫn trên).-Loại thứ hai: Không chép việc vua Minh hoặc người Minh giết Giang Văn Minh, chỉ ghi Giang Văn Minh chết trên đường đi sứ về.
Loại thứ nhất: cũng có khác biệt thể hiện xử lý của các soạn giả về giá trị sử liệu của điều ghi ở ĐNNTC:a Hoặc cho rằng ĐNNTC là công trình của Quốc sử quán triều Nguyễn, khi ghi như vậy hẳn phải có căn cứ.b  Hoặc sử dụng thông tin của ĐNNTC, nhưng thấy sai rõ rệt ở chi tiết nói người ra vế đối và sai giết Giang Văn Minh là vua Minh Hy Tông. Điều ghi đó hiển nhiên là không chính xác, bởi vì vua Minh Thần Tông ở ngôi từ năm 1621 đến năm 1627, phải hơn 12 năm sau Giang Văn Minh mới có mặt ở Yên Kinh dưới thời vua Minh Tư Tông (cũng gọi là Minh Hoài Tông/ 1628-1644). Vì vậy cho nên nên bỏ qua, chỉ nói chung là “Minh nhân” (người Minh), chứ không nói đích danh vua Minh Hy Tông. Tam khôi bị lục theo hướng này. Nhưng đến lượt mình, soạn giả Tam khôi bị lục lại phạm một sai lầm khác không kém quan trọng khi chép Giang Văn Minh đi sứ sang nhà Thanh! Kẻ tức giận sai mổ bụng cũng là “Thanh nhân” (người Thanh) chung chung chứ không phải vua Minh hoặc vua Thanh! Cả hai bản TKBL của Viện Hán Nôm (A.,3078, 24b / trái) và của Thư viện Quốc gia (R.2066, 34a/ phải) đều với chữ “Thanh nhân 清人” (sic), chứng tỏ đây không phải cái sai của việc sao chép.

%name
%name


%name
(Trích cắt 1 đoạn niên biểu Trung Quốc đời Minh để tiện xem ngay)Đúng là vào khoảng thời gian hai sứ bộ của Nguyễn Duy Hiểu và Giang Văn Minh sang sứ ở Trung Quốc có sự song song tồn tại cả nhà Minh và nhà Thanh. Từ 1633 quân Mãn Châu đã chiếm được vùng đông bắc Trung Quốc và vùng Nội Mông (1633); cận kề khoảng hai năm trước, vua Mãn Châu là Hoàng
Thái Cực đã tuyên bố đặt kinh đô ở Thẩm Dương và thành lập nhà Thanh trên lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng nhà Minh vẫn giữ được phần lớn lãnh thổ, cho đến năm 1644 mới sụp đổ hẳn. Như vậy 2 sứ bộ nước ta do Nguyễn Duy Hiểu và Giang Văn Minh làm chánh sứ là đi sứ sang Bắc Kinh giao thiệp với triều đình nhà
Minh. Sử Việt Nam - bộ Toàn thư  (đã dẫn) chép sự kiện này cũng ghi tương đương với niên hiệu Minh Sùng Trinh, chứ hoàn toàn không liên quan gì đến nhà Thanh!
Loại thứ hai: Không ghi việc vua Minh (hoặc Thanh), chỉ ghi việc đi sứ và cái chết của sứ thần Giang Văn Minh, như Toàn thư (đã dẫn), hoặc chỉ ghi “ phụng sứ, đạo tốt 奉使,道卒  ”, như Đại Việt triều Đăng khoa lụcLiệt huyện đăng khoa bị khảo:
Nội hàm của hai chữ “đạo tốt 道卒” (nghĩa là “chết trên đường”) khá trốngcó thể hiểu là trên đường đi, hoặc trên đường về. Trong khi soạn cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam , chúng tôi đã viết: “mất trên đường về, nhà Minh cho ướp xác chở thi hài ông về nước”  (CNKBVN, tr.466)
Nói tóm lại, nếu ghi nhận sứ thần Giang Văn Minh bị vua Minh giết thì cũng có sử liệu đã được ghi ở một bộ sử có danh tiếng (ĐNNTC) như đã dẫn trên, nhưng vì trong ghi chép có sai lầm (như chi tiết về vua Minh Hy Tông ở ĐNNTC, hoặc nói “Thanh nhân” [người Thanh] như trong Tam khôi bị  lục), cho nên nhiều tài liệu khác khi chép truyện Giang Văn Minh chỉ ghi phần đối đáp câu đối và chỉ nói sứ thần Giang Văn Minh mất trên đường về, chứ không nói về cái chết của vị sứ thần nổi tiềng.

IV. CHÁNH SỨ NGUYỄN DUY HIỂU: LÀM XONG VIỆC NƯỚC, CÓ CÔNG, CHẾT KHI ĐANG TẠI CHỨC
Chúng ta đã bàn về vài vấn đề liên quan đến chuyến đi sứ sang nhà Minh của hai vị chánh sứ, đoạn vừa rồi nói về chánh sứ Giang Văn Minh, bây giờ chúng ta quay lại với chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu:Nếu như chánh sứ Giang Văn Minh may mắn còn truyền lại được vế đối bất hủ đã nói trên, và do đôi cánh diệu kỳ của văn học, bản thân cuộc đời và cái chết của sứ thần họ Giang được lan toả đến tầm mức huyền thoại, thì hậu thế hầu như ít may mắn hơn vì không được biết nhiều về các hoạt động của chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu trong chuyến đi sứ nói trên. Qua điểm lướt tình hình chung về quan hệ bang giao Minh -Việt khoảng đầu thế kỷ XVII như trên, chúng ta có thể thấy chuyến đi của cả phái đoàn gồm cả hai sứ bộ do Nguyễn Duy Hiểu và Giang Văn Minh dẫn đầu diễn ra trong tình thế quan hệ bang giao giữa nhà Minh và nhà Lê trung hưng chưa mấy cải thiện và có thể nói còn khá căng thẳng. Chúng ta có thể hình dung một bên là các sứ bộ An Nam có trách nhiệm tranh biện (sử liệu Hán văn thường gọi là “biện bạch”) về tính chính danh, chính thống của vương triều mình; một bên là các quan lại nhà Minh bảo thủ, cố chấp chính sách bá quyền, muốn lợi dụng tình hình chính quyên “đôi” Lê - Mạc ở An Nam để toan tính thủ lợi, trước sau không chịu chấp nhận phong vương cho vua Lê. Câu đối của viên quan nhà Minh với chánh sứ Giang Văn Minh phản ánh phần nào những cuộc tranh biện ngoại giao quyết liệt đó. Và “thiên triều” không phải bao giờ cũng có thái độ quang minh vương đạo của nước lớn trong việc đối xử với sứ giả các nước phiên thuộc. Chẳng hạn: năm 1278 vua Trần Thánh Tông nước ta mới lên ngôi, sai Trịnh Đình Toản, Đỗ Quốc Kế sang sứ nhà Nguyên báo tin, nhà Nguyên đã có ý định thôn tính Đại Việt, bèn giam giữ cả sứ bộ không cho về (Toàn thư ). Tháng 6-1285, sau khi Thoát Hoan bị đánh bại phải trốn chạy về nước, vua Trần Thánh Tông sai sứ bộ gồm Nguyễn Nghĩa Toàn, Nguyễn Đức Vinh, Đoàn Hải Khung v.v…tất cả 34 người sang sứ nhà Nguyên tặng lễ vật để hoà dịu, bị vua Nguyên sai giữ lại hơn 4 năm, đến 1289 mới cho về (LTHCLC, Bang giao chi) v.v... Do những tiền lệ như vậy, việc giết hại sứ giả của Đại Việt hay An Nam tuy cả sử Trung Quốc và Việt Nam đều không ghi, nhưng dù sao cũng không thể loại trừ, nhất là khi đã có một bộ sử chí như ĐNNTC đã nói đến việc ấy!Nguyễn Duy Hiểu không còn thơ văn để lại, nhưng hồ sơ cá nhân còn một văn bản gốc rất quý hiếm, đó là  tấm sắc phong của vua Lê Thần Tông ghi nhận công lao đi sứ của Hoàng giáp chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu.Sau đây là bản chụp ảnh và bản dịch tấm sắc phong ấy:

%name
勅賛治功臣特進金紫榮祿大夫御史臺簽都御史義富子佐治上卿中階阮惟曉為奉往北使通貢款濟國事有功在職逝殁有朝臣簽議應加贈刑部左侍郎職侯爵并賜謚可加刑部左侍郎義富侯謚文定故.
陽和六年閏正月二十三日.
Sắc: Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử Nghĩa Phú tử Tá trị Thượng khanh trung giai Nguyễn Duy Hiểu vị phụng vãng Bắc sứ thông cống khoản, tế quốc sự, hữu công, tại chức thệ một. Hữu triều thần thiêm nghị ưng gia tặng Hình bộ Tả thị lang chức, hầu tước, tịnh tứ thụy.Khả tặng Hình bộ Tả thị lang Nghĩa Phú hầu thụy Văn Định. Cố sắc.Dương Hoà lục niên nhuận Chính nguyệt nhị thập tam nhật.
         Dịch:
Sắc cho:Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử Nghĩa Phú tử Tá trị Thượng khanh trung giai Nguyễn Duy Hiểu vì việc đi sứ Bắc quốc (nhà Minh) nạp cống, hoàn thành việc nước, có công, mất khi đang tại chức. Các triều thần bàn định nên gia tặng chức Hình bộ Tả thị lang, tước hầu và ban tên thuy.Nay xét gia tặng chức Hình bộ Tả thị lang, tước Nghĩa Phú hầu, thuỵ Văn Định.Vậy ban sắc này.Niên hiệu Dương Hoà thứ 6, tháng Giêng nhuận, ngày 23 (tức ngày 15-3-1640 DL). (Ngạn Xuyên Ngô Đức Thọ đọc dịch.)
Tờ sắc phong có quốc ấn “Hoàng đế chi bảo” cho thấy vua Lê Thần Tông và triều đình thời chúa Trịnh Tráng đánh giá rất cao công lao đi sứ của Hoàng giáp chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu. Các sắc phong phần nhiều chỉ khen ngợi chung như “trung cần”, “mẫn cán”, “phụ bật trièu chính” v.v..Sắc phong này, thuộc diện rất hiếm thấy- ghi rõ: “ vị phụng vãng Bắc sứ thông cống khoản, tế quốc sự, hữu công” nghĩa là : vì việc vâng mệnh đi sứ sang Bắc quốc nộp lễ cống, hoàn thành việc nước, có công(4) . Ghi nhận trên đây cho thấy triều đình hồi ấy đánh giá rất cao thành tích của chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu trong chuyến đi sứ ( từ 13-2-1638 đến khoảng 6-1639). Lời khen ấy trong tấm sắc truy tặng cho Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu có thể sánh ngang với lời vua Lê Thần Tông khen ngợi Chánh sứ Giang Văn Minh là : “Đi sứ không làm nhục mệnh vua, thực là anh hùng thiên cổ” mà ĐNNTC đã ghi.
Nguyễn Duy Hiểu tuổi chưa bằng một nửa số tuổi của Giang Văn Minh, nhưng đỗ đại khoa cùng một năm (Vĩnh Tộ 10 [1628]: Nguyễn Duy Hiểu 27 tuổi, đỗ Hoàng giáp; Giang Văn Minh 56 tuổi, đỗ Thám hoa). Cả hai người đều làm chánh sứ, cùng dẫn đầu sứ bộ sang nhà Minh và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao. Giang Văn Minh có câu đối đáp bất hủ “ Bạch Đằng tự cổ huyết do hồng”, Nguyễn Duy Hiểu được đánh giá  “tế quốc sự, hữu công” (hoàn thành việc nước, có công), thật xứng đáng cùng Giang Văn Minh tề danh trong sử sách. Nhưng chuyến đi sứ ấy, như mọi người đã biết: chánh sứ Giang Văn Minh không trở về, để mối di hận thương tiếc cho con cháu nhiều đời sau!
Còn chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu thì sao?
Do chữ “đạo tốt” nội hàm không thật cụ thể: chết trên đường hoặc dọc đường,  cũng có thể hiểu là chết trên đường đi, hoặc trên đường về v.v..Trước đây, khi soạn tiểu sử Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu chúng tôi chưa có điều kiện đến tìm hiểu tại quê hương cụ ở Yên Lãng nên đã ghi cụ “ từng đi sứ sang nhà Minh, mất trên đường đi” . Nay được hậu duệ cụ cho xem và ghi lại được các tấm sắc phong quý giá, đặc biệt có tấm sắc phong năm Dương Hoà 6 đã dẫn trên. Xác tạc trước mắt chúng ta đã thấy câu nguyên văn của sắc phong nói cụ “phụng vãng Bắc sứ…, tế quốc sự, hữu công, tại chức thệ một” (Vâng mênh đi sứ…., hoàn thành việc nước, có công, mất khi đang tại chức).Kết hợp với ghi chép vốn đã có sẵn trong Lịch triều đăng khoa lục:
%name
“Phụng sứ, đạo tốt” (vâng mệnh đi sứ, chết trên đường [trong chuyến đi]),
Với những sử liệu của bản sắc phong ngày 23 tháng Giêng nhuận năm Dương Hoà 6 (tức DL ngày 15-3-1640 ) và ghi chép trong Lịch triều đăng khoa lục như đã dẫn trên, chúng ta có thể xác định: Cũng như Thám hoa chánh sứ Giang Văn Minh, Hoàng giáp chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu cũng mất trên đất nhà Minh - chỉ khác một điều là: Đại Nam nhất thống chí đối với mỗi tỉnh chỉ chọn lựa một ít nhân vật nên chỉ chép truyện Giang Văn Minh mà không chép truyện Nguyễn Duy Hiểu. Cũng do khác biệt đó mà sử sách ngày trước cũng như sách báo ngày nay ít nói về Hoàng giáp chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu (1602-1639), người đã từng vâng mệnh đi sứ, hoàn thành việc nước, có công, mất trong chuyến đi sứ cuối năm Đinh Sửu.
Viết đến đây tôi xem lại lần nữa điều ghi về việc triều đình cử hai sứ bộ đi sứ sang nhà Minh năm ấy, và sửng sốt tự hỏi rằng: Không hiểu vai trò của Khâm thiên giám thế nào mà để triều đình sắp xếp cho phái đoàn của hai chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu và Giang Văn Minh lên đường đúng vào ngày vừa là “tuế tận” tức ngày 30 tháng Chạp năm Đinh Sửu (tức ngày 13-2-1638 DL), lại vừa là ngày có Nhật thực như Toàn thư đã ghi (BK18, 34a-34b)? Còn đối với chúng ta, có lẽ sau những tháng năm quên lãng, từ đây phải chăng một sự nhìn nhận khách quan công bằng với tiền nhân đang trở lại, để danh tiếng của Hoàng giáp NGUYỄN DUY HIỂU (1602-1639) - nhà ngoại giao tài ba có công lao với đất nước được cả dân tộc ghi nhớ mãi ?
NGÔ ĐỨC THỌ
13-5-2011         

----------
(1) Những chỗ có chuyển đổi ngày tháng năm Âm lịch ra ngày tháng năm Dương lịch trong bài này đều tra cứu ở : LÊ THÀNH LÂN, Năm trăm năm Lịch Việt Nam (1544-2043). H., Nxb. Hà Nội,2010. Cám ơn tác giả và giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách công cụ rất có giá trị , giúp ích rất nhiều cho các chuyên đề nghiên cứu liên quan đến lịch sử Việt Nam.(2) Xem: Minh thực lục -Quan hệ Trung Quốc -Việt Nam thế kỷ XIV -XVII. Dịch và chú thích: Hồ Bạch Thảo; Hiệu đính và bổ chú: Phạm Hoàng Quân. # Tập. H.,Nxb. Hà Nội, 2010.(3)Minh thực lục - Quan hệ Trung Quốc -Việt Nam thế kỷ XIV -XVII. Sđd.,T.3, tr.266-267;998. (4) Câu “vị phụng Bắc sứ …., tế quốc sự  , …” có ai đó dịch giúp cho dòng họ bản gia phả đã đọc nhầm chữ  “tế ”(nghĩa làm làm xong, hoàn thành) thành chữ Tề , rồi ngắt câu sai, thành ra “ vâng mệnh đi sứ nuớc Tề”!. (Tề  là tên nước cổ thời Xuân Thu - Chiến quốc, tồn tại từ thế kỷ 11 TCN đến năm 221 TCN bị Tần diệt) Hồi này làm gì có nước Tề nữa mà vâng mệnh đi sứ nước Tề”?
                                              

Ï
Phụ lục:
THỐNG KÊ VÀ TÓM TẮT CÁC BẢN SẮC PHONG CỦA HOÀNG GIÁP CHÁNH SỨ NGUYỄN DUY HIỂU
(Bảo quản tại Đền thờ Thái tể Tuyền quận công Nguyễn Duy Thì ở thôn Xuân Lãng xã Thanh Lãng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc)

%name

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét