Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

VỀ BÀI VĂN CHÀO HÀNG THƠM THO “SIÊU BẤT HỦ” CỦA ÔNG NGUYỄN MINH PHONG


VỀ BÀI VĂN CHÀO HÀNG THƠM THO “SIÊU BẤT HỦ” CỦA ÔNG NGUYỄN MINH PHONG
Ngô Đức Thọ
1. Đọc bài viết của ông Nguyễn Minh Phong đăng trên báo Nhân Dân, tôi thấy bài ấy có vẻ là một bài văn chính luận bàn về lòng yêu nước, đồng thời gắn với thời sự, có vài ý mà ông Phong muốn nhân tiện để giáo dục dạy dỗ người đời - cụ thể là những người tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược gần đây. Các nguồn, trước tên ông đều có ghi TS. Riêng tôi không biết rõ ông Phong TS ngành gì, sợ nhầm nên không dám ghi (dưới đây chỉ xin ghi theo đúng họ tên hoặc ghi theo cách xưng hô thông thường của mọi

người là ông Phong). Trước hết thì thấy bài văn của ông có lẽ viết vội nên không tự xem sửa cho kỹ nên nhiều ý tứ lặp đi lặp lại, ví dụ: copy vài câu để ông tự kiểm tra:
-Lòng yêu nước là tài sản thiêng liêng,
-Lòng yêu nước là tài sản thiêng liêng,
-lòng yêu nước đã trở thành một giá trị truyền thống và là tài sản vô giá
-Lòng yêu nước là tài sản thiêng liêng, gắn liền với lòng tự hào, tự tôn dân tộc,
Hoặc có vài câu có lẽ ông cho là quan trọng, đã nhấc lên trên để in đậm, nhưng dưới vẫn thấy vẫn để nguyên, trong bài văn chừng vài trăm chữ, có lẽ ông nên xóa những dòng lặp thừa ấy đi, nếu không người ta không khỏi cảm thấy ông đếm chữ ăn tiền. Có lẽ ai cũng cần chú ý điều ấy, riêng ông Phong nghe nói mới về báo Nhân Dân và sắp được đề bạt lên một chức phó nhị nào đó thì càng nên thận trọng chuyện viết lách.
Đọc văn chính luận của ông, tôi có cảm tưởng ông Phong rất muốn nói những điều rất chắc chắn, tựa như chân lý. Ví dụ, ngay mở đầu, có lẽ là câu ông lấy làm tâm đắc nhất:
Sinh ra trên trái đất và lớn lên dưói ánh mặt trời, mỗi người đều có một gia đình để yêu thương, một nghề nghiệp làm sinh kế và có một Tổ quốc để gắn bó, phụng sự. (in đậm trong nguyên văn)
Tôi nghe nói có một xứ sở của “người picmê”nhưng không biết chính xác họ ở đâu để gửi ngay câu trích nói trên cho họ kịp in ngay vào sách giáo khoa cho học sinh thế hệ 2012 và nhiều thế hệ sau nữa học tập. Người bạn đập vào vai tôi mà bảo:
-Ông ơi, xứ Picmê ấy người ta chỉ lùn về chiều cao thân thể, chứ lại rất cao về văn hoá đấy!
Tói đáp: " Chết chết! Thế thì khỏi gửi, có gửi sang thì họ cũng vo viên vứt vào sọt gì ấy thôi! Mình tưởng câu ấy cũng có vẻ triết lý đấy chứ?"
Người bạn tôi ngạc nhiên dương to mắt, con ngươi chực phọt tung ra ngoài!
-Trờì ơi! Ông tưởng ai mở mồm cũng phát ngôn ngay được một chân lý ư?
-“Người ta sinh ra trên đời…”- Chỉ thiếu một chữ “Người ta “ ở đầu câu, nhưng chuyển ra vế sau làm đồng chủ ngữ cũng được, tuy không giống hẳn, nhưng có sức khơi gợi, khiến ta liên tưởng với câu mờ đầu vô cùng nổi tiếng trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ do Thomas Jeferson ( 1743-1826) người sáng lập đảng Dân chủ, sau là Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ viết, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn ngay đầu Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 của nước Việt Nam ta. Mở đầu bài văn bằng một câu có khí tượng đế vương như vậy, dẫu ông Phong có thăng tiến đến đâu cũng chưa tuơng xứng với cái tài năng trời biển của ông, chứ cái chức phó ban (dự kiến) có vẻ còn quá khiêm tốn vậy!
2. Đáng tiếc cái câu có vẻ có khí tượng đế vương ấy hoá ra xét kỹ lại sai be sai bét! Không cần phải điều tra khảo cứu gì cho mất công (chẳng bõ), chỉ cần nêu ra một vài sự việc trong đời sống thường nhật cũng có thể kiểm chứng những đúc kết, tổng kết nào đó có đúng sự thực hay khòng? Phải khẳng định rằng, đúng là xã hội nào cũng có nhiều, rất nhiều những con người được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, trong đó mọi thành viên đều có lý do để coi gia đình là chốn yêu thương của mình. Nhưng cũng rõ ràng không phải chỉ ở các nước “tư bản giãy chết” mà ngay cả trong xã hội chúng ta ngày nay nữa cũng vẫn cứ có những con người bất hạnh. Chẳng hạn bố mẹ bỏ nhau, con cái ban ngày cầu bơ vất vưởng đầu đường xó chợ, tối ngủ công viên, vỉa hè. Làm gì có chuyện những đưa trẻ ấy "từ khi sinh ra là đã có một giai đình để yêu thương"? Còn bất hạnh hơn nữa là những đứa trẻ ngay khi sinh ra, người mẹ đã không muốn hoặc không thể nuôi được nó, phải bỏ vào thùng rác hoặc bỏ quên bên vệ đường, may có những cá nhân hay tổ chức từ thiện cưu mang nuôi dưỡng thành người.
(Để rõ hơn những hoàn cảnh bất hạnh này, có lẽ xin mời tiếp xúc phỏng vấn vợ chồng J.B Nguyễn Hữu Vinh, chị ấy nguyên là BTV báo mạng Vietnamnet, biết rất rõ nhiều cảnh đau thương này)
Vậy thì đấy, ông Minh Phong, ông bảo sao: đó cũng là những người từ khi sinh ra, hơn nữa, từ khi “lớn lên dưới ánh mặt trời” “đều có một gia đình để yêu thương” cả ư? Nói một câu gì đơn giản trong chỗ gia đình bạn bè mà có tính “đúc kết” còn phải “uốn lưỡi 7 lần” cho khỏi sai, huống gì những câu có khẩu khí đế vương như thế mà ông không lật đi lật lại vấn đề cho toàn diện để xem câu mình nói nghe bay bổng thơm ngon thế, thực chất có đúng tí gì, hay sai be sai bét đến mức bốc mùi ô nhiễm thì còn lên mặt dạy đời sao được?
3. Cùng trong câu có khẩu khí đế vương ấy,- vẫn theo lời ông Nguyễn Minh Phong “mỗi người” “từ khi sinh ra và từ khi lớn lên “dưới ánh mặt trời” ấy “đều có” “một nghề nghiệp làm sinh kế”. Chính câu văn quan trọng có khẩu khí đế vương này của tác giả Nguyễn Minh Phong mà tôi đâm băn  khoăn không biết báo Nhân Dân có nên có sự chuyển công tác của ông về quý báo hay không? (cái này quý báo cứ bình tâm tham khảo thêm ý kiên của nhiều người có thể xét xem trình độ thực sự, nhất là văn vẻ viết lách có hợp với yêu cầu của báo hay không, bởi vì như câu dẫn đó thì tôi thấy ông Nguyễn Minh Phong nói nội hàm ngoại diên lung tung nhưng ngay hai từ “nghề nghiệp” và “sinh kế” mà có lẽ ông Phong không hiểu. Nhà văn nhà báo ngày nay viết văn rất hay, dùng từ rất chính xác, còn như bày ra đấy, thì ông Minh Phong không hiểu hai từ thông thường nêu trên. Nghề nghịêp là cái nhờ đó con người có thể làm việc bằng lao động của mình để nhận được tiền lương tiền công xã hội trả cho để sinh sống, đó tức là sinh kế, tức là cái kế sách, cái mưu kế để sinh sống. Có nghề nghiệp tức là có thể sản xuất được hàng hoá, dịch vụ có thể kiếm được tiền để sinh sống, chứ không phải  “có nghề nghiệp để làm sinh kế”.Viết lách như ông Phong viết đây không phải phong cách báo chí văn học mà chỉ là cách nói hớt, nói tắt, xô bồ chỗ bến xe bến tàu. Đáng ra ông Phong viết là có một nghề nghiệp để sinh sống hoặc để làm ăn sinh sống! Vậy đố ai dám bảo ông là sai! Đằng này ông lại thích dùng từ Hán Việt “:sinh kế” mà thực sự chẳng hiểu chính xác nội dung thế nào. Chuyện như thế là tối kỵ đối với một nhà báo. Báo Nhân Dân từ xưa vẫn nổi tiếng văn phong trong sáng chuẩn mực, một người viết như ông Nguyễn Minh Phong sẽ đem lại cho báo điều gì mới mẻ tăng tiến đây?
4. Dù sao thì chuyện nghề nghiệp làm sinh kế ấy không mấy quan trọng, cái sai quan trong hơn trong cái vế thứ hai của câu văn khẩu khí đế vương ấy là ở cái ý này: Ông Phong lớn giọng đúc kết chân lý: Người ta từ khi sinh ra và “lớn lên dưới ánh mặt trời”, “mỗi người” đều có một nghề nghiêp” mà ông bảo là làm sinh kế. Trước hết phải hỏi : ông nói thực hay nói đùa (đúc kết đùa) đấy? Thật thế ư? Mỗi người từ khi sinh ra rồi lớn lên dưới ánh mặt trời là đã có ngay một ghề nghiệp để làm sinh kế? Thế ư? Nghề nghiệp và sinh kế dễ quá nhỉ? Sinh ra là đã có, rồi lại “lớn lên dưới ánh mặt trời” nữa thì hằn là chẳng ai phải lo “nghề nghiệp làm sinh kế”(sic!) nữa! (Ông Phong rất thích nhấn mạnh cái ý “dưới ánh nắng mặt trời” (hẳn để liên hệ đúc kết của ông như “Mặt trời chân lý”?) Vâng, nếu nghề nghiệp và sinh kế từ khi sinh ra là đã có và có dễ thế thì cần gì phải học hành, nhà nước cần gì phải mở trường dạy nghề và các trường chuyên môn khác. Như báo chí chằng hạn cũng là một nghề, thậm chí là một nghề rất khó. Ông bảo dễ thế thì chẳng biết ông có chịu học trường ấy không mà mang đơn đến báo ND? Không cứ là báo chí, Bộ Giáo dục Đào tạo (trước đây thêm chữ Dạy nghề) mà biết thế thì có khi đỡ phải lo mở trường, lo thầy giáo, hàng năm lại vất vả tuyển sinh (sinh ra “dưới ánh mặt trời” là có một nghề nghiệp trong tay rồi, ông Phó ban (dự kiến) của Báo Nhân Dân bảo thế!
      Trời ơi! Sao trên đời lại có những người viết lách hay ho thông sáng đến thế cơ chứ?  Tôi nghe cổ nhân nói: những bậc thánh triết có những câu đúc kết như ông Nguyễn Minh Phong thì phải 4-500 năm mới có một người! Nay ông Minh Phong ở báo Nhân Dân viết một câu vài chục chữ có 3 vế như vậy, mà vế nào cũng cực kỳ hay ho thông sáng, không một vết đen u tối buồn cười nào, thế thì vận hội nước Việt Nam mình đến hồi thăng hoa thật rồi chăng?

5.Mỗi người đều có một Tổ quốc để gắn bó, phụng thờ

        Cái câu khí tượng đế vương trên đây của Minh Phong còn môt vế thứ ba nữa, là ông bảo người ta từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên “dưới ánh nắng mặt trời”, “mỗi người đều có” một Tổ quốc gắn bó phụng thờ”. Tôi không nghiên cứu sâu lắm về Tổ quốc học, nhưng vẫn có thể đoan chắc rằng ông Nguyễn Minh Phong cán bộ báo Nhân Dân viết ẩu viết bừa, viết sai be sai bét:Đó là ở chỗ ông nói nói mỗi người sinh ra “đều có một Tổ quốc để phụng thờ”!. Cũng logic thôi. Ở trên ông đã rao giảng về lòng yêu nước (không hẳn: ông chỉ tán róc về lòng yêu nước chứ chưa giảng giải được tí gì đã sai be sai bét), cho nên đến đây ông phải thêm vào một vế nói về Tổ quốc. Hẳn ông muốn sách giáo khoa in ngay lời ông trang đầu, vì các sách thường rất coi trọng các bài văn bài thơ nói về Tổ quốc - ở đây, ông còn hơn, ông không làm thơ mà viết lý luận về Tổ quốc). Thật lấy làm đáng tiếc và xấu hổ, cả cái vế “mỗi người đều có một Tổ quốc để phụng thờ ấy cũng sai be sai bét! Không cần kê khảo nhiều, chỉ cần nêu một dẫn chứng này đủ chứng tỏ câu nói của ông Minh Phong chẳng đúng thực tế lịch sử, và tất nhiên cũng là chẳng đáng tin cậy chút nào! Sự thực thì không phải ai sinh ra cũng có ngay một Tổ quốc để “gắn bó, phụng thờ” như ông viết! Người Do Thái chẳng hạn, tự coi họ là những người không có Tổ quốc. Người Việt Nam chúng ta trước đây trong thời Pháp thuộc cũng là người dân mất nước. Tuy gọi là mất nước nhưng người Việt Nam vẫn được ở trên đất nước Việt Nam, không bị xua đuổi đi đâu khác, tức là vẫn còn có Tổ Quốc Việt Nam, nhưng mà là một Tổ Quốc tủi nhục vì bị nô lệ ngoại bang. Nhưng tình hình người Do Thái thì khác: Người Do Thái lập quốc từ rất sớm (thế kỷ XIX TrCN), nhưng từ năm 722 TCN người Assyri đánh bại vương quốc Israel, người Do Thái bắt đầu phải sống lưu vong khắp thế giới. Đối với nhiều thế hệ người Do Thái, Tổ quốc của họ chỉ còn tồn tại trong hoài niệm tâm tưởng, mà thực tế là không có Tổ Quốc! Mãi đến sau Chiến tranh thứ II, nhà nước Israel mới được thành lập (14-5-1948) được nhiều cường quốc công nhận. Ông Minh Phong được dự kiến làm cán bộ phụ trách Ban ở báo ND, tưởng ông phải tinh thông tình hình năm châu bốn biển, vấn đề quan hệ của nhà nước Do Thái với thế giới Ả Rập tưởng ông phải biết rõ hơn chúng tôi, thế mà tôi thuộc số người tin tưởng rằng ông thực sự không có nhận thức sâu sắc gì hơn những người khác về chủ đề Tổ quốc, cho nên hẳn là ông không biết gì về chuyện người Do Thái không có Tổ quốc, cho nên mới thong dong hạ bút viết một câu xanh rờn với khẩu khí đế vương như đã dẫn  trên! Than ôi! Câu nói cửa miệng dân gian  "Thùng rỗng kêu to” (vô nghĩa) chính là để nói về những trường hợp tương tự như ông đấy thưa ông Minh Phong ạ. Khốn khổ (trong bài ông có chê ai đó mắc bệnh háo danh v.v…). Không biết thì thôi, chứ viết ra những đúc kết “mỗi người” từ khi sinh ra đến khi lớn lên dưới ánh mặt trời”…đều có một Tổ Quốc để gắn bó, phụng thờ” thì chỉ một ví dụ đó về ngời Do Thái không có Tổ quốc, có thể thấy câu nói của ông chẳng đúng sự thật lịch sử chút nào! Có người người ta viết có thể chưa phải là đúng hẳn, nhưng cố gắng để đừng sai, nhất là sai vào hạng sai be bét như ông thì dẫu là người thiên vị ông mấy (như mấy ông sếp cấp trên của ông) cũng không thể rửa mặt giúp cho ông được! Nghề viết lách nó thế, “mình làm mình chịu kêu mà ai thương”?
Đó là mới nói cho đủ ba vế của cái câu khẩu khí đế vương của ông, dù lướt qua cũng phải nêu đủ cả ba vế, nếu không sẽ bị ông chê cười là chỉ “biết một” (vế) mà không biết “ba”, tức còn sót hai vế kia thì mới đủ câu “Sinh ra….dưới ánh mặt trời”
6.Không phải tôi mua chuyện, nhưng qủa thật phải xin phép chuyển sang câu khác, bởi vì nếu như câu trên có khẩu khí đế vương dạy người, thì câu sắp trich đây lại có khẩu khí của vị quan toà hoặc một nhà lập pháp khả kính, cũng thuộc hàng vĩ đại cả chứ không phải tầm thường đâu. Tôi cũng theo đúng nguyên văn phải in đậm (thậm chí là rất đậm):). Đó là câu sau đây:
Lòng yêu nước là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân, dù đó là nguyên thủ quốc gia hay người dân bình thường.
Câu này có 2 vế rõ rệt, nhưng có cái chung là đều mang phong cách của văn luật pháp.
Đây không phải là chuyện có ai vi phạm luật pháp hay không, nhưng đọc câu văn của ông Minh Phong, những ai yếu bóng vía - nhất là những người tham gia mấy cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược vùa qua mà lại chỉ hiểu pháp luật đúng như cách phổ thông của mọi người dân chứ không phải có đầy đủ hoàn chỉnh kiến thức luật học như các luật sư hay luật gia chuyên nghiệp thì chỉ cần nghé mắt đến câu văn của ông Minh Phong, nếu không té nhào thì cũng phải ngất xỉu hồi lâu! Bởi vì ông nói rõ quyền và nghĩa vụ, đó là hai khái niệm luật pháp hẳn hoi, chứ không phải chuyện nói chơi cho vui. Chắc nhiều người phải giật mình đánh thót! Ủa! Điều luật nào quan trọng thế mà mình lại không (hoặc chưa) biết nhỉ? Tuy ông Minh Phong không đặt câu ấy trong ngoặc kép, nhưng ông viêt quyền và nghĩa vụ là mô phỏng phong cách hành văn của văn bản luật. Cái khôn và cái “chẳng khôn”chết người của ông Minh Phong là chỗ ấy đấy. Ông viêt ngoài ngoặc kép, nhưng theo văn phong của văn bản luật cho nên khiến cho người đọc ông liên tưởng đến một điều luật mà mình quên hoặc không chú ý nên không nhớ rõ (quả tình dạo này QH thÔng qua nhiều bộ luật, chuyên gia luật học cũng không nhớ nổi, dân thường làm gì chẳng ngất xỉu?). Cái hiểm của ông là chỗ ấy. Nhưng sự hiểu biết thấp kém của ông về pháp luật cũng ở ngay chỗ ấy! Đến chỗ này tôi thấy rất cần thiết phải gửi đến ông Nguyễn Minh Phong tác giả của bài văn “siêu bất hủ” đang nói đây một câu hỏi có tính trắc nghiệm phẩm chất của người viết bài:
Nếu ông có trong tay nguyên văn của một điều luật trong một bộ luật nào đấy có nội dung y hệt (hoặc na ná) thì yêu cầu ông lập tức hồi âm ngay để trưng dẫn câu vàng ngọc ấy ra.
Riêng tôi, không cần phải lục lọi các bộ luật để tra tìm câu ấy, mà tôi theo một phương pháp khác, nhưng đủ tin cậy chắc chắn để có thể khẳng định rằng cái ngày ông hồi âm công bố xuất xứ của điều luật ấy không bao giờ xuất hiện dưới ánh nắng mặt trời này đâu! (bắt chước cách ông hay nói "dưới ánh sáng mặt trời” chút).
       Ông Minh Phong ơi là ông Minh Phong, xuất xứ không cần phải là một điều luật đâu, mà một nguyên văn của một tác giả sáng giá nào đó trong hay ngoài nước cũng được, kể như ông tham khảo (bắt chuớc) họ! Nhưng kể cả mở rộng ra như vậy, tôi đoan chắc ông cũng không mò tìm đụơc đâu! Kể như ông thuê muớn được những phương tiện cực kỳ hiện đại nào cũng không “đáy bể mò kim” được cái câu vàng ngọc ấy! Mò đâu  ra được dưới đấy biển? Vì tôi khẳng định 100% câu ây là sản phẩm trí tuệ siêu việt của ông, chỉ có ông Minh Phong siêu việt mới có câu mở đầu khẩu khí đế vương như thế, chứ các bộ luật do đích thực do những “người” soạn luật viết ra, mà họ là luật gia hoặc chuyên viên các bộ ngành nào đó được tham gia soạn luật thì khẩu khí của họ là “ khẩu khí văn bản luật” chứ làm gì có cái khẩu khí đế vương như ông để mà viết ra cái câu “bất hủ” hơn cả siêu việt như kia!
      Này nhé, cảm hứng nói về nhận thức pháp luật của ông Minh Phong trong câu nói “bất hủ” kia thì vô cùng vô tận, viết suốt ngày không hết, nhưng cảm hứng mấy rồi cũng phải kết thúc. Vậy thì đành bảo thật: Dạo này mọi người bàn nhiều về luật, hai từ “quyền lợi” và “nghĩa vụ” được nói đến luôn. Vậy là ông Minh Phong cũng ghép vào đấy được một câu nghe ra có vẻ “luật” để doạ người chơi! Nhưng xin lỗi, câu này cũng sai bét! Không tưởng tượng nổi! Quy định quyền lợi và nghĩa vụ là chức năng của luật. Nhưng xin bảo cho ông Phong biết nhé: Đã là luật thì người ta chỉ quy đinh những gì rất cụ thể. Về quyền lợi thì chẳng hạn công dân có quyền có tài sản riêng (tiền bạc, nhà của v.v…) hay không, có hay không có quyền “sở hữu” đối với ruộng đất v.v… Về nghĩa vụ thì chẳng hạn như công dân từ bao nhiêu tuổi đến bao nhiêu tuổi có nghĩa vụ phải vào quân đội (đi bộ đội bảo vệ Tỏ quốc), như doanh nhân thì các hạng các nghề có nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước v.v….Các luật quy định về hành vi thì nêu rõ những hành vi nào là hợp pháp, những hành vi nào là bất hợp pháp v.v…Lụât pháp là thế đấy, ông Phong ạ! Dù ông không đặt trong ngoặc kép, tức là ông chỉ phỏng theo, chỉ “ăn theo”, “nói leo” chứ không hẳn là trích dẫn đúng một nguyên văn điều luật nào đi nữa, thì cũng phải biết “mô phỏng”, “nói leo” thế nào cho đúng cách, hợp tư duy pháp luật. Này nhé, có lẽ phải nhấn mạnh, mong ông nghe/xem cho kỹ! Luật pháp, ông Phong ạ, Việt Nam hay nước nào cũng thế, người ta chỉ quy định những điều những việc rất cụ thể (chụp ảnh đựơc, ghi âm được v.v…để đưa ra Toà được), chứ tuyệt không đời nào có chuyện một bộ luật mà lại như một tập thơ tình, quy định hết “lòng…” này “tình…” kia như câu văn “ bất hủ” dổm của ông đâu nhé! Tức là luật pháp không bao giờ quy định  những điều gì thuôc tư duy, tinh thần, tư tưởng, tình cảm của người dân, kiểu như “lòng này”, “tình kia” như đã có trong câu văn “siêu bất hủ” dổm của ông đâu ông Minh Phong ạ! Hẳn là ông rất tháu cáy, biết chỗm ngay hai từ có thần thái nhất của pháp luật mà ông không biết cái nguyên tắc căn bản của pháp luật là gì.  Điều tôi vừa nói đó chính là cái nguyên tắc căn bản của luật pháp đấy ông Phong ạ. Tôi đoan chắc vì sự học hành lõm bõm dối trá nào mà trong tư duy của ông hẳn tuyệt nhiên không có hình ảnh dù là mù mờ của một nguyên tắc như thế của pháp luật! (ông chắc là “biết tuốt”, ông có học ai đâu, mà có ai dạy cho ông biết đâu, mà cũng có ai viết ra để ông đọc đâu mà biết? Nếu biết thế, “các” cả trăm lạng vàng ròng ông cũng chẳng dám viết ra câu văn thơm tho “siêu bất hủ” 12 chữ ấy!
Ông không hiểu gì về văn hoá luật pháp, cho nên ông viết bừa ra thế, chứ những người có hàm dưỡng và nắm chắc những kiến thức chung (không nhất thiết phải học luật ra) thì người ta nắm chắc cái tinh thần, cái nguyên tắc căn bản ấy của luật pháp, vì thế chỉ cần đọc qua một câu gì có vẻ như một điều luật - như cái cái câu “12 chữ siêu bất hủ” ông Phong viết ra đó - thì chẳng phải khó nhọc, tra hỏi gì mất thì giờ người ta cũng biết ngay ông Minh Phong viết thàm thàm bậy bậy, đã chẳng có cơ sở thực tế, lại sai be sai bét cả phương pháp tư duy!  Thế thì ông viết cái bài “siêu bất hủ” ấy làm gì? Để vo viên vứt sọt gì ư? Thực tình thì tôi không nghĩ rằng ông không hiểu gì về lòng yêu nước đâu! Nếu nói thế e có phần hơi quá, bởi lẽ điều này học sinh PTTH có thu hoạch rất tốt, ông có quá trình công tác, chắc có hiểu biết hơn, nhưng về chất, ông hoàn toàn không có cảm nhận gì đột khởi đặc biệt hơn những người khác. Tuy vậy, do tình hình thời sự đột xuất có việc Trung Quốc gây hấn xâm lược Việt Nam, không nói chuyện năm trước, mà ngay trong tháng 6 tháng 7 này, Quốc Hội thông qua Luật biển Việt Nam khiến bọn trùm bành trướng tức tối phản ứng điên cuồng, tuyên bố thành lập TP Tam Sa, và mới nhất công khai thách thức cho ra mắt Bộ chỉ huy quân đồn trú, công khai kiểm soát cai trị cả Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam. Trong tình hình đó, ở Hà Nội trong 3 tuần lễ đã qua tất cả có khoảng 5-600 người thuộc thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, do bức xúc quá đối việc quân xâm lược, nên đã xuống đường biẻu tình, hô vang các khẩu hiệu “ Phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa- Trường Sa!”, “Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam!”. Những hoạt động yêu nước như vậy không những là kịp thời mà vô cùng cần thiết, chẳng những không thề và không nên đàn áp, mà đáng ra cần phải động viên khuyến khích tiến hành để làm phong trào quần chúng trợ lực cho bất cứ hoạt động ngoại giao chính thức nào của nhà nước, không thể nào vu oan giá hoạ, đổ tội cho họ là lợi dụng hay lạm dụng lòng yêu nước! Bất hạnh thay, không chỉ cho những người đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược mà có thể nói là bất hạnh chung cho cả toàn dân Việt Nam, là việc người đứng dầu môt thành phố như TP Thủ đô trong một cuộc họp lại nói gộp cả những cuộc biểu tình yêu nước chống Trung Quốc xâm lược ấy với những cuộc bà con nông dân Văn Giang về Hà Nội phản kháng vụ cưỡng chế oan ức nhiều mờ ám đất đai canh tác của họ để trao cho chủ dự án tư nhân Ecopark, coi đó là những cuộc biểu tình do thế lực thù địch xúi giục để chống phá lật đổ chính quyền! Nếu quả có như thế thì người đứng đầu TP ra lời cảnh báo cũng đúng chức trách, nhưng phải đưa ra chứng cớ rõ ràng là có xúi giục ấy và có sự chống đối lật đổ ấy. Nhưng tuyệt nhiên trong thời gian qua các phương tiện truyền thông không hề đưa tin bất cứ một vụ việc nào chứng minh cho lời nói gộp ấy của người đứng đầu TP. Trừ khi đất nước hay khu vực có lệnh giới nghiêm, mọi hoạt động thi hành pháp luật đều phải tuân thủ những chuẩn mực nhất đinh. Người đứng đầu TP có chức vụ rất cao, tất cũng phải có trách nhiệm rất lớn, không thể nhất thời nghĩ ra ý gì câu gì, muốn gán cho ai tội gì thì nói thì gán, muốn đánh giá ai ra sao thì cứ thoải mái tuìy tiện hành xử không một chút cân nhắc kiêng dè! Làm như thế tưởng là phục vụ chính trị, nhưng thực chất là rất mất chính trị! Quân giặc chiếm biển đảo ngay sát ngõ rồi mà lãnh đạo TP ra lệnh cho các đài báo dưới quyền réo chửi người biểu tình chống Trung Quốc xâm luợc, gọi họ là bọn nọ bọn kia (lợi dụng, lạm dụng gì gì, phá hoại gì gì vv….) Lãnh đạo một TP có truyền thống văn hiến cũng không nên chỉ đạo tay chân réo chửi những người đi biểu tình yêu nước như thế. Không chỉ người đi biểu tình mà cả nhiều người khác nghe xem như vậy cũng cảm thấy băn khoăn, bứt rứt bất an, cho rằng kiểu hành xử như vậy có tính chất cỏ rả chợ búa thế nào, chứ không phải cách cai trị chính thường xưa nay vẫn có. Có lẽ họ tưởng như thế là để bảo vệ Đảng mà thực ra không ích gì cho việc củng cố uy tín của Đảng trong lòng dân. Cho đến nay các lãnh đạo của ĐCSVN vẫn còn nói “ý Đảng lòng dân” cơ mà?  Những ai ngay trong nhận thức đã có ý muốn bất chấp lòng dân hãy nên tự  xem xét lại, các lãnh đạo cấp trên cũng nên có những nhận định đánh giá, uốn nắn cho đúng tình hình, đúng sự việc, có lẽ không nên để cho bên dưới hành xử tuỳ tiện muốn làm sao thì làm.
      Ông Nguyễn Minh Phong  chỉ là một BTV, tuy có dự kiến cho làm phó ban gì đó thì dù sao chức vụ và trách nhiệm cũng còn xa với ông đứng đầu TP. Nhưng ông mới về báo ND, nóng lòng muốn trổ tài để báo cáo lãnh đạo biết cái tài viết lách của ông, cái ấy thì phải thông cảm với ông, ai chả phải thế! Phải chăng cái không may nhất cho ông Minh Phong là ở chỗ, bao nhieu câu văn lừng danh "siêu bất hủ” của ông, chẳng những không đúng một vừa hai phải mà đến mức sai bét sai bét như đã phân tích chứng minh trên đây, thì thật là “đại bất hạnh” cho ông vậy! Nhưng biết làm sao được? Người ta thường nói “ Mình làm mình chịu kêu mà ai thương?” Không phải ông chỉ chiếu lệ viết theo gợi ý bảo ban của sếp nào mà ông phải nắn bút mới viết ra được bao nhiêu là văn vẻ "thơm tho chuẩn xác" như đã phân tích hơn chục trang lớn trên đây. Nếu vì sự nghiệp chung thì ông lãnh đạo nói thế nào thì cự kệ ông ấy với người biểu tình, bản thân ông là người cầm bút của báo cấp trên mà không có suy nghĩ độc lập, cũng nhắm mắt a dua với đài báo địa phương tay chân ông đứng đầu TP mà réo chửi người biểu tình yêu nước chống Trung Quốc xâm lược, lại hằn học bảo họ là háo danh, lạm dung, lợi dụng nọ kia. Bản thân ông nhân chuyện biểu tình mà viết bài tâng công vu vơ, thế là người biểu tình lợi dụng ông hay ông lợi dung người biểu tình? Ông Minh Phong mà cũng nói đến Chân -Thiện - Mỹ ư? Sau này lịch sử chống ngoai xâm chắc phải ghi danh ông trên bọn đàn em bên dưới. Bài phản bác ông đã dài, mà những ngôn luận xằng bậy của ông thì nhiều vô kể, không sao dừng lại được. Chẳng hạn, chỉ hỏi ông Minh Phong có tận mắt chứng kiên ai là kẻ như trong bài ông đã viết là “ lợi dụng lòng yêu nước để thỏa mãn thói háo danh, hoang tưởng, vĩ cuồng, mưu cầu lợi ích cá nhân, cố tình chia rẽ, xuyên tạc sự thật…”? Hay là ông nói leo theo ý phát biểu của người đứng đầu TP? Vì thời gian có hạn, có lẽ phải dừng tại đây. Nhưng thật gay go. Số là chả mấy dịp có được bài văn “siêu bất hủ”, đã thơm tho “như hương nhuỵ hoa nhài” mà lại quý báu hơn cả ngàn vàng nữa, cho nên bút giả bất đắc dĩ phải trình thêm một mục nữa, đánh số liên tục là số 7 để phân biệt với các mục trên. Tất nhiên là liên quan, nhưng đây là vấn đề khác, câu chuyện khác.
7.Chuyện thế này: Trong bài viết thơm tho “siêu bất hủ” của Nguyễn Minh Phong, sau khi đã rao giảng dạy đời đối với người biểu tình trong nước và cả những bà con Việt Kiều đang ở nước ngoài, tuy không phải là những người về nước trực tiếp tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, nhưng qua email và bình luận trên các trạng mạng lề dân đã thể hiện tình cảm quan tâm hiện tình đất nước trước hoạ xâm lăng không chỉ là cận kề mà là ngay trước mắt của quân Trung Quốc xâm lược. Luận điệu chung lâu nay của những người hèn nhát khuyên dân đừng đi biểu tình là: “ Các bác các ông các bà anh chị cứ ở nhà hoặc về nhà, tiếp tục đi đến các nơi hàng quán chạm cốc nhậu nhẹt cạn ly “vui chơi tuơi mát lành mạnh”  thoả thích đi, việc đối phó với bành trướng Trung Quốc thì các bác cứ yên tâm “Đã có Đảng và nhà nước lo”! Những ai khác khỏi phải lo, nếu cứ tỏ ra là muốn chung lo với Đảng và nhà nước là không được đâu. Nếu cứ đi biểu tình là chúng tôi cho người đến vận động đấy! Nếu cứ đi là cưỡng chế bắt về, hoặc bắt đi luôn đấy v.v….Đại khái là như thế. Chuyện này thì các blogeur yêu nước đã phanh phui phân tích lâu rồi, chẳng có gì mới mẻ cho ông Minh Phong viết nữa! Nghe nói Karl Mac có viêt một luận văn “ Sự khốn cùng của triết học Đức”! Tôi không có gì bàn về triết học, nhất là triết học Đức ở đây, mà bài của ông Minh Phong cũng chẳng có ý vị triết học gì, chỉ nghĩ muốn mượn mấy chữ ở cái đầu đề hay hay ấy để nói cái sự khốn cùng trong tư duy nịnh bợ bảo hoàng không hợp thời hợp cách trong bài văn chào hàng của ông Nguyễn Minh Phong đối với lãnh đạo báo Nhân Dân, cơ quan TƯ của ĐCSVN. Văn chào hàng của ông Minh Phong có chiêu thức rất mới mẻ, cần phải phân tích nêu rõ để mọi người ghi nhận cái mới. Đại thể tóm tắt thế này: Trước nay người lề Đảng vẫn nói: Mọi việc cứ yên chí đã có "Đảng và Nhà nước lo” (ý nói dân thường không cần phải lo), nhưng không ai giải thích tại sao lại đúng phóc như vậy và cần phải như vậy?  Bài văn của ông Minh Phong đã làm cốt để giải thích điều đó. Mới toanh như phim Holywood chưa chiếu ở rạp ấy chứ! Theo biên tập so sánh văn bản của trang Ba Sàm thì đoạn trích sau đây vi tính chữ đỏ sẫm, tức là bản của tác giả đã thêm bớt sửa chữa hoàn chỉnh sau khi làm việc vơi BBT báo ND. Như vậy ta cần phải coi đó chính là lời ý và văn từ của chính ông Minh Phong tác giả  bài văn “siêu bất hủ” mà chúng ta đã theo dõi từ đầu đến đây. Minh Phong viết:
“Lòng yêu nước sâu sắc khiến người lãnh đạo thấy trách nhiệm của mình cao hơn, từ đó nêu tấm gương sáng về đạo đức, cống hiến trí tuệ và tài năng, để “toàn dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành”, để đất nước ngày càng hưng thịnh”
       Hãy chỉ nói đoạn trước đã, đoạn sau: “để toàn dân ai cũng có v.v…không có gì mới mấy, nếu cần gác lại bàn sau. Hãy chỉ nói về phần đầu câu này đã. Lý luận đâu chưa thấy, có lẽ trong lịch sử báo chí VN ta, lần đầu tiên có một anh nhà báo hạng tầm tầm uỡn ngực vỗ mặt khen nịnh ngay người lãnh đạo.Một hai năm về trước muốn tìm cho ra một dẫn chứng rõ rệt về chủ đề này thì  tìm kiếm cũng khó và mất thời gian vì nó hiếm và kín đáo. Nay thi đấy, hai năm rõ mười hình tượng một anh nhà báo khen nịnh ngay đạo đức của người lãnh đạo! Ở đây có thể thấy người viết đã phải lao tâm khổ tứ vẽ sơ đồ ý tưởng vẽ mũi tên chỉ qua chỉ lại giao hoán tư tưởng, ý này thì bằng với ý kia, so sánh tổng hợp, phân tích rất dữ dội, để nói cái ý chính:
-Người lãnh đạo do có lòng yêu nước sâu sắc khiến cho anh ta cảm thấy trách nhiệm của mình cao hơn Ở đây phải thấy ông Minh Phong đúng là vua trong cái trò này! Những người xoàng hơn không biết cách làm cái trò này: Ngọn bút của ông khôn khéo trong cách tự bỏ sót  đúng một chữ trong câu so sánh mức độ: anh ta cảm thấy trách nhiệm của mình cao hơn. Cao hơn cái gì ? Bỏ trống không nói. Trò lý luận chính trị kết hợp với trò ú tìm trẻ con ấy mất thì gìơ lắm. Thôi khỏi cần biện luận, ai đọc câu ấy cũng có thể hiểu chữ ông Phong giấu đi ấy là chữ “Dân”, hoặc “người dân” v.v…, nghĩa là vì anh ta có lòng yêu nước sâu sắc nên anh ta cảm thấy mình có trách nhiệm cao hơn người dân! Câu này ông Minh Phong nói sai hoặc nói ngược hết. Phải phân tích để thấy cho rõ.  Có thể lấy ví dụ như ông NĐM: kể từ khoá…ông được bầu làm Tổng Bí thư thì rõ ràng đó là một chức vụ có trách nhiệm cao hơn trách nhiệm của ông hồi ông còn làm Chủ tịch Quốc Hội, theo lý luận của ông Minh Phong phải chăng ta có thể nói lòng yêu nước của  ông NĐM khi làm TBT là sâu sắc hơn lòng yêu nước của chính ông NĐM hồi ông ta làm Chủ tịch Quốc Hội? Lòng yêu nước sâu sắc khiến người lãnh đạo thấy trách nhiệm của mình cao hơn (??), do đó có thể thấy người lãnh đạo khi đảm đương một chức vụ cao hơn (ví dụ một ông BT Huyện uỷ hay Tỉnh uỷ sau trúng TƯUV làm Bộ trưởng thì rõ ràng ông ta thấy trách nhiệm của mình cao hơn, nặng hơn, còn lòng yêu nước của ông ta, trải qua hai cuộc hay một cuộc KC, bị thương tích thế nào, lòng yêu nước ra sao thì đã định hình từ lâu trong nhân cách, đâu phải  bỗng nhiên đến một lúc nào đó ông ta thấy lòng yêu nuớc của mình đột nhiên chuyển biến thành “sâu sắc hơn” và điều dó cũng khiến cho ông ta cảm thấy trách nhiệm của mình cao hơn? Ông BT HU mà trúng TWUV thì rõ ràng là trách nhiêm cao hơn hồi ông còn làm BT HU, đó là vì chức vụ ông cao hơn thì ông có trách nhiệm cao hơn một cách tương xứng. Sao ông Minh Phong lại bảo đó là do “lòng yêu nước càng sâu sắc” thì cảm thấy trách nhiệm càng cao hơn? Đến đây thì độc giả chịu khó xem lai câu nguyên văn của ông Minh Phong đã trích dẫn ở đoạn trên và chịu khó ngẫm nghĩ giây lát sẽ thấy tỏng ngay mục đích lập luận vu vơ rối rắm như ông Minh Phong cốt nhằm mục đích gì? Đó là ông muốn đối đẳng qua lại để cuối cùng đặt một mũi tên thể hiện sơ đồ này:
Lòng yêu nước sâu sắc >>;  trách nhiệm càng cao
Chức vụ cao  >>;  Trách nhiệm càng cao

Trên đây là vế đối đẳng thứ hai của ông Minh Phong, nhưng ông Phong sợ lộ liễu không dám hoặc không muốn viết ra, nhưng đó là quan niệm đã định hình mặc định trong dân gian, ai cũng biết và nghĩ thế rồi, nên ông Phong không cần viết ra người ta cũng hiểu!
Chức vụ càng cao  >>>;  Lòng yêu nước càng sâu sắc!

Đây là vế đồng đẳng mà ông ứng viên Phó ban (dự kiến) Nguyễn Minh Phong lao tâm khổ tứ, mất ăn mất ngủ mấy tuần lễ, quyết chí biện luận vòng vo, hết sức vận dụng ngôn từ, quyết chí xác lập cho được!
Nếu Ngô Đức Thọ tôi không phanh phui ra, mà mọi người phấn khời OK với tam đoạn hở nói trên để đồng ý với công thức của Minh Phong, thì sẽ lập tức xuất hiện hiệu ứng đánh giá lòng yêu nước rất rõ ràng theo thứ bậc từng người trong Đảng, chẳng hạn: một UV BCT tất phải yêu nước sâu sắc hơn một UVTW thường, và cuối cùng: người có cương vị chức vụ cao nhất trong Đảng (Tức TBT) là người có lòng yêu nước sâu sắc nhất! Rồi đó, chẳng hạn có vị UVTƯ nào có điều trăn trở gì đó đối với vận mệnh đất nước, thì đã có ngay câu trả lời: Yên chí đi cụ ơi, đã có người có trách nhiệm cao nhất (TBT) lo rồi, mà ông ấy chức cao nhất nên “là người có lòng yêu nước sâu sắc nhất”, hơn cả ngót 90 triệu đồng bào toàn quốc. Vậy lòng yêu nước của cụ, ông, bà, ạnh chị v.v...liệu có sâu sắc hơn TBT không nào? Vậy cho nên mới nói “Đã có Đảng và Nhà nước lo” mà lị! Chịu chưa? Hoan hô! 
Chuyện buồn cười muôn năm!
Công thức Minh Phong  cung cấp “cơ sở lý luận” cho những người đi tuyên truyền chống biểu tình phản đối Trung Quốc xâm  lược! Kịp thời chưa? Tuyệt vời chưa? Cho tôi (NMP) cho tôi cái giải thưởng gì đi chứ? 
Hoan hô các công thức lý luận “lòng yêu nước càng sâu sắc trách nhiệm càng nề - tức chức vụ càng cao thì lòng yêu nước càng sâu sắc nhất.
Định luật yêu nước Minh Phong muôn năm!
“Đã có Đảng, nhà nước lo” muôn năm!
Văn chương “siêu việt bất hủ” Minh Phong  muôn năm!
Công thức hài:
Chức vụ càng cao >>  Lòng yêu nước càng sâu sắc! muôn năm!!
Ngay đến vua hề Charlot cũng chào thua muôn năm!
Xuân Tóc Đỏ hiện đại rao giảng chống biểu tình “đả đảo Trung Quốc xâm lược” muôn năm!
Đã rút ra được cái công thức giá đáng ngàn vàng trên đây rồi, nhưng sẽ là thiếu sót lớn “không toàn diện” nếu vội vàng kết thúc ngay mà quên không nói đến câu trích vô cùng quan trọng sau đây. Câu này cũng thuộc diên nâu đậm, nghĩa là ông Minh Phong uốn bút uốn lưỡi sửa chữa thêm vào, do đó cũng tức chính là ngôn từ của tác giả bài văn “ siêu bất hủ”. Ông Minh Phong viết:
Lòng yêu nước sâu sắc khiến người lãnh đạo thấy trách nhiệm của mình cao hơn, từ đó nêu tấm gương sáng về đạo đức, cống hiến trí tuệ và tài năng, để “toàn dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành”, để đất nước ngày càng hưng thịnh; Lòng yêu nước cao cả không cho phép “nói một đằng, làm một nẻo”,
Đây vẫn là đang nói về người lãnh đạo có lòng yêu nước sâu sắc thì có trách nhiệm càng cao, mà trách nhiệm cao nhất trước Đảng trước nhân dân trong hệ thống chính trị của chúng ta là TBT ĐCSVN. Điều viết gần cuối bài này hoá ra lại được coi là quan trọng bậc nhất trong bài viết “siêu bất hủ” của ông Minh Phong mà chúng ta đang bàn đến.Vậy thì chúng ta phải học tập tấm gương sáng về đạo đức, cống hiến trí tuệ và tài năng của đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm cao nhất ấy.
 
Ai không biết và không dám nói, nhưng đối với Đ/C TBT khoá X vừa mới nghỉ hưu ít lâu thì tôi chỉ học tập được Đ/C ấy mỗi một điểm là có chức vụ cao nhất (??). Chỉ thế thôi, có gì nói nấy. Chỉ học tập Đ/c ấy được đúng một điểm là có chức vụ cao nhất thôi. Về điều này thì tôi xét ra cũng là một anh con dân của người nước Nam mình, thấy ai làm quan to thì trầm trồ thán phục. Hồi tôi học lớp 2 (năm 1943-1944 gì đó) có tin vua Bảo Đại từ trong Huế ra thăm Miền Bắc, đi tàu hoả có qua địa phận phủ Đức Thọ, quan phủ  sức xuống cho thầy trò các trường Tiểu học trong phủ phải xếp hàng chờ hai bên đường tàu để vẫy cờ hoan hô vạn tuế! Trời miền Trung nắng chang chang, học trò Tiểu học sắp hàng giữa nắng, khát nuớc như điên, xô nhau trèo qua bức tường vào nhà dân xin nước uống, rốt cục bức tường sập, chết mất hai trò, thật quá thương tâm. Đến nay đã hơn 70 năm trôi qua rồi mà ký ức về người có chức vụ cao nhất ấy vẫn còn có điều gì đó chưa được nhẹ nhõm.
N.Đ.T.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét