Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

KÝ ỨC VỀ THẦY NGUYỄN TÀI CẨN




VÀI KÝ ỨC VỀ THẦY NGUYỄN TÀI CẨN 



(Tọa đàm Tưởng nhớ Giáo sư NGUYỄN TÀI CẨN tại Viện Từ điển & Bách khoa thư, Hà Nội 26-3-2011. NĐT đọc bài)

Ngô Đức Thọ
1.Tôi nghĩ rằng trong đời người đi học thường có những kỷ niệm rất tuyệt vời đối với những Thầy giáo cô giáo của mình. Tôi nay không còn trẻ nữa, nhưng ở cả ba cấp Tiểu học, Trung học, Đại học và cả cấp sau đại học nữa tôi may mắn đều có những người Thầy để lại cho tôi những ấn tượng, kỷ niệm rất sắc khó phai mờ. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đối với tôi là một người Thầy như thế. Tôi vào đại học chậm khoảng 6-7 năm so với các bạn ở trang lứa sinh viên ngày nay vì trước đó học hết phổ thông trong kháng chiến chống Pháp do hoàn cảnh gia đình khá căng thẳng trong bão táp thời thế tôi phải chuyển ngang ra đi làm trong ngạch biên chế nhà nước. Khó khăn chờ đợi mãi rồi cũng đạt được nguyện vọng: Niên khoá 1963 tôi được vào học Khoa Văn Đại học Tổng hợp. Cũng như thời còn là học sinh ở các lớp dưới, mỗi khi chuyển cấp học chúng tôi thường có những băn khoăn háo hức về ngôi trường mới. Bấy giờ, sau một thời gian chuẩn bị, quy mô đại học của ta bắt đầu có những chuyển động đầu tiên: Khoa Văn ĐHTH không may mắn được học ở trụ sở chính ở trường mái vòm đường Lê Thánh Tông - hợi “xìu” một chút, nhưng bù lại bạn bè hầu như suốt ngày kháo nhau về đội ngũ các Thầy cô giáo rất nổi tiếng của Khoa Văn ĐHTH mà sinh viên hết sức hâm mộ. Riêng tôi trước khi vào khoa Văn tôi đã có vài năm tự học, tự chuẩn bị, nhờ đó các giáo trình các bài viết của các Thầy Hoàng Xuân Nhị, Đinh Gia Khánh, Hà Minh Đức v.v…tôi đều đã học khá kỹ càng, đến khi được trực tiếp nghe các Thầy giảng bài tôi đều có một tâm trạng hết sức hưng phấn, việc tiếp thu kiến thức các Thầy truyền đạt nhờ đó cũng được thuận lợi nhiều. Riêng đối với Thầy Nguyễn Tài Cẩn thì sinh viên chỉ mới biết Thầy là Phó Tiến sĩ ở Liên Xô về. Hồi ấy chỉ mới có rất ít các PTS ở Liên Xô về nước. Thầy về làm Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ từ năm 1961, lớp chúng tôi có lẽ là lớp thứ hai được học ngôn ngữ học với Thầy. Nếu so với các môn văn hocdj Vn hay văn học nước ngoài chúng tôi ít nhiều có chút tích luỹ để theo dõi bài giảng của các Thầy. Đối với ngôn ngữ học thì có thể nói cả lớp chưa ai hiểu gì mấy, trên các sách báo hầu như cũng chưa có một bài nào thuộc môn học này. Tôi nhớ trong buỏi giảng đầu tiên, chỉ qua mấy câu nhiệt tình của Thầy đã truyền đến ào ạt cho cả lớp chúng tôi. Toi nhớ đại ý Thầy nói: “ Có thể các anh các chị ra trường không phải làm chuyên về ngôn ngữ học, nhưng học văn thì không thể không có kiến thức ngôn ngữ học. Vì thế tôi đã đề nghị nhà trường bố trí thời khoá biểu cho các anh tối thiểu cũng phải 6-700 giờ!” . Sau này tôi nghĩ lại lấy làm tiếc thấy rằng nếu như các học trò cyủa Thầy học tập thật thấu đáo số giờ dạy của Thầy thìcó lẽ cũng được một gia tài tri thức kha khá về ngôn ngữ học. Nhưng tôi nghĩ thấy không mất công: Từ chỗ không cứ gì sinh viên, xã hội -kể cả các nhà văn, hầu như không biết ngôn ngữ học klà gì, mọi người học xong môn học của Thầy dường như đã cảm nhận được đó là môn học của mình, có những kiên thức cơ bản để có thể tiếp tục theo dõi các bước phát triển của môn học này ở nước ta. Đặc biệt là về phương pháp, chúng toi hiểu đượcnthế nào là một điều tra, một chứng minh về ngôn ngữ học. Nhớ đến Thầy Nguyễn Tài Cẩn thì ai cũng phải nhớ Thầy luon luôn nói đến “khả năng kết hợp” và “khả năng thay thế” và luôn luôn là phải có xuất xứ hết sức rõ ràng. Tôi chưa từng gặp GS người Nga Bưstrov nhưng nghe Thầy Nguyễn Tài Cẩn nhắc đến ông nhiều lần thành ra như là đã quen. Thầy Cẩn kể: một hôm GS Bưtstrov chợt bảo với Thầy Cẩn: “Hình như từ “đã” trong tiếng Việt không hoàn toàn chỉ có ý nghĩa đề chỉ thời gian quá khứ, mà còn có ý để nhấn mạnh một sự kiện có ý nghĩa tương đối quan trọng nào đó. Ví dụ báo chí đưa tin: “Hôm qua khai mạc (cuộc Hội nghị, cuộc Triển lãm v.v…), Hồ Chủ Tịch đã đến dự (xem v.v…)”. Thầy bảo: “Dù ông ấy chỉ nói chuyện với tôi trong khi ngồi uống café thôi, nhưng đó là một ý độc đáo nên khi nào nói tới từ “đã” đó tôi đều phải nhắc đến GS Bưtstrov”. Học đại học chủ yếu học cách tư duy, học phương pháp nghiên cứu. Ra trường phần nhiều về các cơ quan thông tấn báo chí, nhưng được học ngôn ngữ học với một chương trình rất căn bản và hấp dẫn như vậy cho nên các sinh viên K8 hồi ấy ít nhiều đều giữ lại được cho mình niềm say mê và những hiểu biết sâu sắc về tiếng Việt.

Không ai nghĩ Thầy Cẩn đóng cửa ngồi viết giáo trình, Thầy tham gia nhiều hoạt đọng khoa học với nhiều đề tài rất khác nhau. Xuất bản sau vài cuốn khác, nhưng cuốn Lịch sử ngữ âm tiếng Việt có thể coi là công trình lớn nhất của Thầy. Ý ngiã của công trình này rất lớn bởi vì trong qúa khứ chúng ta không có môn học này, mà muốn viết được một ít gì về nó cũng đòi hỏi kiến thức khổng lồ về ngữ âm, không chỉ của tiếng Việt mà của nhiều nhóm ngôn ngữ cổ khác nữa, từ thời Tiền Việt Mường, Việt-Mường v.v... Những kiến tức ấy, khoảng những năm 60 -70 của thế kỷ trước chỉ có thể tìm thấy ở các nhà ngôn ngữ học phương Tây mà thôi.

Đọc các công trình của Thầy, thấy Thầy có một chiến lược nghiên cứu có thể nói là đại quy mô! Để có thể trình bày sự hội tụ của nhiều nguồn như vậy vào tiếng Việt, Thầy phải giải quyết những vấn đề của nội bộ tiếng Việt trước: đó là cách đọc chữ Hán và chữ Nôm. Khoảng những năm 60-70 văn học Nôm rất được coi trọng, nhưng hiểu về chữ Nôm, nghiên cứu về chữ Nôm thì rất lúng túng! Cũng có lý do để biện hộ cho một “thủa ấu thơ” như vậy, bởi vì, cũng do một ngịch lý lạ lùng: dân tộc ta có một di sản văn hiến chữ Nôm phong phú thế, các cụ để lại cho chúng ta khá nhiều sách dạy chữ Nôm, nhưng bói không ra một chương bài nào nói cho ra ngọn ngành quy tắc của thứ văn tự rõ ràng là có dân tộc tính rất cao ấy.


Dường như có lúc người ta đành chấp nhận định mệnh chữ Nôm là chúa “nôm na mách qué”, khi viết thế này khi viết thế kia! Giữa không khí bình lặng bùng nhùng như vậy, khoảng giữa năm 1974 thầy Nguyễn Tài Cẩn (lúc bấy giờ chưa có đợt phong học hàm năm 1980) tung ra trên tạp chí Văn học một bài về từ “Song viết”. Hơn là một sự vang lừng, bài ấy lúc đó và cả sau này chúng tôi vẫn coi là cả một “quả bom” chứ không phải một bài văn bình thường. Danh tiếng thầy NTC người ta cũng biết nhiều rồi, nhưng đây là lần đầu tiên những kiến thức ngữ âm lịch sử tiếng Việt được trình bày khữôc ràng trước giới học thuật. Không chỉ các nhà nghiên cứu văn học, những người nghiên cứu Hán Nôm, nhà giáo, nhà văn v.v…đều hăng say tìm đọc bài của thầy. Có một điều dường như người ta đều tạm thời không bàn đến đáp án của thầy mà tập trung hứng thú để lĩnh hội những trình bày của thầy về lịch sử ngữ âm của tiếng Việt. Thống kê của Thầy dài mấy trang trích từ hơn 20.000 khả năng kết hợp của các thành tố trong hai từ “song viết” mảnh mai chưa đầy mọt chục con chữ, quả thật là một thống kê gây kinh hoàng! Tiếng vang này có lẽ đánh dấu cho sự chấm dứt của phương pháp đọc Nôm suy diễn mà Hán văn có từ rất hay gọi là “ức kiến” nghĩa là những ý kiến rút từ trong lồng ngực ra! (lai rai về sau coi như những gợn sóng tàn không còn chút lấp lánh nào trong học thuật nữa). Từ đây trở đi ngày càng có những người nghiên cứu trẻ tuổi tiếp thu phương pháp của của Thầy, không chỉ đi vào nghiên cứu Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi mà còn đọc lại Truyện Kiều của Nguyễn Du và nhiều tác phẩm Nôm khác nữa. Dù không có tấm biển nào như cột mốc, nhưng nhìn lại chặng đường hơn ba chục năm qua của nền học thuật KHXH nói chung và của chuyên ngành nghiên cứu Hán Nôm nói riêng, tôi bao giờ cũng như còn nhìn rõ cái cột mốc vô hình ấy của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Không chỉ học trò nghĩ về người Thầy của mình như thế, từ bên trời Tây, GS Hoàng Xuân Hãn nhà khoa học lão thành xuất thân toán học nhưng có nhiều đóng góp trong nghiên cứu văn học Nôm và chữ Nôm cũng đánh giá rất cao phương pháp nghiên cứu chữ Nôm của Nguyễn Tài Cẩn. Cụ viết:








"Còn về văn học hay ngữ học, hiện nay họ khảo cứu về chữ Nôm nhiều, họ lại nhờ được học các đại học bên Nga, bênĐông Đức, cho nên họ dùng ngôn ngữ học để áp dụng vào tiếng Việt, qua chữ Nôm, nên nó có kết quả. Tuy chưa phải là mình thích hết cả, nhưng nó đã có cái nền tảng như thế, nhất là nghiên cứu về chữ Nôm. Về chữ Nôm, đấy là một khoa học có mực cao, quốc tế cao. Mà ở trong quốc tế ấy, mình có thể chiếm được phần đầu…”[1]



Khi trả lời phỏng vấn cụ khhông nêu tên, nhưng người thứ nhất cụ nói đến hẳn là nói về GS Nguyễn Tài Cẩn (bên Nga về), người thứ hai được cụ nhắc đến là GS Hoàng Thị Châu (bên Đông Đức về). Cô Châu giảng về phương ngữ học cũng rấtđược các sinh viên hồi ấy hâm mộ.






2. Di sản chữ Nôm đã quan trong, di sản ngữ âm tiếng Hán Việt cũng không hề ít quan trọng hơn chữ Nôm! Lý do có thể chỉ ra được ngay: từ thành thị ddeens nông thôn, trong ngôn ngữ nói ngôn ngữ viết hàng ngày của chúng ta có đến 50 -60 phần trăn từ Hán Việt. Nó đã gắn với truyền thống với di sản rồi, khoong thể nghĩ có ai đó hoặc một lúc nào đó người ta có thể thay bỏ tiếng Hán Việt bằng một thứ ngôn ngữ nào đó! Một dân tộc sử dụng tiếng Hán Việt cả ngót hai ngàn năm, không phải là tử ngữ mà ngày nay còn thong dụng. Vậy thì giới tinh hoa của nó tất phải biết cả hệ thống từ vựng với ngữ âm gọi là tiếng Hán Việt ấy đãđược tiếp thu chuyển hoá và lưu truyền (sử dụng) như thế nào? Tiếng Hán không phải truyền









sang ta chỉ ở một thời kỳ. Sau thời Đường Tống vẫn còn những ảnh hưởng ở thời kỳ Trung nguyên âm vận(Nguyên-Minh). Tiếng Việt cũng không chỉ đọc tiếng Hán một lần khoảng trước sau thời độc lập (đầu thế kỷ X) rồi ngưng động ở đó, mà chuyển biến qua nhiều thời kỳ mới đến cách đọc Hán Việt như chúng ta dùng hiện nay. Thế nhưng cũng có nghịch lý như với chữ Nôm: từ điển Hán Việt thì đã có dăm bảy cuốn, nhưng trong di sản thì chúng ta không có một chuyên khảo nào về từ Hán Việt! Tiếng Hán Việt chỉ tính từ thờiĐường Tống thôi, không cổ bằng tiếng Việt thời Việt Mường, nhưng không vì thế mà nhận thức về nó có yêu cầu ít uyên bác hơn. Tuy đã có các học giả Trung Quốc như



Vương Lực, Đổng Trọng Hoà, Đinh Thanh Thụ v.v…nói đến, nhưng từ đó cho đến một nghiên cưíu cách đọc Hán Viịet như cuốn của GS Nguyễn Tài Cẩn còn là một khoảng cách mênh mông !

Chính vì thế khi cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt [2] của Thầy mới ra, tôi nhân đến nhà được Thầy cho một cuốn. Tôi cầm cuốn sách, bất giác phải “Ồ!” lên một tiếng khá to vì ngay khi ấy tôi đã có thể thấy khoảng cách mênh mông kia đã bắt đầu được lấp đầy. Không phải chỉ vài ba nét phác hoạ có tính khái luận, cuốn sách của thầy đi rất sâu rất từng phần về các phụ âm, nguyên âm, về hệ thống thanh điệu v.v…Tất cả đều phải có khảo sát đối chiếu Hán Việt (qua các thời kỳ) rất công phu để dựng lên bức tranh về tiếng Hán Việt cả trên ngàn năm! Không phải là gối đầu giường (vì sợ rách!), nhưng cuốn sách của Thầy cho bao giờ tôi cũng xếp ở khoang giá sách gần nhất bên bàn. Nhưng tôi đọc cuốn sách không phải như một cuốn sách bình thường mà dùng nó như một cuốn từ điển - khi cần là phải mở ra xem đi xem lại kỹ càng từng phần từng mục liên quan đến vấn đề. Không có chuyện chỉ một hai lần đọc mà lĩnh hội được hết cuốnNguồn gôc…ấy! Trong một vài phút ngắn ngủi không thể nói được gì nhiều về các nội dung lý thuyết uyên bác của tác phẩm ấy, tôi chỉ muốn nói qua vài nét về khía cạnh ứng dụng của nó (đó là điều chính Thầy NTC không nói đến).

Kho từ vựng tiếng Hán có nhiều vạn chữ (TĐ Khang Hi: 47.035 chữ), số chữ có tần số xuất hiện tương đối cao trong các thư tịch cổ cũng khoảng 2 vạn chữ. Chữ Hán được dùng ở Việt Nam thì hiện chưa có một điều tra thống kê khoa học nào cho biết có bao nhiêu. Nhưng nhận xét sơ bộ thì Hán Văn Việt Nam từ các lĩnh vực giáo dục khoa cử Nho giáo, các văn kiện, hồ sơ của triều đình và các cấp chính quyền, kinh sách của Phật giáo, Đạo giáo, các sáng tác thơ văn, tác phẩm khảo cứu, biên soạn nhiều môn loại của các nhà, văn khắc trên các bia, chuông hầu khắp các địa phương trong nước v.v…tổng hợp lại thì mức độ phong phú có thể cũng xấp xỉ với chữ Hán ở Trung Quốc. Lý do là vì dân số tuy ít hơn, số lượng người dùng chữ Hán ít hơn, nhưng Việt Nam có đủ các loại hình văn bản bậc cao. Số lượng các văn bản tác phẩm cố nhiên ít hơn, nhưng chỉ tính sự hiện diện của các chữ Hán thì số lượng nếu không ngang bằng thì cũng không thấp mấy. Trong khi đó các từ điển Hán Việt quen biết chỉ cho chúng ta cách đọc của khoảng 5000 chữ Hán mà thôi. Như vậy có thể còn một số lượng chữ gấp đôi số đó nữa mà khi nó xuất hiện, người cần biết không thể tìm được ở đâu mà phải tự mình tra cứu lấy.






Về phương diện này, có thể nói cuốn sách của GS Nguyễn Tài Cẩn là một cuốn chỉ dẫn ngữ âm lịch sử giúp cho các chuyên gia Hán Nôm tra cứu cách đọc Hán Việt. Nhưng có đặc điểm cần nắm vững là: Cuốn sách của GS Nguyễn Tài Cẩn xuất phát từ cách đọc Hán Việt hiên nay để khảo cứu các nguồn nào đã dẫn đến cách đọc ấy. Trong khi đó các chuyen gia Hán Nôm lại xuất phát từ một chữ Hán cụ thể phải tìm đường dẫn để đi đến cách đọc hiện nay. Cách phổ biến là theo cách phiên thiết được ghi trong các từ điển của Trung Quốc. Thông thường cách ấy chấp nhận được, nhưng khi gặp các vần đề ngữ âm ngữ nghĩa phức tạp thì kết quả tra cứu theo phiên thiết đó có thể chưa bảo đảm cho cách đọc đúng của âm Hán Việt. Trường hợp này người tra cứu cần kiểm tra lại từ hệ thống lý thuyết của Nguyễn Tài Cẩn để xác định hoặc có sự hiệu chỉnh cần thiết [3]





3.Sau khi đã tổng kết được quy luật đọc Nôm, quy tắc đọc Hán Việt, GS Nguyễn Tài Cẩn trở lại với
hướng chính là lịch sử tiếng Việt. Kiến thức về hai khối đó cổ nhất giới hạn ở thời kỳ Việt Mường. Nhưng còn một khoảng mênh mông sâu thăm thẳm nữa của tiếng Việt các thời kỳ Tiền Việt Mường nữa! Phải tinh chắt tổng hợp tất cả những hiểu biết ấy mới có thể phác hoạ nên cả một bức tranh có thể nói là vô cùng hoành tráng của ngữ âm tiếng Việt suốt lịch sử mấy ngàn năm![4] Nhưng Thầy Nguyễn Tài Cẩn lại nói những lời rất khiêm tốn về việc này. Đại ý Thầy nói Thầy không phải không có những đóng góp nhất định về mặt này, nhưng công phu chủ yếu của Thầy về thời kỳ này chủ yếu là tham khảo hệ thống hoá các thành tựu nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học nước ngoài[5]. Đúng như thế, thầy có phải là thánh đâu mà nuốt trọn được cả một môn khoa học lớn thế từ đâù chí cuối! Nhưng cái quan trọng là phải có phương pháp khoa học để đưa các tham khảo đó vào sơ đồ lý thuyết của riêng mình để có thể dựng lên – dù chỉ ở dạng phác thảo - cả một bức tranh có thể nói là vô cùng hoành tráng của ngữ âm tiếng Việt suốt lịch sử mấy ngàn năm! Tầm cỡ quốc gia - quốc tế của một công trình, của một nhà khoa học chính là ở những thành tựu như vậy. Tôi cũng học nhiều, “tra” nhiều ở cuốn này, bởi vì rải rác trong rất nhiều tiểu mục của sách này có nhiều dẫn chứng, kiến giải của Thầy về nhiều từ Cổ Hán Việt là một chuyên đề mà tôi ưa thích quan tâm. Còn ngoài ra, các giá trị khác của công trình lớn nhất này của Thầy, thì có lẽ chính tôi mong đợi được nghe ý kiến của các giáo sư, các chuyên gia của môn nghiên cứu lịch sử tiếng Việt hiện có mặt tại đây.



4.Còn một ký ức nữa, tuy là vấn đề riêng nhưng xin được nói vài câu để tri ân nghĩa tình sâu đậm của Thầy đối với tôi. Ngay từ hồi đầu những năm 80 khi Thầy Cô còn ở tại ngôi nhà trước trường Đoàn Kết tôi thường được đến nhà Thầy để xin ý kiến Thầy về nhiều vấn đề chuyên môn. Tôi đã xin ý kiến Thầy về chuyên đề nghiên cứu chữ huý. Thầy rất quan tâm và khuyến khích tôi làm đề tài này. Lâu lâu không thấy đến, Thầy lại gọi điện hỏi có gì mới không? Tìm kiếm làm tư liệu cho đề tài này tốn công, nhiều khi cũng nản, nhưng nghĩ được một nhà khoa học như Thấy giục dã thật là một niềm hạnh phúc không gì hơn cho nên phải cố. Nhưng cũng phải đến khi có những kết quả đầu tiên về chữ huý thời Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng rồi mới chính thức xin quyết định mời Thầy làm Giáo sư hướng dẫn để làm luận án. Cả một năm 1994 đó, hễ viết xong chương nào (có khi chỉ là mục thôi) đều mang theo cả tư liệu đến để Thầy xem cho ý kiến. Chỗ nào chưa rõ Thầy đánh dấu hỏi, có khi vừa dấu hỏi vừa thêm hai chữ “Bsung”, chỗ nào luộm thuộm thì phê “Dồn lai, lược bớt”. Từng điểm như thế tôi phải chỉnh sửa đưa lại để Thầy xem, gật được mới thôi. Đến như chương Tổng kết, và bản tóm tắt thì vì cái bệnh tôi hay viết dài, phải mất đến 4 lần mới được Thầy bảo được. Nhớ Thầy quá không nói gì hơn được nữa, chỉ biết rằng luận án của tôi được viết với sự hướng dẫn của Thầy như vậy, cho nên khi bảo vệ rất thuận lợi. Luận án của tôi được một NCS người Pháp (nay đã là GS Đại học Pa ris VII) dịch ra tiếng Pháp và được EFEO tại Hà Nội xuất bản[6]. Cũng rất hân hạnh nữa là trong khi nghiên cứu văn bản của bản Kiều Duy Minh Thị, Thầy nhiều lần trích dẫn kết quả nghiên cứu của tôi. Anh học trò viết sách ra mà được ông Thầy nhắc đến thì câu nhắc ấy giá trị không kém gì một thang thuốc bổ. Khoảng đầu năm 2005 tôi liên tục nhận được mấy email của Thầy từ Mockva gửi về tin cho tôi biết Thầy phát hiện được chữ Kỳ kiêng huý trong bản Kiều Nôm của Duy Minh Thị. Thầy bảo tôi xem lại và nêu mấy khả năng. Tôi (và có lẽ cả Thầy) qua Tết năm ấy hầu như trong cơn lốc nghiên cứu bản Nôm Duy Minh Thị. Tôi mường tượng là có nhiều đêm Thầy làm việc suốt không nghỉ, vì email gửi đi, ngủ vài tiếng sáng ngày ra đã thấy mail trả lời của Thầy rồi. May quá là cuối cùng tôi cũng tìm ra được một đáp án mà Thầy cho là bất ngờ: Chữ Kỳ ấy chính xác là kiêng tên huý Lê Duy Kỳ của vua Chiêu Thống (không phải như mấy khả năng dự đoán lúc đầu). Thầy bổ sung nhiều chứng minh nữa, kết quả là Thầy trò xác định Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào khoảng giai đoạn 1786-1790 dưới thời Lê Chiêu Thống (chứ không phải đầu đời Gia Long hoặc thời Minh Mệnh sau khi đi sứ về). Duyệt đi duyệt nhiều lần, rồi Thầy uỷ cho tôi viết nhanh một bài gửi đâu cũng được, miễn là họ chịu đăng sớm cho để thông báo ngay với mọi người[7]...

Giờ phát này tôi nhớ Thầy từ những ngày đầu mới được gặp. Trường phái ngôn ngữ học Lêningrad nổi danh trên thế giới. Thầy Nguyễn Tài Cẩn của tôi 50 năm về trước đã là một con én từ cái tổ lớn của trường phái ấy bay về Việt Nam. Con én ấy liên tục viết bài viết sách, liên tục đào tạo giảng dạy, đem lại cả mùa xuân cho giới ngôn ngữ học nước ta. Riêng đối với chuyên ngành Hán Nôm, phương pháp vận dụng các kiến thức ngữ âm lịch sử vào việc nghiên cứu mà Thầy truyền bá nay có thể nói đã gốc bền rễ chắc và cũng đã bắt đầu đâm chồi nẩy lộc xanh tốt. Các học trò của Thầy đã có những nghiên cứu khả quan về chữ Nôm và các văn bản Nôm. Cũng phải mất vài chục năm với một hai thế hệ gắng sức không mệt mỏi như vậy mới có thể đạt được ít nhiều thành tựu như ngày nay, trong đó ơn nghĩa trao truyền của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thật không ít lớn lao. Thầy nay đã đi xa rồi, nhưng những lời giảng dạy của Thầy, các công trình tác phẩm nổi tiếng của Thầy sẽ như cánh chim bằng của Trang Tử quạt luồng gió lớn chuyên chở biết bao kiến thức vô giá cho nhiều thế hệ học trò mai sau.

Cám ơn Ban Tổ chức đã cho phép tôi một cách khô khan kể lại vài hồi ức về Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Cũng với mấy ý chính như trên tôi có vụng nghĩ ra một câu đối liên kính viếng Thầy muôn vàn kính mến như sau:

Việt ngữ tinh nghiên, đức tiêu Ngôn ngữ khoa

Hán âm tổng kết, nghĩa diệu Hán Nôm viện

Môn sinh Ngô Ngạn Xuyên bái điếu 

(Việt ngữ tinh nghiên, đức cao Ngôn ngữ khoa

Hán âm tổng kết, nghĩa rạng Hán Nôm viện)

Học trò là Ngạn Xuyên Ngô Đức Thọ vái điếu

Ì


PGS.TS. NGÔ ĐỨC THỌ

(Viện NC Hán Nôm)

50 Ngõ 210/41/11 Đội Cấn, Q. Ba Đình, Hà Nội

ngoductho@hn.vnn.vn

(04)38464397 ; 0982993665

Chú thích :

(Tiêu 標là nêu cao (như nói tiêu biểu) ; Diệu 燿 là loé lên, rạng lên.

1.Nói chuyện với Bác Hãn . Phỏng vấn. Thuỵ Khuê thực hiện. Hợp Lưu số 29 -1996 Tưởng niệm học giả. Hoàng Xuân Hãn. Cũng xem: La Sơn Yên Hồ Hoàng Xúân Hãn Con người &Trước tác. H.,Nxb Giáo Dục, 1998. T.I, tr.428

2 .Nguyễn Tài Cẩn, Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt . H., Nxb. KHXH, 1979. Tái bản có sửa chữa bổ sung :Nxb.ĐHQG Hà Nội, 2000.

3.Về vấn đề này tôi có nói rõ hơn trong cuốn: Ngô Đức Thọ - Trịnh Khắc Mạnh, Cơ sở văn bản học Hán Nôm. H.,Nãb.KHXH,2006. tr.282-283.

4 Xem : Nguyễn Tài Cẩn, Lời nói đầu cuốn Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt.

5. Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt. H.,Nxb. Giáo Dục,1995.

6. Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ huý Việt Nam qua các triều đại. E.Poisson dịch ra tiếng Pháp. Viên NC Hán Nôm & EFEO Hà Nội xuất bản. H.,1996.

7.Nguyễn Tài Cẩn –Ngô Đức Thọ, Truyện Kiều được sáng tacs vào năm nào ? Lao Động chủ nhật, 3-4-2005.













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét