Ủng hộ lập trường chính nghĩa của Chính phủ Việt Nam
Góp phần đấu tranh hoà bình đòi chủ quyển đảo HOÀNG SA
Lời dẫn:
Công
trình khảo cứu này không giới thiệu một bản đồ cổ nào mới, mà nhằm
chứng minh văn bản học đối với một tài liệu từng được nêu lên trong tài
liệu chính thức của Chính phủ và nhiều nhà nghiên cứu của Việt nam.
Nhưng đối với thể loại bản đồ cổ, mỗi một tên sách (tài liệu) có thể có
vài văn bản khác nhau. Các văn bản ấy đều cần có những khảo cứu khoa học
nhiều khi rất phức tạp mới có thể xác định được niên đại, soạn giả và
tính chân thực lịch sử của nó. Công việc này, theo tôi chúng ta cần kiên
trì thực hiện một cách bài bản, tích luỹ cứ liệu có giá trị khoa học,
để không những vận dụng ngay khi các cuộc đàm phán ngoại giao cần có, mà
về lâu về dài có thể lập một hồ sơ đầy đủ khoa học về chủ quyền biển
đảo của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa để lại cho con cháu đời sau. Ở
bộ Ngoại giao tất nhiên có bộ phận chuyên trách, nhưng là người của
chuyên ngành Hán Nôm tôi hiểu công việc này cần có sự đóng góp của nhiều
nhà chuyên môn, chứ không nên gói gọn trong khuôn khổ của một vài bộ
phận "đặc biệt" không có các chuyên gia Hán Nôm quen thạo khảo cứu bản
đồ cổ.
Từ
hồi tết 1975 (sau khi xẩy ra vụ TQ dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa) tôi từng
được góp phần vào việc sưu tập các tư liệu lịch sử chủ quyền của VN ở
Hoàng Sa để cung cấp cho đoàn của Bộ Ngoại giao do Thứ trưởng Đinh Nho
Liêm phụ trách tháp tùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc đàm
phán về việc này. Sau đó Bộ ngoại giao có cơ quan riêng chuyên trách
mảng này. Nhưng là người nghiên cứu thư tịch văn bản Hán Nôm, tôi vẫn
tiếp tục quan tâm đề tài này, trong điều kiện thời gian của bản thân cho
phép cũng có thu hoạch được một số kết quả nghiên cứu.
Nay,
ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công khai trước Quốc Hội, tuyên
bố Việt Nam kiên quyết "đòi Hoàng Sa bằng Hoà Bình". Tuyên bố đó đúng
mức độ, thể hiện nguyện vọng và ý chí của toàn dân Việt Nam.
Để hưởng ứng tuyên bố đó, tại đây tôi công bố công trình khảo cứu của tôi nhằm xác định niên đại cho cuốn thư tịch cổ mang tên Thiên tải nhàn đàm (A.2716) lưu tàng ở Viện NC Hán Nôm.
Trong
một lần tôi trao đổi vấn đề này với ông Viện trưởng Viện NC Hán
Nôm, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh cho biết: " Vấn đề này các nhà nghiên
cứu được quyền công bố, nhưng danh nghĩa Viện NC Hán Nôm thì chưa được
phép". Vì vậy, trong Hội thảo Thông báo Hán Nôm học
(24 tháng 11) vừa qua tôi có gửi 2 báo cáo đến BTC Hội thảo, nhưng chỉ
trình bày một báo cáo về vấn đề khác. Còn báo cáo thứ hai này như ông
Mạnh nói đó thì có thể cũng vì lý do ấy mà không đưa vào Kỷ yếu sẽ in
sắp tới. Vì lý do đó, tôi nghĩ trang blog của tôi có lẽ thích hợp để
công bố khảo cứu này mà không phải chịu phiền hà đi xin đăng đâu khác.
Cuốn
sách bản đồ này lưu trữ tại Viện Hán Nôm, lãnh đạo Viện Hán Nôm đã gửi
lên Bộ Ngoại giao danh sách các thư tịch bản đồ liên quan biển đảo trong
đó có cuốn Thiên tải nhàn đàm này.
Bài
khảo cứu này của tôi chưa từng công bố. Tuy chỉ đăng ở trang nhà, nhưng
tôi tất nhiên mong rằng nó có tác dụng hỗ trợ cho các công trình nghiên
cứu các bản đồ cổ về Hoàng Sa-Trường Sa của nước ta.
Với
ý nghĩa đó, trong lần gặp TS Nguyễn Nhã gần đây tôi đã cung cấp cho TS
Nguyễn Nhã các tư liệu được nói đến và cả toàn văn bài này cũng đã
được gửi đến cung cấp tham khảo cho các nghiên cứu của TS về chủ quyền
biển đảo VN.
Ngoài ra, bài khảo
cứu này của tôi chưa từng công bố ở đâu khác. Nghiên cứu khoa học các
đề tài KHXH &NV như đề tài bản đồ cổ VN là cần phải công khai, chứ
không phải chỉ là chuyện riêng "tỉ tê" với nhau có tính chất người làm
công cung cấp "tư liệu" cho người chủ chi tiền. Mà người chủ chi tiền vì
không có chuyên môn cho nên phần nhiều không đủ tự tin (sợ sai), hoặc
không biết cách dùng để biện luận , rốt cục tư liệu chủ quyền thì khá
nhiều, nhưng trước sau chỉ thấy trích dẫn mấy tư liệu quen thuộc, mà
cũng chỉ thấy kê tên, rất ít khi thấy một khảo chứng nào cho cặn kẽ. Hạn
chế ấy có thể khiến cho tính thuyết phục giảm thiểu đi ít nhiều.
Bài viết này khảo cứu rốt ráo để xác định rõ niên đại 1810 của tấm bản đò có Hoàng Sa vẽ trong Thiên tải nhàn đàm,
một niên đại tuy không phải là cổ nhất của các bản đồ VN có Hoàng Sa
-Trường Sa, nhưng vẫn là một niên đại chưa hề có quan chức nào của chính
quyền Trung Quốc dám tơ tưởng tới Hoàng Sa (nay họ chiếm, đổi tên là
Tây Sa), các thư tịch bản đổ cổ của TQ thì xưa nay không bao giờ có tên
đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của họ. Có lẽ cũng không nên nghĩ rằng công
bố loại khảo cứu này là lộ chứng cứ. Chúng ta đấu tranh đàm phán ngoại
giao, quang minh chính đại, chứ đâu phải chuyện như ta thường thấy có
người giơ văn bản nhưng chỉ thập thò nửa trang rồi che đi! Hơn nữa muốn
làm thế cũng hơi bị khó, bởi vì các học giả Trung Quốc từng đoàn sang
đây tham quan, nhiều người ăn ở hàng năm tại khách sạn để hàng ngày phố
Đặng Tiến Đông đọc kho thư tịch Hán Nôm ở Viện NC Hán Nôm, cũng không ít
người được dùng cả camêra quay phim hầu hết các thư tịch quan trọng. Cả
NCS và lưu học sinh TQ nữa. Môn văn bản học không phải là tay trái mà
là rất thành thạo đối với họ. Bởi vậy nếu ta chưa biết rõ, có khi chính
họ lại chỉ ra, nếu có ai đó sử dụng cứ liệu nhầm lẫn thì thật vô cùng
tai hại.
Bài
khảo cứu này đăng ở trang nhà để khỏi lưu hồ sơ cá nhân quá lâu,
nhưng tất nhiên tôi mong nó có tác dụng hỗ trợ cho các công trình nghiên
cứu các bản đồ cổ về Hoàng Sa-Trường Sa của nước ta.
Ngô Đức Thọ
KHẢO CỨU NIÊN ĐẠI
Thiên tải nhàn đàm
CÓ BẢN ĐỒ HOÀNG SA
NGÔ ĐỨC THỌ
Cách đây gần
8 năm khi thực hiện công trình nghiên cứu "Bản đồ cổ Thăng Long - Hà
Nội", tôi có công bố tấm bản đồ kinh thành Thăng Long thời Lê. Bản đồ
gốc tôi đã nghiên cứu đó là bản vẽ đựoc chép trong cuốn sách mang tên Thiên tải nhàn đàm 千載載閑談của Viện NC Hán Nôm. Cuốn sách này về mặt thư mục học đã được cụ Thúc Ngọc Trần Văn Giáp giới thiệu khá kỹ trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm [1].
Tuy nhiên trước khi nói đến giá trị của tấm bản đồ Thăng Long, tôi tự
đặt cho mình nhiệm vụ phải khảo sát văn bản học để có thể xác định niên
đại chính xác của văn bàn ấy có đúng là năm Gia Long 9 (1810) như đã ghi
ở dòng lạc khoản cuối sách ấy hay không?
Kết quả tôi đã tìm thấy cứ liệu các chữ Lan 蘭 viết kiêng huý . Đó là bằng chứng để xác nhận niên đại biên vẽ bản A.2716 đúng là năm Gia Long thứ 9 (1810) như đã ghi ở bài Tựa.
Việc xác định được một bản đồ Thăng Long có niên đại chính xác được các
nhà nghiên cứu xác nhận là có giá trị khoa học bởi vì các tấm bản đồ cổ
của chúng ta phần nhiều là các bản chép tay, chưa qua khảo chứng văn
bản học nên cũng nhiều khi khó sử dụng.
Trước khi công bố nhanh trên Lao Động Chủ nhật, khảo cứu của tôi đựoc một số nhà khoa học liên quan đánh giá là rất cần thiết . Cố GS Trần Quốc Vượng nhận xét:
"Tấm bản đồ (BĐ) "Thăng Long thành" do PGS.TS Ngô Đức Thọ
giới thiệu, theo tôi là một tư liệu đáng quý, rất hay. Ví dụ như Vương
phủ, nhiều BĐ cổ khác không vẽ được như Đàm Nghĩa Am [...]"
PGS.TS Tống Trung Tín người phụ trách công tác khai quật Hoàng thành Thăng Long nói:
"Tấm BĐ do PGS.TS Ngô Đức Thọ
giới thiệu, theo tôi, có một ưu điểm rất lớn là xác định đựoc niên đại
chính xác. Với bản khảo đính công phu kèm theo của PGS, tôi hoàn toàn
tin tưởng vào độ tin cậy của niên đại này" [2]
Sau Hội thảo lập Hồ sơ di tích Hoàng thành Thăng Long, đọc kỹ lại sách ấy tôi phát hiện ở phần bản đồ trong mục Nam hành trình lục của sách ấy có 2 trang quan trọng vẽ QĐ Hoàng Sa của nước ta trên Biển Đông..
Bản đồ Kinh thành Thăng
Long thời Lê đã là một tư liệu cổ rất quý giá, một tấm bản đồ cổ của Tổ
quốc Việt Nam trên Biển Đông có vẽ đảo Hoàng Sa hẳn phải có ý nghĩa rất
đặc biệt.
Trong thư mục về Hoàng Sa, Thiên tải nhàn đàm (viết tắt TTNĐ) cũng đã được kể đến [3].
Tuy nhiên để có thể công bố nó, hoặc để đưa vào một sưu tập chính thức
các tư liệu bản đồ cổ của Việt Nam về biển đảo Hoàng Sa -Trường Sa của
nước ta thì cần phải có một khảo cứu văn bản học đối với TTNĐ. Bài viết
này của tôi nhằm mục đích đó, sẽ khảo sát đầy đủ các cứ liệu chữ huý
trong văn bản A.2716 , từ đó rút ra kết luận để xác định niên đại chính
xác của TTNĐ.
I. Cứ liệu chữ huý thời Gia Long (1802-1819):
1a. Chữ Lan蘭:
-Lệnh kiêng huý tháng 3 năm Gia Long thứ 2 (4-1803): Lan 蘭 là 1 trong 6 chữ cấm dùng (phải đổi sang dùng chữ khác)
So với các triều sau, lệ
kiêng huý triều Gia Long tương đối đơn giản. Lan thuộc nhóm 6 chữ trọng
huý, chỉ với 1 quy định: khi đọc phải tránh âm (nói “khi đọc” đây là
đọc ở các văn bản đã có sẵn từ trước), khi viết (tức tự mình viết ra)
thì phải đổi dùng chữ khác (tức là cấm dùng). Chỉ một quy định như vậy,
không có giải thích gì thêm.Với quy định này, lẽ ra chúng ta không thể
đọc thấy chữ Lan trên các văn bản thời Gia Long như văn bản này (xác
định bởi các phần sau của khảo chứng này). Tuy vậy ở đây chúng ta gặp
một trường hợp đặc biệt: tài liệu chúng ta đang xét đây không phải là
một văn bản thông thường mà là một thư tịch địa lý học ghi chép rất
nhiều địa danh vốn đã có từ cuối Lê về trước. Người dân (cụ thề ở đây là
soạn giả Đàm Nghiã Am) tuy biết Lan là chữ cần kiêng huý, nhưng nếu
thay Lan bằng Hương như quy định thì sẽ làm đỏi khác hết các địa danh có
chữ Lan, khiến người đọc không thể hiểu nổi. Như:
-Châu Văn Lan (Lạng Sơn) sẽ phải đổi thành châu Văn Hương (tr.9,19,34)
-Huyên Thanh Lan (Sơn Nam ) sẽ phải đổi thành huyện Thanh Hương (tr.26)
-Huyện Đông Lan (Sơn Tây) sẽ phải đổi thành huyện Đông Hương (tr.28)
-Huyện Tây Lan (Sơn Tây) sẽ phải đổi thành huyện Tây Hương (tr.28)
-Cầu Lan Ban (Nghệ An) sẽ phải đổi thành cầu Hương Ban (tr.83)
-Xã Y Lan (châu Bố Chính) sẽ phải đổi thành xã Y Hương (tr.95)
Điều này dưòng như là không thể thực hiện được đối với một tác giả tư nhân (không phải cơ quan chuyên trách của triều đình).
Đối với một tác giả tư
nhân, nếu trong văn của mình chạm đến một hai địa danh cần kiêng huý thì
có thể tự mình lâm thời đổi ra chữ khác, rồi chú thích đủ để người đọc
biết là đựoc. Nhưng đây là thư tịch địa lý, ghi các vị trí theo hệ thống
địa danh thời Lê, nễu mỗi tác giả đều tự ý đổi theo ý mình thì hệ thống
địa danh sẽ bị rối loạn!
Về hệ thống địa danh triều Gia Long hiện chúng ta còn bộ Các trấn tổng xã danh bị lãm, theo đó:
-Châu Văn Lan (Lạng Sơn) đã đựoc đổi thành châu Văn Quan
-Huyện Thanh Lan (Sơn Nam ) à huyện Thanh Quan
-Huyện Đông Lan (Sơn Tây) à huyện Đông Quan
-Huyện Tây Lan (Sơn Tây) àhuyện Tây Quan
Qua đây chúng ta có thể
thấy có một sự thống nhất toàn quốc, có thể theo quy định từ triều đình
gửi xuống rồi các trấn Lạng Sơn, Sơn Nam , Sơn Tây đều theo đó mà chuyển
đổi các địa danh có chữ Lan thống nhất thay Lan bằng Quan. Sau đó các
trấn lập bản kê địa danh (đã có sửa thống nhất các chữ kiêng huý) gửi
lên như chúng ta đã thấy trong Các trấn tổng xã danh bị lãm. Quá
trình này diễn ra khá muộn vào nửa cuối triều Gia Long. Sách của Đàm
Nghĩa Am soạn trước khi có những quy định đổi tên như thể hiện trong Các
trấn tổng xã danh bị lãm. Vì vậy soạn giả phải tự xử lý vấn đề các địa
danh phải kiêng huý.
-Trước hết chúng ta có
thể thấy soạn giả tự xét việc soạn sách địa lý của mình là một trường
hợp đặc thù mà các mệnh lệnh chung không mấy khi tiên liệu để có quy
định riêng, cho nên soạn giả quyết định giữ lại chữ Lan chứ không “máy
móc” đổi Lan thành Hương, vì như vậy không đúng địa danh vốn có.
-Vì lệnh không quy
định cách viết chữ Lan kiêng huý, cho nên soạn giả phải vận dụng hiểu
biết của mình về việc viết chữ kiêng huý. Tác giả Nghiên cứu chữ huý Việt Nam qua các triều đại [4] đã tổng kết 3 phương pháp viết chữ huý là bỏ trống, đổi dùng chữ khác và viết biến dạng chữ cần kiêng huý. Chữ Lan trong Thiên tải nhàn đàm dùng phép biến dạng chữ Lan tiêu chuẩn 蘭bằng cách viết liền bộ “môn 门 ” (viết thảo) , khiến cho nó giống như bộ “ 冂 quynh ”.
Tự dạng đã biến thành một chữ khác không phải là chữ Lan, nhưng đồng
thời vẫn đủ gợi ý cho người đọc biết chữ nguyên dạng là chữ Lan (thuyết
minh chi tiết hơn, xem ảnh…)
1b. Chữ Hoàn寰:
-Hoàn 環là tên huý của bà vợ thứ của Nguyễn Phúc Cốn, sau đựoc truy tôn là Hiếu Khang hoàng thái hậu, mẹ đẻ của vua Gia Long.
-Lệnh kiêng huý tháng 3 năm Gia Long thứ 2 (4-1803): Hoàn 環là 1 trong 6 chữ cấm dùng (phải đổi sang dùng chữ khác)
|
Nhưng chữ Hoàn trong TTNĐ mà tôi dẫn dưới đây là một chữ Hoàn đồng âm dị tự: Hoàn 寰. Theo
lệnh kiêng huý 4-1803 đã dẫn trên chỉ khi đọc thì phải tránh âm, còn
chữ viết thì không cấm. Có thể người viết không biết quy định đó về chữ
đồng âm, nên cũng thể hiện theo cách viết kiêng huý:
小塵寰 Tiểu trần hoàn à
(tr.55 / chữ Trần 塵 ở đây cũng là một chữ huý đời Lê, đầu Nguyễn cũng có người còn viết kiêng )
II. Cứ liệu chữ huý thời Minh Mệnh (1820-1840):
Chữ Đảm担: Chữ chính huý của vua Minh Mệnh là Đảm 膽 (Nguyễn
Phúc Đảm). Tháng 3-năm Gia Long 15 (4-1816) khi sách lập Thái tử Đảm
làm Hoàng thái tử, triều đình đã ban bố lệnh kiêng huý chữ Đảm, nhưng
chỉ nói đến chính tự , không quy quy định cấm chũ đồng âm.
Tr. 48 có địa danh Đại Đảm Đà môn 大 担 舵 門: chữ Đảm 担 này chỉ là chữ đồng âm với Đảm 膽, theo lệnh đã dẫn trên, không cần phải viết kiêng huý. (TTNĐ, tr.48 chữ Đảm 担 không kiêng huý, xem ảnh).
III. Cứ liệu chữ huý thời THIỆU TRỊ (1820-1847):
1. Chữ Hoa 華, Thực 實 :
Hoa là tên huý của bà Thuận Đức hoàng thái hậu (Hồ Thị Hoa) mẹ vua Thiệu Trị.
-Lệnh kiêng huý 3-1841
quy định phải viết gia dạng, hoặc khuyết bút. Nhưng các chữ Hoa trong
TTNĐ, như Thanh Hoa trấn doanh, Thanh Khê huyện, Hà Hoa phủ, Kỳ Hoa
huyện v.v…đều viết nguyên dạng không kiêng huý (xem ảnh).
Thực cũng
là tên của bà Thuận Đức hoàng thái hậu (Hồ Thị Hoa) được vua Gia Long
ban. Lệnh kiêng huý đã dẫn trên cũng quy địhh phải viết gia dạng hoặc
khuyết bút như đối với chữa Hoa. Nhưng các chữ Thực trong TTNĐ như Thực
thiên hạ chi yêu đai實天下之腰帶, Thực vi xà tích 實為蛇脊v.v đều viết nguyên dạng không kiêng huý (xem ảnh) .
2. Chữ Tuyền 泉 không kiêng huý:
Tuyền là chữ đồng âm với tên chính huý của vua Thiệu Trị (Nguyễn Phúc Tuyền ). Lệnh 3-1841 cấm dùng. Địa danh, nhân danh phải đổi dùng chữ khác.
Nhưng trong TTNĐ, các địa danh có chữ Tuyền như: huyện Bình Tuyền 平泉, huyện Thất Tuyền 七泉 v.v…vẫn còn nguyên dạng chưa đổi thành huyện Bình Xuyên, Thất Khê (xem ảnh)
3. Chữ Tông 宗 không kiêng huý:
Tông là chữ huý tiểu tự của vua Thiệu Trị (Miên Tông). Lệnh 3-1841 quy định phải kiêng huý viết bớt nét.
Nhưng các chữ Tông trong TTNĐ đều viết nguyên dạng, không kiêng huý (xem ảnh)
IV.Cứ liệu chữ huý thời TỰ ĐỨC
1.Chữ Thì 時không kiêng huý:
-Thì là chữ chính huý
của vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì). Lệnh 11-1847 quy định cấm dùng. Địa
danh, nhân danh phải đổi dùng chữ khác
-Nhưng trong TTNĐ, các chữ Thì đều viết nguyên dạng không kiêng huý (xem ảnh)
2.Chữ Hồng 洪không kiêng huý:
-Hồng là tên huý tiểu tự của vua Tự Đức (Hồng Nhậm). Lệnh 11-1847 không quy định cấm dùng, nhưng khi viết phải viết bớt nét.
-Nhưng trong TTNĐ, các chữ Hồng đều viết nguyên dạng, không kiêng huý (xem ảnh)
V. Cứ liệu chữ huý thời THÀNH THÁI (1898-1906)
Chiêu 昭là tên chính huý của vua Thành Thái (Nguyễn Phúc Chiêu).
Triều Thành Thái không
ban bố lệnh kiêng huý. Như vậy theo lệnh 11-1887 triều Đồng Khánh có
hiệu lực đến hết triều Nguyễn. Lệnh 11 năm Đồng Khánh 2 (11-1887) bỏ cấm
hầu hết các lệnh kiêng huý, chỉ giữ lại quy định viết bớt nét đối với
tên chính huý của các hoàng đế.
Như vậy, nếu là văn bản
thời Thành Thái thì phải viết bớt nét chữ Chiêu là tên chính huý của vua
Thành Thái (Nguyễn Phúc Chiêu). Nhưng văn bản TTNĐ các chữ Chiêu đều
viết nguyên dạng không kiêng huý (xem ảnh)
VI. KẾT LUẬN
Qua 5 mục điều tra tóm
tắt như trên (và được trích ảnh các cứ liệu dẫn chứng đính kèm ở cuối
bài), có lẽ không không cần thiết phải lập bảng thống kê cũng có thể
thấy rõ: Trong Thiên tải nhàn đàm (A.2716) các chữ huý triều
Nguyễn từ thời Gia Long đến thời Thành Thái chỉ có 2 chữ huý thuộc triều
Gia Long là Lan và Hoàn đựoc viết kiêng huý, còn các chữ huý khác từ
thời Minh Mệnh về sau hoàn toàn được viết đúng nguyên dạng không kiêng
huý.
Một điều tra như trên
thực ra có thể chì trình bày kỹ đối với hai chữ Lan và Hoàn, còn những
chữ huý khác từ thời Minh Mệnh về sau có thể chỉ dẫn chứng vài trường
hợp chẳng hạn về thời Tự Đức là có thể kết luận đựoc. Tuy nhiên, đối với
Thiên tải nhàn đàm là văn bản địa lý học còn ở nguyên trạng thư
tịch cổ, trong đó có nhiều tư liệu bản đồ rất có giá trị tham khảo nhưng
chưa đựoc xuất bản công bố. Vì ậy tôi đã khảo sát đầy đủ các chữ huý để
bạn đọc, nhất là các nhà chuyên môn nghiên cứu các tư liệu bản đồ cổ về
biển đảo Việt Nam tham khảo sử dụng. Hy vọng, với các cứ liệu đã nêu,
có thể coi Thiên tải nhàn đàm (A.2716) là một trong số ít các thư
tịch bản đồ cổ của Việt Nam được nghiên cứu về văn bản học và chúng ta
hoàn toàn có thể xác định đó là một văn bản đựoc biên vẽ vào đầu thời
Gia Long và niên đại Gia Long thứ 9 (1810) như đã ghi ở cuối bài Tựa là hoàn toàn đáng tin cậy.
Đây không phải là tấm
bản đồ cổ nhất của Việt Nam có vẽ QĐ Hoàng Sa, nhưng niên đại 1810 của
nó khẳng định giá trị của tấm bản đồ Hoàng Sa trong Thiên tải nhàn đàm,
góp thêm bằng chứng cho thấy chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển
đảo này có lịch sử lâu đời, không những các cơ quan nhà nước mà cả dân
thường đều biết rõ đó là lãnh thổ chủ quyền của quốc gia Việt Nam. Ở
thời điểm này, ngoài Việt Nam không một nước nào đặt được quyền kiểm
soát, sử dụng quần đảo Hoàng Sa cả trong thực địa cũng như trong hệ
thống bản đồ địa lý của nước mình. Đó là một sự thực rất rõ ràng, không
một thế lực bành trướng nào có thể phủ nhận được.
Sau khi đã xác định được niên đại biên vẽ 1810, sau đây xin giới thiệu hai trang có bản đồ QĐ Hoàng Sa trong Thiên tải nhàn đàm.
VII TẤM BẢN ĐỒ ĐẢO HOÀNG SA BIÊN VẼ NĂM 1810
Tài liệu tham khảo:[1] Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. H., Thư viện Quốc gia xb, 1970. T1., tr.327-329.
[2] Xem: Tấm bàn đồ “Thăng Long thành” trong Thiên tải nhàn đàm của Đàm Nghĩa Am. Lao Động Chủ nhật, 3-11-2003
[3] Trịnh Khắc Mạnh, Thêm một số tư liệu Hán Nôm ghi chép về Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam . Tạp chí Hán Nôm, số 1-2011 tr.43-51.
[4] Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại (Viện Hán Nôm & TT. EFEO Hanoi ). H., Nxb. Văn hoá, 1997.Định lệ kiêng huý và chữ huý triều Nguyễn. tr.113-175.
Ï
Phần trích ảnh các cứ liệu
①Cứ liệu chữ kiêng huý thời Gia Long (1802-1819)
a. Chữ Lan kiêng huý:
b. Chữ Hoàn kiêng huý:
② Cứ liệu chữ kiêng huý thời Minh Mệnh (1820-1840)
Chữ Đảm không kiêng huý
③Cứ liệu chữ huý thời Thiệu Trị (1820-1847)
a. Chữ Hoa & Thực không kiêng huý
|
b. Chữ Tuyền không kiêng huý
|
c. Chữ Tông không kiêng húy:
|
a. Chữ Thì không kiêng huý
|
b. Chữ Hồng không kiêng huý
|
Chữ Chiêu không kiêng huý:
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét