Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

CHÙA HOẰNG ÂN (Hà Nội)

CHUÀ HOẰNG ÂN
(còn gọi là chùa Quảng Bá)

Chùa toạ lạc trên doi đất nổi lên giữa lòng Hồ Tây thuộc phường Quảng Bá quận Tây Hồ, là một chốn danh lam cổ tự có danh tiếng tại cố đô Thăng Long. Chùa được xây dựng bằng tiền công đức của của công chúa Nguyễn Thị Ngọc Tú (?-1631), làm xong năm Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628). Bà Ngọc Tú là con gái của Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng. Chúa Trịnh Tráng cầu hôn và cưới bà làm chính phi năm Canh Tí (1600) đời vua Lê Kính Tông.

Lúc đầu chùa tên là chùa Long Ân 隆恩. Năm 1821 vua Minh Mệnh ra Bắc có đến thăm chùa, cấp tấm biển đổi tên chùa là chùa Sùng Ân 崇恩. Sau khi vua Minh Mệnh mất, vua Thiệu Trị đặt tên lăng vua cha là Hiếu Lăng và tên điện thờ là Sùng Ân điện, vì vậy Bộ Lễ đã tâu xin được đổi tên chùa Sùng Ân tại Hà Nọi là chùa Hoằng Ân (1842). Sự đổi tên này , ngoài lý do trùng tên điện thờ vua Minh Mệnh là điện Sùng Ân) còn bởi lẽ chữ Sùng 崇 thuộc vào diện các chữ "cận hình ": có thiên bàng chữ Tông 宗 là tên huý tiểu tự của vua Thiệu Trị (Miên Tông), nên đổi tên chùa Hoằng Ân để tránh cả hai điều kiêng huý đó. Trong chùa có tuợng thờ hai vị tổ của nhà Nguyễn là Triệu Tổ Nguyễn Kim, Thái Tổ Nguyễn Hoàng và công chúa Nguyễn Thị Ngọc Tú.

Năm Thiệu Trị 4 (1844) Binh bộ thượng thư kiêm Hà Ninh tổng đốc Mai Công Ngôn cúng tiền đúc tượng Phật Di Đà. Năm Khải Định 8 (1923) chùa tạc thêm tượng gỗ của Triệu hoàng đế tức chúa Nguyễn Hoàng.


Tài liệu tham khảo:


Thăng Long cổ tích khảo (VHv. 2471, 311); Hà Nội sơn xuyên phong vực (A.541, 52b); ĐNNTC (A.69/2); Toàn thư (BK, 18); Hà Hội địa dư (A.1154, 42a); Bắc Thành địa dư chí lục (A. 1565/1, 1b); Hoàng Việt địa dư chí (A. 1074, 25a); Đại Nam thực lục tiền biên ĐNTLTB (VHv. 1320/1, Q.1); Quảng Bá phường trung tu điện vũ phá khuyến (A. 2719).1-7). No 613 (Tổng tập văn khắc Hán Nôm. Viện NC Han-VĐBC tại Hà Nội-Viện Cao học Paris xbản,2005. T.1)

Ngô Đức Thọ (chủ biên), Từ điển Di tich Lịch sử -Văn Hoá Việt Nam. H., Nxb. Văn học, 203 tr.321.












Hoằng Ân tự bi văn Bản dập tại Viện NC Hán Nôm No 613



弘恩寺碑文

寺在今河内省城之西北隅。西湖湖中名勝此居其一。舊名隆恩寺,前黎永祚十年先朝公主諱玉秀所建也。明命貳年奉我聖祖仁皇帝有事邦交,駕行北城,省方觀民,因周覽城垣,翠輦曾一臨焉,命改爲崇恩寺。賞給匾額。再特賜庫銀二百兩,寺夫二名,為伊寺香火之需。玆奉皇上恭薦孝陵寢殿曰崇恩殿,禮部臣將伊寺建立始末,聲請改賜別名,奉旨著改賜名為弘恩寺。仍命翰林院臣等備記其事,勒之于石,俾寳刹增輝蹤長在,云。時

紹治貳年,嵗次壬寅正月貳拾捌吉日立。

Tự tại kim Hà Nội tỉnh thành chi tây bắc ngung.Tây Hồ hồ trung danh thắng, thử cư kỳ nhất. Cựu danh Long Ân tự, tiền Lê Vĩnh Tộ thập niên tiên triều công chúa huý Ngọc Tú sở kiến dã. Minh Mệnh nhị niên, phụng ngã Thánh Tổ Nhân hoàng đế hữu sự bang giao, gía hạnh Bắc Thành, tỉnh phương quan dân, nhân chu lãm thành viên, phụng thuý liễn tằng nhất lâm yên, mệnh cải vi Sùng Ân tự, thưởng cấp biển ngạch. Tái đặc tứ khố ngân nhị bách lạng, tự phu nhị danh, vi y tự hương hoả chi nhu.

Tư phụng Hoàng thượng cung tiến Hiếu lăng tẩm điện, viết Sùng Ân điện, Lễ bộ thần tương y tự kiến lập thuỷ mạt, thanh thỉnh cải tứ biệt danh vi Hoàng Ân tự. Nhưng mệnh Hàn Lâm viện thần bị ký kỳ sự, lặc chi vu thạch, tỉ bảo sát tăng huy, phương tung trường tại, vân. Thời


Thiệu Trị nhị niên tuế thứ Nhâm Dần chính nguyệt nhị thập bát cát nhật lập.

Dịch:

Chùa ở về góc tây bắc của thành tỉnh Hà Nội ngày nay. Nơi đây là một trong những danh thắng ở giữa Hồ Tây. Tên cũ của chùa là chùa Long Ân, do công chúa của tiên triều là Ngọc Tú xây dựng vào năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) triều cựu Lê. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1820) Thánh Tổ Nhân hoàng đế (tức vua Minh Mệnh) do có việc bang giao, ngự giá ra Bắc Thành để kiểm tra địa phương và xem dân chúng sinh sống. Nhân ngự giá xem thăm khắp một vòng thành, cỗ xe buông màn xanh cánh trả từng đến thăm nơi đây. Vua sai đổi tên là chùa Sùng Ân, thưởng cho biển ngạch (tấm biển gỗ đề tên chùa). Lại đặc cách sai xuất bạc trong kho ban cho 200 lạng, ban cho đinh phu 2 tên làm tự phu để làm các việc đèn hương của chùa.

Nay vâng lĩnh ý Hoàng thượng (vua Thiệu Trị) đã cung tiến tên gọi Sùng Ân điện làm tên điện tẩm tử ở Hiếu Lăng (lăng vua Minh Mệnh), quan Lễ bộ đem đầu đuôi việc xây dựng chùa này tâu lên để xin vua đổi ban cho tên khác là Hoằng Ân tự. [ Hoàng thượng chuẩn tâu] và sai quan Hàn Lâm viện ghi lại đầy đủ sự việc, khắc lên bia đá, khiến cho chùa này càng thêm vẻ vang, dấu thơm còn mãi.

Năm Nhâm Dần niên hiệu Thiệu Trị 2 (1842), tháng Giêng, 28 tháng 2 ngày tốt dựng bia.

(Ngạn Xuyên dịch)










<img src='http://cB0.upanh.com/19.664.26515669.E510/07.jpg' border='0' alt='%name' />





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét