Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

VĂN BẢN HÙNG VƯƠNG NGỌC PHẢ VÀ CHỦ NHÂN CỦA ĐÔ CỰU NGÀN HỐNG



Hội thảo “Thị xã Hồng Lĩnh -Từ Huyền sử-Lịch sử đến hiện taị” Hà Tĩnh, 19/8/2016)



VĂN BẢN HÙNG VƯƠNG NGỌC PHẢ VÀ CHỦ NHÂN CỦA
ĐÔ CỰU NGÀN HỐNG

  1. NGÔ ĐỨC THỌ


1.Cuộc Hội thảo hôm nay của chúng ta mục đích khiêm tốn, nhưng đề tài của nó bao quát rộng lớn cả từ thời huyền sử cho đến hiện tại và tương lai của vùng Hồng Lĩnh ngày nay, động chạm đến những lĩnh vực chuyên môn rất sâu, không chỉ đối với một địa phương Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh đối với cả toàn quốc, cả lịch sử dân tộc. Tôi đến hội thảo này từ góc độ là ngưòi đã tham gia dịch chú ĐVSKTT phần ngoại kỷ và bản thần tích Hùng vương ngọc phả, đó là những văn bản rất quan trọng. Nơi chúng ta đang họp bàn đây, dù ở ngay tại Thị xã Hồng Lĩnh giữa trung tâm hay ở TP Hà Tĩnh thì cũng rất gần vùng đất đã được các thư tịch cổ của nước ta gọi là Cựu đô Ngàn Hống. Ta sẽ bàn về chủ nhân của Cựu đô này, nhưng trước hết hãy nói đến tên nước Việt Thường. Sử đời Trần, Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu không còn, nhưng còn Đại Việt sử lược (của Trần Tấn hay Trần Phổ) 2 lần nói đến Việt Thường:
Một lần nói đời Chu Thành vương (1024-1005 TCN), Việt Thường thị samg hiến chim trĩ trắng.
Một lần nói Thục Phán chiếm ngôi của Hủng vương và đắp thành hình con ốc (Loa Thành), nhưng nói Loa Thành ở Việt Thường. Chúng ta đã quen tên 15 bộ (theo ĐVSKTT, ĐNNTC v.v...):
“Tân Hưng là cõi Hưng, Tuyên,
Vũ Ninh tỉnh Bắc, Dương Tuyền tỉnh Đông...
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Như vậy ở chỗ Cổ Loa dù là tên bộ (bộ Vũ Ninh) hay tên nước cũng đều không phải đất Việt Thường theo cách hiểu cho đến nay. GS Trần Quốc Vượng khi dịch ĐVSL còn rất trẻ, có lẽ chỉ mới ra trường, lấy làm lạ chi tiết này, chỉ đành đành một dấu hỏi ở chú thích, vì khi ấy các tài liệu Hán Nôm từ VĐBC đang chuẩn bị bàn giao cho phía VN nên khó tìm các văn bản của Toàn thư để so sánh. Nay so với Toàn thư, ta thấy đúng là địa danh Việt Thường, không có gì nhầm lẫn. Đây không phải chuyện mới nhưng lại rất lạ: Ngay trong Kỷ Hồng Bàng thị, trước khi viết Hùng vương, Ngô Sĩ Liên đã ghi chi tiết Việt Thường thị sang thăm và tặng chim trĩ trắng cho Thành vương nhà Chu. (Đầu thế kỷ XV; tôi đã tìm thấy dấu vết cho thấy Ngô Sĩ Liên đã tham khảo được cả bản thảo Đại Việt sử kýĐại Việt sử lược).Về chi tiết đắp thành Cổ Loa, Ngoại kỷ của Ngô Sĩ Liên, rất lạ, cũng ghi Thục Phán đắp thành ở Việt Thường như ĐVSL đã ghi! Như vậy, nhiều khả năng không có chuyện nhầm lẫn về ngôi thành “ rộng nghìn trượng cuộn tròn như hình con ốc”. Nó chỉ có thể nhầm lẫn đâu đó trong cách hiểu của chúng ta về địa danh Việt Thường!
Về tặng phẩm của sứ giả Việt Thường chưa phải là quan trọng nhất, quan trọng hơn cả là tên nước Việt Thường được Ngô Sĩ Liên tiêu lên phần chữ nhỏ trước khi vào chính văn của phần viết về họ Hồng Bàng. và nhấn mạnh: “Tên Việt là bắt đầu có từ đó”.




 


Điều ghi này quá quan trọng: tên nước của chúng ta, dù là Nam Việt, Đại Việt hay Việt Nam đều là bắt đầu có từ Việt Thường: Không chỉ một chữ Việt (nước Việt, người Việt) mà cả quốc hiệu hoàn chỉnh hai chữ Việt Thường cũng được khẳng định rất rõ ở  dòng đầu tiên đó của bộ ĐVSKTT. 
Quan điểm đó của nhà sử học họ Ngô đáng tiếc là không nhất quán lắm: Ngoài ghi chép khởi đầu đó, tác giả Toàn thư lập quốc thống từ Hùng vương chứ không lần nào quay lại với Việt Thường nữa! Các nhà soạn sử hiện nay cũng theo quan điểm đó nên quốc hiệu Việt Thường tuy không mất hẳn, nhưng rất ít người biết đến!
2. Vẫn là vấn đề việt Thường nhưng có liên quan đến Hùng Vương nên chúng ta phải chuyển sang nói về Hùng vương ngọc phả là bản Thần tích do Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố soạn năm Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ nhất (1470) thời vua Lê Thánh Tông. Không nói về toàn bộ bản Thần tích, tôi xin nói ngay vấn đề liên quan chỉ ở 1-2 trang đầu của văn bản này và cũng không bàn gì đến nội dung Thần tích nói “Cháu ba đời của vua Viêm Đế là Đế Minh, sinh Đế Nghi rồi đi tuần du phương nam, đến núi Ngũ Lĩnh gặp nàng Vụ Tiên.., sinh ra Kinh Dương vương....Trên đường đi ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế đẹp để đóng đô ấp (quốc đô). “Qua đất Hoan Châu (nay đổi là xứ Nghệ An. Nơi đó là các xã Nội Thiên Lộc, Tả Thiên Lộc, Tỉnh Thạch thuộc huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang) vua chọn được một vùng phong cảnh tươi đẹp, muôn nhẫn lâu đài, gọi là núi Hùng Bảo Thứu Lĩnh, tất cả có 199 ngọn. Vùng này giáp biển ở cửa Hội Thống, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông, bèn xây dựng đô thành để định nơi cho bốn phương triều cống” Các địa danh ghi đây có thể của chính Nguyễn Cố hay của Nguyễn Trọng đều là người thế kỷ 15 chú thích theo Thiên hạ bản đồ đời Lê Thánh Tông. Quý vị dự Hội thảo này đã nghe vang lên các địa danh thân yêu của vùng núi non Hồng Lĩnh trong đoạn văn trích đến từ một thời đại đã khá xưa. Dân Can Lộc –Hà Tĩnh quê ta có thể chưa phải tất cả, nhưng cũng đã khá nhiều người biết tên gọi Cựu đô Ngàn Hống. Cũng đã có vài tác giả nói đến rồi. Nhân tiện công bố bản dịch HVNP, cách đây dăm năm tôi có viết bài Cựu đô Ngàn Hống là đây đã dẫn những lời vàng ngọc của HVNP viết về Cựu đô Ngàn Hống. Nhưng đó là Cựu đô của vị vua nào?, khi đó chưa có yêu cầu phải biện luận, cho nên căn cứ vào nguyên văn và bản dịch như đã thể hiện thì Cựu đô đó không của ai khác ngoài Kinh Dương vương. Nhưng trở đi trở lại suy nghĩ nhiều về “tên Việt là bắt đầu có từ đó”. Không chỉ một lần, Ngô Sĩ Liên 3 lần nói về Việt Thường, kể cả chi tiết Thục Phán đắp Loa Thành cũng được Toàn thư nhắc lại đúng y chang như ĐVSL đã ghi là đắp ở Việt Thường, Điều này không chỉ khiến cho học giả trẻ Trần Quốc Vượng phải đặt dấu hỏi vì Việt Thường vốn được coi là đất Hà Tĩnh và phía nam Nghệ An. Nhóm dịch ĐVSKTT năm 1969 do GS Đào Duy Anh hiệu đính chú thich hẳn cũng gặp câu hỏi đó nên khá lúng túng khi thực hiện câu dịch của Toàn thư.
Vì thế Bản dịch cũ xử lý sự khó hiểu này bằng cách chỉ dịch nội dung đắp thành: “ Bấy giờ đắp thành ở Việt Thương” mà không nói rõ “ai đắp thành”? Vì thế khi làm bản dịch chú năm 1983 tôi đã dịch rõ thêm hai chữ “Thục vương”.
Như vậy, khi Thục Phán đắp thành Cổ Loa (257 TCN) nơi đây đang là hoặc đã từng là đất của người Việt Thường. Vì liên quan cả Việt Thường và Hùng vương, đến đây chúng ta chuyển sang liên hệ với Hùng vương ngọc phả (HVNP).HVNP nói Kinh Dương vương sau khi định đô ở Hoan Châu còn một lần quay lại Bắc quốc, lần này gặp tiên nữ là bà Âu Cơ. Trên đường trở về đô cũ ở Hoan Châu, qua vùng Bạch Hạc -Phong Châu (xứ Sơn Tây) vua lại phát hiện ra “một vùng đồi non chập chùng, sông đẹp núi lạ. Vua  bèn tìm mạch đất..[Đúng là nơi]Nghìn non nâng chủ, vạn thuỷ chầu nguồn, đều hướng về ngọn tổ sơn Nghĩa Lĩnh. Thu tận hình thế, vua nhận ra thế cục của đất này quý đẹp hơn đô thành cũ ở Hoan Châu, bèn lập Chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh để thỉnh thoảng ngự giá đến nghỉ ngơi.” . Tiếp đó, dường như để tổng kết nhắc lại việc xây dụng đô ấp của Kinh Dương vương, Bản BTPThọ viết tiếp một câu: “Kỳ kiến lập đô thành, thuỷ ư Thứu Lĩnh, chung ư Nghĩa Lĩnh. Kim dĩ Nghĩa Lĩnh vi Việt Thường thị đô ấp” (Việc dựng đô thành của vua, trước bắt đầu ở núi Thứu Lĩnh (Ngàn Hống), sau lại dựng ở núi Nghĩa Lĩnh, nay lấy núi Nghĩa Lĩnh làm nơi đóng đô ấp của họ Việt Thường) rất khó giải thích theo lôgic thông thường: Tai sao đô ấp của Việt Thường thị lại do vua Văn Lang “định”? Lại phải chăng trên vùng đồi núi đất Phong Châu ấy có cả đất của người Âu Lạc và người Việt Thường? ...Để hiểu được câu này tôi đã tìm xem thêm bản HVNP của TVQG, ký hiệu R. 285. Câu này ở bản TVQG viết như sau:
其建立城都,始在鶖嶺山,終於此,定都邑正殿寳位天城金池於義嶺山,為古越裳氏都邑所在



Đoạn này bản TVQG so với bản BTPThọ có thêm vài chi tiết (đắp thiên thành, đào kim trì v.v...), nhưng di biệt quan trọng nhất chỉ ở 1 chữ: Đó là khi nói về đô ấp của nước Việt Thường thì gọi đó là “Cổ Việt Thường thị”. Không có chữ “cổ” như ở bản BTPThọ thì cho một thông điệp khác hẳn: Dường như nước Văn Lang và nước Việt Thường là cùng thời. Nếu như thế thì lại có điều khó giải thích như đã nói trên. Còn một thông điệp khác,  với mạch suy nghĩ của tôi thì hơi quan trọng, nhưng: đó là theo HVNP (cả bản BTPThọ và bản TVQG, cả Kinh Dương vương và Việt thường thị đều có 2 địa điểm đóng quốc đô. Nhất là ở bản TVQG, chúng ta có thể thấy: để đề cao Kinh Dương vương,soạn giả HVNP dường như muốn nói: nơi đất đẹp vua chọn được để đóng quốc đô không phải là chỗ hoang vu, sau khi chọn được rồi mới hay nơi đó khi xưa đã từng là đô ấp của họ Việt Thường! Như vậy, trong tâm thức của các nhà huyền sử thế kỷ XV nước cổ  “Việt Thường” tất nhiên đã tồn tại trước thời Kinh Dương vương rất xưa rồi! Nhưng chỉ lần này, tức sau lần chọn đóng đô ở vùng Phong Châu, soạn giả HVNP mới tiết lộ nơi vua Kinh Dương chọn đó khi xưa cũng đã từng là đô ấp của nước Viết Thường! Vậy phải quay lại ngay để xem đối với lần đầu khi vua Kinh Dương chọn đóng đô ở Ngàn Hống HVNP đã ghi thế nào? Dưới đây là ảnh so sánh khác nhau ở hai bản HVNP :



Vấn đề nằm ở đây cùng loại vói việc bản BTPThọ không có chữ “cổ” trước từ Việt Thường:
Ở đây, sau khi đã nói vua tìm được thế đất đẹp ở thung lũng núi Hồng Lĩnh 199 ngọn đó, bản BTPT chép: 古云都,今曰岸Cổ vân Cựu đô, kim viết Ngàn Hống. Câu này rõ là lời của soạn giả HVNP giải thích với người cùng thòi với mình rằng, nơi đất này thời cổ gọi là Cựu Đô, ngày nay (thế kỷ XV về sau) gọi là Ngàn Hống”.
Với cách thể hiện của bản BTPThọ chúng ta không thể suy thêm ra được “Cựu đô” nói đây là “Cựu đô” của vị vua nào hoặc nước nào?
Nhưng vấn đề tỏ ra là khác hẳn với cách thể hiện ở Bản TVQG:
古云:都舊岸吼Cổ vân: Đô cựu Ngàn Hống
Thông điệp của văn bản huyền sử này gửi đến ý muốn của của người thuật chuyện muốn nói ngay cả khi vua Kinh Dương đặt chân đến thì nơi đó từ xưa (“cổ vân”) đã được goị là “Đô cựu Ngàn Hống”. Khi vua Kinh Dương mới đặt chân đến đất Hoan Châu, chưa có đô nào cả! Vậy, từ xưa nơi này đã gọi là Đô cựu Ngàn Hống thì đó phải là Đô cựu của vua nước Việt Thường!
Một lần nữa chúng ta hiểu rằng, ngay lần chọn định đô đầu tiên ở Ngàn Hống, vùng đất địa thế tuyệt đẹp: “ Vùng này giáp biển ở cửa Hội Thống, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông...” này hoá ra không phải một mình vua Kinh Dương nhận ra, từ xa xưa vua nước Việt Thường đã đóng đô ấp ở đây rồi.
Nếu vua Kinh Dương khi mới đến Ngàn Hống là mới tinh, chưa có Đô cũ Đô mới nào, thì đối với vua Việt Thường, từ xa xưa đã đóng đô ở đây, về sau thiên di ra Bắc, vua Việt Thường đã đặt Đô mới ở vùng Phong Châu.  Tình cờ cả hai lần vua Kinh Dương đi khắp đất nước xem phong thuỷ để chọn đất định đô thì cả hai lần vua đều đã chọn trùng vào địa điểm quốc đô của nước Việt Thường. Có tình trạng là người Việt mình thờì xưa thường hay diễn đạt trùng lặp, trong huyền thuyết HVNP soạn giả không e ngại sự trùng lặp đó, có thể còn coi đó là biện pháp để đề cao tài trí thông tuệ của vua Kinh Dương.
3.Huyền thuyết về việc định quốc đô của cả vua Kinh Dương và vua Việt Thường có lẽ nằm rất sâu trong tâm thức người Việt cổ phải chăng phản ảnh một hiện thực xa xưa về việc thiên di (bành trướng) của người Việt Thường ra và lên phía bắc toả ra khắp nơi cả ở miền đồng bằng (Cổ Loa) và trung du (Phong Châu) và nhiều nơi khác. Quá trình thiên di này diễn ra không phải trong một vài năm hay vài chục năm như những đợt di cư của người hiện đại, mà là cả một thời gian lịch sử rất dài, trên một lãnh thổ không rộng lớn lắm đủ để diễn ra một cuộc chung sống hoà đồng, không chỉ ngôn ngữ tập quán phong tục mà qua hôn nhân nhiều thế hệ đã diễn ra cả sự hoà đồng về huyết thống giữa người Việt Thường với cư dân của vương quốc Kẻ Chợ (Giao Chỉ) ở Miền Bắc Việt Nam.
 Tôi rất tự hào và hứng thú với nhà sử học Ngô Sĩ Liên bậc tiên tổ của dòng họ Ngô chúng tôi đã có một lời đúc kết súc tích mà rất quan trọng:
“Từ đời Thành Vương nhà Chu [1063-1026 TCN] mới gọi là Việt Thường thị, tên Việt bắt đầu có từ đấy.” (Toàn thư, NK1-1a-b)
Nhiều vấn đề liên quan mà mỗi vấn đề là cả một chuyên đề, tham luận này không có điều kiện trình bày hết, xin khất dịp khác.
PGS.TS Ngô Đức Thọ
15-7-2016


1 nhận xét:

  1. This article is wonderful. By the way, we would like to let you know about our company: Premium Travel Vietnam is a professional, leading tour operator based in Da Nang city – central Vietnam. Our office is at 21/18 Che Lan Vien, Ngu Hanh Son Dist, Da Nang city. We have been in the tourism industry for many years and with a comprehensive experience in this field, we are proud to be one of the best travel agents in Da Nang in particular and in Vietnam in general. Everyday,we provide tourists with local tours to all tourist sightseeings in central Vietnam such as many historical sites of My Son Holyland, Hoi An ancient town, Hue ancient capital, Demilitarized Zone, Phong Nha National Park, Ba Na Hills. As you know, central Vietnam is an amazing area and it is known as World Heritage Road in Vietnam due to its various UNESCO sites such as Hoi An ancient town, My Son Holyland, Hue ancient capital, Phong Nha National Park. Moreover, central Vietnam is not only picturesque region but the people are so friendly, warm hearted and welcoming. In order to provide customers with a memorable holiday in central Vietnam. Therefore, we organise Central Vietnam Package Tour . If you want to know more about this tour, kindly contact us at premiumvietnamtravel@gmail.com or whatsapp us at 0084979613777. We are very pleased to serve you and be a reliable partner to you.

    Trả lờiXóa