狀元陶師錫
Người xã Cổ Lễ huyện Tây Chân – Nay là thị trấn Cổ Lễ huyện Nam Trực tỉnh Nam Định. Cha là Đào Toàn Mân (Bân).
Trạng nguyên khoa Giáp Dần niên hiệu Long Khánh 2 (1374) đời Trần Duệ Tông [1].
Khoa này, sử ghi: “Theo lệ cũ thái học sinh 7 năm thi 1 lần, chỉ lấy 30 người thôi. Thi trạng nguyên thì không có lệ định sẳn. Nhưng thuộc quan ở tam quán, thái học sinh, thị phần học sinh, tướng phủ học sinh và những người có tước phẩm đều được vào thi cả”. Theo đó, khoa này lấy đỗ 30 người, nhưng Toàn thư, LTĐKL chỉ ghi đựoc 4 người ( ba Tam khôi và một Hoàng giáp là La Tu)LTĐK(I,6a); ĐKSB, 2b; LĐĐK(I,5a); TKL,7b; ĐNPL,11b; TThư (BK7,41b); QHPT, KCM; NĐĐD,34b. N°4932
Đào Sư Tích từ thi Hương đến thi Đình đều đỗ đầu. Theo lệ, ba vị Tam khôi là Đào Sư Tích, Lê Hiến Phủ, Trần Đình Thâm được đẫn đi chơi phố 3 ngày.
Tháng 5 Xương Phù 5 (6-1381) vua lây Đào Sư Tích giữ chức Nhập nội hành khiển Hữu ty lang trung. Bây giờ cha ông là Đào Toàn Mân đang làm Tri Thẩm hình viện sự, hai cha con làm quan đồng triều.
Cuối năm Xương Phù 7 (đầu 1384), thượng hoàng Trần Nghệ Tông nghỉ ở cung Bảo Hoà trên núi Lạn Kha thôn Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh). Thượng hoàng gọi Thiêm tri nội mật viện sự là Nguyễn Mậu Tiên và Lễ bộ lang trung Phan Nghĩa vào hầu việc, hàng ngày đàm đạo kinh điển và các việc chính sự cũ, việc gì đáng ghi nhớ thì bảo Mậu Tiên, Phan Nghĩa ghi chép, soạn thành tập sách gọi là Bảo Hoà điện dư bút. Sách soạn xong, Thượng hoàng sai Đào Sư Tích viết bài Tựa. Tên sách này đuợc ghi trong quốc sử (Toàn thư, BK8-7a) và trong hai thiên thư mục cổ của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú. Tiếc là sách ấy đã thất truyền.
Cuối năm Quang Thái 5 (tức đầu 1393) xẩy ra sự việc Trợ giáo Quốc Tử Giám Đoàn Xuân Lôi dâng sớ phản bác việc Hồ Quý Ly dâng thiên Minh đạo lên Thượng hoàng Nghệ Tông, trong đó có mấy điểm phê phán Khổng Tử, nhân đó xin đổi gọi Chu Công là Tiên thánh, đặt tượng ở chính giữa, nhìn về phương nam; còn Khổng Tử chỉ gọi là Tiên sư, đặt tượng ở phía bên, nhìn về phương Tây [2]. Đoàn Xuân Lôi nhận rõ thâm ý của Quý Ly muốn đổi quy chế Văn Miếu thờ Khổng Tử thành thờ Chu Công hàm ý ví Quý Ly có công phò tá nhà Trần cũng như Chu Công phò tá Thành Chu. Đoàn Xuân Lôi tức khắc dâng thư phản đối, cho rằng Quý Ly bàn như thế là không thể được (Toàn thư, BK8, - 22b).
Quý Ly bèn giáng chức Đoàn Xuân Lôi, đày đi khỏi Thăng Long. Trong thư dâng thượng hoàng, Đoàn Xuân Lôi nói Hành khiển Đào Sư Tích cũng có xem thư ấy (hiểu là có ý đồng tình). Quý Ly bèn giáng chức luôn cả Đào Sư Tích xuống Trung thư thị lang đồng tri Thẩm hình viện sự!
Đào Sư Tích có lẽ còn giữ chức ấy một thời gián ngắn nữa, sau ông lên sống ở miền huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang để lánh nạn Hò Quý Ly, rồi định cư luôn ở đó.
Tác phẩm:
-Cảnh tinh phú 景星賦 được sưu tập trong Quần hiền phú tập, xếp vào mục tác phẩm đời Hồ, từ đó có thể đoán định Đào Sư Tích còn sống đến đời Hồ.Về quê quán của Đào Sư Tích: Phần nhiều các tài liệu đăng khoa lục căn cứ theo Lịch triều đăng khoa lục ghi Trạng Nguyên Đào Sư Tích quê xã Cổ Lễ huyện Tây Chân, nay là Thị trấn Cổ Lễ huyện Nam Trực tỉnh Nam Định. Nhưng có một bản chép tay là sách Đăng khoa lục sao bản (niên đại thời Lê) ghi quê Đào Sư Tích ở xã Song Khê huyện Yên Dũng. Bia Văn Miếu Bắc Ninh (chung cả hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) soạn dựng thời Nguyễn cũng ghi như Đăng khoa lục sao bản.
-Văn sách thi Đình được sưu tập trong Lịch triều đình đối sách văn.
Gần đây trên báo điện tử Bắc Giang có bài viết của Vân Hồng [2] cho biết ở xã Song Khê huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang hiện có dòng họ Đào Văn. Nhà thờ của dòng họ này thờ từ cụ Thượng thượng tổ là Đào Toàn Bân và con là Trạng nguyên Đào Sư Tích. Gia phả họ Đào Văn do Đào Đức Bình soạn năm “Tự Đức Ất Dậu”(sic), hiện gia dình cụ Đào Văn Bội lưu giữ. Năm Ất Dậu là niên hiệu Hàm Nghi thứ nhất chứ không phải Tự Đức, tạm bỏ qua mâu thuẫn ấy về niên hiệu và năm can chi mà các bản gia phả thường hay chép sai, thì tư liệu về họ Đào Văn ở Song Khê là thông tin đáng lưu ý tham khảo. Căn cứ gia phả này, cha con Đào Sư Tích nguyên quán ở xã Song Khê, Yên Dũng, còn xã Cổ Lễ chỉ là nơi trú quán khi Đào Toàn Bân làm quan ở phủ Thiên Trường và Đào Sư Tích theo cha ăn học cũng lưu ngụ tại đó. Ông Phong cũng cho biết ở xã Song Khê hiện vẫn còn ngôi mộ nguyên táng (đời Trần) của cụ Đào Toàn Bân.Nguyễn Văn Phong cũng nói “Sau khi mất mộ cụ Đào Toàn Bân được đem về quê (Song Khê), còn mộ trạng nguyên Đào Sư Tích được đưa về Nam Định”.
Về mộ của Đào Sư Tích có tài liệu nói đẫ cải táng về Nam Định, nhưng chúng tôi tìm thấy trong kho văn bia của Viện NC Hán Nôm có thác bản tấm bia mộ chí của Trạng nguyên Đào Sư Tích (da VĐBC làm bản dập, № 15062). Chữ trên bia còn đọc rõ: "舊陳狀元陶師錫先生古塋”(Cựu Trần Trạng nguyên ĐÀO SƯ TÍCH tiên sinh cổ uynh) [3]. Soạn giả dùng từ "Cựu Trần" có thể xác định bia do người đời sau (có thể vào thời Lê) soạn dựng, nhưng chính xác năm nào thì không biết rõ. Địa điểm của tấm bia, tức địa điểm của ngôi mộ Đào Sư Tích VĐBC đã ghi rõ : "Vĩnh Phúc tỉnh Bình Xuyên huyện Xuân Lãng tổng Lý Hải xã Đồng Đống xứ Trạng nguyên mộ chí"[4] .
Với việc tìm thấy bản dập bia mộ chí của Trạng nguyên Đào Sư Tích, có thể khẳng định Trạng nguyên Đào Sư Tích sau khi mất mộ táng ở xã Lý Hải huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc. Tư liệu này là bằng chứng để đính chính một vài thông tin không đúng về Đào Sư Tích, như nói:
"Trạng nguyên Đào Sư Tích sinh ra lớn lên mà mất tại Cổ Lễ ( Nam Định)" (bài của Nguyễn Quốc Hội Bảo tàng Nam Định đăng trên Nhân Dân); hoặc: “Năm 1394 ông được cử đi sứ nhà Nguyên. Hai năm sau (1496/ 1396 đánh máy nhầm!) ông mất tại đất Nguyên khi đang là sứ thần Đại Việt, thọ 49 tuổi. Sau khi mất nhà Nguyên cùng triều đình đưa thi hài ông về an táng ở xã Cổ Lễ, huyện Nam Ninh, Nam Định” (Vân Hồng, báo điện tử Bắc Giang ngày 10-11-2009).Những “thông tin” này của Vân Hồng không đúng, vì bia mộ chí của Đào Sư Tích ở xã Lý Hải huyện Bình Xuyên Vĩnh Phúc. Hơn nữa, nhà Nguyên bị nhà Minh diệt và thay thế năm 1368. Năm 1394 sau đó những 26 năm, Đào Sư Tích tìm đâu ra nhà Nguyên nữa để mà đi sứ rồi mất ở trên đất Nguyên ? Thiết nghĩ, ai cũng vậy, một khi đã không có điều kiện tối thiểu để tra cứu niên biểu Việt Nam hay Trung Quốc thì chỉ nên tự mình tìm hiểu chứ chẳng nên viết ra những điều mình không nắm chắc để làm lầm lạc cho người khác.
N.Đ.T
----
Chú thích:
[1] Xem: Các nhà khoa bảng Việt Nam (Ngô Đức Thọ chủ biên). H.,Nxb.Văn học, 2006, tr.45.
[2]Việc này tôi cũng đã nói đến khi khảo cứu Hệ thống Văn bia Tiến sĩ VM-QTG trong Văn bia Tiến sĩ VM-QTG Thăng Long (Ngô Đức Thọ chủ biên). Tủ sách Thăng Long ngàn năm. H.,Nxb.Hà Nội, 2010, tr.37-39.
[3] Vân Hồng, báo điện tử Bắc Giang ngày 10-11-2009.
[4] Ảnh thác bản chụp lại từ Tổng tập văn khắc Hán Nôm. Viện NC Hán Nôm, Viện VĐBC Hà Nội, Viện Cao học thực hành Paris xuất bản. H.,2005. T.16.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 02 năm 2013
Trả lờiXóaKính thưa quý ông Ngô Đức Thọ khả kính!
Tôi Đào Chi hậu duệ của Đức tổ Trạng nguyên Đào Sư Tích, nhân đầu năm Quý Tỵ - 2013 , Đào Chi mượn chữ khai xuân nhờ trang email này gửi đến quý ông lời chúc sức khỏe và cảm ơn quý ông có bài viết về Đức tổ của chúng tôi. Bài viết của quý ông, tôi và dòng họ suốt từ Ninh Bình (quê của Viễn tổ Tiến sỹ Đào Dương Bật), Bắc Giang (quê của Thân phụ Tiến sỹ Đào Toàn Bân) và các địa phương khác trong nước do “Mai danh ẩn tích” thấy cơ bản là hợp lý. Nhưng không chấp nhận việc quý ông phê phán đồng nghiệp về mộ chí của Đức tổ, nếu như sự phê phán của quý ông là đúng thì quý ông đã đến Lý Hải hỏi chính quyền và các ông Nguyễn Duy Thăng, ông Nguyễn Duy Chứ về mộ chí của đức tổ ở vị trí nào chưa, và cũng về Cổ Lễ hỏi chính quyền và các ông Dương là đúng hay sai chưa. Mong quý ông không nên quy chụp đồng nghiệp. Nhân đây tôi xin cung cấp về sử liệu quốc gia vê Lịch sử Việt Nam, Trước đây ta vẫn khẳng định nước ta có 4.000 năm Lịch sử , thế mà dự thảo Lời nói đầu của Hiến pháp lần này lại nói “Nước ta có mấy ngàn năm Lịch sử…”. Chắc quý ông biết Triệu Đà lập nước Nam Việt (nay là Việt Nam) năm 207 trước Công nguyên, tức là 2.300 năm + 18 Vua Hùng = 4.000 năm. Như vậy mỗi Vua Hùng trị vì vào khoảng 95 năm (cứ cho mới sinh ra là m làm Vua ngay) + khoảng 20 tuổi của mỗi Vua cha.
Thân kính
Đào Chi 8. 11 Cao ốc Khang Phú, 67 Huỳnh Thiện Lộc, phường Hòa Thạnh, tân Phú, TP. Hồ Chí Minh; emil: daochi54@gmail.com; ĐT: 090 310 9527.