Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

TỔ KHAI KHOA VIỆT NAM - TRẠNG NGUYÊN LÊ VĂN THỊNH

%name
%name
LÊ VĂN THỊNH 黎 文 盛
Người làng Đông Cứu huyện Gia Định – Nay là làng Bảo Tháp xã Đông Cứu huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh.
Đđầu khoa Minh kinh bác học năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh 4 (1075) đời Lý Nhân Tông.
LTĐK(I,1a);LĐĐK (I,1a); TThư (BK3,3a); KMC; BNĐD,14a.
Đây là khoa thi Nho học đầu tiên do triều đình tổ chức trong lịch sử khoa cử nước ta. (Cùng năm có khoa thi Nho học Tam trường có thể coi như tương đương với thi Hương sau này). Không rõ số người dự thi và số người được lấy đỗ, sử chỉ ghi được duy nhất người trúng tuyển là Lê Văn Thịnh.
Sau khi thi đỗ, Lê Văn Thịnh được tiến cử vào cung hầu vua học (thị đế học), tức là làm thầy dạy học cho vua Lý Nhân Tông lúc đó mới lên 10 tuổi. Sau được bổ chức Nội Cấp sự (VSL). Cuối năm Bính Thìn (2-1076) Lê Văn Thịnh được thăng chức Thị lang bộ Binh.
Lúc đầu ông được bổ chức Nội cấp sự, cuối năm 1076 thăng Thị lang bộ Binh, năm 1084 dẫn đầu sứ bộ Đại Việt đến trại Vĩnh Bình thương lượng việc biên giới với sứ bộ nhà Tống, khi về được thăng Thái sư (Tể tướng).
Thời gian này quan hệ biên giới với nhà Tống có diễn biến phức tạp, năm trước Lý Thường Kiệt đã đem quân đánh phá Ung Châu. Khi Lê Văn Thịnh nhận chức Thị lang bộ Binh cũng là lúc nhà Tống sai Quách Quỳ, Triệu Tiết đưa quân sang xâm lược nước ta. Quân Tống bị chặn đánh quyết liệt, sau gần một năm rưỡi bị tổn thất nặng nề phải rút về (1-1076  - 3-1077). 
Tuy vậy, nhà Tống không chịu trả một số khe động, lấy cớ đó là những đất các thổ tù đã nộp cho Trung Quốc. Trước đòi hỏi của Đại Việt, nhà Tống phải đồng ý tổ chức hội nghị ở trại Vĩnh Bình (nay là TP. Nam Ninh,TQ) để thương thảo. Hội nghị Vĩnh Bình lần thứ nhất (~7-1083) thất bại, sứ bộ Đào Tông Nguyên bỏ hội nghị ra về. Hội nghị Vĩnh Bình lần thứ hai ( tháng 6 năm Giáp Tí /~7-1084]) sứ bộ Đại Việt do Thị lang bộ Binh Lê Văn Thịnh dẫn đầu. Các ghi chép còn lại cho thấy trong các cuộc thuơng thuyết, chánh sứ Lê Văn Thịnh ngôn từ mềm dẻo nhưng cương quyết đòi nhà Tống trả đất cho Đại Việt. Kết quả là sau hội nghị ấy nhà Tông đã phải trả lại cho ta 6 huyện và ba động (Toàn thư, BK3-11a). Đầu năm sau (1085) Lê Văn Thịnh được thăng chức Thái sư (Tể tướng).
Ông giữ chức Tể tướng 12 năm, đất nước thái bình vô sự, tù phạm được khoan giảm án phạt, nông phu được miễn giảm thuế khoá. Nhưng chính ông bị oan khốc, bị khép tội “mưu phản” bị đày đi Thao Giang năm Hội Phong 5 (1096), rồi mất ở đó.
Vụ án của ông là một án kiện lớn, nhưng chỉ thấy sử sách ghi lại một cách lờ mờ theo truyền thuyết. Toàn thư chép: “Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh ca. Chợt có mây mù nỏi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ….Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh” (BK3-13a). ĐVSL cũng có ghi việc này, nhưng không có chi tiết người đánh cá (Mục Thận) quăng lưới bắt hổ thì thấy là Lê Văn Thịnh, chỉ ghi: “…Khói mù theo giáo mà tan đi.Thấy thuyền của Văn Thịnh sát tới, sẵ có đồ hung khí, vua sai người bắt”(VSL, II-19a). VSL quá tin vào sử sách đời Lý, không có chứng cớ mà nghi cho Lê Văn Thịnh “từ lâu đã chất chứa mưu gian”, Toàn thư thì quá tin vào truyền thuyết hoáng đường, để oan khuất kéo dài cả ngàn năm cho Lê Văn Thịnh, bậc khởi tổ khai khoa của khoa cử Nho học Việt Nam.
Về nơi Lê Văn Thịnh bị đi đày, Toàn thư ghi là Văn Thịnh “ đựoc tha tọi chết, an trí ở Thao Giang”. Nhưng VSL ghi: “Vua xuống chiếu đày Văn Thịnh đi Lương Giang đầu”. Lương Giang đầu là đầu nguồn sông Lương Giang tức sông Chu ở Thanh Hoá. Thuyết của VSL có thể có căn cứ vì đời sau ở làng Phủ Lý (Đông Sơn, Thanh Hoá) có Lê Quát học trò của Chu Văn An, đỗ Thái học sinh đời Trần Minh Tông là dòng dõi của Lê Văn Thịnh (theo Hoàng Xuân Hãn, LTK)
Nay ở quê hương ông còn đền thờ đã được xếp hạng DTLSVH. Trong đền  có 10 đạo sắc của triều Lê Trung hưng và triều Nguyễn phong Lê Văn Thịnh làm thành hoàng làng Bảo Tháp.
Nhà cũ của ông ở thôn Bảo Tháp về sau cải dựng thành chùa, gọi là chùa Thái Sư (Thái Sư tự 太師寺) – Chùa này đến đầu thế kỷ XVII vẫn mang tên là chùa Thái Sư (Thái Sư tự bi ký, Hoàng Định 14 [1615]), sau đổi tên thành chùa Thiên Thư (Thiên Thư tự 天書寺), có quả chuông đúc năm Minh Mệnh thứ 14 (1835).
Vì nhà cũ đã sửa làm chùa nên khoảng đầu thời Nguyễn dân xã dựng riêng ngôi đền để thờ Thái sư Lê Văn Thịnh. Bia cổ ở chùa Thái Sư đã được dời đến dựng ở đây. Trong đền có tượng, ngai thờ, bài vị “Lê Thái sư đại vương” và 10 đạo sắc phong Thái sư làm thành hoàng làng Bảo Tháp. Chính điện treo tấm hoành phi đề 4 chữ  “Đỉnh giáp khai khoa 鼎甲開科” (Bậc khởi tổ đại khoa).
Khu lăng mộ Thái sư Lê Văn Thịnh ở thôn Đình Tổ, xã Dình Tổ, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh cũng đựoc xếp hạng DTLSVH
Tác phẩm:
Lê Văn Thịnh không có văn tập nào truyền lại, nhưng còn một bức thư của ông gửi cho Kinh lược sứ Quảng Tây là Hùng Bản nhắc lại lời biện luận ở Hội nghị Vĩnh Bình được ghi lại trong Tục Tư trị thông giám trường biên :
黎文盛寓書熊本,: 
成卓言:上電,下雷,,,,,勿陽,勿惡,,,,,,,景思,苛紀縣十八處,從南畫界,以為省地.陪臣小子,惟命是聽,不敢爭執.然儂氏所納土,皆廣源之屬也.幸遇聖朝,萬政更張,何愛此磽确瘴癘之地,不以賜本道存庇外臣?或曰昨王師所取者當還其守吏挈而歸明者難復也”.文盛 爲土有主屬,守吏挈而逃去,盜主之物也.主守自盜不赦之.贓盜物寄,法亦不許,況可污於省籍乎
(Lý Đảo,Tục Tư trị thông giám trường biên, Q.349, 7b. Bản in  Tứ khố toàn thư, Sử bộ)
Dịch:
Thư Lê Văn Thịnh gửi Hùng Bản:
“Thành Trạc đã nói sẽ vạch địa giới ở phía nam mười tám xứ sau này: Thượng Điện, Hạ Lôi, Ôn Nhuận, Anh, Dao, Vật Dương, Vật ác, Kế Thành, Cống, Lục, Tần, Nhâm, Động, Cảnh, Tư, Kỳ, Kỷ, Huyện  và nói những xứ ấy đều thuộc Trung Quốc, Bồi thần tiểu tử nầy, chỉ biết nghe mệnh, không dám cãi lại. Nhưng những đất ấy, mà họ Nùng đã nộp, đều thuộc Quảng Nguyên.
“Nay, may gặp Thánh triều ban bố hàng vạn chính lệnh khoan hồng. Sao lại chuộng miếng đất đầy đá sỏi, lam chướng này, mà không cho lại nước tôi, để giúp kẻ ngoại thần.” (Bản dịch của Hoàng Xuân Hãn trong: Lý Thường Kiệt, Sông Nhị, 1951)
%name
 
LTĐK(I,1a);LĐĐK (I,1a); TThư (BK3,3a);ĐVSL,Q. ;  ĐNNTC (Bắc Ninh); KMC; BNĐD,14a. Thái sư tự bi ký No 4998;  Thái Sư dại vương sự tích; Lý Thường Kiệt (Hoàng Xuân Hãn ); Từ điển di tich LS-VH VN (Ngô Đức Thọ chủ biên); Bắc Ninh tỉnh thần tích;  Tục Tư  trị Thông giám trường biên Q.349  (Lý Đảo soạn; Tứ khố toàn thư, Sử bộ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét