Abraham Lincoln
(1809 -
1865)
A.Lincoln năm 1863 (54 tuổi), ảnh của Wikipedia
Lời Dẫn
Cụ nghè Ngô Đức Kế là ông nội
bút giả, bị thực dân Pháp bắt đày Côn Đảo 13 năm. Trước là án tử hình nhưng chưa
xử ngay (giảo giam hậu), giảm đi giảm lại mấy lần, cuối cùng là 21 năm giảm xuống
13 năm. Năm 1921 được trả tự do, rời khỏi Côn Lôn, cuối 1923 Ngô Đức Kế ra Hà Nội
làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh. Từ
1925 -1927 Ngô Đức Kế tổ chức và đi đầu trong các cuộc vận động đòi Pháp trả tự
do cho cụ Phan Bội Châu, tổ chức truy điệu cụ Phan Chu Trinh trên toàn quốc. Năm
1927 Ngô Đức Kế lần đầu tiên công bố các tác phẩm quan trọng của Phan Chu
Trinh: cuốn Phan Tây Hồ di thảo. Hai
năm 1928-1929, Ngô Đức Kế mở Giác quần thư xã, tổ chức biên soạn giới thiệu với độc giả trẻ tuổi Việt Nam truyện kể các
danh nhân nổi tiếng trên thế giới. Ngô Đức Kế đã hình thành và thực hiện đề tài
này từ khi viết các khảo luận về Bacon, Descartes, Darwin đăng trên tạp chí Hũu
Thanh, đến hồi này chuyển làm bộ sách ĐÔNG TÂY VĨ NHÂN. Cả bộ dự kiến gồm 20 tập, viết về khoảng 10 vĩ nhân phương Tây, 4 vĩ nhân Việt
Nam, 7 vĩ nhân Trung Hoa. Giác quần thư xã đã xuất bản được 5/20 cuốn dự kiến.
Quyển thứ nhất gồm Truyện Lâm Khẳng (Lincoln) và Truyện
Nột Nhĩ Tốn (Nelson) đều do Ngô Đức Kế viết, Giác quần thư xã ấn hành năm
1929 tại Hà Nội, cách nay 83 năm.
Lâm Khẳng, tức Abraham
Lincoln (1809-1865) là con
nhà thợ mộc nghèo, nhưng được mẹ là bà Nancy dạy
bảo rất chu đáo, đến mức sau này đắc cử Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, Lincoln vẫn thường nhắc lại
lời mẹ dạy bảo.
Lincoln chỉ thực sự được cắp
sách đến trường không đầy 12 tháng, nhưng ngày đêm cần cù tự học, 16 tuổi quyết
chí học luật cho tinh thạo để làm Trạng sư. 18 tuổi vâng lời cha làm việc chèo
đò, mỗi tuần lễ được 2 đồng 5 hào đều đưa về cho cha chi dùng việc nhà. Sau năm
21 tuỏi Lincoln
mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ, không lấy thừa tính bớt của ai một xu, dân chúng đều
khen ngợi. Sau Lincoln đi lính nghĩa dũng, làm một chức đội nhỏ, mọi điều kỷ
luât đều tuân giữ rất nghiêm. 28 tuổi đủ trình độ làm Trạng sư như thủa nhỏ
mong ước. Năm 1860 Lincoln
trúng cử Đại Tổng thống. Do vấn đề nô lệ xẩy ra cuộc chiến Nam Bắc, ngày
1-1-1863 Đại Tổng thống Lincoln
ký Tuyên
ngôn giải phóng nô lệ, hơn
4 triệu nô lệ ở miền Bắc được tự do. Trên chiến trường lính da đen trong quân đội
miền Nam nghe tin miền Bắc giải phóng nô lệ, bèn bỏ hàng ngũ ào ào chạy qua chiến
tuyến của quân Bắc. Không may, khi về thủ đô, Lincoln cùng vợ đến nhà hát
Fordes dự mừng chiến thắng bị diễn viên tên là Booth vốn là người của đảng quân
Nam rình lén bắn chết (14-4-1865). Người Mỹ các thế hệ thảy đều ca ngợi Lincoln là vị Tổng thống
vĩ đại, ngang hàng với G.Washington là Tổng thống khai quốc của Hợp chúng quốc
Hoa Kỳ.
Mấy đoạn bình luận của Ngô Đức Kế:
-Lâm Khẳng diễn thuyết lúc ứng cử
lời lẽ ngay thẳng biết bao, đời nay những bọn cầu quan xin việc, đến cửa riêng
thì hót nịnh một cách đê hèn, ra công đường thì tô chuốt những lời nói tốt, cái
nhân cách bọn ấy so với Lâm Khẳng khác nhau xa biết bao!
-Thợ mộc ra ứng cử Tổng thống, tị (so với) nước khác thì chắc lấy việc ấy làm xấu
hổ mà giấu giếm đi, mà tại nước Mỹ thì lại lấy làm vinh mà truyền tụng ra, thế
mới biết nghề nghiệp là thánh thần, mà cái tinh thần chính trị bình dân vẫn
khác.
-Lâm Khẳng hay tôn trọng dân ý,
trọng chủ nghĩa tự trị, ông có nói rằng: “Nhân dân là ông chủ tể Quốc hội và
Pháp viện, cho nên hiến pháp mà có chỗ nghi ngại thì nên theo dân ý mà định, vì
dân ý có thể phòng giữ được nhà chính trị phá hoại hiến pháp, chứ không đến nỗi
tự phá hoại hiến pháp bao giờ”.
-Đọc truyện Lâm Khẳng nên biết rằng
cái công nghiệp của Lâm Khẳng đều bởi trong đức tính mà ra, chúng ta mà hy vọng
cái công nghiệp của Lâm Khẳng thì trước phải dũng thành đức tính của Lâm Khẳng.
Sau Truyện
Lincoln, Ngô Đức Kế viêt tiếp Truyện
Hoa Thịnh Đốn, tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Bản thảo đã xong, nhưng chưa
kịp xuất bản thì Ngô Đức Kê lâm bệnh qua đời (12-1929). Sau tang lễ, bạn thân của
cụ là cụ Huỳnh Thúc Kháng đưa bản thảo về Huế in ở nhà in Tiếng Dân với tiêu đề
trên của sách ghi “Di thảo cụ Ngô Đức Kế”.
Do thực dân Pháp tìm cách hạn chế ảnh hưởng các nước tân tiến khác ngoài Pháp, cho nên ở Việt Nam hồ đầu thế kỷ XX ít ai biêt đến nền tự do dân chủ của Hoa Kỳ. Hai cuốn sách mỏng Truyện Lâm Khẳng (Lincoln) và Truyện Hoa Thịnh Đốn của Ngô Đức Kế nêu lên với người đọc Việt Nam một nhận thức mới mẻ về nền chính trị thế giới. Đồng thời cuốn sách là một minh chứng cho thấy với tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, xã hội lúc bấy giờ sôi động các hoạt động chính trị tìm đường cứu nước.
Do thực dân Pháp tìm cách hạn chế ảnh hưởng các nước tân tiến khác ngoài Pháp, cho nên ở Việt Nam hồ đầu thế kỷ XX ít ai biêt đến nền tự do dân chủ của Hoa Kỳ. Hai cuốn sách mỏng Truyện Lâm Khẳng (Lincoln) và Truyện Hoa Thịnh Đốn của Ngô Đức Kế nêu lên với người đọc Việt Nam một nhận thức mới mẻ về nền chính trị thế giới. Đồng thời cuốn sách là một minh chứng cho thấy với tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, xã hội lúc bấy giờ sôi động các hoạt động chính trị tìm đường cứu nước.
Cụ
Phan Chu Trinh đúc kết tinh hoa của văn minh phương Tây, bao quát là hai giá trị
Dân chủ
và Dân quyền. Khi biên tập di thảo của cụ Tây Hồ để xuẩt bản, Ngô Đức Kê đã viết
thêm một đoạn gồm 4 ý bổ sung mà hai người đã từng thảo luận với nhau mà cụ Tây
Hồ chưa kịp nói hết trong một bài diễn văn ngắn.
Đọc cuốn
Truyện Lincoln và Truyện Washington, chúng ta có thể thấy
Ngô Đức Kế muốn bổ túc cho một cái nhìn rộng mở hơn chứ không giới hạn bởi nền
dân chủ của Pháp và châu Âu. Ngô Đức Kế có lẽ là một trong những người đầu tiên
muốn hướng tầm nhìn đó của đồng bào mình về phía nền dân chủ đầu tiên trên thế
giới, đó là Hoa Kỳ.
Đọc tiểu
sử sự nghiệp của hai vị tổng thống lừng danh trong lịch sử nước Mỹ, người đọc
trước đây cũng như hiện nay có thể cảm nhận được bản chất nhân văn chủ nghĩa của
các cuộc chiến tranh cách mạng và bảo vệ độc lập của quốc gia Bắc Mỹ - ngay từ
khi lập quốc người dân đã thực sự có quyền cầm nắm vận mệnh của mình. Đó là một
tiền đề rất quan trọng khiến cho nền dân chủ của nước Mỹ có những đặc điểm rất
mới mẻ, sinh động, trở thành cảm hứng cho một xã hội dân sự năng động, phát triển.
Ngưỡng
mộ những lý tưởng cao đẹp và cuộc đời - tấm gương
lớn của cả Washington và A.Lincoln, tôi đưa lên mạng bài này để quý bạn có thể tham khảo.
Ngô Đức Kế viết bài này cách đây
hơn 80 năm, bấy giờ văn tiếng Việt trên sách báo vẫn ở chặng đầu, còn dùng nhièu từ Hán Việt và cấu trúc văn pháp chưa có những
phong cách nhẹ nhàng uyển chuyển như ngày nay. Điều đó có thể gây trở ngại ít
nhiều cho cảm hứng của bạn đọc, nhưng bù lại, qua đó bạn đọc có dịp sống lại một
thời đáng nhớ của lịch sử văn hoá Việt Nam.
Nguyên bản do nhà in Tiếng Dân ấn hành năm 1930
không có ảnh. Giới thiệu lên mạng lần này tôi trân trọng đặt lên đầu bài chân
dung Tổng thống A.Lincoln năm 1863 (54 tuổi), ảnh của Wikipedia.
Ngô Đức Thọ
-Xem thêm: Ngô Đức Thọ: Lời dẫn Truyện Hoa Thịnh Đốn.
Làm một anh hùng đời loạn lạc dễ hơn làm một đấng
anh hùng đời trị an. Làm một đấng anh hùng nước
`chuyên chế dễ hơn làm một đấng anh hùng nước cộng hoà. Anh hùng đời loạn lạc thường thường nhờ cậy binh lực, hoặc kẻ xuất thân trong hàng quân lính, hoặc người gặp gỡ trong hội gió mây, hễ có võ lực hơn người thì bất kỳ anh bán thịt buôn trâu hay là kẻ đeo dao giắt búa đều có thể gặp thời làm nên việc mà chiếm được một vài trang giấy trong bộ sử truyện chiến tranh để đời này qua đời khác. Còn như đời trị an thời khác hẳn, chính trị đã đúng vào khuôn phép thì anh hùng cũng khó lòng mà khởi lên, nhân tâm đã quen thói an phận thủ thường thì anh hùng cũng khó lòng làm nên việc. Nếu không phải là người có tài tột bực, xét thấy rõ ràng cái bệnh hoạn kín màu của xã hội, mà đem cái tinh thần phấn phát mạnh mẽ để tiếp theo, thì chắc không ai có thể gặp may mà thành công, để danh tiếng đến đời sau được bao giờ. Thế thì biết anh hùng đời loạn lạc là anh hùng của thời thế tạo ra, anh hùng đời trị an là anh hùng tạo ra thời thế. Song tuy sinh ra đời trị an mà nếu ở vào nước chuyên chế thì cái cơ hội làm nên công nghiệp cũng không khó khăn lắm đâu, vì rằng nước chuyên chế thì cái tinh thần ở nơi quyền thế, quyền thế thuộc về đâu thì nhân tâm xoay về đó. Ông quân chủ nắm quyền lớn ở trong tay, vẫn có thể sai khiến bắt buộc được bọn anh tài trong thiên hạ, mà kẻ làm tôi được ông quân chủ tin cậy cũng có thể lấy quyền thế mà thâu được lòng người, có lợi lộc để làm mồi thì nhiều người xu phụ, có uy hình để làm tội thì ít ai dám chống ngăn, thế cho nên anh hùng nước chuyên chế nhờ đó mà làm nên công to nghiệp lớn. Còn như nước cộng hoà thì không thế, cái chủ quyền của nước nhà cầm trong tay một đám dân đông, mà lòng dân không dễ ép được, danh vọng không dễ mua được, tất phải mình có lòng gánh vác trách nhiệm quá hơn người thường, đem cái thủ đoạn quang minh lỗi lạc mà dâng mình cho nước nhà, thì nước nhà mới được phúc lâu dài, mà mình cũng được tiếng thơm với nước. Thế thì biết anh hùng nước chuyên chế là anh hùng bắt dân chúng làm tôi mình, mà anh hùng nước cộng hoà là anh hùng làm tôi cho dân chúng.
`chuyên chế dễ hơn làm một đấng anh hùng nước cộng hoà. Anh hùng đời loạn lạc thường thường nhờ cậy binh lực, hoặc kẻ xuất thân trong hàng quân lính, hoặc người gặp gỡ trong hội gió mây, hễ có võ lực hơn người thì bất kỳ anh bán thịt buôn trâu hay là kẻ đeo dao giắt búa đều có thể gặp thời làm nên việc mà chiếm được một vài trang giấy trong bộ sử truyện chiến tranh để đời này qua đời khác. Còn như đời trị an thời khác hẳn, chính trị đã đúng vào khuôn phép thì anh hùng cũng khó lòng mà khởi lên, nhân tâm đã quen thói an phận thủ thường thì anh hùng cũng khó lòng làm nên việc. Nếu không phải là người có tài tột bực, xét thấy rõ ràng cái bệnh hoạn kín màu của xã hội, mà đem cái tinh thần phấn phát mạnh mẽ để tiếp theo, thì chắc không ai có thể gặp may mà thành công, để danh tiếng đến đời sau được bao giờ. Thế thì biết anh hùng đời loạn lạc là anh hùng của thời thế tạo ra, anh hùng đời trị an là anh hùng tạo ra thời thế. Song tuy sinh ra đời trị an mà nếu ở vào nước chuyên chế thì cái cơ hội làm nên công nghiệp cũng không khó khăn lắm đâu, vì rằng nước chuyên chế thì cái tinh thần ở nơi quyền thế, quyền thế thuộc về đâu thì nhân tâm xoay về đó. Ông quân chủ nắm quyền lớn ở trong tay, vẫn có thể sai khiến bắt buộc được bọn anh tài trong thiên hạ, mà kẻ làm tôi được ông quân chủ tin cậy cũng có thể lấy quyền thế mà thâu được lòng người, có lợi lộc để làm mồi thì nhiều người xu phụ, có uy hình để làm tội thì ít ai dám chống ngăn, thế cho nên anh hùng nước chuyên chế nhờ đó mà làm nên công to nghiệp lớn. Còn như nước cộng hoà thì không thế, cái chủ quyền của nước nhà cầm trong tay một đám dân đông, mà lòng dân không dễ ép được, danh vọng không dễ mua được, tất phải mình có lòng gánh vác trách nhiệm quá hơn người thường, đem cái thủ đoạn quang minh lỗi lạc mà dâng mình cho nước nhà, thì nước nhà mới được phúc lâu dài, mà mình cũng được tiếng thơm với nước. Thế thì biết anh hùng nước chuyên chế là anh hùng bắt dân chúng làm tôi mình, mà anh hùng nước cộng hoà là anh hùng làm tôi cho dân chúng.
Chúng ta sinh đời nay mà muốn làm anh hùng thì
phải gắng làm anh hùng đời trị an, càng nên gắng làm anh hùng nước cộng hoà mới
phải. Nào những kẻ cậy tài ngang dọc hay là dùng cơ mưu quyền thuật để lừa người
dối đời, mua danh trộm tiếng, bọn ấy đều là nhân vật trong lịch sử đã qua rồi,
chứ không hợp với đời bây giờ nữa. Tuy rằng làm cho thành công thì có bên khó
bên dễ khác nhau, nhưng nếu muốn làm kẻ hào kiệt cho đúng thời thì cũng không
nên quản cái khó. Vả chăng anh hùng nước cộng hoà làm việc gì cũng phải theo chỗ
bình thường thiết thực mà làm, cho nên cái công nghiệp làm ra thiệt có phúc dân
lợi nước, khác hẳn với bọn giả dối cầu danh.
Vả chẳng mà thất bại nữa, thì cũng có thể tới
được thì lui được, không đến nỗi mất cả cái địa vị lập thân, thường thường có
những bọn thiếu niên, bề ngoài cũng yêu nước thương nòi, mà nghĩ rằng mình đã
ra gánh lấy việc đời thì việc một mình một nhà là việc nhỏ nhen, thế không kiêm
được. Xưa Lưu Qúy không chăm sản nghiệp, Trài Tuân kết khách để phục thù, bọn
sĩ phu khinh bạc cứ dẫn việc ấy làm câu chuyện hay, thành ra cái trách nhiệm nước
nhà chưa gánh được, mà cái trách nhiệm gia đình đã vứt đi. Thế thì hãy cứ theo
trong tầm thường lễ pháp mà cầu có được cái địa vị vững vàng, có hơn không? Người
xưa dạy cháu có câu rằng “vẽ con hùm mà không thành trở lại giống con chó” Ôi!
những kẻ sùng bái anh hùng, chỗ dở chỗ hay phải thận trọng thay!
Xem trong quốc sử nước Mỹ được một người đáng
làm khuôn phép cho bọn thiếu niên là ông Lâm Khẳng. Lâm Khẳng sinh vào lúc 13
châu nước Mỹ đã xong cuộc độc lập rồi. Cái thời đại ấy không phải là thời đại
anh hùng đua đuổi, lấy võ lực mà chọi hơn thua. Ông lại là một người dân quê
trong nước Mỹ là nước chính trị bình dân, không có thế vị gì, không có quyền lực
gì mà cậy dựa cả. Lúc đầu làm thợ mộc, rồi làm lái thuyền, làm việc cửa hàng,
làm trạng sư, làm nghị viên, làm một việc nào thì lo làm hết chức phận việc ấy,
chưa hề chểnh mảng bao giờ, chưa hề nói chí lớn không chăm việc nhỏ bao giờ .
Như thế mà sau lên đến cái địa vị làm đầu chóp một nước, làm nên được cả sự
nghiệp giải phóng bọn hắc nô , thống nhất miền Nam Bắc, là vì đâu? Chỉ vì ông
có cái lòng trách nhiệm cùng cái lòng tiến thủ mạnh hơn người ta mà thôi. Vì
cái lòng trách nhiệm hơn người ta, cho nên bất kỳ làm một việc gì cũng không chịu
làm lu lơ; vì cái lòng tiến thủ hơn người, cho nên bất kỳ làm việc gì cũng cầu
cho tiến lên một bước. Ông Lâm Khẳng đủ cả tài và đức, nên đã đem hết tài đức
ra mà làm được bậc vĩ nhân, nhưng nếu người nào tài năng không bằng Lâm Khẳng
mà có lòng như Lâm Khẳng, thì về đàng sự nghiệp dầu không làm được bậc vĩ nhân,
nhưng về đàng đức nghiệp cũng còn làm được bậc thiện nhân, đó chính là bậc anh
hùng do chỗ bình thường thiết thực mà làm nên, xem như khó học mà kỳ thiệt là dễ.
Thế thì nói ông này làm cái khuôn phép rất tốt, rất thích hợp cho bọn thiếu
niên là phải lắm rồi, sau này kể truyện ông Lâm Khẳng.
Trong đỗi đồng rừng về phủ Hoắc Cầm Tư
(Hodgensville) thuộc về châu Thiên Đích ý (Kentukey), miền Tây nước Mỹ, có một
cái nhà nhỏ, nhà này làm bằng gỗ, gỗ cứ sáp ngang từng lớp mà thành nhà, trước
cửa treo tấm da con gấu để làm rèm, không có cửa đóng. Trong nhà có một bếp đất,
chung quanh cái bếp thì đủ những chum, đồ dùng, phản ghế, chẳng có bao nhiêu đồ,
đủ tỏ rõ ra cái cảnh sinh hoạt người ở chỗ đồng rừng mới khai khẩn. Chủ nhân họ
là Lâm Khẳng (Lincoln) tên là Thang Mạch Ty (Thomas)[1]
nhà làm nghề thợ mộc, nhân vì có lĩnh đất phở hoang , nên mới cùng người vợ là
Nam Tuyết (Nancy)[2] ở đó làm
ăn. Trước sinh một gái, cách hai năm nữa là năm 1809 tháng 2 ngày 12, lại sinh
một trai. Thang Mạch Ty lấy tên ông mà đặt cho con trai mình, gọi là A Bá Lạp
Hãn (Abraham) tức là người 50 năm sau làm Đại tổng thống nước Mỹ là A Bá Lạp
Hãn Lâm Khẳng, chủ nhân [3]
quyển sách này.
A Bá Lạp Hãn Lâm Khẳng sinh ra mạnh mẽ, lúc mới
biết đi, thường đi với chị gái chơi khoảng rừng, cho nên hoạt bát lanh lẹ khác
đứa trẻ thường. Thang Mạch Ty người bạo dạn và hiền lành, vì ở chỗ đồng rừng tập
nghề săn bắn, thường đem những chuyện mới lạ trong lúc săn bắn giảng cho con
nghe. Bà Nam Tuyết tính lại siêng năng, đã lo việc may vá cơm nước trong nhà, lại
thường giúp chồng việc săn bắn, tuy rằng nhà tranh vách đất, cơm cháo đủ ngày,
mà cái khí tượng trong gia đình rất là tươi tốt. Ông Thang Mạch tuy khi nhỏ
chưa vào trường đi học bao giờ, duy có bà Nam Tuyết thì biết chữ, ham xem sách,
ông chồng mà có biết chữ ít nhiều là cũng nhờ bà dạy cho. Đến khi Lâm Khẳng đã
khôn lớn rồi, thì bà lấy những sự tích cũ trong kinh Tân ước và Cựu ước mà dạy
con. Về sau dân làng có mở nhà học dạy ngày chủ nhật, lúc ấy Lâm Khẳng mới 5 tuổi,
nhưng vì nhờ sức mẹ dạy ở nhà, cho nên đã được hơn các trẻ khác.
Bà Nam Tuyết dạy con càng hay chú ý về đạo đức.
Lúc Lâm Khẳng sáu tuổi đi câu trên khe, được con cá nhỏ, xách về nhà, gặp một
người ăn mặc gọn gàng có mang súng, Lâm Khẳng biết là chú lính, liền đem con cá
biếu chú lính, về nhà nói việc ấy với mẹ, bộ lấy làm thích lắm, vì bà mẹ thường
dậy con rằng binh lính bỏ mình phòng giữ cho nước, ai thấy phải tỏ ý kính trọng,
cho nên Lâm Khẳng đem con cá câu được mà cho; là để tỏ lòng kính trọng binh
lính đó vậy. Trong làng không có cả nhà thờ chung, khi nào có thầy đạo đi qua
đó thì mượn nhà nhà quê mà giảng đạo. Có ông thầy đạo là ái Nhĩ Kinh (Elkin)
càng được dân làng kính trọng hơn. ái Nhĩ Kinh hay đến nhà Lâm Khẳng, ăn cơm
lúa ngô thịt chim rừng. Sau lúc thầy đạo đi rồi thì Lâm Khẳng cứ bắt chước cách
giảng diễn như thế, lên ngồi trên cây hoặc trên bếp đất mà diễn nói tích cũ, trẻ
con trong làng cũng thích nghe lắm, người ta nói rằng Lâm Khẳng bình sinh hay
diễn thuyết có tiếng mà cái nền nếp đã sẵn từ lúc còn thơ ấu.
Các đức tính con người ta thế nào đều do
chỗ gia đình giáo dục và cái tính di truyền của cha mẹ, có ảnh hưởng rất lớn.
Ông Lâm Khẳng lúc bé, nhờ mẹ dạy bảo được nhiều, mà ông cha làm nghề săn bắn, lại
thường đem việc tai nghe mắt thấy mà dạy cho con, cho nên cái tinh thần mạo hiểm
tiến thủ hơn người thường, là cũng gốc từ đó.
Quốc dân nước hiến pháp người nào cũng
có cái nghĩa vụ đi lính để phòng giữ nước nhà, bà Nam Tuyết dạy Lâm Khẳng phải
kính trọng người lính, thế là trong lúc vô tình đã dưỡng thành được cái tư tưởng
quốc gia rồi, dạy con như thế là biết cách dạy.
Một tờ báo nọ ở thành Nữu ước (New-York)
đã điều tra những nhân vật lớn lao trong xứ ấy, lúc xuất thân ra thế nào, nói rằng
trong số 12 người thì có đến 10 người nguyên không sinh tại Nữu ước, mà trong số
10 người ấy có đến 8 người sinh ra vốn là nhà nông. Việc nầy xem ra kỳ lạ,
nhưng vẫn có lý lắm. Vì nơi đô hội lớn, tuy rằng về đằng giáo dục có được nhiều
điều sẵn sàng tiện lợi hơn chỗ khác, song vì thói xấu un xông , vật chất mê đồ,
làm loạn cái tâm chí thanh niên mà mất hết cái khí khái cứng mạnh, không bằng
con nhà thôn quê, cần kiệm ngay thật, được giáo dục tự nhiên để rèn đúc cái
tinh hần, lại là phần hơn, cho nên người ở nhà quê không nên bỏ mất cơ hội tốt.
Mùa đông năm 1861, Thang Mạch Ty dọn đi ở phủ
Tư Tân Tác (Spencer county) thuộc về châu An Đích Yên Nạp (Indiana) vì là xứ ấy
giá đất rẻ, dễ cày cấy làm ăn. Lúc mới đến làm cái nhà lá ba bên có vách, phía
trước để trống, người nhà gọi là cái nhà trần, suốt mùa đông năm ấy ở đó. Thang
Mạch Ty đã đem vợ con ở tạm cái nhà trần ấy, mới đi kiếm cây đẫn gỗ soạn sửa
làm nhà mới. Lúc bấy giờ Lâm Khẳng 8 tuổi, đã biết cầm dao búa làm giùm cho nhà
như hình một người thợ nhỏ tập việc, lúc rỗi thì học chữ với mẹ. Nhà nghèo,
không sắm được đồ học, lấy lá cây làm giấy, lấy ống lông ngỗng làm bút, nhưng
vì siêng tập thì xem cũng có vẻ hay. Ngoài ra lại biết bắn chim để làm món ăn
thường, nhưng Lâm Khẳng có tính hiền lành hay thương, một hôm bắn được một con
gà rừng, trông thấy máu chảy ruột lòi, lấy làm thảm hại, sợ quá mà khóc lớn, từ
đó về sau, mỗi khi đi bắn chỉ đủ dùng thì thôi, không giết nhiều.
Mùa xuân năm sau, Thang Mạch Ty làm xong nhà mới,
nhà này cũng làm bằng gỗ xoàng, so với cái nhà cũ ở châu Thiên Đích ý không hơn
bao nhiêu. Bọn Lâm Khẳng mấy lâu đã chịu khổ về nỗi mưa gió trống trải, nay được
ở nhà này xem không khác lên thiên đường, nhưng bà Nam Tuyết thì vì mệt nhọc
sinh đau, thế không khỏi được. Khi bà đau nặng, gọi Lâm Khẳng bảo rằng : “A Bá
Lạp Hãn! Tao sắp bỏ mày đi đây, mày đã biết thờ cha kính chị, thì nên gắng làm
người tốt như tao dạy mày mọi ngày, nhất là phải kính thờ đức Thượng đế”. Lâm
Khẳng vâng lời mẹ dạy, ghi tạc không lúc nào quên, đến sau làm đến Tổng thống
đã thành công nghiệp, lừng danh tiếng rồi, mỗi khi nhắc đến việc cũ, thì cứ nói
rằng : “Một đời tôi, cái sự nghiệp cùng cái hy vọng, đều là nhờ sức mẹ dạy”. Lễ
đưa đám bà Nam Tuyết, vì ở chỗ đông rừng hẻo lánh, không có thầy đạo ái Nhĩ
Kinh ở châu Thiên Đích Y đến, bèn viết thư mời sang. Từ châu Thiên Đích Y đến
phủ Tư Tân Tắc, xa mấy trăm dặm, mà đường sá lại hoang rậm khó đi, không có nhà
trạm gửi thư. Lâm Khẳng phải nhân dịp có người đi mới gửi thấu được. Đến mùa
xuân năm sau, ông ái Nhĩ Kinh quả đến ngay, lúc làm lễ đọc kinh, thì dân làng đều
khen ông ái Nhĩ Kinh thật có lòng thành
mà Lâm Khẳng thật là có hiếu.
Ông Mạnh Tử có nói “Người ta mà biết suy
cái lòng bất nhẫn ra thì nhân đức làm gì hết”. Lâm Khẳng thấy con gà rừng, còn
có lòng bất nhẫn trông thấy nó chết thảm hại, huống chi là nỡ thấy đồng một loại
chân vuông đầu tròn suốt đời làm nô lệ mà không ra tay cứu vớt? Nếu trái thế,
việc nhỏ mà nỡ lòng thì dẫu việc lớn cũng nỡ lòng, mà cái cơ làm hại nhà hại nước
đã phục sẵn đó rồi. Vậy cho nên con em đang lúc nhỏ, nên dạy cho nó biết thương
xót loài vật nhỏ, bồi đắp lòng lành như thế đã hoá trừ cái tính dữ tợn lung
lăng, mà lại dưỡng thành cái tư cách vĩ nhân hay thương người yêu vật.
Những điều tín ngưỡng về đằng đạo đức mà
càng vắn tắt thì càng dễ làm theo, không phải nhiều bề bỡ ngỡ. Xưa ông Dụ Tử Dư
năm tuổi, đọc sách Hiếu kinh, có người bảo rằng sách Hiếu kinh không bao nhiêu
câu bao nhiêu chữ, không học kỹ làm gì cho khổ, ông trả lời rằng : “Hiếu là cội
đức, một câu ấy đã đủ, sao bảo không bao nhiêu?”. Lời di ngôn của bà Nam Tuyết
dạy con cũng chỉ có vài lời, hiếu cha, thương chị, kính trời mà thôi, không nói
chi cho nhiều, thế mà cái cốt để lập thân mình và ứng tiếp với người, đã gần nuốt
hết không sót nữa, dạy như thế là biết chỗ cội gốc.
Bà Nam Tuyết đã qua đời, ông Lâm Khẳng trải qua
cái cảnh lênh đênh cơ khổ được một năm, ở trong cái nhà thấp giữa rừng hoang.
Ban ngày mà có nghĩ gì là nghĩ mẹ mà thôi, ban đêm có thấy gì thì thấy mẹ mà
thôi. Lại qua một năm nữa, ông Thang Mạch Ty lại lấy bà Phổ Hy (Bushe) làm vợ kế,
bà này chồng trước chết, để lại một trai hai gái, ba đứa con ấy cũng theo mẹ về
ở chung một nhà. Lâm Khẳng ở trong gia đình ấy lại càng siêng năng cẩn thận, được
bà kế vui lòng.
Khi trước Lâm Khẳng ở châu Thiên Đích Y đã từng
học ở nhà học hiệu dạy ngày chủ nhật, đến bây giờ trong làng lại mới mở một nhà
học dạy những lúc mùa cày cấy đã xong, Lâm Khẳng cũng theo người ta đến học,
nhưng mỗi năm chỉ học được mấy tuần lễ, đến mười bảy tuổi thì thôi không học nữa.
Tính suốt cả một đời Lâm Khẳng, cái ngày giờ ôm sách vào trường không đầy 12
tháng. Lâm Khẳng tuy không được vào trường học chuyên, nhưng cái lòng ham học
thì như thèm khát, ông nhất ham đọc là sách Tân cựu ước và sách Thiên lộ lịch
trình, gặp những chỗ cốt yếu trong sách thì chép vào quyển sổ tay để đọc cho
thuộc lòng. Vì thế cho nên cái bụng chữ tuy hãy còn nghèo mà đem ra ứng dụng
thì cũng không thiếu nữa. Có một lần Lâm Khẳng đến nhà láng giếng mượn quyển
Truyện Hoa Thịnh Đốn, ham xem lắm, tối đi nằm, để đầu giường để mai xem lại,
không ngờ đêm ấy trời mưa nhà dột, quyển truyện ấy bị hư nát, Lâm Khẳng phải
nói với nhà có sách ấy xin đi làm cỏ ruộng ba ngày để đền giá tiền quyển sách,
mà Lâm Khẳng thì giữ quyển sách nát ấy làm của mình. Lâm Khẳng đã được cuốn
truyện Hoa Thịnh Đốn, ham xem hơn các sách khác, đi làm trên rừng ngoài đồng
cũng đem đi theo, xem đi xem lại có đến hàng trăm lần. Từ đó trong con mắt ông
trong lòng ông chỉ một người anh hùng là Hoa Thịnh Đốn, thường nói với mọi người
rằng “Đời tôi dù không được như Hoa Thịnh Đốn làm chóp đầu nước Mỹ nữa, thì
cũng gắng sức học theo cho được làm một người chân tâm ái quốc”.
Lâm Khẳng đang lúc học hành tập rèn, đã vì nhà
nghèo không mua được sách, mà lại cha thì đẵn cây cầy ruộng, thường thường lại
nhờ sức con làm đỡ đần, vì thế công việc làm lại bội hơn người khác. Nhưng Lâm
Khẳng khéo dùng thời giờ, không bỏ học khi nào, mà cũng không lấy làm khó, ánh
sáng lọt vào cửa song, ngọn lửa đốt trên lò bếp, đều là lúc Lâm Khẳng tay cầm
miệng đọc lấy làm vui thích. Mỗi khi đọc sách rỗi giờ thì luyện tập thân thể,
càng giỏi nghề đua sức, lúc nào dân làng mở hội vận động thì Lâm Khẳng tất được
giải đầu.
Lúc 16 tuổi, nhân có việc đến phủ Bồng
(Xoonsville) xem toà án xử án, thấy thầy trạng sư bên bị cáo nói cái biện bác,
lời lẽ như nước tuôn suối chảy không hết, thì chạy lại nắm tay ông trạng sư mà
nói rằng: “Tôi hôm nay mới được nghe diễn thuyết lần này là lần đầu”. Lúc đó
Lâm Khẳng mặc áo xấu xí, mình thì cao mà gầy, hai chân trần, ông trạng sư thấy
bộ dạng ấy, ra ý khinh thường không để ý đến. Lâm Khẳng bị ông trạng sư khinh
thường, mới biết rằng cái xã hội này vẫn là không bình đẳng, cho nên người ta
phải rèn mài tài đức làm cho nổi đầu lên trong đám bình thường, chiếm lấy cái địa
vị thượng lưu mới được. Bèn mua một bộ sách pháp luật, đem về gia công nghiên cứu
để ngày sau ra làm trạng sư.
Xưa nay bác thánh hiền, người hào kiệt,
đều là bởi một chữ “siêng” mà làm nên, siêng là buổi nào được việc buổi ấy, đã
không phí mất thì giờ, cũng không buông mất cơ hội. Ông Lâm Khẳng chỉ có được
giáo dục 12 tháng mà làm được bậc vĩ nhân thế giới, là chỉ vì biết dụng thời giờ
đó thôi. Ông Nhạc Phi có câu thơ rằng: “Chớ hỡi lơ, bạc mất mái đầu xanh, luống
than thở không thành”. Xin những kẻ thiếu niên phải ghi nhớ lấy. Lâm Khẳng học
Hoa Thịnh Đốn, trước hết hãy học cái mẫu mực “chân tâm ái quốc”. Con mắt của
anh hùng vẫn khác bọn tài sơ chí rộng.
Xã hội không bình đẳng có hai đàng: về
đàng nòi giống không bình đẳng, về đàng tài đức không bình đẳng. Nòi giống
không bình đẳng như đời trung cổ bên Âu châu, chia ra đẳng bậc sang hèn, đời đời
không thay đổi, làm cho bọn quý tộc thêm thói hung hăng, mà bọn bình dân không
có đường tiến thủ, cái chế độ ấy nhất định phải bỏ. Còn như về đường tài đức
không bình đẳng, hễ ai có một phần giỏi thì hưởng một phần hơn, như thế đã đủ tỏ
ra rằng xã hội báo đáp theo đạo công bằng, mà cũng để thúc giục cho người ta
sinh lòng phân tân, như thế thì ở vào đời cạnh tranh sinh tồn này không thể bỏ
được mà cũng không nên bỏ.
Ông Lâm Khẳng tức vì ông trạng sư đãi
mình không bình đẳng mà quyết lòng nghiên cứu học pháp luật để rửa cái xấu ấy.
Thế là ông biết rằng trong xã hội mà không bình đẳng như thế cũng không đáng
lo, duy có người ta chỉ cam làm người tầm thường mà không có chí cầu tiến lên,
cái đó mới đáng lo trọn đời mà thôi. Những kẻ hay nói bình đẳng đầu miệng nên
trông đó làm gương.
Trong khoảng châu Ân Đích Yên Nạp cùng châu
Thiên Đích Y, có con sông Nga Hy Nga [Ohia] có cái đò ngang, Lâm Khẳng 18 tuổi
vâng lời cha đến làm thuê ở đó, ấy là lần đầu Lâm Khẳng bước chân ra đời kiếm
ăn, tiền thuê mỗi tuần là được 2 đồng 5 hào, đều đem về nhà tiêu dùng, không để
riêng một đồng nào. Lúc đó ông quan án tên là Tất Kỳ (Pitcher) nhà ở gần sông,
trong nhà nhiều sách vở. Lâm Khẳng thường thường đến mượn sách xem, ông Tất Kỳ
thấy Lâm Khẳng siêng học, cũng tiếp đãi tử tế. Con sông ấy, khách qua đò cũng
không nhiều lắm, Lâm Khẳng mỗi lúc thong thả thì xem sách, lại làm ra những bài
luận, ông Tất Kỳ xem văn càng khen Lâm Khẳng lắm, thường thường đem những bài
văn ấy đăng vào tờ nhật báo Nga Hy Nga. Lúc ấy Lâm Khẳng tuy là một chú chèo
đò, mà đã nổi danh văn sĩ.
Lâm Khẳng làm thuê chèo đò được một năm, đến
mùa xuân năm sau, có người khách buôn tên là Khương Đức Lệ (Gantry) mượn Lâm Khẳng
chở hàng đến phủ Nữu Nga Liên Ty (New Orleans). Chuyến này lịch thiệp đường xa,
trông thấy những núi cao sông lớn, đất nước quê người, đủ làm cho mở tai mắt rộng
kiến thức, phá hết những cái kiến thức nhỏ hẹp trong một xó thôn quê.
Lâm Khẳng đã xong việc mà về, bàn với người bạn
là Hồ Đức (Woad) muốn biệt lập một chỗ làm ăn. Hồ Đức nói rằng: “ Hãy khoan,
chưa vội gì, anh năm nay mới 19 tuổi, người ta mà chưa đến 21 tuổi, thì còn phải
làm việc cho cha mẹ, anh hãy ở nhà giúp đỡ cho cha là phải hơn”. Lâm Khẳng cũng
không quên lời mẹ dặn phải hiếu với cha, bèn quyết lòng cứ ở hầu cha, chăm lo
việc làm ruộng như thường.
Người sinh thế gian này, nên gắng làm việc
anh hùng hiện tại, chứ không nên đặt mình làm bậc anh hùng tương lai mà buông
mình ra ngoài khuôn phép, đối với cái chức việc hiện tại phải làm, được bao
nhiêu thì làm hết bấy nhiêu, không nên bỏ nhãng ra một bước nào, như vậy thì
trí thức dần dần tiến lên, danh dự dần dần lập nên, tức là cái nền nếp của sự
nghiệp tương lai đó. Xem cái sự nghiệp một đời ông Lâm Khẳng, việc nào mà chẳng
do cái chức việc hiện tại mà nung đúc ra. Nếu có đó một cái lòng không thèm làm
việc nhỏ, thì cái chỉ viển vông càng ngày càng lớn lên, bụng chán nản cũng nhân
cảnh ngộ mà đến, rút cuộc lại tất không thành một việc gì. Cho nên sách nói rằng:
“Người mà không có lòng thương, thì dù nghề thầy lễ, thầy thuốc cũng không làm
nên”.
Lâm Khẳng nhân đi chơi Nữu Nga Liên Ty về
mà nổi lòng hăng hái, muốn phá rào tung vách mà ra, song vì nghe một lời người
bạn khuyên bảo mà cứ ở hầu cha như thường, đó là lúc bấy giờ ông Lâm Khẳng
không chịu bỏ cái trách nhiệm gia đình, tức là ngay sau không chịu bỏ cái trách
nhiệm nước nhà cũng bởi từ đó. Đời xưa nói rằng: “Muốn cầu người tôi trung tất
phải tìm ở nhà nào có con hiếu”, câu ấy dầu ở nước Cộng hoà cũng cứ dùng được.
Năm 1830 Lâm Khẳng 21 tuổi, đã thành nhân rồi,
theo luật thời được ở riêng, nhưng lúc bấy giờ ông Thang Mạch Ty dời sang ở
châu Dịch Luân Nặc (Illinois) cho nên Lâm Khẳng cũng cứ theo cha làm vườn, cày
ruộng, cấy lúa, giữ nghề canh nông và thợ mộc. Mùa xuân năm sau lại có một người
khách buôn tên là á Phu Thoát (Aifut) thuê Lâm Khẳng chở hàng đến Nựu Nga Liên
y. Lúc ấy Lâm Khẳng tuy đã thành nhân,
nhưng còn mặc áo mũ trẻ con, không có tiền sắm đồ khác. Bên làng láng giếng có
bà Mễ Lưu (Miller) làm nghề chăn dê kéo sợi, nhà nhiều vải. Lâm Khẳng xin bà ấy
may cho một bộ quần áo vải lông dê, mà chịu làm xe cây cọc rào sơ-li để trừ tiền
áo, tính ra mỗi một mã (tên thước Anh) vải thì xẻ 400 cọc rào sơ- li, cộng xẻ tất
cả 1400 cái cọc rào sơ - li. Đó là lúc Lâm Khẳng mới ra đời, một mảnh vải, một
sợi tơ, cũng phải lấy công mà đổi.
Phủ Nữu Nga Liên Ty là nơi Lâm Khẳng đi lần trước,
chuyến này cũng không gì lạ, chỉ có chuyến này ở lâu, mới được thấy người miền
Nam buôn bán bọn mọi đen, tình trạng rất thảm hại, họ lấy dây sắt buộc xâu lại,
đàn bà trẻ con cứ từng xâu từng bầy, bày hàng mà bán, mua xong thì về theo chủ,
phải làm khổ sở trọn đời. Lâm Khẳng thấy mà động lòng thương xót, nói với người
ta rằng: “Nếu tôi mà được có địa vị, thì tất bỏ hẳn phép này, không quản công
khó”.
Vừa dịp ấy ông áo Phu Thoát mở một cửa hàng
buôn bán ở Nữu Tát Luân (New salem), thuê Lâm Khẳng làm việc cửa hàng ấy. Lâm
Khẳng ở cửa hàng, mềm mỏng ngay thật, những khách mua bán ai cũng ưa. Một hôm,
có người khách đến mua đường, trả tiền thừa ra 5 xu, Lâm Khẳng vì lấy lầm món
tiền mà trong lòng áy náy suốt ngày, đến buổi tối, đóng cửa phố rồi, dầm mưa
gió mà đi, để trả lại 5 xu cho người khách ấy. Lại một buổi tối có người đàn bà
đến mua lá chè nửa hoàng (cân lượng Anh) lúc ấy thì ngọn đèn lu đã gần tắt. Lâm
Khẳng vội vàng nhắc cân cân cho, đến sáng mai, xem lại hòn cân, mới biết rằng để
lầm hòn cân, lá chè chỉ được phân nửa mà thôi, vội vàng hỏi thăm chỗ ở người
đàn bà ấy đem chè đến trả cho. Hai việc ấy đương thời đồn ra làm câu chuyện tốt,
đến ngày sau Lâm Khẳng chết rồi, các nhà trường tiểu học nước Mỹ đem hai việc ấy
làm thơ ca, lại đem ra diễn tuồng. Lâm Khẳng đã thật thà ngay thẳng được nhiều
người ưa mà lại có sức mạnh, ham làm nghĩa hiệp, cho nên khi nào có đám tranh
nhau đánh nhau tất mời Lâm Khẳng đến hoà giải, nếu việc nào mà miệng lưỡi không
xong, thì dùng tay võ để trị quân hung bạo. Song những kẻ bị phải cũng không
dám oán, vì Lâm Khẳng cứ lẽ công bằng. Đến sau áo Phu Thoát vỡ nợ, đóng cửa,
Lâm Khẳng mới thôi việc mà về.
Phàm người hay chịu ân huệ, thì tất đến
dưỡng thành cái tính mong nhờ, không cầu tự Lập. Lâm Khẳng tuy nghèo mặc lòng,
chưa chắc đã không có ai sẵn lòng giúp đỡ, song Lâm Khẳng một tấm áo quần đều lấy
công mà đổi chứ không chịu mang ơn ai, đó chính là chỗ Lâm Khẳng khác hơn người.
Những kẻ thiếu niên mà muốn lập thân thành danh thì nên đứng cho vững chân ở chỗ
đó.
Cửa phi nghĩa thì dẫu một mảy cũng không
đem cho người ta, một mảy cũng không lấy của người ta, muốn phân biệt đàng
nghĩa đàng lợi cho rạch ròi, thì phải từ chỗ đó làm trước. Năm đồng xu tuy của
không bao nhiêu, nhưng về đàng thiên lý hay nhân dục, cái bờ cõi tại đó; người
thiệt hay người giả, cái máy chốt tại đó; không giữ giàng sao được!
Sức võ cũng là cái đồ đạc của làng nho
giả dùng để phòng giữ cho đạo đức, không thiếu được đâu, chỉ nên dùng làm sao
cho đáng mới dùng, chớ không nên hung hăng hay gây sự với người để thêm lo cho
cha mẹ mà thôi, xem ông Lâm Khẳng trị đứa hung bạo cho thẳng lẽ công bằng, thế
là biết dùng võ một cách chính đáng.
Đương thời ấy, các châu miền Tây nước Mỹ, dân mọi
da đỏ hãy còn nhiều, trong bọn mọi ấy có bọn mọi Tát Khác (Sac) nguyên ở cõi bắc
châu Dịch Luân Nặc, vì không chịu nổi giống người da trắng lấn lướt mà phải trốn
tránh đi ở miền khác, song cái lòng phục thù vẫn không lúc nào quên. Năm 1832
dân mọi ấy tôn một người làm đầu, gọi là Hắc Ưng (Black - Havok) để nổi loạn,
trong sử gọi rằng cuộc chiến tranh Hắc Ưng. Khi quân Hắc Ưng đã nổi lên, Lâm Khẳng
ra làm đội trưởng lính nghĩa dõng, để giúp quân chính phủ dẹp loạn. Lâm Khẳng
chưa từng tập việc quân bao giờ, mà lính tráng đều dân quê mới ra, cùng là khờ
khẫn khó quản thúc tập luyện, nhưng vì Lâm Khẳng đối với bạn lính rất tử tế, mà
lại thẳng phép, không riêng bênh ai, cho nên người ta phải kính sợ. Một hôm có
một người mọi đỏ cầm cái thư đến trước dinh, trong quân đều nghi nó giả dối,
quyết ý giết chết, đang dơ súng sắp bắn, Lâm Khẳng chạy vào đứng án trước mặt
tên mọi mà nói rằng: “Tôi quyết bảo hộ người này, ai giết nó thì phải chết”,
như thế mà trong quân không ai dám động cả. Có người mất việc lúc bấy giờ, sau
ra nói với người khác rằng Lâm Khẳng bình sinh bộ dạng ăn nói hiền hoà, chưa thấy
lúc nào nghiêm nghị như lần này.
Lâm Khẳng làm một việc gì cũng không bỏ nửa chừng,
làm đội lính dõng được vài ba tuần lễ thì đội lính ấy hết hạn đổi ban, đều bãi
về nhà, mà Lâm Khẳng lại đi làm lính kỵ mã, mãi cho đến Hắc-Ưng bị bắt mới
thôi. Lần ấy cũng chỉ vài ba tháng, Lâm Khẳng chưa được lần nào ra đối trận với
giặc để tỏ rõ cái khí phách làm trai, nhưng cái khí bạo dạn, cái tài cầm binh
coi quân, thì đã đủ cho người ta kính phục.
Sách nói: “Không khinh kẻ yếu hèn, không
sợ đứa hung dữ, ấy mới là đại dõng”, xem Lâm Khẳng, cứu tên mọi đỏ, thì thiệt
được như thế. Làm việc không bỏ nửa chừng là cái phương pháp “có một” để làm
cho thành công, vì rằng làm việc gì cũng phải lâu thì mới có kinh nghiệm, mới
biết thú vị, vì thế cho nên ông Nã Phá Luân, bàn việc đánh trận, có nói rằng:
“Đánh nhau thua hay được chỉ xem 5 phút đồng hồ sau hết mà thôi”.
Lúc Lâm Khẳng về đến Nữu Tát Luân vừa gặp kỳ bảo
cử nghị viên châu ấy, Lâm Khẳng lấy cái tư cách người ứng cử, mà diễn thuyết tại
phủ Ba Bát Tư (Pappasville) để bày tỏ cái ý kiến chính trị của mình, lời diễn
thuyết rằng:
“Thưa các ông, tôi cũng biết rằng các ông đã biết
tôi là người thế nào rồi. Tôi là A Bá Lạp Hãn, là một anh nghèo kiết, vì ông bạn
tiến cử ra ứng cử chuyến này, theo cái chính kiến của tôi thời có ba điều: Một
là lập ngân hàng của quốc dân, hai là cải lương việc nội trị, ba là định ngạch
thuế bảo hộ nội hoá. Đó là cái ý kiến chính trị của tôi, mà cũng là cái lương
tri cảm giác của tôi. Nếu tôi được ra làm nghị viên, thì cảm ơn các ông lắm, mà
nếu không được thì cũng cảm ơn các ông như vậy”.
Lâm Khẳng diễn thuyết như thế, rõ ràng vắn tắt,
ai nghe cũng thích, nhưng kỳ bầu cử ấy chưa trúng tuyển, Lâm Khẳng mới ra nhận
chức nhà bưu điện ở Nữu Tát Luân, nhà bưu điện ấy chỉ trong hai năm thì bãi.
Lúc ấy bạc kho hãy còn mười bảy đồng tại tay Lâm Khẳng, mà sở bưu điện lớn chưa
cho người đến thâu. Cách mấy năm sau, Lâm Khẳng dời ở phủ Tư Bách Lâm Phi
(Spring Pield) thì mới có người đến thu bạc. Lâm Khẳng đem một cái bao vải ra,
nói rằng: “Bạc đó”, mở ra thì đồng bạc đồng xu, mấy trăm đồng đều là của dân
quê mua tem, đếm lại đúng như số, không sai đồng nào, xem đó thì biết Lâm Khẳng
tuy lúc túng nghèo, không hề dùng đến một đồng của công.
Lâm Khẳng đã thôi chức bưu điện, làm chức đo đất
ở Tán Cách Mông (Sangamon). Đến kỳ bầu cử nghị viên lần sau, được cử làm nghị
viên bản châu, làm luôn hai khoá. Lúc ấy châu Dịch Luân Nặc đặt trị sở tại Phàn
Đạt Lợi á (Vandalia) tiếp giáp với biên giới phiá nam, người trong châu đều cho
là không tiện, nhân Lâm Khẳng xướng nghị, bên đời đến Tư Bá Lâm Phi. Người Tư
Bá Lâm Phi cảm ơn Lâm Khẳng, bèn mời Lâm Khẳng sang ở đó, bấy giờ là năm 1837,
Lâm Khẳng 28 tuổi. Lẩm Khẳng từ khi trước ở phủ Bồng vì việc ông trạng sư mà có
công học phép luật để làm việc trạng sư, cái chí ấy vẫn không lúc nào quên, lúc
ở Nữu Tát Luân có làm văn tự đơn trạng cho người ta, đã nghiễm nhiên ra mặt về
đàng dân sự kiện cáo văn án; làm như việc trang sư, việc này có chí rèn công đã
mười năm, nay được đạt cái mục đích, thì lòng ông vui thích biết chừng nào! Từ
đó về sau, Lâm Khẳng làm nghề ấy 21 năm. Ông học thông pháp luật, là tự mình
nghiên cứu lấy, chứ không vào nhà học hiệu học với danh sư bao giờ. Kể cái học
vấn ấy cũng không giỏi gì lắm. Vả lại, lấy giá rẻ, vừa không nhận những án kiện
trái phép, cho nên được lợi chẳng bao nhiêu, mỗi năm được 2000 đồng mà thôi.
Song những người đồng nghiệp và những kẻ giúp việc, ai cũng kính trọng cái đức
hạnh của ông, đến quan bồi thẩm cũng ưa ông ngay thật. Danh tiếng càng ngày
càng nổi. Kẻ quen biết kẻ không quen biết đều khen rằng “A Bá Lâm Khẳng ngay
thiệt” (Honest abe Lincoln).
Lâm Khẳng diễn thuyết lúc ra ứng cử, lời
lẽ ngay thẳng biết bao, đời nay những bọn cầu quan xin việc, đến cửa riêng thì
hót nịnh một cách đê hèn, ra công đường thì tô chuốt những lời nói tốt, cái
nhân cách bọn ấy so với Lâm Khẳng khác nhau xa biết bao!
Ông Trâu Nam Cao nhà nho giả đời Minh có
nói rằng : “Người mà không chịu chìm đầu thì dầu ở trong 18 tầng tối đen cũng
có thể cất đầu lên giữa mây xanh được”. Lâm Khẳng từ khi 16 tuổi đã có chí học
làm luật sư, giữa chừng bị bao nhiêu sự ngăn trở, chịu bao nhiêu nỗi khốn khó,
thế mà đeo đuổi mãi làm đạt được mục đích, thế thì cảnh ngộ có làm khốn được
người đâu, chỉ sợ người không có chí mà thôi. Còn như chức nghiệp hiện tại của
mình không hại gì đến chí nguyện tương lai, thì bài trên kia đã phát minh rồi,
lẽ rất rõ ràng.
Người Âu Mỹ hay trọng danh dự, người nước
ta đời xưa cũng trọng danh tiết, ở dưới chữ danh có để chữ tiết thì chữ danh
càng có sự thực. Vì rằng danh dự không nên mua chuốc, tất phải lấy tiết hạnh của
mình làm gốc, xem Lâm Khẳng xử trí số bạc nhà bưu điện như thế thiệt đáng hai
chữ danh tiết.
Lâm Khẳng khi ở Tư Bá Lâm Phi, lại ra làm nghị
viên hai lần, nổi danh tiếng trong các đoàn thể chính trị châu ấy. Nguyên nước Mỹ
có hai chính đảng lớn ; một là đảng Dân chủ (Démocrat party) hai là đảng Huy
Cách (Whigs party) , hai đảng tranh nhau tại các vấn đề thuế nhập cảng. Đảng
Dân chủ phần nhiều là các nhà nông miền nam, lợi dụng ngoại hoá nên chủ trương
nhập cảng tự do; Đảng Huy Cách phần nhiều là nhà chế tạo ở miền Bắc, đề xướng nội
hoá, nên chủ trương đánh thuế ngoại hoá. Song đảng này ra đời muộn, thế lực kém
đảng kia nhiều, đến khi Lâm Khẳng vào đảng Huy Cách rồi sau đảng ấy mới nhiều
nhân tài, đua nhau với đảng Dân chủ.
Năm 1840 ông Cáp Lợi Tôn (Harison) được cử làm
Đại tổng thống nước Mỹ, chính là người trong đảng Huy Cách. Lần bầu cử ấy cạnh
tranh rất dữ, trong sử gọi rằng: “Cuộc tranh cử nhà gỗ” (Hog cabin Compaign),
vì Cáp Lợi Tôn vốn nghèo, sinh ở cái nhà gỗ, cho nên bọn đối địch lấy câu đó mà
cười. Lúc đó Lâm Khẳng là người lãnh tụ đảng Huy Cách ra bỏ phiếu cử tổng thống,
đi khắp các miền kẻ chợ nhà quê diễn thuyết nhiều lắm. Lâm Khẳng cùng với Đỗ
Cách Lôi (Dulas) là người đối địch nhau trên diễn đàn cũng bắt đầu từ lúc đó.
Cách hai năm nữa Lâm Khẳng 33 tuổi, cùng nữ sĩ là Mã Lợi Thao Đức (Mary Todd) kết
hôn. Hồi đó Lâm Khẳng tuy vẫn là người có danh tiếng về chính trị và pháp luật,
song về đàng sinh kế hãy còn túng thiếu. Lúc lấy vợ, ở trọ nhà hàng, một tuần lễ
tiền ăn và ở chỉ hết bốn đồng. Sau mới làm được một cái nhà mà ở, ăn tiêu cũng
không hơn bậc trung thường, mà bà Thao Đức lại càng vui thú thanh bần, nói rằng:
“Tôi lấy được người hiền năng, nhiều hy vọng về sau, thì dẫu cơm rau áo vải
cũng thích hơn gấm vóc ngọc vàng”. Đến năm 1847, Đảng Huy Cách cử ông Lâm Khẳng
làm nghị viên trong quốc hội, từ đó cái nghề sinh nhai chính trị lại tiến một
bước.
Trong lúc Lâm Khẳng làm nghị viên quốc hội, có
một việc đủ làm chứng rằng người có nết thanh liêm tiết kiệm. Lúc đầu đảng Huy
Cách thấy Lâm Khẳng nghèo, cho nên trong kỳ bầu cử, lấy tiền công cấp cho 200 đồng
để làm phí tổn về việc đi các nơi diễn thuyết. Đến lúc việc đã xong, một người
đảng viên nhận được bức thư và 99đ25, trong thư nói rằng: “Tôi đi chuyến này, cỡi
con ngựa nhà, cứ tối thì trọ nghỉ ở nhà anh em bạn, thành ra chỉ tốn có một món
tiền là 0đ75 là tôi mua nước chanh uống mà thôi”.
Lúc nước Mỹ mới mở nước, rừng núi nhiều
mà dân cư ít, những vật liệu làm nhà đều lấy ở trong rừng, Cáp Lợi Tôn sinh ở nhà
gỗ, đến sau Lâm Khẳng cũng sinh ở nhà gỗ, từ đó người đời không dám khinh nhà gỗ
là quê kệch nữa.
Người đời kén rể chọn chồng, chỉ cứ trước
mặt mà không biết xem mai sau, bà Thao Đức bằng lòng lấy Lâm Khẳng, bảo rằng
người hiền năng mà nhiều hy vọng về sau, thiệt là một người tri kỷ của Lâm Khẳng.
Người tri kỷ ở với nhau thì tự nhiên tâm đầu ý hợp, công nghiệp một đời Lâm Khẳng
được sức nội trợ cũng chẳng phải ít đâu.
Lâm Khẳng vào chân quốc hội, chính là lúc vấn đề
nô lệ đang rắc rối nhùng nhằng, mà công nghiệp của Lâm Khẳng thống nhất cả miền
Nam Bắc lập lại nước Mỹ, cũng cốt ở bỏ cái phép nô lệ, vậy nay hãy thuật gốc
nguồn phép nô lệ và cái hiện trạng lúc bấy giờ để làm cái tiền đề cho kẻ đọc sử
chính trị của Lâm Khẳng.
Khi trước vua nữ hoàng nước Anh là Phi Lý Tra Bạch
(Elizabeth) bắt bọn mọi da đen ở châu Phi đem về tỉnh Vật Nhĩ Cát Ni á
(Virgina). Người Mỹ mà nuôi bọn nô lệ là từ đó, tức là trước khi Lâm Khẳng làm
nghị viên quốc hội 210 năm, nước Mỹ còn chưa thành lập. Đến sau cái thói ấy dần
dần lan rộng ra, những tỉnh nuôi nô lệ càng nhiều. Lúc nước Mỹ đã xong cuộc độc
lập, ở các châu miền Bắc, như Tân Nhĩ Ni A (Pennsylva) Nữu ước (New York), Tân
Anh Luân (New England) trước hết ra lệnh cấm, sau các châu khác cũng cấm theo,
rồi từ đó phía bắc con sông Nga Hy Nga (Ohio) không còn tăm bóng bọn nô lệ nữa,
vì khí hậu và kinh tế, đường lợi hại khác nhau, cho nên một châu nào mới nhập
vào Nghị viện nước Mỹ thì cứ cãi nhau cái vấn đề nô lệ. Các châu miền Bắc, nhiều
cửa bể, cho nên đối với việc nuôi nô lệ, cho là sai thiên lý, trái nhân đạo, cứ
muốn ngăn cấm việc ấy. Còn các châu miền nam thì thịnh nghề nông, đất tốt ruộng
nhiều, trồng mía, trồng lúa, trồng bông, thường nhờ vào mồ hôi nước mắt bọn mọi
đen mới xuất sản những món ấy. Vả chăng,
từ khi máy sợi máy dệt đã phát minh, dùng bông càng nhiều, nghề trồng bông càng
thịnh, thì dùng nô lệ lại càng đông, các chủ càng muốn mở mang cho cái phạm vi
thêm rộng lớn ; như những châu Thiên Đích ý (Kentukey), châu Điền Nạp Tây
(Tennessee), châu á Nạp Ba Na (Alabama), Lỗ Tây Yên Nạp (Louieiana) đều là mới
gia nhập sau khi nước Mỹ độc lập rồi, mà đều là những chỗ có nuôi nô lệ cả.
Năm 1821, châu Mật Tô Tý (Missouri) gia nhập nước
Mỹ, người miền Nam lại muốn lấy châu ấy làm chỗ nuôi nô lệ, mà người miền Bắc
thì phản đối, trong quốc hội cãi nhau rất dữ. Sau hết do ông Hanh Lợi Khắc La
xuống nghị, mới quyết định từ châu Mật Tô Tý trở sang bắc nhất luật cấm dùng nô
lệ, còn từ đó trở sang nam thì cho phép dùng, thế là việc đó xong xuôi, gọi là
cái án điều đình Mật Tô Tý đã thông qua trong Nghị hội, rồi sau còn có chỗ được
phép dùng nô lệ là châu Đắc Tán (Texas). Vừa lúc nước Mỹ đánh thắng nước Mặc
Tây Ca (Mexico) lấy được ba châu Gia Lợi Phúc Ni á (California) và Tân Mặc Tây
Ca (Nevv Mexica), Ô đài (Utah) mà ba châu ấy có được phép dùng nô hay không lại
là một vấn đề nam bắc tranh nhau càng kịch liệt hơn lần trước. Lúc đó Hanh Lợi
Khắc La lại xướng ra bốn điều kiện để điều đình: 1. Gia Lợi Phúc Ni á để làm đất
tự do (nghĩa là không dùng nô) 2. Tân Mặc Tây Ca và Ô Đài cho phép dùng nô: 3.
Bỏ cái chợ bán bọn nô lệ ở Ca Luân Tỷ A (Columbia). 4. Định lại luật phạt bọn
nô trốn, đó là án điều đình năm 1850.
Hai miền nam bắc đã nhân cái vấn đề nô lệ mà đứng
vào địa vị phản đối nhau, mà đảng dân chủ cùng đảng Huy Cách cũng chiếm lấy phần
đất nam bắc, cho nên phần nhiều người trong đảng Huy Cách cũng phản đối phép
dùng nô lệ, song lúc bấy giờ Lâm Khẳng còn ẩn tiếng chưa ra. Đến năm 1854, hai
châu Vũ Tát Tư (Kansas) và Nội Bố Lạp Tư Gia (Nebraska) mới gia nhập nước Mỹ, Quốc
hội bèn bỏ cái án điều đình Mật Tô Lý, cái vấn đề nô lệ để cho dân các châu tự
định lấy, phá hết những điều trong pháp luật hạn chế, lúc ấy rồi Lâm Khẳng mới
khởi lên, để xướng nhân đạo, làm một vị cứu tinh trong chỗ địa ngục, để chóng với
cái phong trào ấy.
Cái thói mua người làm nô lệ không những
trái với nhân đạo mà thôi, cứ lấy chủ nghĩa kinh tế mà nói, nô lệ đối với chủ
nhà, lợi hại không quan hệ với nhau, thì công ăn việc làm tất không xứng đáng,
trí thức không mở mang, dạy bảo thì nghề nghiệp tất không hay giỏi gì, cái lẽ ấy
nhà học giả nước Anh là á Đơn Tư Mật (Adam Smith) đã nói tỏ tường. Người Mỹ
nuôi bọn nô lệ mà nên giàu có, chẳng qua là những miền rừng hoang mới phở, được
cái hiệu quả nhất thời như thế mà thôi, không có thể lâu dài mà có lợi ích được,
thế mới biết cái kiến thức của Lâm Khẳng là cao. Xem sử nước Mỹ, đầu tiên xướng
nghị bỏ phép nô lệ là ông Hoa Thịnh Đốn và ông Triết Phí Sum (Jefferson), sau lại
có ông Gia Lợi Tôn (Garrison) sáng lập hội “Bài nô” (Antislavery Sociéty) thanh
thế càng thịnh, đến Lâm Khẳng mới làm trọn công việc. Không có người làm trước,
dầu đẹp mấy cũng không tỏ ra không có người làm sau, dầu thịnh mấy cũng không
truyền, được bậc hiền nhân quân tử dụng tâm, trước sau sáng chói trong sử sách.
Cái án điều đình Mật Tô Lý mà xoá bỏ đi, là tại
Đỗ Cách Lôi. Lúc đó Đỗ Cách Lôi làm nguyên lão nghị viên, do châu Dịch Luân Nặc
cử ra, đến lần bầu cử kỳ sau, thì đảng Dân chủ cũng bầu Đỗ Cách Lôi ra làm lại,
mà Đảng Huy Cách thì cử Lâm Khẳng ra làm, cho nên cuộc tuyển cử cạnh tranh của
hai người ấy lấy cái vấn đề nô lệ làm gươm giáo đánh nhau ở trên diễn đàn. Đỗ
Cách Lôi thì bênh vì việc trước, bảo rằng cái phép nô lệ có nên để hay bỏ chỉ
tùy cái khí hậu trời cùng cái lợi ích của dân ra thế nào. Đỗ Cách Lôi lại mượn
tiếng: “Điều hoà năm bắc giữ gìn cuộc thống nhất” mà lót miệng, lời nói nghe
cũng có lẽ. Còn Lâm Khẳng thì chỉ lấy tự do và chính nghĩa mà đánh lại, có những
câu như sau này:
“Những ông lão thành kiến quốc ta khi xưa ký
tên vào lời tuyên ngôn độc lập, bảo rằng hễ đã là loài người, thì lúc sinh ra đều
là bình đằng, ai cũng được trời phú tính mà có cái quyền tự do sinh hoạt, cầu
cho vui thích một đời. Lời tuyên ngôn độc lập đó thiệt là một vị phúc tinh của
loài người, trải bao nhiêu kiếp không mòn đứt được, sao bây giờ người lại phá
hoại đi?”.
Lần này cuộc diễn thuyết cứ đổi chỗ mãi, cái
cách ăn nói của hai người không ai hơn ai kém. Đỗ Cách Lôi thì già lời. Lâm Khẳng
thì già lẽ, Đỗ Cách Lôi hay viện lẽ đủ mọi
bề, Lâm Khẳng thì cứ nghĩa to lớn mà nói. Đỗ Cách Lôi mình thấp ngắn mà khôn
khéo, Lâm Khẳng bộ cao dài mà nghiêm nghị, hai bên gạn hỏi cãi cọ hết lời hết lẽ,
thiệt là một cuộc biện luận trong bộ sử chính trị nước Mỹ từ trước chưa có bao
giờ. Đến sau Đỗ Cách Lôi tuy được cử lần nữa, song Lâm Khẳng hết lòng nhiệt
thành để bênh vực công lý, gọi tỉnh cái tâm của mọi người, vì mấy trăm vạn mọi
đen chìm đắm trong bể khổ lâu nay, đem lời kêu khóc ; lời diễn thuyết ấy đăng
trong các báo cả nước đều truyền tụng, ai cũng nói rằng : “A Bá Lâm Khẳng thiệt
thà đã đánh đổ được Đỗ Cách Lôi khôn quái bướng bỉnh”.
Lâm Khẳng đã đánh được Đỗ Cách Lôi ở trên diễn
đàn, rồi thì tổ chức đảng Cộng hoà. Chủ nghĩa đảng ấy cốt phản đối cái chính
sách mở rộng những miền đất được quyền dùng nô lệ, các đảng viên phần nhiều do
đảng Huy Cách kéo nhau vào, mà hội “Bài nô” và đảng “Dân chủ” những người đồng
một tôn chỉ ấy đều ứng theo. Tháng 5 năm 1856, mở hội thành lập ở phủ Bộ La
Ninh Đôn thuộc về châu Dịch Luân Nặc. Lâm Khẳng làm lãnh tụ danh tiếng lừng lẫy
khắp cả nước. Song người phương Nam thì ghét lắm, họ gọi tên là “đảng Cộng hoà
đen”. Năm ấy vừa kỳ bầu cử tổng thống, về đảng dân chủ thì Đỗ Cách Lôi cũng có
danh vọng, nhưng vì xướng nghị bỏ cái án điều đình Mật Tô Lý, mà những người miền
Bắc trong đảng không bằng lòng, cho nên kỳ bầu cử tổng thống này bị người đồng
đảng là Bồ Khước Nam (Buchnan) đoạt mất. Trong hạn Bồ Khước Nam làm tổng thống,
cái vấn đề nô lệ cũng cứ nhùng nhằng không quyết, ý kiến miền nam bắc chống
nhau càng mạnh. Đến 4 năm, Bồ Khước Nam hết hạn, cái việc to lớn khó khăn của
nước Mỹ không giải quyết được, mới đổ dồn vào một thân Lâm Khẳng.
Nhà chính trị nào hay dùng quyền thuật,
thì thường thường đến mất cả chỗ căn cứ, trước sau thành ra người hai đoạn, Đỗ
Cách Lôi xướng bỏ cái ăn điều đình Mật đô Lý, chẳng qua muốn mua lòng đảng Dân
chủ miền nam, dùng cái thủ đoạn giật lấy chính quyền mà thôi, nhưng ngờ đâu việc
đó làm cái dây chuyền ngòi cho cuộc nam bắc đánh nhau, mà chính cái bản thân
cũng bị đảng mình công kích, đến phải thất bại mà về. Tuy sau lúc cuộc chiến
tranh sắp gây ra, Đỗ Cách Lôi bôn tẩu điều đình, mệt nhọc quá mà chết, cũng có
tiếng tốt để đời sau, nhưng không khỏi cái tiếng chê rằng: “Khéo quá hóa vụng”.
Tăng Quốc Phiên có nói: “Người trật tự
xem nơi nói phô, kẻ trung hay nịnh xem nơi miệng lưỡi” Nay xem cái thái độ Lâm
Khẳng và Đỗ Cách Lôi diễn thuyết thì ai phải ai trái, ai nên ai hủ chẳng phải đợi
đoán xét mới biết. “Lâm Khẳng thiệt thà đánh được Đỗ Cách Lôi khôn khoan, bướng
bỉnh”, câu nói này đủ cho những người lòng ngay trong thiên hạ được thở hơi một
chút.
Kỳ bầu cử tổng thống năm 1860, tức là cái cửa ải
sống thác của cái phép nô lệ và cái vấn đề nam bắc nước Mỹ, cho nên người trong
các đảng lựa ra ứng cử đều là người danh tiếng lớn. Ra ứng cử tổng thống có 4
người. Đảng dân chủ là đoàn thể lớn nhất, chia ra hai phái; 1 phái cử Đỗ Cách
Lôi, một phái cử Bội Lắc Khẳng Lý Trị (Breckinidge). Một phần ít người đảng Huy
Cách cũ đổi ra đảng “Thống nhất” thì cử Bồ Nhĩ (Bell), mà Lâm Khẳng thì đảng Cộng
hoà chọn ra ứng cử Tổng thống, Lâm Khẳng có những cái chính cương như sau này:
1. Các đất nước Mỹ đều nên giữ cái hiện trạng tự
do.
2. Trừ những miền đã có sẵn cái phép nô lệ ra,
còn từ rày về sau, các cơ quan lập pháp trong nước không được quyết định cái luật
dùng nô lệ nữa.
3. Châu Vu Tát Tư nên để làm châu tự do mà nhập
vào Liên bang nước Mỹ.
4. Việc buôn bán nô lệ thì pháp luật cho là một
cái tội ác trái hẳn nhân đạo.
Tháng 5 năm ấy, đảng Cộng hoà châu Dịch Luân Nặc
(Illinois) mở hội bầu người ứng cử tổng thống ở phủ Địch Tạc Đạc (Decatur). Ông
Châu trưởng đang lúc giới thiệu Lâm Khẳng cho các đại biểu của các đoàn thể, tỏ
bày cái chính kiến của Lâm Khẳng, thì bỗng thấy một ông lão nhà quê râu tóc bạc
trắng, bước vào trong hội trường, làm cho trong hội càng thêm vui thú. Người
này tên là Hán Khắc Tư (Hanks) là bạn cũ Lâm Khẳng lúc làm thợ mộc, trên vai
vác hai phiến gỗ sơ -li, treo một lá cờ nhỏ có mấy chữ : “A Bá Lạp Hán Lâm Khẳng,
thợ mộc đeo sơ -li, năm 1860 ra ứng cử Đại thổng thống” “Hai phiến gỗ sơ- li
này làm từ năm 1830, lúc ấy Lâm Khẳng với Hán Khắc Tư cùng làm 3.000 phiến gỗ
sơ - li như thế”.
Lâm Khẳng thấy lá cờ ấy, thì thuật tại sao cho
công chúng nghe những chuyện lúc thiếu niên cùng cái lịch sử làm thợ mộc đồng
thời với Hán Khắc Tư, lúc đó hết thẩy trong hội trường đều reo mừng. Lâm Khẳng
liền nổi tiếng một người trước làm thợ mộc mà được ra ứng cử Đại tổng thống. Vì
Lâm Khẳng nguyên là con nhà nông mà nay được ra ứng cử tổng thống, ông bạn già
lấy làm vinh lắm, nên mới làm cái lễ mừng mới mẻ như thế, mà quốc dân cũng biết
rằng cái công danh của Lâm Khẳng là từ chỗ muôn cay nghìn đắng phấn đấu mà được,
cho nên ai cũng phải động lòng kính yêu.
Trong tháng ấy, đảng Cộng hoà lại mở hội dự tuyển
toàn quốc ở Chi Gia Ca (Chicago) thì tên Lâm Khẳng cũng được nhiều phiếu hơn. Đến
tháng 11 đến kỳ chính thức bầu cử, Lâm Khẳng bèn nối chức Bồ Cước Nam làm Đại tổng
thống lần thứ 16 nước Bắc Mỹ, đến tháng 3 năm sau, làm lễ nhận chức ở nhà hội
nghị tại đô thành Hoa Thịnh Đốn.
Thợ mộc ra ứng cử Tổng thống tại nước
khác thì chắc là lấy việc ấy làm xấu hổ mà giấu giếm đi, mà tại nước Mỹ thì lại
lấy làm vinh mà truyền tụng ra, thế mới biết nghề nghiệp là thánh thần mà cái
tinh thần chính trị bình dân vẫn khác.
Lâm Khẳng đã nhận chức Tổng thống bắt đầu làm
cái đầu bài khó thứ nhất là cuộc Nam Bắc đánh nhau. Đương lúc cạnh tranh bầu cử
Tổng thống đang kịch liệt, thì đảng Dân chủ miền Nam đã rao lên rằng nếu đảng Cộng
hoà mà thắng thì cái quyền lợi của người miền Nam được phép dùng nô, tất bị bóc
lột hết, nếu không bỏ cuộc đồng minh mà rút ra thì không thể giữ mình được. Vậy
cho nên lúc Lâm Khẳng đã bị cử làm Tổng thống, thì việc bố cáo độc lập của các
châu phương Nam cũng đồng thời phát sinh. Trước hết gây mối ra là châu Gia La
Lý Nã (South Carolina) sau thì Mã Sĩ Thất Tờt (Masisipi), Ta Tri A (Géorgia), A
Lạp Ba Ma (Alabama), Phật La Lý Đát (Florida) Lỗ Tây Yêu Đạt, 5 châu ấy tiếp
theo ; rồi lại 5 châu khác nữa cũng theo vào, tất cả 11 châu kết đồng minh, gọi
là Mỹ Lợi Kiên Liên bang (The confédérate States America) định ra hiến pháp, giữ
gìn cái phép tự do mua bán bọn nô lệ, bầu cử Đại Vệ Tư (Jeffersond Davis) làm Đại
tổng thống, lấy phủ Lý Sĩ Mãn (Richmond) làm đô thành. Chính phủ liên bang đã
thành lập, chiếm các nơi hiểm yếu, giữ các pháo đài, mọi việc đều tiến bộ. Đến
lúc Lâm Khẳng nhận chức thì những pháo đài đất miền Nam mà quân Bắc còn giữ được
chỉ có hai chỗ là Tán Đích (Santer) và Tất Căn Tư (Pickens) mà thôi. Tuy vậy,
Lâm Khẳng còn lo việc điều đình, bài diễn thuyết lúc nhận chức hãy còn cần quyền
khuyên bảo người phương Nam, mỗi chữ mỗi giọt nước mắt, lời rằng:
“Các anh em ơi! Nước nhà của chúng ta không thể
nào chia xẻ ra được, nếu vì chính kiến khác nhau thì sao không cùng nhau bàn định
lại? Tôi thử hỏi các ông sau khi đã chia xẻ ra rồi, cái phương pháp hiệp nghị
có hơn gì mấy lâu nay không? Tôi lại hỏi các ông, cùng nước khác kết điều ước,
so với cùng bạn bè định pháp luật, đàng nào là nghịch, đàng nào là thuận? Các
ông vì tức giận nhau mà gây ra đánh nhau, nhưng mà việc đánh nhau không thể kéo
dài mãi được, đến khi hai bên đều đã hết hơi hết sức, thì các ông phải nghỉ
đánh ngay, lúc bấy giờ cái vấn đề của các ông cần phải đợi hiệp nghị có phải
cái vấn đề gì khác không, hay là cũng một vấn đề như ngày nay đó thôi? Này, anh
em đông bào ta ơi! Nay mà gây ra cái họa nội loạn, trách tại các ông, chứ không
phải tại tôi, chính phủ đối với các ông thiệt không có ý lấn cướp, nếu các ông
đừng gây điều ra thì việc nội loạn làm sao mà nổi lên?... Đồng bào! Đồng bào
nên biết rằng bọn chúng ta là bạn bè, không phải thù địch, lẽ nào lại muốn hại
nhau! Không kể cái cảm tình xung đột thế nào, quyết không nên cắt đứt cái dây bạn
bè.
Lâm Khẳng tuy hết sức điều đình, nhưng không
công hiệu gì. Đến tháng 4 năm ấy, tức là sau lúc Lâm Khẳng nhận chức một tháng,
quân miền Nam đầu tiên đánh lấy pháo đài Tán Đích, mới khơi ra cái mối chiến
tranh.
Cuộc chiến tranh Nam Bắc kéo dài đến 5 năm,
trong lúc ấy miền Nam 11 châu, số người
900 vạn; miền Bắc 23 châu, số người 2000 vạn, bên nhiều bên ít cái thế khác
nhau xa, trong ý Lâm Khẳng tưởng chỉ nay mai sẽ dẹp yên ngay, nhưng vì miền Nam
nhiều tướng giỏi, có khí hăng hái lắm, pháo đài Tán Đích cố giữ không đầy một
tháng thì đã bị hãm ngay. Đến tháng 7, hai bên đánh một trận to ở Bạch Nhĩ Luân
(Bull Run) quân bắc thua to, mấy nơi hình thế đều mất hết. Khi đó Lâm Khẳng xin
với Quốc hội, thêm ngạch binh 50 vạn, binh phí 5 vạn đồng, để đối phó với quân
địch, đó là cuộc Nam Bắc chiến tranh năm thứ nhất.
Năm 1862, Lâm Khẳng sai Cách Lan Thoát (Craut) đem
quân đánh lấy được thành Đặc Ni Nhĩ (Donelson), viên đại tướng quân thủy lại lấy
được Nữu Nga Liên Tư, thanh thế quân Bắc đã tiệm tiệm nổi lên, nhưng vì tướng Bắc
là Mạnh Nhĩ Lan (Melellan) vây thành Lý Sĩ Mãn bị thua, rút về, rồi quân Nam lại
thừa thế tiến vào. Tướng Nam là Lê (Lec) đánh đồn Phất Lặc Đắc Lực
(Fredericksburg) chiếm giữ lấy. Lâm Khẳng sai tướng hai lần đến đánh, đều thất
bại, mất hết 3 vạn quân. Đó là cuộc Nam Bắc chiến tranh năm thứ hai.
Trong 2 năm ấy, cuộc đánh nhau hai bên cũng có
trận thua trận được, song kết quả thì quân Bắc có phần lớn hơn quân Nam. Lâm Khẳng
lấy chức Đại tổng thống kiêm chức Đại nguyên suý lục quân hải quân, việc gì
cũng ở trong tay, quân phí hàng ức hàng triệu, món nợ chất như núi cao, ngoài
thì quân địch thừa thế lấn vào, trong thì đảng phản đối rình cơ nội ứng, trăm
miệng đều đổ cho một mình Lâm Khẳng. Lại có bọn xướng cái thuyết hoà bình, bảo
quản Bắc, nên khuất phục với quân Nam. Song Lâm Khẳng không chuyển động. Ông
nói rằng: “Cái lẽ mà thắng thì cái sức cũng thắng, chúng ta chỉ biết làm cái
nghĩa vụ trong cái lương tri dạy bảo ta, dầu sao cũng vậy”. Lời nói ấy đến năm
sau, lúc đã phát bố cái lệnh “phóng nô”
rồi quả nhiên có hiệu nghiệm.
Một nước bờ cõi rộng lớn, tất không khỏi
ý kiến lợi hại khác nhau, duy có hai bên đều lấy nước nhà làm đầu đề, thì việc
tranh nhau không đến nỗi quá kích, cuộc pháp trị không đến phá hoại, rồi sau mới
có thể lấy cái tinh thần điều hoà nhân nhượng mà giằng giữ cái dây liên lạc cho
khỏi đứt đổ. Nếu tức khí nhau vì việc chính kiến mà muốn lấy võ lực giải quyết,
thế thì việc cạnh tranh về chính trị hoá ra việc cạnh tranh về quyền lợi, cái mối
giết nhau đã mở ra thì tấm thảm kịch càng giết càng dữ dội, không bao giờ mà
không nát hại cả hai bên. Đau đớn thay lời ông Lâm Khẳng nói: “Đến khi hai bên
đều hết hơi hết sức thì các ông đã phải nghỉ đánh ngay” Ôi! Đến lúc đó mới thôi
đánh thì nước nhà còn thành ra nước nhà gì? Nhờ vì nước Mỹ độc lập, riêng một
cõi trời Tân Đại Lục, không cõi nước nào chục rình sau lưng, cho nên tuy có cuộc
nội chiến ấy mà rồi cũng khôi phục được nguyên khí, dần dần đến thịnh cường. Chứ
nếu ở vào chỗ láng giềng nước mạnh bốn mặt rình dòm, thì có lẽ cuộc nội chiến
chưa xong mà nước nhà đã thuộc vào tay ai rồi đó. Cái tiếng “Nam Bắc chiến
tranh” nghe ra không tốt, xin nhà chính trị có chân tâm ái quốc trông gương vào
đó, chớ để người sau lại thương xót đau đớn cho mình thay!
“Lẽ thắng thì sức cũng thắng”, lời nói ấy
thêm được cái khí khái mạnh mẽ cho người chính đạo, thế nhưng người nào ở trong
cuộc chính kiến xung đột, thì phải dẹp khí kiêu căng, nín hơi táo bạo, xét cái
chân lý của bên kia để mở cái ý kiến chấp nhất của mình, như thế gọi rằng “Mình
thắng mình thì mạnh” tức là cái độ lượng khoan dung của bậc hiền thần đời xưa,
nếu cứ để cái lòng tự thị mình thì hơn, thì dầu người quân tử cũng làm cho nước
nhà hư hại.
Ngày mồng một tháng giêng năm 1868 Lâm Khẳng
phát ra cái mệnh lệnh giải phóng nô lệ, việc này là việc chuyển động rất lớn
trong việc chiến tranh. Lệnh rằng:
“Tôi lấy chức quyền Đại nguyên suý trong khi nội
loạn chưa định, trăm việc rối rít, cần phải xử trí việc chiến tranh, nay ra lệnh
cho dân chúng biết rằng: Từ rày về sau, trong các châu những người bị nuôi làm
nô lệ, đều được phục lại tự do; phải công nhận cái quyền tự do của bọn người ấy
mà nhất luật bảo hộ”.
Khi đầu tiên Nam Bắc chiến tranh, thì đảng Cộng
hoà miền Bắc đã xin giải phóng nô lệ, Lâm Khẳng vốn vì cái mục đích ấy mà ra đời,
cũng rất biểu đồng tình, nhưng còn e sau lúc giải phóng nô lệ thì càng chọc tức
người phương Nam thêm bền cái lòng kháng cự, vì thế mà nấn ná chưa làm. Đến bây
giờ cuộc chiến tranh kéo dài mãi, mà quân Nam đem bọn nô lệ làm quân tiên
phong, được thắng luôn mãi, Lâm Khẳng mới biết rằng việc giải phóng nô lệ không
những là theo chủ nghĩa nhân đạo không nên để chầy, mà việc đó lại có thể nắm
được tính mạng quân địch, tuyệt hẳn cái mối loạn Bắc Nam bèn lấy chức quyền Đại
nguyên suý mà phát mệnh lệnh bắt thi hành, xem đó biết Lâm Khẳng cái lòng nhân
ái thương người vẫn hơn người ta, nhưng cũng tính nghĩ chín chắn rồi sau mới
làm, không dám khinh dị đem nước nhà mà đánh bạc, cái lòng nhẫn nại ấy lại càng
ít có.
Lệnh phóng nô đã ban bố, được xoá sổ nô lệ tất
cả 400 vạn người. Bọn nô lệ đi lính cho quân Nam, thấy vậy thì đều trở giáo đầu
hàng, quân Nam từ đấy đại thất thế. Tháng 5 năm ấy, tướng Nam là Lê tuy có đánh
thắng quân Bắc một trận ở Tản Tác La Duy, nhưng lại chết mất một tướng giỏi là
Gia Khắc Tôn (Jackson). Đến tháng 7 tướng Bắc là Mai Đặc (Meade) thắng trận ở Yết
Địa Bảo, quân Bắc thừa kế tiến mạnh, đến đâu được đó. Vua nước Pháp là Nã Phá
Luân thứ ba (Napoléon III) khuyên hai bên giảng hoà, nhưng Lâm Khẳng không chịu,
đó là cuộc Nam Bắc chiến tranh năm thứ 3.
Năm 1864, là năm thứ tư cuộc Nam Bắc chiến
tranh, bấy giờ quân Nam thế đã cùng bách, mà Lâm Khẳng đã gần mãn hạn chức tổng
thống. Đảng Dân chủ phương Bắc tôn viên đại tướng thua trận là Mạch Khắc Nhĩ
Lan làm đầu, cuộc cạnh tranh lần bầu cử này rất dữ dội, song Lâm Khẳng lại được
nối chức. Đến tháng 3 năm sau, đương lúc bốn bề tin báo thắng trận rầm rầm, Lâm
Khẳng làm lễ nhận chức lần nữa, trong lời diễn thuyết, không khoe công mình,
không nhiếc quân địch, thiệt là lời nói người người nhân đức. Lời rằng:
“Chúng ta nay nên bỏ hờn giận, mở lòng nhân, lấy
điều kiên quyết bạo dạn mà bênh vực chính nghĩa. Đức thượng đế đã giao cho
chúng ta cái trách nhiệm bênh vực chính nghĩa, thì chúng ta phải lo làm sao cho
nổi cái trách nhiệm ấy, nào là nước nhà tổn hại, làm sao mà bồi bổ lại, nào là
quân lính liều mình ở chiến trường, làm sao mà an ủi họ, nào là vợ goá con côi
của những vong linh tử trận, làm sao mà cấp dưỡng họ, những công việc làm cho
dân nước ta cùng với các nước trong thế giới chung hưởng cái phúc hoà bình lâu
dài, đều là cái trách nhiệm của chúng ta phải cố sức làm”.
Lâm Khẳng nhận chức lần thứ hai tức là năm ấy
cuộc Nam Bắc chiến tranh bình định. Trước khi ấy, Lâm Khẳng dùng Cách Lan Thoát
làm Tổng tư lệnh, đánh thắng tướng Lê mấy trận, Lê lui giữ Lý Sỹ Mãn. Tướng Nam
là ước Hàn Tư Đốn (Johnston) cùng bị tướng Bắc là Hạ Man (Sherman) đánh thắng
luôn, phải rút về giữ Bĩ Đắc Bảo (Peterburg). Đến tháng 4 năm ấy, Cách Lan
Thoát lấy được Lý Sỹ Mãn, Hạ Man cũng lấy được Bĩ Đắc Bảo. Lê và ước Hàn đều đầu
hàng, rồi uân Bắc kéo đến Tá Trị á, bắt được Tổng thống Đại Vệ Tư, thế là xong
cuộc Nam Bắc chiến tranh.
Khi đô thành Lý Sỹ Mãn đã hạ rồi, Lâm Khẳng nhân đi khao
quân, xem các nơi chiến địa, bèn đến chỗ đô thành quân Nam để phủ du dân chúng,
bọn mọi đen mấy vạn người già trẻ dắt nhau ra đón Lâm Khẳng, reo mừng cảm tạ.
Lâm Khẳng trở về Hoa Thịnh Đốn cùng bà phu nhân đi xem kịch tại nhà hát Phục Đặc
(Fordes Theates) để mừng trận. Một tên bạn hát là Bồi Sĩ (Booth) vốn là đảng
quân Nam, rình lén bắn chết Lâm Khẳng, đó là ngày 14 tháng
4 năm 1865, hưởng thọ 65 tuổi.
Cái lệnh giải phóng nô lệ là một tấn văn
chương rất có quan hệ, trong bài Tuyên ngôn độc lập hồi trước nói những nghĩa
bình đẳng tự do, đến bây giờ mới là xong công việc. Lâm Khẳng lấy cái ý chung của
quốc dân mà làm cho đạt cái chí nguyện của mình, thế mà hãy còn giữ gìn cẩn thận,
không dám ra khỏi ngoài vòng pháp luật, một thì nói “chức quyền Đại nguyên suý”
hai thì nói “cần phải xử trí việc chiến tranh”, ý nói việc này là việc tiện
nghi trong buổi chiến tranh mà thôi, còn phải đợi cho Hội lập pháp ưng nhận nữa.
Vậy cho nên việc cấm nuôi nô lệ cũng đến sau khi ước Hàn Sum (Johnson) nối chức,
đã cải chính hiến pháp rồi, việc ấy mới thành ra pháp điển. Phàm người làm đầu
nước lập hiến, nên lấy Lâm Khẳng làm
khuôn phép.
Ông Lão Tử có nói: “Đem binh mà đối đãi
nhau, bên nào hay thương xót thì hẳn thắng”. Xem ông Lâm Khẳng đối với cuộc Nam
Bắc chiến tranh, câu nào cũng ra ý thương xót, vậy cho nên mới được toàn thắng.
Nhưng hãy thử xem lời diễn thuyết lúc nhận chức Tổng thống lần thứ hai, thì tuy
đã được thắng rồi mà vẫn còn lòng thương xót, so với những người đánh được quân
địch bắt quân tù về tế cáo tổ miếu, như thế thiệt là tham công mừng hoạ, bên
nhân bên dữ, khác nhau biết bao!
Cái đức nghiệp của Lâm Khẳng và cái lịch sử tái
tạo ra nước Mỹ thì đã đủ cái đại lược trong mấy bài trước rồi. Song những lời
hay nết tốt của ông rải rác trong truyện ký còn nhiều, nay xin đặt ra để cuối
cùng sách này cho bọn thiếu niên trông gương.
Lâm Khẳng không hút thuốc, không uống rượu, lúc
thiếu niên có làm bài luận cấm rượu, đương thời người ta đã cho là danh ngôn.
Lâm Khẳng hay tiết kiệm, không hay chuộng xa hoa, tuy làm Đại tổng thống mà đồ
mặc không khác gì dân thường, đi ra không khi nào đem theo lính hộ vệ.
Lâm Khẳng có lòng vui thích tự nhiên, làm việc
vẫn thường thong dong, không khi nào vội vã. Đương lúc Nam Bắc chiến tranh,
muôn việc dồn dập, người thường không thể kham được, thế mà Lâm Khẳng vẫn nhàn
hạ chỉnh tề, dầu đến việc công ngày thường cũng nhiều việc ông tự làm lấy.
Lâm Khẳng ham xem tiểu thuyết, tuy đang những
lúc việc quân rối rít, mà trên cái bàn cứ thường có cuốn sách chuyện lạ chuyện
vui để xem cho tiêu khiển.
Lâm Khẳng giao thiệp xã hội rất thạo, diễn thuyết
rất hay, bàn luận thường hay pha khôi hài, lúc diễn thuyết cũng thế. Song đối với
người thì chỉ lấy thành thực, những mưu ngầm chước dối của nhà chính trị hay
làm là ông ghét lắm.
Lâm Khẳng yêu chân lý, hay quả quyết, nhưng vẫn
hay đẹp ý riêng, theo điều phải, mỗi khi cùng bạn bè bàn luận thì thường cứ nhận
lỗi trách mình. Ông nói rằng: “Tôi không biết sắp đặt mọi việc cho đáng sự thực,
chỉ hay nhận rõ cái chân tướng của sự thực mà phục tòng ngay”.
Lâm Khẳng hay thương xót người, thiệt là được về
phần thiên tính hơn người khác. Trong quân thường có lính trốn bị bắt, ông cũng
tha cho không làm tội. Có một hôm bắt được một tên lính nọ, quan đại tướng là
Bá Thoát Lao (Butler) nhất định bắt tội. Lâm Khẳng lấy lời nói pha trò mà đáp rằng:
“Trời đã sinh nó ra hai cái chân nhát hèn như thế, thì nó tất phải đem hai cái
chân ấy mà đi trốn”, rồi ông tha nó mà đuổi đi.
Lâm Khẳng giữ lời Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ
làm điều tín ngưỡng về chính trị, đối với nghĩa nhân quyền bình đẳng càng dốc
lòng tin. Ông thường bàn cái vấn đề mọi đen, có nói rằng: “Bọn mọi đen sắc da vẫn
khác người mình, chỗ thua kém người mình cũng còn nhiều, song nói về cái quyền
lợi đem bát cơm làm ra mà đổ vào miệng, thì da trắng da đen có khác đâu”.
Lâm Khẳng hay tôn trọng dân ý, trong chủ nghĩa
tự trị, ông có nói rằng: “Nhân dân là ông chủ tể Quốc hội và Pháp viện, cho nên
hiến pháp mà có chỗ nghi ngại thì nên theo dân ý mà định, vì dân ý có thể phòng
giữ được nhà chính trị phá hoại hiến pháp, chứ không đến nỗi tự phá hoại hiến
pháp bao giờ”.
Lâm Khẳng ứng phó việc ngoại giao cũng lanh lảu
luyện thuộc lắm. Lúc quân Nam sai Mã Sum (Mason) và Sử Lập Đặc (Slidell) sang
châu Âu cầu cứu nước Anh nước Pháp làm hậu
viện, bọn ấy đã đi chiếc tàu nước Anh ra khỏi phần bể nước Mỹ rồi, bị tướng Bắc
là Uy Nhĩ Khắc (Wilkes) đón bắt tàu ấy lại. Nước Anh đòi bắt giao người phạm,
và bắt nước Mỹ phải xin lỗi. Dân Mỹ nghe việc này đều tức giận lắm. Nhưng Lâm
Khẳng cứ chịu nhịn nhượng theo lời người Anh, nhờ thế mà được vô sự. Ông nói rằng:
“Trong một thời kỳ, chỉ có thể dong được một cuộc chiến tranh mà thôi”, các nhà
ngoại giao đều phục lời ấy là danh ngôn.
Có nhà chép sử phê bình ông Hoa Thịnh Đốn rằng:
Hoa Thịnh Đốn là người lương thiện mà rất vĩ đại, lại là người vĩ đại mà rất
lương thiện, câu đó nếu đem phê bình ông Lâm Khẳng cũng không phải không đáng.
Đọc truyện Lâm Khẳng, nên biết rằng cái
cảnh ngộ không làm khốn được người, chỉ tại người biết lập chí.
Đọc truyện Lâm Khẳng, nên biết rằng chỗ
nào cũng tỏ ra cái khổ phết nhà chính trị nước dân chủ.
Đọc truyện Lâm Khẳng nên biết rằng cái
công nghiệp của Lâm Khẳng đều bởi trong đức tính mà ra, chúng ta mà hy vọng cái
công nghiệp của Lâm Khẳng thì trước phải dỡng thành đức tính của Lâm Khẳng.
Đông Tây vĩ nhân, quyển 1.
Giác Quần Thư Xã, Hà Nội, 1929
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét