Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

MÙA XUÂN, THĂM MỘ TRẠNG NGUYÊN BẠCH LIÊU



BẠCH LIÊU 白遼(1238-1314) ——

Trạng nguyên nổi tiếng đời Trần

Đăng khoa lục không ghi Bạch Liêu đỗ Trạng nguyên năm bao nhiêu tuổi, nhưng nhà sử học Phan Thúc Trực (tức Phan Dưỡng Hạo) ghi ông đậu Hương tiến năm 26 tuổi, và năm 29 tuổi đậu Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh năm Bính Dần niên hiệu Thiệu Long 9 (1266) đời Trần Thánh Tông (Trần Lê ngoại truyện).

Phan Thúc Trực cũng cho biết: Cha Bạch Liêu thủa trẻ nhà nghèo, phải ra tận huyện Thanh Lâm (Nam Sách, Hải Dương ) làm gia sư gõ đầu trẻ, lấy vợ người xã Nghiã Lư (nay thuộc xã An Lâm, Nam Sách), rồi nhập tịch ở đây, năm 40 tuổi mới sinh được con trai - vì xa quê cũ nên đặt tên con là Liêu nghĩa là xa.

Bạch Liêu thông minh tuấn tú,mắt sáng như sao, đọc sách một liếc đọc thông 10 dòng. Bạch Liêu đỗ Trạng nguyên khoa ấy (1266) là khoa thứ hai các địa phương từ Thanh Hóa trở vào có người đỗ Trạng nguyên được đặc cách gọi là Trại Trạng nguyên ý nói Trạng nguyên của vùng núi phía nam còn ít người có học hành thi cử (Trại Trạng nguyên đầu tiên là Trương Xán đỗ năm 1256, người châu Bố Chính nay thuộc Quảng Trạch, Quảng Bình). Sau khi thi đỗ Bạch Liêu không ra làm quan, chỉ làm môn khách (có vai trò như quân sư, mưu sĩ) cho Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Bấy giờ Trần Quang Khải trấn thủ Nghệ An nên Bạch Liêu được gần quê cũ (làng Nguyễn Xá, sau gọi là Thanh Đà) nay là xã Mã Thành huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An. Theo hồ sơ của hai sở Văn Hóa Nghệ An và Hà Tĩnh, sinh thời, khi làm môn khách của Trần Quang Khải, Bạch Liêu có công giúp Thượng tướng trù hoạch quân cơ trong hai lần kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược, sau chiến tranh từng được sung vào sứ bộ sang sứ nhà Nguyên lập lại bang giao giữ hai nước.Hồ sơ của hai Sở Văn hóa nói trên theo gia phả của họ Bạch ghi ông sinh ngày 15 tháng Giêng năm Bính Thìn (1236), thọ 79 tuổi (1236- 1314). Như vậy năm sinh của Bạch Liêu sớm hơn 2 năm so với Trần Lê ngoại truyện ghi Bạch Liêu đỗ năm 29 tuổi. Sinh thời Bạch Liêu đã chọn huyệt đất ở dưới chân núi Hồng Lĩnh làm nơi an nghỉ ngàn thu. Nơi này địa thế hùng vĩ tươi đẹp, sát chân núi Hồng Lĩnh, trên cao là ngọn Hương Tích có chùa Hương Tích (dựng đời Trần) rất nổi tiếng. Sau khi ông mất, con cháu theo di chúc an táng mộ ông ở địa điểm ấy -Nay thuộc thôn Phú Hưng xã Thiên Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Khu mộ đã được xếp hạng DTLSVH (Quyết định: 2015/VH-QD (12/16/93).

Đền thờ Bạch Liêu ở xã Mã Thành huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An cũng đã được xếp hạng Di tích LSVH cấp quốc gia































龍 首 甲 科 名 在 史

熊 山 挺 族 廟 於 家



Long thủ giáp khoa danh tại sử,




Hùng Sơn đĩnh tộc miếu ư gia.

Dịch:


Bảng rồng khoa giáp tên trong sử,

Núi Hùng vọng tộc miếu nơi nhà.















山之美,水之清,鍾其秀, 毓其形;文章魁偉,氣質精靈。

陳朝擢取危科,名標囻仗,白族仍留血脈,事在史青。



Sơn chi mỹ, thủy chi thanh, chung kỳ tú, dục kỳ hình; văn chương khôi vĩ, khí chất tinh linh.



Trần triều trạc thủ nguy khoa, danh tiêu quốc trượng; Bạch tộc nhưng lưu huyết mạch, sự tại sử thanh.






1 nhận xét:

  1. Kính gửi GS Ngô Đức Thọ.
    Cháu đang muốn viết một bài về Trạng Nguyên Bạch Liêu nhưng phân vân không biết quê ông là làng Nguyên Xá hay Nguyễn Xá. Rất nhiều tài liệu trên mạng nói là làng Nguyên Xá. Vậy nhờ Giáo sư chỉ giúp.
    Cảm ơn Giáo sư

    Trả lờiXóa