Về việc Nhật Bản cho vay tiền và
cung cấp kỹ thuật để xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho VN, đôi bên Nhật
- Việt đã đi lại bàn thảo nhiều. Nhưng sau sự cố ở Fukushima,
dư luận Nhật Bản rất lo lắng về khả năng xẩy ra thảm họa không thể
lường trước được. Chính Thủ tướng Naoto Kan lúc đầu cũng còn lưỡng lự,
nhưng sau ông đã có ý kiến rõ ràng là trong chức vụ của mình ông sẽ làm
hết khả năng để Nhật Bản "sớm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng hạt
nhân". Quýêt tâm đó của ông Kant theo tin tức đã được đến 76% dư luận
Nhật đồng tình.
Theo dõi vấn đề này, cách đây hơn
một tháng, GS Phạm Duy Hiển thuộc hạng chuyên gia hàng đầu về năng lượng
hạt nhân của Việt Nam đã gửi một bức thư ngỏ cho Thủ tướng Nao to Kan
trình bày rất nhẹ nhàng, nhưng đầy đủ lý do để đề nghị Thủ tướng Nhật
Bản gợi mở cho Việt Nam một kế hoạch lùi
thời hạn khởi công lại khoảng mười năm để nước Nhật giúp cho VN đào tạo
đội ngũ chuyên gia thành thạo, tránh cho người dân VN khỏi phải "lo âu
sau khi họ đã chứng kiến những thảm cảnh ở Fukushima trong những ngày
qua". Đọc bức thư của GS Phạm Duy Hiển tôi cũng như nhiều người hy vọng
bức thư của GS Pham Duy Hiển sẽ được ông Thủ tướng Nhật lưu tâm suy xét,
được như thế thì người dân VN lấy làm cám ơn lắm.
Nào ngờ, trong khi chưa có hồi âm
của ông Naoto Kan, cách đây mấy hôm truyền thông loan tin Quốc Hội Nhật
Bản có quyết định sẽ xem xét lại vấn đề điện hạt nhân trong nước, nhưng
đồng thời lại có chủ trương mạnh mẽ ủng hộ việc xuất khẩu kỹ thuật ĐHN
ra nước ngoài (có nêu tên cụ thể mấy nước Nga, Việt Nam v.v..).
Như một gáo nước lạnh, nghe tin ấy tôi không khỏi có chút bàng hoàng! Thì ra như vậy, chẳng dám màng gì về chuyện hoãn ĐHN nữa!
Vấn đề bây giờ chỉ còn lại là chuyện nội bộ nước mình: ý
nguyện của người dân và quyết định của cơ quan quyền lực cao nhất là
Quốc Hội do họ bầu ra mà thôi!
Cũng là sự tình cờ: ghi mấy dòng này đúng ngày 6-8 là ngày Chống bom nnguyên tử ở Nhật Bản, kỷ niệm 66 năm ngày Hiroshima bị ném bom nguyên tử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét