Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

CHỨNG MINH "CHUYỆN LY KỲ VỀ MỘT ÔNG GSTS"

Hà Nội, ngày 10-10-2010
Kính gửi:
               GS. PHẠM VŨ LUẬN
        Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo
CHỨNG MINH “CHUYỆN LY KỲ VỀ MỘT ÔNG GSTS.”

 NGÔ ĐỨC THỌ



Các mục chính:
               1. Duy nhất chia xếp các TS theo đia phương - một “FFÁP” phản FFÁP.
               2.“Tham khảo” là chuyện bình thường thôi”?
               3. Tại sao chưa mất nhiều công rà soát đã biết ông Hương “đạo văn”?
Trên Blog của mình, ngày 11-5-2010 tôi có viết bài “Chuyện ly kỳ về một ông GS.TSKH” nêu lên trước dư luận việc ông Nguyễn Đình Hương nguyên Hiệu trường một trường Đại học vi phạm bản quyền nghiêm trọng cuốn CÁC NHÀ KHOA BẢNG VN do tôi Ngô Đức Thọ Chủ biên và Đồng biên soạn chính. Trong bài đó, tuy tôi chỉ ghi họ tên ông là Nguyễn Đình H., nhưng tôi đăng cả tấm danh thiếp in rõ tên ông là Nguyễn Đình Hương, cho nên việc “kiêng tên” coi như không thành công lắm, nhưng cũng tiện vì khỏi phải bổ sung đính chính. Chỉ cần đính chính một điểm là khi tìm hiểu tiểu sử của ông Hương, tôi thấy ghi ông là Tiến sĩ ở Liên Xô (cũ) về; khi ấy tôi hiểu các Tiến sĩ Liên Xô về đều chuyển thành TSKH, cho nên tôi ghi ông là GS.TSKH. Nay xin sửa lại: ông Nguyễn Đình Hương là GS.TS chứ không phải là GS.TSKH như trong bài ôi đã viết. Còn tên trường Đại học mà ông Hương từng làm Hiệu trưởng, tôi ghi “kiêng” là trường ĐHK ở Thăng Long thì chỉ “kiêng” được chút ít chứ chẳng ai nhầm.
Ngày 14-05-2010, báo Pháp luật TP. HCM đăng bài của PV Tố Như phanh phui sự việc. Ngoài thông tin tóm tắt do tôi cung cấp, PV còn đăng ý kiến của mọt số chuyên gia như TS.Nguyễn Xuân Diện (Giám đốc TV Viên NC Hán Nôm), ông Phạm Viết Đào (Trưởng phòng Thanh tra hành chính và chống tham nhũng của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ), bà Đỗ Thị Tám ( Phụ trách Trung tâm Thông tin hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám). ( http://phapluattp.vn/2010051512309903p0c1019/vu-nguyen-hieu-truong-bi-to-cao-dao-van-muon-tren-10-phai-ghi-ten-dong-tac-gia.htm)
Tuy nhiên, để thông tin hai chiều, báo PL TPHCM cũng đăng ý kiến của ông Nguyễn Đình Hương. Ông cố tình “tranh biện” rằng: ông đến nhà tôi “hoàn toàn vì tình cảm trân trọng, có gì đâu mà phải xin lỗi” (sic!)!!. Tôi thấy ông thanh minh phủ nhận sai lầm đã nhận trước mặt tôi, thật chướng quá nên đã viết bài “Nói thêm (1) về vụ ông Nguyễn Đình Hương đạo văn” khẳng định : việc ông Hương táo tợn chối phắt đi như vậy không thuyết phục đựoc ai mà chỉ làm cho người ta thấy rõ bản chất ông thiếu trung thực của ông thôi. (http://vn.360plus.yahoo.com/ ngoducthohannom/article?
Về hai điều “cãi chầy” này của ông Hưong, tôi có ý kiến như sau:
1.Duy nhất chia xếp các TS theo điạ phương - một “phương pháp” phản phương pháp.
Ông Hưong quên mất rằng: Trước khi thừa nhận sai lầm vi phạm bản quyền nghiêm trọng trước mặt tôi, ông Hương cũng đã nêu ra chuyện chia xếp, ông cho rằng sách của tôi chỉ có một đề đề mục, còn sách của ông “sắp xếp theo địa phương”! Ngay lúc ấy tôi đã xua tay mà bảo ông rằng: -Anh đừng nói cái chuyện chia xếp ấy với tôi, tôi hơi bị thành thạo việc soạn thảo văn bản vi tính đấy! Mất vài tiếng đồng hồ, anh muốn chia xếp kiểu gì tôi cũng chiều anh luôn! Ông Hương đã phải chịu im nhận sai lầm: -"Vâng...Việc này tôi thành thực xin nhận sai lầm với bác Ngô Đức Thọ, nhưng lý do chỉ vì…tôi muốn lưu truyền kiến thức cho đời sau..."(SIC) Tôi không ngờ người trình độ như ông Hương mà vẫn nhắc lại cái cớ vớ vẩn ấy để chống đỡ!
Dưới đây, không mất thời gian tranh biện với ông Hương, nhưng tôi cần trình bày vắn tắt để thuyết minh với các bạn đọc quan tâm được rõ:
Nói đến việc chia xếp một tập hợp có số đông nào đó người ta thường nghĩ đến khả năng có nhiều cách chia xếp khác nhau, mỗi cách có ưu, nhược điểm riêng. Vì vậy khi điều kiện cho phép có thể thực hiện đến vài cách sắp xếp khác nhau. Đối với một bản liệt kê danh sách các Tiến sĩ VN có những yêu cầu phải đáp ứng:
-Một là: Việc sắp xếp phải thể hiện thứ tự thời gian các khoa thi –Thứ tự này đồng thời cũng là thứ tự các triều vua: triều đại trước xếp trước, triều đại sau xếp sau, liên tục kể từ khoa thi đầu tiên năm 1075 triều Lý đến khoa cuối cùng năm 1919 triều Nguyễn.
-Hai là: Ngay trong từng khoa, thứ tự các Tiến sĩ cũng cần phải giữ đúng thứ tự như đã được sắp xếp trong tài liệu tham khảo cơ sở (các sách đăng khoa lục). Nếu đủ các hạng, đăng khoa lục bao giờ cũng lần lượt xếp theo thứ tự: hạng Nhất giáp (tức Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), hạng Nhị giáp (tức Hoàng giáp), cuối là hạng Tam giáp (tức Tiến sĩ). Riêng triều Nguyễn hạng cuối là Phó bảng. Trừ hạng Tam khôi, thứ bậc của từng người được nêu rõ ở bảng thông báo kết quả thi (Hoàng bảng –tức Bảng vàng), các hạng sau đều không nêu rõ thứ bậc, coi như “đồng hạng”, nhưng khi Truyền lô (gọi loa xướng danh) đọc theo thứ tự trên dưới như thể hiện ở Bảng vàng, thực tế đó cũng là thứ tự điểm số - tức thứ bậc của các Tiến sĩ, nhưng không nêu rõ. Tài liệu đăng khoa lục cũng như danh sách trên Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Thăng Long và Văn Miếu Huế đều căn cứ theo tài liệu gốc là các bản chép Hoàng bảng lưu ở bộ Lễ. Các tài liệu sách báo đời sau chuyển tải trọn bộ đăng khoa lục toàn quốc thì tốt nhất và cần thiết nhất là phải tôn trọng đúng thứ tự ấy. Đây là chuyện thi cử, có thứ bậc, chứ không phải là một tập hợp ngẫu nhiên, có thể tùy tiện chia xếp theo bất cứ tiêu chí nào.
Ngày trước không có phương tiện để làm các bảng sách dẫn (bảng tra/index), nói chung các cụ phải giở tìm từng tờ. Nhưng với sách hiện đại, những công trình có nội dung liệt kê ngót 3000 cá thế như vậy hầu như bắt buộc phải có một Bảng tra (index) xếp theo thứ tự ABC (theo họ, hoặc tên theo âm Hán Việt) để cho người đọc có thể tìm được nhân vật cần tra cứu. Cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) [viết tắt: CNKBVN]do nhóm chúng tôi biên soạn- Ngô Đức Thọ chủ biên và đồng biên soạn, - ở cả hai lần xuất bản (1993 & 2006) đều có BẢNG TRA như vậy (37 trang). Nếu chúng tôi có làm bảng chia xếp theo địa phương thì cũng chỉ có thể coi là một sắp xếp bổ trợ, chứ không thể thay thế được cách sắp xếp theo thứ tự khoa thi và thứ bậc đỗ đạt được.
 Bây giờ trực tiếp nói về việc chia xếp danh sách Tiến sĩ theo địa phương trong sách của ông Nguyễn Đình Hương: Sách ông Hương, như tôi đã nói: sau mấy mục mở đầu như "nước Văn Lang", "chữ Nôm", "Nho giáo" v.v... rồi đến VMQTG, (mục 10) - Tiếp đó là phần liệt kê danh sách các Tiến sĩ có tên trên 82 bia Tiến sĩ ở VMQTG. Nhưng “sáng tạo” của ông Hương là ở chỗ ông không theo thứ tự các khoa thi có bia! (Cố tình tránh cách ấy để khỏi giống với cuốn Văn Miếu-QTG và 82 bia Tiến sĩ cũng do Ngô Đức Thọ chủ biên, hiệu đính và dịch chú chính). Vậy là ông Hương bắt đầu xếp các đơn nguyên lý lịch trích ngang (Họ tên –Quê quán) của các Tiến sĩ theo tiêu mục tên các tỉnh (Bắc Giang, Bắc Ninh v.v...) Hết 1304 Tiến sĩ có tên trên bia VMQTG, ông Hương làm một cái chú thích nửa trang, nói lướt qua lịch sử khoa cử từ triều Lý đến triều Nguyễn, rồi đến ý chính ở câu cuối cùng – cũng chẳng ra phần mục gì cả!!- nguyên văn: “Cùng với 1304 tiến sĩ nho học được ghi danh ở Văn Miếu –Quốc Tử Giám (Hà Nội), dưới đây là danh sách các vị tiến sĩ nho học các khoa thi còn lại xếp theo quê quán”
Tôi thật sự ngạc nhiên thấy sau 4 chữ “các khoa thi còn lại” người ta lại có thể xáo xào ghép nối vô lối đến như vậy - Không chút hiểu biết nào về lịch sử chứ đừng nói là kiến thức sử học, kiến thức về các tài liệu đăng khoa lục VN – mà nggay mấy chữ thuật ngữ “đăng khoa lục” cũng chưa chắc ông đã biết. Trộn lẫn lung tung, hòa đồng cả các Tiến sĩ triều Lê không có tên trên bia (vì mất bia hoặc chưa từng được dưng) và các Tiến sĩ của triều Nguyễn. Sau chú thích đó, lại một lần nữa chia xếp lý lịch trích ngang (Họ tên –Quê quán ) của các Tiến sĩ theo các tỉnh (Bắc Giang, Bắc Ninh v.v..).
Không phải với ai khác, tôi đố ngay ông Hương tìm được một Tiến sĩ nào đó được chép ở trang nào trong sách của ông!!
Có thánh mà tìm được, vì khi muốn tìm một tiến sĩ mà sử sách ít nói tới thì biết người ấy quê ở tỉnh nào mà tìm? Lại nữa, ngay cả khi biết người đó quê tỉnh nào rồi thì cũng làm sao mà biết được người ấy thuộc loại “có văn bia” hay loại “không có văn bia” (mà ông hết đỗi ba xàm mệnh danh là “phần còn lại”?? - xin lỗi blog Anhbasam nhé -thật vô lối hết chỗ nói!).
Hai lần chia xếp theo địa danh – một “phương pháp” đặt ra làm để phá hoại ngay chính cái mục đích của mình (xếp theo địa phương cho dễ tìm??) thì đáng gọi “phương pháp" phản phương pháp chứ chẳng phải chuyện bình thường!! Làm sao có thể nói bừa, bốc thơm ông Hương “sáng tạo” được??!! Cuốn sách của ông Hương, mua xong ngồi đọc chơi cho biết “văn tài” của ngài GSTS còn lo hỏng trí mình đi, chứ nói đến tra cứu thì hầu như vô dụng – Đó chính là vì cái chia xếp “hai trong một” của ông Hương như thế! Trên đây nói về sự chia xếp gọi là “theo địa phương” mà ông Hương thể hiện trong sách của ông. Đó là nói thuần túy về phương pháp chia xếp, chứ chưa đả động gì đến nội dung thông tin họ tên quê quán của các Tiến sĩ có chính xác, đầy đủ hay thừa thiếu khi được đưa vào trong bảng chia xếp ấy. (Sau khi kiểm tra đối chiếu tỉ mỉ -sẽ mất không ít thời gian- nếu có vấn đề gì tôi sẽ có nhận xét thêm, không liên quan các nhận xét tiếp theo).
2.“Tham khảo” là chuyện bình thường thôi?
Ông Hương bảo: “Danh sách tên các tiến sĩ này đã được toàn thế giới biết đến nên việc tham khảo là chuyện bình thường thôi”. Vâng, nếu quả toàn thế giới đều đã biết thì ông Hương không phải người làm ra đầu tiên, tại sao ông còn phải xáo xào chia xếp để chép bê vào sách của ông? Hơn nữa, khi bị bắt quả tang, người ta hỏi thì ông mới bảo thế, chứ trong sách của ông có chỗ nào ông nêu lai lịch đề tài đăng khoa lục và văn bia Tiến sĩ VMQTG đâu? Ở tr.27 ông có nói lờ mờ như kiểu tư liệu ông dùng, căn cứ theo là bản Danh sách 1304 vị TS Nho học được ghi tại VMQTG. Tư liệu dùng để lập “Danh sách TS” treo trong VMQTG cũng chính là tư liệu trong cuốn Văn Miếu-QTG và 82 bia Tiến sĩ do nhóm chúng tôi biên soạn mà TT VMQTG ấn hành, tuy ông có ghi trong Danh sách các sách tham khảo (cuốn số 14). Ở vị trí đầu tiên rất quan trọng, khởi đầu cả 350 trang chép y theo sách của tôi, tại sao ông không ghi rõ: Từ tr.27 đến trang 190 là chép quy đổi địa danh cổ mới theo cuốn CNKBVN do Ngô Đức Thọ chủ biên? Ông nói “tham khảo là chuyện bình thường thôi”, nhưng không phải ông trích tham khảo của tác giả nào trên thế giới đâu, mà chính là ông chỉ trích chép từ sách của tôi Ngô Đức Thọ thôi. Trong bàng Danh sách các tài liệu tham khảo (gồm 25 cuốn), ông có kê tên 02 cuốn CNKBVN và Văn Miếu-QTG và 82 bia Tiến của tôi (Đó là 2 cuốn tham khảo số 13 và 14), nhưng ở các phần tương ứng “dày dày” trong sách cần nêu cụ thể và rõ nhất thì ông cố ý khong ghi! Đối với 1304 có tên trên văn bia thì như đã dẫn trên; còn từ tr.191 đến tr.375 gồm tiểu sử của 1586 TS mà ông “đại mệnh danh” là “phần còn lại” ấy, tại sao ông không ghi rõ ra là copy theo cuốn CNKBVN của Ngô Đức Thọ? Như thế mà không phải là “xâm phạm bản quyền rất nghiêm trọng” (=”đạo văn”) thì còn biết gọi là gì nữa?? Ông bảo đó là “ tham khảo bình thường thôi”, chẳng những tôi bác bỏ mà nhiều người người khác cũng không đồng ý.
TS. Nguyễn Xuân Diện nói: “ Tôi không chấp nhận cách trả lời của GS Nguyễn Đình Hương khi nói rằng mình chỉ tham khảo. Đây là hành vi “luộc văn”, “đạo văn” rất rõ ràng”.
Trưởng phòng Thanh tra Bộ Văn Hoá Phạm Viết Đào nói: “Một quyển sách mà 2/3 nội dung đi “đạo” thì không thể nói rằng tham khảo”.
Vậy mà khi trả lời PV ông Hương nói loanh quanh dường như sách anh tham khảo tài liệu công bố ở TT VMQTG, thì chính:
Bà Đỗ Thị Tám phụ trách TT Thông tin VMQTG cho biết:
-"Trung tâm đã khuyên GS Hương nên tham khảo cuốn [CNKBVN] tái bản lần hai. Ngoài ra, tôi cũng khuyên phải dẫn nguồn sách tham khảo".
Ông có kê tên sách tham khảo, nhưng trong ruột sách không ghi cụ thể “tham khảo” những chỗ nào, cho người ta một cảm tưởng chỉ trích một ít chỗ như lệ thông thường thôi, chẳng ai biết một số lượng khổng lồ cả 350 trang copy theo cuốn CNKBVN của Ngô Đức Thọ. Ông làm vậy cốt để cho cuốn sách của ông được dày ra (thêm đến 350/600 tr). Nếu không có phần cop trích ngang tiểu sử các TS Nho học và Danh sách các Giáo sư hiện đại (theo bảng kê của HĐCDGS) thì ruột sách của ông nhiều lắm chỉ được khoảng trên dưới 50 trang thôi! Muốn cho thành “đại trứ tác”, thành “công trình để đời” thì phải phình thêm 7 -8 lần như thế mới thật là dày dặn.
Có người cho biết tổng số trang trích dẫn đúng phép chỉ chừng 6-10 trang. Riêng tôi thì rất rộng mở việc này – Chúng tôi sôi nước mắt soạn ra những cuốn sách để khai thác giới thiệu di sản văn hoá dân tộc như cuốn CNKBVN, Văn bia Tiến sĩ v.v...là cốt để cho mọi người tham khảo sử dụng. Không chỉ 6-10 trang, ngay cả ông Hương dùng nguyên xi 20-30 hoăc cả 5-60 trang đi tôi cũng OK! Đằng này ông GSTS khả kính dùng liên tục (không gián đoạn) không ghi xuất xứ cộng đến 350 trang (trên tổng số hơn 600 trang của cuốn sách) thì thật không có trời đất, pháp lý, đạo lý nào chứng giám chấp nhận cho ông nữa!!
Tôi không rõ Bộ GD-ĐT của ta có ban hành quy định cụ thể về việc trích dẫn hay không, nhưng tôi đoan chắc với ông Hương rằng không một trường Đại học hoặc Viện sau đại học nào ở nước ta hoặc bất cứ nước nào trên thế giới cho phép nhà nghiên cứu hoặc NCS được thoải mái trích dẫn vói số lượng trang khổng lồ sách của người khác để đưa vào luận văn tác phẩm của mình như ông đã làm. Không chỉ cốt cho dày sách, không cần suy diễn cũng có thể hiểu ông muốn cho dư luận và các học trò của ông hiểu rằng tất cả đều “dổm” cả, chỉ những người uyên bác cả kinh tế học Nga Tây hiện đại lẫn Hán Nôm Tàu Việt cổ điển có các tác phẩm dày cộp như ông mới là “giáo sư thứ thiệt”, không phải dổm, mới có thể chỉ ra “hướng tới nền giáo dục hiện đại” cho Việt Nam! Than ôi, cái tên sách thùng rỗng mới hợm hĩnh coi thường độc giả biết bao!!
3.Tại sao chưa rà soát tỉ mỉ đã biết ông Hương “đạo văn”?
Bây giờ phải đi sâu vào chi tiết để nói rõ: Tai sao ở bài thứ nhất tôi nói chỉ xem lướt qua một lượt, chưa cần soát xét tỉ mỉ tôi đã có thể khẳng định ông Hương “đạo văn” trong CNKB của tôi mà tôi không sợ phạm sai lầm?. Lý do như sau:
Thông tin về các Tiến sĩ có thể tách làm hai mảng chính: -Mảng thứ nhất: gồm 2 yếu tố: Họ tên và Quê quán của Tiến sĩ . -Mảng thứ hai: Tiểu sử sự nghiệp của các Tiến sĩ sau khi thi đỗ. Sách của ông Hương không có thông tin về mảng thứ hai, cho nên ở đây tôi chỉ nói đến những thông tin về mảng thứ nhất thôi (ý ngghĩa của mảng này, như cách nói hiện nay là bản trích ngang lý lịch của từng người).
Yêu cầu của người nghiên cứu đối với phần này là phải biết đọc chữ Hán để phiên âm tên người tên đất cho chính xác.Nguồn tài liệu cho phần này thì công khai: Văn bia TS thì hiện có ở VMQTG, các sách đăng khoa lục thì nguyện bản lưu tàng ở Viện NC Hán Nôm, một vài TV khác ở trong nước cũng có (Cũng lạ, làm một cuốn đại tác về các nhân vật đỗ Tiến sĩ Nho học VN mà tuyệt đối không thấy dẫn dụng Quốc sử hay bất cứ một thư tịch Đăng khoa lục nào cả, có lẽ ông không biết trên đời ngoài văn bia lại còn những “thứ ” ái oăm thế nữa, cho nên tôi cũng không tiện kê cả ra đây kẻo lại bị ...“mất”!).
Đại thể có thể nói các chữ Hán dùng ghi họ tên người và địa danh phủ huyện phần nhiều thuộc loại thường gặp, không khó đọc, chỉ một số ít chữ khó hoặc có vấn đề văn bản cần tra cứu xác minh. Đối với những chữ thông thường như Nguyễn, Ngô, Trần,…Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội v.v...thì ai cũng có thể đọc giống nhau được. Nhưng với số ít những chữ khó hoặc có vấn đề, nếu xem xét kỹ có thể xác minh anh có phải là người tự mình đọc hay sử dụng theo cách đọc của ai. Tôi chưa đủ thì giờ để soát kê cho kiệt hết, nhưng dưới đây nêu vài chữ để thấy ông Hương tự đọc hay trích chép theo sách của ai: 
-Ví dụ 1: TRẦN CHU HINH , bảng nhãn khoa 1256
%name
%name
 (sách ông Hương tr.296), xin hỏi: ông căn cứ vào sách hoặc tài liệu nào để ghi vị này là họ TRẦN (Trần Chu Hinh)? Trong khi đó, các nguồn tư liệu như Toàn thư (BK5-21b), Lịch triều đăng khoa lục (Ia-4a) và các tài liệu khác kể cả Bia Văn Miếu Bắc Ninh, đều ghi vị Bảng nhãn này là Chu Hinh 朱磬(hiểu là họ CHU tên Hinh)?
Trong khi chờ ông trả lời, tôi có thể khẳng định với ông rằng: chỉ có chuyện ông cóp từ sách CNKB của tôi sang thì mới có họ tên vị Bảng nhãn TRẦN CHU HINH, vì trước và ngoài cuốn CNKBVN ra không một tài liệu nào ghi vị này là họ Trần cả. Tại sao tôi có thể xác quyết như vây?
Lý do là vì ở đây có vấn đề văn bản, mà chính tôi là người đầu tiên (và duy nhất) xử lý vấn đề này. Các tư liệu đã dẫn trên dều ghi Chu Hinh, đọc qua không thấy vấn đề gì, đơn giản chỉ là người họ Chu, tên là Hinh. Nhưng LTĐK ghi rõ vị này quê làng Đan Nhiễm huyện Tế Giang, lại cho biết thêm Chu Hinh là anh của Chu Phổ (Thị lang Chu Phổ chi huynh), mà Chu Phổ thì trước đó cách 2 tr, chính LTĐK đã ghi là Trần Chu Phổ đỗ Đệ tam giáp khoa thi Thái học sinh năm khoa 1232 đời Trần Thái Tông. Toàn thư cũng có ghi sử quan đời Trần Thái Tông là Trần Chu Phổ. Khi xử lý thông tin tôi thấy có mâu thuẫn ở trường hợp này: hai anh em ruột mà anh họ Trần, còn em lại là họ Chu? Xem kỹ thì thấy rõ, có thể khẳng định Chu Phổ, Chu Hinh là cách nói tắt hai chữ sau mà khi làm văn bản người ta quên không khôi phục cho đủ họ tên: Trần Chu Hinh là anh của Trần Chu Phổ. Xác quyết như vậy rồi, ngay ở lần xuất bản năm 1993 tôi đã khôi phục đủ đúng họ tên của Bảng nhãn Chu Hinh (ghi trong LTĐK) đúng ra là Trần Chu Hinh. Nay sách của ông Hương cũng ghi Bảng nhãn Trần Chu Hinh, vậy xin hỏi: ông tự xử lý vấn đề này y hệt kết quả như tôi đã làm, hay theo tài liệu nào khác? Toàn bộ cuốn sách của ông không thấy nêu cuốn tham khảo nào tên là Lịch triều đăng khoa lục, làm một bảng danh sách tra cứu các Tiến sĩ ngót 9 thế kỷ (1075-1919) mà cũng không thấy ông xem đọc bộ quốc sử ĐVSKTT thì có thể biết ông không thể tự mình xử lý được trường hợp này. Và vì ngoài cuốn CNKB ra không đâu có sự xử lý Chu Hinh =Trần Chu Hinh như Ngô Đức Thọ đã làm, cho nên tôi dám nói điều ghi của ông về Trần Chu Hinh là lấy theo sách CNKB của Ngô Đức Thọ. Một điều ghi quan trọng như thế nằm trong toàn thể 350 trang mà ông sao chép thoải mái, phớt lờ tên tác giả nguyên bản đi. Đó có phải là hành vi “xâm phạm bản quyền nghiêm trọng” như tôi đã trực tiếp phê phán ông hay không?
- Ví dụ 2: LÊ TƯ (HG 1511): Tên vị Hoàng giáp này cả trên
%name
%name
bia và trên sách đều khắc in khá rõ ( xem ảnh bên   cạnh). Chữ này bên trên chữ Tài 才bên dưới chữ Đỉnh 鼎,thuộc loại chữ rất ít gặp, vì thế có người không đọc được, thấy bên dưới có bộ Đỉnh 鼎  thì cũng phiên đại đi là Đỉnh (LÊ ĐỈNH), hoặc thấy bên trên có chữ Tài 才 nên phiên đại đi là TÀI (Lê TÀI). Có lẽ mấy người ấy ngại tra hoặc không biết tra từ điển (Tra đọc được tự điển Hán văn là vấn đề trình độ chứ không phải như từ điển Anh Pháp ai biết chữ cũng tra được!). Khi xử lý thông tin này tôi đơn giản lấy tự điển ra tra. Khang Hy (bộ Đỉnh, tr.1453) dẫn Đường vận, Tập vận phiên là “Tử chi thiết”( 子之切), Vận hội, Chính vận phiên là “Tân tư thiết” (津之切). Như vậy chính xác âm Hán Việt của chữ là TI hay TƯ (các chữ khác thuộc vần Ti cũng đều có thể đọc hai cách Ti hoặc Tư) . Ông Hương có thể đọc chữ gì khác hoặc theo các tài liệu mà ông bảo là “toàn thế giới” đều biết ấy mà đọc là TÀI hay ĐỈNH, thế nhưng trong sách của ông (tr.112) vẫn phiên là LÊ TƯ ? Ông có thể cãi chầy rằng ông cũng tra cứu các sách đã dẫn như tôi nên kết quả cũng tìm thấy âm Ti hoặc Tư y như tôi đã làm. Nhưng xin lỗi, giá dụ ông có bảo thế thì nay cũng quá muộn rồi, bởi vì trong CNKBVN cả 2 lần xuất bản tôi đều có ghi chú rõ như trên. Hơn nữa trong “đại trứ tác” của ông bàn "vĩ mô" những là phương hướng, định hướng, hướng tới chứ có thấy chỗ nào ông nói tự mình làm cái việc đọc các sách tra cứu “nhỏ nhặt” đó đâu ! Rõ như ban ngày rồi còn gì? Ông dùng trích lấy nguyên văn kiến thức trong sách của người ta mà bỏ tên người ta đi là cốt đạt cho đựoc hiệu ứng: không phải sao chép đâu cả, chính GSTS Nguyễn Đình Hương là đại khoa học gia am thông kim cổ Nga –Tàu - Hán Nôm Việt Nam ,– và “do đó” ông phải ngồi cái gì cao hơn, chứ như cái ghế kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Chức danh một ngành Kinh tế thôi thì ông ngồi mỏi rồi mà xem chừng chưa thoả đáng!! Xin nói thực - nếu ông qủa có cái tài như thế mà cái “đức” đạo văn như kia thì chẳng ai dám tín nhiệm ông đâu ! Nhưng điều này thì vẫn còn chưa rõ: ông đang hạ cánh an toàn hay lại lấy đà để phi lên tầng cao nữa của cấp lãnh đạo"Đoàn thể" và Chính phủ?
-Bây giờ nói đến việc quy đổi địa danh cũ - mới:
Việc này có thể không mấy khó khăn đối với các tài liệu hiện đại, vì ngày nay chúng ta có nhiều phương tiện tra cứu, chẳng hạn có thể tra tìm trong các sách địa danh hành chính do Tổng cục thống kê xuất bản, Công báo của Chính phủ công bố việc chia đặt các đơn vị hành chính, vài cuốn từ điển địa danh như các cuốn Địa dư Bắc kỳ của Ngô Vi Liễn v.v..., hoặc tra tìm ngay cả trên internet (wikipedia, Google map) v.v...Nhưng đối với các địa danh trong các thư tịch bi ký Hán Nôm thì rất thành vấn đề. Trong từng triều đại có những giai đoạn nhiều thay đổi địa danh, qua các triều từ Lý, Trần qua Lê sơ, Mạc , Lê trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn, đến trước và sau 1945, trước và sau 1954, trước và sau 1975 cho đến nay, địa danh các thôn xã phủ huyện tỉnh v.v...thay đổi không biết bao lần! Chỉ số lần thay đổi đã khó thống kê huống chi cụ thể từng tên thôn xã quê quán của các Tiến sĩ. Tổng số Tiến sĩ có tên trong CNKBVN là 2894, trừ đi những thôn xã có tần số xuất hiện trùng 2,3,4 v.v...(vì cùng thôn xã có nhiều người đỗ đạt), lấy 1/1 thì tên xã thôn có các Tiến sĩ trong CNKBVN cũng phải trên 2.000 đơn vị. Vậy mà cho đến nay ở Việt Nam ta chưa có một cuốn Từ điển địa danh nào có thể tra tìm địa danh lịch sử đã thay đổi qua các đời. Viện NC Hán Nôm là nơi lưu trữ nhiều tư liệu về lĩnh vực này, từ lâu vẫn mong muốn làm một công trình như thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện đựoc! Chính vì vậy mà tất cả các tài liệu thuộc loại đăng khoa viết hay dịch bia TS từ trước đến nay chỉ đơn thuần phiên âm nguyên văn chữ Hán ra âm Hán Việt mà không có quy đổi dịa danh. Cách ghi quê quán các Tiến sĩ thì thư tịch bi ký ngày trước có khi chỉ ghi tắt tên gọi mà không ghi rõ là tên phủ hay tên huyện, tên thôn hay tên xã. Chẳng hạn người quê xã Trảo Nha huyện Thiên Lộc thì chỉ ghi “Thiên Lộc -Trảo Nha”, vì vậy người dịch sách LTĐK không hiểu Thiên Lộc là tên phủ hay tên huyện, xử lý bằng cách chọn một từ chung chung là “hạt”: hạt Thiên Lộc. Hạt tức là phần đất được quản lý bởi cấp nào đó, đặt trước địa danh thì hiểu là đơn vị ấy quản lý chứ cũng không xác định được là phủ huyện hay tỉnh! Xét địa danh người đỗ đạt nếu chỉ phiên âm nguyên văn chữ Hán ra như thế thì tác dụng của tài liệu đăng khoa lục rất bị bị hạn chế. Bởi vì đến nay không chỉ là quá hiếm biết các địa danh cổ, mà phải là chính bản thân người có chuyên về môn địa danh học mới có thể tự tra cứu các địa danh cổ quy đổi ra dịa danh hiện nay. Bản thân tôi khi còn trẻ và ngay cả khi mới vào nghề Hán Nôm vài năm thấy sách ghi “Thạch Hà Đan Liên” thì chỉ biết đó là tên xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh thôi. Sau làm tra cứu địa danh nhiều măm mới tá hoả nhận ra xã đó không phải đâu khác mà chính là xã quê nhà thân yêu của mình! Những Tiến sĩ ghi kèm với địa danh ấy là người trong xã Trảo Nha tôi, mấy vị họ Ngô quê xã ấy chính là các cụ tổ của tôi! Có thế mới hiểu việc quy đổi địa danh cũ ra địa danh mới hiện nay có một ý nghĩa quan trọng thế nào đới với loại tài liệu đăng khoa lục và ý nghĩa của nó đối với người đọc ra sao. Chính vì vậy, ngay từ năm 1990 khi làm đề cương biên soạn cuốn CNKBVN xuất bản lần đầu tôi đã chủ trương cuốn CNKBVN nhất thiết phải thực hiện việc quy đổi địa danh, coi giá trị chính của CNKBVN phải thể hiện chủ yếu ở đặc điểm đó. Lời mở đầu của lần xuất bản 2006 có đoạn viết: “ Việc quy đổi dịa danh cũ mới tuy chỉ là một nội dung của công trình, nhưng lại là công việc mà nhóm biên soạn phải dành nhiều thì giờ công sức nhất để thực hiện”. Tiếp sau tôi cũng viết mấy ý đại thể như đã nêu trên đây.
Sau đây xin dẫn 01 trong hàng trăm điểm khó về địa danh mà chúng tôi đã thực hiện rất công phu (và cũng xin dẫn chỉ 1 ví dụ này mà thôi, không thể làm nhiều hơn vì mõi dẫn chứng như vậy phải trình bày một đoạn khá dài)
-Quốc triều khoa bảng lục của Cao Xuân Dục:   LÊ ĐÌNH DAO (Phó bảng khoa 1851): quê xã
Bồ Bản huyện
%name
Đăng Xương tỉnh Quảng Trị. (Bản dịch QTKBL của Le Mạnh Liêu, S.,1962, tr.118 cũng chỉ phiên âm tên xã huyện đời Nguyễn, không quy đổ
%name
i "Nay thuộc...", "Nay là.." Đăng Xương là tên một huyện thời Nguyễn của tỉnh Quảng Trị, huyện này từ đầu đời do
kiêng huý chữ Đăng là tên huý của vua Kiến Phúc (1883-84/Nguyễn Ưng Đăng) cho nên đổi là huyện Triệu Phong, nay vẫn là huyện Triệu Phong. Rồi, nhưng xã Bồ Bản nay gọi là xã gì? Tra tìm các thông tin liên quan: rât khó để có thể tìm được một tài liệu sách báo hiện hành cho ta biết tên xã thôn của huyện Triệu Phong. Nhưng Google giúp ta có một danh sách như vậy:
 “Huyện Triệu Phong: gồm Thị trấn Ái Tử và 18 xã: Triệu Ái, Triệu Thượng, Triệu Phước, Triệu Vân, Triệu Độ, Triệu Trạch, Triệu Đại, Triệu Lăng, Triệu Thuận, Triệu Sơn, Triệu Giang, Triệu Hòa, Triệu Tài, Triệu Đông, Triệu Trung, Triệu Long, Triệu Thành, Triệu An”. (http://www1.vietgle.vn/trithucviet/detail.aspx?key=huy%E1%BB%87n+Tri%E1%BB%87u+Phong&type=A0)
Không thấy tên xã Bồ Bản. Vậy xã Bồ Bản nay thuộc huyện xã nào? Vẫn trong huyện Triệu Phong hay bật sang huyện khác? Tận dụng mọi phương tiện để tra tìm. Sách Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí (1886-1887) xuất bản năm 2002 cũng do tôi Chủ biên và chú giải. Mở bản đồ huyện Triệu Phong, tìm thấy tên xã Bồ Bản: phía bên trái Cửa Việt. Lại lấy bản đồ tỉnh Quảng Trị có ghi đến tên xã: 
%name
%name
Ở một khoảng cách tương ứng bên trái Cửa Việt ta thấy tên xã Triệu Vân. Với kết quả tra cứu này, tôi xác định xã Bồ Bản huyện Đăng Xương nay thuộc xã Triệu Vân huyện Triệu Phong, dùng kết quả đó để đưa vào cuốn CNKBVN (bản 2006, tr.718) và vững tin đó là sự chuyển đổi đúng.
%name
Ngoài quy đổi đó ở cuốn CNKBVN cho đến nay không có một sách báo nào có tư liệu ấy. Cách đây vài chục phút, khi kiểm tra lại tư liệu để viết mấy dòng này, tra trên Google tôi chợt bắt gặp một tin rất hiếm hoi tiếp tục cho biết thêm về địa danh Bồ Bản: Trên bản đồ ta thấy ở xã Triệu Vân có vòng trắng nhỏ: Một bloger viết về người bạn giỏi thư pháp quê ở đó có ghi Thị tứ Bồ Bản thuộc xã Triệu Phuớc huyện Triệu Phong. Như vậy cụm dân cư xã Bồ Bản cũ nay đã đông đúc, được gọi là một Thị tứ và tách thuộc về xã Triệu Phước (liền kề xã Triệu Vân). Khi có điều kiện tái bản, chúng tôi sẽ cập nhật thông tin âý. Qua ví dụ cụ thể này, bạn đọc có thể thấy quy đổi địa danh cũ mới thực sự là một công việc khoa học, đòi hỏi có công phu và trình độ chuyên môn sâu chứ không phải và không thể là việc làm ăn chụp giựt của những tay háo danh muốn làm sách dổm để lưu hành ở đời nay và cho đời sau!. Trình bày như trên rồi, bây giờ tôi mới xin hỏi GSTS Nguyễn Đình Hương ông căn cứ vào nguồn tài liệu tra cứu nào mà ở tr.342 ông mạnh mẽ ghi một trích ngang “ xanh rờn”:
“Lê Đình Dao: xã Bồ Bản, huyện Đăng Xương. Nay thuộc xã Triệu Vân, huyện Triêu Phong ?
%name
Để có đựoc mấy chữ 6-7 chữ viết vào sau cụm từ “ NAY LÀ... ” hoặc “NAY THUỘC...” mà ông thuổng đó chúng tôi đã phải lao động khoa học đổ mồ hôi sôi nước mắt giữa trưa hè nắng gắt hoặc đêm đông rét buốt. Ông mấy chục năm tuổi "Đoàn thể" tất phải biết học tập gương đạo đức của cụ Hồ chứ, khoắng váng kết quả lao động của người khác như thế thì là đạo đức gì ? Ông đã bị tôi đương diện phê phán thẳng thừng, chẳng những không lấy làm ân hặn, lẽ nào còn yên tâm cầm bút khai báo “thành tích đạo đức”để được Nhà nước phong danh hiệu NHÀ GIÁO NHÂN DÂN ư? Tôi chân thành đề nghị ông bình tâm gác tay suy nghĩ lại, nên tự mình sớm rút đơn đi thì có khi lại đựoc dư luận hoan nghênh.
Qua một ví dụ cụ thể để thuyết minh việc bếp núc khoa học của lao động quy đổi địa danh cổ trong thư tịch bi ký Hán Nôm, tôi thiết nghĩ chừng ấy tạm đủ để quý độc giả và lãnh đạo Bộ Giáo Dục - Đào Tạo hiểu cho tại sao trong bài “Chuyện ly kỳ...” tôi viết rằng tôi chỉ cầm cuốn “đại trứ tác” của GSTS Nguyễn Đình Hương xem qua dăm bảy phút đã có thể khẳng định và đương diện phê phán ông Hương: -Đó là hành vi xâm phạm bản quyền rất nghiêm trọng. Anh có nhận đúng thế không?
Còn như điều tôi đã viết rằng: tôi không chờ phải “lấy dấu vân tay” hay xét nghiệm ADN gì cả cũng có thể xác định sản phẩm trí tuệ như đứa con tinh thần của mình đã bị ông đánh cắp. Không phải chỉ một trường hợp xã Bồ Bản đã ví dụ trên đây, mà là tất cả quy đổi địa danh cổ -mới (“Nay là...”, “Nay thuộc”của ngót 3000 Tiến sĩ Nho học VN chiếm 350 trang trên tổng số hơn 600 trang của cuốn sách của ông đều chép trộm từ cuốn Các nhà khoa bảng VN do Ngô Đức Thọ chủ biên và đồng biên soạn chính. Khẳng định nư thế mà không sợ phạm sai lầm, lý do rất rõ – như tôi đã trình bày : tất cả các thông tin đăng khoa lục, trên tất cả các sách báo đã xuất bản không đâu có mục quy đổi địa danh cổ ra địa danh mới như ở cuốn CNKBVN.
Vì thế, chỉ cần xem qua thấy cuốn sách của ông tất cả các Tiến sĩ đều có mục quy đổi địa Nếu một tác giả nào đó, qua nghiên cứu riêng của mình mà chuyển đổi được một ssố địa danh làng xã cổ nay là xã thôn huyện tỉnh nào thì cố nhiên đó là điều rất tốt, rất cần, rất đáng hoan nghênh. Nhưng ông không nghiên cứu nghiên cắm gì cả, đaqị trà đồng loạt bưng bê nguyên xi của tôi, cho nên tôi chỉ xem qua là biết ngay bản chất thực sự của ông. Thậm chí  không cần xem sách, chỉ đứng từ xa hỏi ai đó hoặc gọi qua điện thoại hỏi sách ông có các mục quy đổi NAY LÀ...NAY THUỘC hay không là có thể biết sách ông thế nào. Nếu lập một Đại Hội đòng xem xét hẳn Hội đồng cũng phải thẩm định thế thôi, có gì bán tin bán nghi đâu mà phải nghị luận? 
Ở trên tôi đã trình bày: Đối với một bản tin đăng khoa lục thì mảng thứ hai là mảng tập hợp (hội yếu) các thông tin về tiểu sử hành trạng của các Tiến sĩ sau khi thi đỗ. Mảng này tất nhiên có tác dụng và giá trị giúp ích không ít cho người đọc đỡ công phải tự tìm kiếm các tư liệu rất rải rác liên quan đến các Tiến sĩ. Nhưng mức độ giúp ích được nhiều hay ít cũng tuy theo tình hình tư liệu sưu tập được. Nhưng phần tinh tuý nhất có giá trị nhất trong cuốn CNKBVN của chúng tôi là ở mảng thông tin họ tên quê quán của các Tiến sĩ – mà mục quy đổi địa danh cũ - mới xem ra lại là phần có giá trị nhất. Thế mà ông Nguyễn Đình Hương “hớt váng” của chúng tôi như vậy, thì hỡi ơi, không hiểu có còn TRỜI ĐẤT –PHÁP LUẬT- CÔNG LÝ-ĐẠO ĐỨC gì nữa không đây?
Xin nói thật, không đau về vật chất tiền nong đâu!
Giá trị cuốn CNKBVN đã được người đọc trong ngoài nước khẳng định, không vì vụ đạo văn của ông Hương mà giảm yêu cầu hoặc mất giá trị đi. Nhưng cái đau lớn nhất là cái đau tinh thần: Người làm công tác nghiên cứu khoa học - ở đây công việc của chúng tôi là lao đông khoa học trên lĩnh vực nghiên cúu kế thừa di sản Hán Nôm –đáng lẽ ra cũng cần được xã hội ngó ngàng nâng niu như lao động của anh công nhân điện nước hoặc chị lao công vệ sinh môi trường, nhưng xem chừng những lao động dành cho di sản văn hoá như thế chẳng mấy ai quan tâm chú ý nên mới đến nỗi xẩy ra những chuyện những công trình sản phẩm thuộc môn loại này bị chiếm loạt, chụp giựt như tình trạng chúng tôi đã lâm vào. Xã hội ngày nay cũng biết di sản Hán Nôm là quý đấy, nhưng “kính nhi viễn chi” "dịch" ra chữ Tây lai Nhật là “Mackeno!”, ai biết chữ thì làm, chẳng buồn bận tâm! Thậm chí một tay có thể coi là bị bắt quả tang như vậy mà hồ sơ còn được đệ trình đến tận bàn của Bộ trưởng để trình lên đề nghị Nhà nước phong danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” thì nỗi đau da diết không biết thế nào diễn tả ra cho hết!
Với vụ “đạo văn” này, ngay cả cái chức danh Giáo sư của ông ấy cũng hết xứng đáng. Nếu ông ấy lại đuợc thăng phong danh hiệu vinh dự NGND thì không khéo dư luận phải thay đổi cách nhìn để học tập và noi theo tấm gương đạo đức “đạo văn” của ông GS kia!
Lúc này là 1giờ sáng ngày 10-10-2010 ( Sáng sớm mai tại Quảng trường Ba Đình có duyệt binh và mitting lớn Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội). Tôi thoáng đọc thấy hình như bộ GD-ĐT có thông báo ai có ý kiến gì về việc xét NGND thì phải gửi đến chậm nhất là ngày 9-10. Tôi cố gắng viết nhanh cho xong. Nhưng như thế là quá hạn mất mấy tiếng đồng hồ rồi.
Ngày mai đi gửi, nhưng có thể vẫn bị quá hạn không đựoc xem xét.
Cũng đành vậy thôi. Chuyện thì có người phản ánh đến tai Bộ trưởng rồi, nhưng nếu Bộ muốn cho ra lò một tấm gương như thế thì mình cũng đành biết vậy thôi chứ có phải chuyện riêng ân oán của mình đâu !
“Giấy” (màn hình) ngắn, lời nhiều, mong chư vị thông cảm!
Người viết bài:
PGS.TS. NGÔ ĐỨC THỌ
 Chủ biên và đồng biên soạn các cuốn:
CÁC NHÀ KHOA BẢNG VIỆT NAM (1075-1919)
%name
VĂN BIA TIẾN SĨ VĂN MIẾU -QUỐC TỬ GIÁM
%name
%name
 ngoductho@hn.vnn.vn   04-38464397   0982993665                      
                                       &&&&
 Ý kiến chuyên gia:
TS NGUYỄN XUÂN DIỆN, Phó Giám đốc thư viện thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Vụ nguyên hiệu trưởng bị tố cáo “đạo văn”: “Theo thông lệ, bất kể “sản phẩm tinh thần” nào nếu bị “mượn” từ 10% nội dung trở lên thì công trình mới kia bắt buộc phải ghi tên “đồng tác giả”, ít nhất cũng phải gộp thành mục riêng và có ghi tên tác giả. Đây là sản phẩm tinh thần, tác giả phải đổ mồ hôi, nước mắt mới có được. Tôi không chấp nhận cách trả lời của GS Nguyễn Đình Hương khi nói rằng mình chỉ tham khảo. Đây là hành vi “luộc văn”, “đạo văn” rất rõ ràng”.
Ông PHẠM VIẾT ĐÀO, Trưởng phòng Thanh tra hành chính và chống tham nhũng của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Một quyển sách mà 2/3 nội dung đi “đạo” thì không thể nói rằng tham khảo. Và việc anh đã nhận tiền nhuận bút, cho dù chỉ là một xu thôi cũng là vi phạm, phải bồi hoàn tiền cho tác giả gốc. Số tiền này là thỏa thuận giữa hai bên, nhà nước không can thiệp. Ngoài ra, nếu trong vụ này, PGS Thọ yêu cầu thu hồi tác phẩm “đạo” này, NXB cũng phải làm theo.Theo quy định, NXB phải chịu trách nhiệm và sẽ bị phạt trong vụ việc này. Bản thân tác giả “đạo văn” cũng phải xin lỗi công khai trên một tờ báo.
Bà ĐỖ THỊ TÁM, phụ trách Trung tâm Thông tin hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám:
Tôi nhớ GS-TS Nguyễn Đình Hương có đến trung tâm, có đưa một danh sách phân vùng để nhờ xem lại địa danh có đúng không. Khi bác Hương xin đọc tài liệu ở phòng Nghiệp vụ, có hỏi giám đốc trung tâm rằng trong hai cuốn sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 của PGS-TS Ngô Đức Thọ thì nên tham khảo cuốn nào cho chuẩn. Trung tâm đã khuyên GS Hương nên tham khảo cuốn tái bản lần hai. Ngoài ra, tôi cũng khuyên phải dẫn nguồn sách tham khảo.

1 nhận xét:

  1. Bồ Bản hiện nay chia làm 2 phần, 1 phần thuộc xã Triệu Phước, còn 1 phần thuộc xã Triệu Trạch, làng Bồ Bản thuộc xã Triệu Trạch. Họ Lê Đình thuộc làng Bồ Bản.

    Trả lờiXóa