Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Dâng hương Đền thờ Danh nhân văn hoá NGÔ SĨ LIÊN

Đền thờ Danh nhân văn hoá NGÔ SĨ LIÊN, thôn Chúc Lý xã Ngọc Giả huyện Chương Mỹ, trưqớc thuộc Hà Đông, nay thuộc Hà Nội
Các ông:Ngô Đức Thọ, Ngô Đức Huy (họ Ngô Trảo Nha), Ngô Vui (Chủ tịch Hội đồng Ngô tộc)

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

VĂN BẢN HÙNG VƯƠNG NGỌC PHẢ VÀ CHỦ NHÂN CỦA ĐÔ CỰU NGÀN HỐNG



Hội thảo “Thị xã Hồng Lĩnh -Từ Huyền sử-Lịch sử đến hiện taị” Hà Tĩnh, 19/8/2016)



VĂN BẢN HÙNG VƯƠNG NGỌC PHẢ VÀ CHỦ NHÂN CỦA
ĐÔ CỰU NGÀN HỐNG

  1. NGÔ ĐỨC THỌ


1.Cuộc Hội thảo hôm nay của chúng ta mục đích khiêm tốn, nhưng đề tài của nó bao quát rộng lớn cả từ thời huyền sử cho đến hiện tại và tương lai của vùng Hồng Lĩnh ngày nay, động chạm đến những lĩnh vực chuyên môn rất sâu, không chỉ đối với một địa phương Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh đối với cả toàn quốc, cả lịch sử dân tộc. Tôi đến hội thảo này từ góc độ là ngưòi đã tham gia dịch chú ĐVSKTT phần ngoại kỷ và bản thần tích Hùng vương ngọc phả, đó là những văn bản rất quan trọng. Nơi chúng ta đang họp bàn đây, dù ở ngay tại Thị xã Hồng Lĩnh giữa trung tâm hay ở TP Hà Tĩnh thì cũng rất gần vùng đất đã được các thư tịch cổ của nước ta gọi là Cựu đô Ngàn Hống. Ta sẽ bàn về chủ nhân của Cựu đô này, nhưng trước hết hãy nói đến tên nước Việt Thường. Sử đời Trần, Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu không còn, nhưng còn Đại Việt sử lược (của Trần Tấn hay Trần Phổ) 2 lần nói đến Việt Thường:
Một lần nói đời Chu Thành vương (1024-1005 TCN), Việt Thường thị samg hiến chim trĩ trắng.
Một lần nói Thục Phán chiếm ngôi của Hủng vương và đắp thành hình con ốc (Loa Thành), nhưng nói Loa Thành ở Việt Thường. Chúng ta đã quen tên 15 bộ (theo ĐVSKTT, ĐNNTC v.v...):
“Tân Hưng là cõi Hưng, Tuyên,
Vũ Ninh tỉnh Bắc, Dương Tuyền tỉnh Đông...
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Như vậy ở chỗ Cổ Loa dù là tên bộ (bộ Vũ Ninh) hay tên nước cũng đều không phải đất Việt Thường theo cách hiểu cho đến nay. GS Trần Quốc Vượng khi dịch ĐVSL còn rất trẻ, có lẽ chỉ mới ra trường, lấy làm lạ chi tiết này, chỉ đành đành một dấu hỏi ở chú thích, vì khi ấy các tài liệu Hán Nôm từ VĐBC đang chuẩn bị bàn giao cho phía VN nên khó tìm các văn bản của Toàn thư để so sánh. Nay so với Toàn thư, ta thấy đúng là địa danh Việt Thường, không có gì nhầm lẫn. Đây không phải chuyện mới nhưng lại rất lạ: Ngay trong Kỷ Hồng Bàng thị, trước khi viết Hùng vương, Ngô Sĩ Liên đã ghi chi tiết Việt Thường thị sang thăm và tặng chim trĩ trắng cho Thành vương nhà Chu. (Đầu thế kỷ XV; tôi đã tìm thấy dấu vết cho thấy Ngô Sĩ Liên đã tham khảo được cả bản thảo Đại Việt sử kýĐại Việt sử lược).Về chi tiết đắp thành Cổ Loa, Ngoại kỷ của Ngô Sĩ Liên, rất lạ, cũng ghi Thục Phán đắp thành ở Việt Thường như ĐVSL đã ghi! Như vậy, nhiều khả năng không có chuyện nhầm lẫn về ngôi thành “ rộng nghìn trượng cuộn tròn như hình con ốc”. Nó chỉ có thể nhầm lẫn đâu đó trong cách hiểu của chúng ta về địa danh Việt Thường!
Về tặng phẩm của sứ giả Việt Thường chưa phải là quan trọng nhất, quan trọng hơn cả là tên nước Việt Thường được Ngô Sĩ Liên tiêu lên phần chữ nhỏ trước khi vào chính văn của phần viết về họ Hồng Bàng. và nhấn mạnh: “Tên Việt là bắt đầu có từ đó”.




 


Điều ghi này quá quan trọng: tên nước của chúng ta, dù là Nam Việt, Đại Việt hay Việt Nam đều là bắt đầu có từ Việt Thường: Không chỉ một chữ Việt (nước Việt, người Việt) mà cả quốc hiệu hoàn chỉnh hai chữ Việt Thường cũng được khẳng định rất rõ ở  dòng đầu tiên đó của bộ ĐVSKTT. 
Quan điểm đó của nhà sử học họ Ngô đáng tiếc là không nhất quán lắm: Ngoài ghi chép khởi đầu đó, tác giả Toàn thư lập quốc thống từ Hùng vương chứ không lần nào quay lại với Việt Thường nữa! Các nhà soạn sử hiện nay cũng theo quan điểm đó nên quốc hiệu Việt Thường tuy không mất hẳn, nhưng rất ít người biết đến!
2. Vẫn là vấn đề việt Thường nhưng có liên quan đến Hùng Vương nên chúng ta phải chuyển sang nói về Hùng vương ngọc phả là bản Thần tích do Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố soạn năm Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ nhất (1470) thời vua Lê Thánh Tông. Không nói về toàn bộ bản Thần tích, tôi xin nói ngay vấn đề liên quan chỉ ở 1-2 trang đầu của văn bản này và cũng không bàn gì đến nội dung Thần tích nói “Cháu ba đời của vua Viêm Đế là Đế Minh, sinh Đế Nghi rồi đi tuần du phương nam, đến núi Ngũ Lĩnh gặp nàng Vụ Tiên.., sinh ra Kinh Dương vương....Trên đường đi ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế đẹp để đóng đô ấp (quốc đô). “Qua đất Hoan Châu (nay đổi là xứ Nghệ An. Nơi đó là các xã Nội Thiên Lộc, Tả Thiên Lộc, Tỉnh Thạch thuộc huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang) vua chọn được một vùng phong cảnh tươi đẹp, muôn nhẫn lâu đài, gọi là núi Hùng Bảo Thứu Lĩnh, tất cả có 199 ngọn. Vùng này giáp biển ở cửa Hội Thống, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông, bèn xây dựng đô thành để định nơi cho bốn phương triều cống” Các địa danh ghi đây có thể của chính Nguyễn Cố hay của Nguyễn Trọng đều là người thế kỷ 15 chú thích theo Thiên hạ bản đồ đời Lê Thánh Tông. Quý vị dự Hội thảo này đã nghe vang lên các địa danh thân yêu của vùng núi non Hồng Lĩnh trong đoạn văn trích đến từ một thời đại đã khá xưa. Dân Can Lộc –Hà Tĩnh quê ta có thể chưa phải tất cả, nhưng cũng đã khá nhiều người biết tên gọi Cựu đô Ngàn Hống. Cũng đã có vài tác giả nói đến rồi. Nhân tiện công bố bản dịch HVNP, cách đây dăm năm tôi có viết bài Cựu đô Ngàn Hống là đây đã dẫn những lời vàng ngọc của HVNP viết về Cựu đô Ngàn Hống. Nhưng đó là Cựu đô của vị vua nào?, khi đó chưa có yêu cầu phải biện luận, cho nên căn cứ vào nguyên văn và bản dịch như đã thể hiện thì Cựu đô đó không của ai khác ngoài Kinh Dương vương. Nhưng trở đi trở lại suy nghĩ nhiều về “tên Việt là bắt đầu có từ đó”. Không chỉ một lần, Ngô Sĩ Liên 3 lần nói về Việt Thường, kể cả chi tiết Thục Phán đắp Loa Thành cũng được Toàn thư nhắc lại đúng y chang như ĐVSL đã ghi là đắp ở Việt Thường, Điều này không chỉ khiến cho học giả trẻ Trần Quốc Vượng phải đặt dấu hỏi vì Việt Thường vốn được coi là đất Hà Tĩnh và phía nam Nghệ An. Nhóm dịch ĐVSKTT năm 1969 do GS Đào Duy Anh hiệu đính chú thich hẳn cũng gặp câu hỏi đó nên khá lúng túng khi thực hiện câu dịch của Toàn thư.
Vì thế Bản dịch cũ xử lý sự khó hiểu này bằng cách chỉ dịch nội dung đắp thành: “ Bấy giờ đắp thành ở Việt Thương” mà không nói rõ “ai đắp thành”? Vì thế khi làm bản dịch chú năm 1983 tôi đã dịch rõ thêm hai chữ “Thục vương”.
Như vậy, khi Thục Phán đắp thành Cổ Loa (257 TCN) nơi đây đang là hoặc đã từng là đất của người Việt Thường. Vì liên quan cả Việt Thường và Hùng vương, đến đây chúng ta chuyển sang liên hệ với Hùng vương ngọc phả (HVNP).HVNP nói Kinh Dương vương sau khi định đô ở Hoan Châu còn một lần quay lại Bắc quốc, lần này gặp tiên nữ là bà Âu Cơ. Trên đường trở về đô cũ ở Hoan Châu, qua vùng Bạch Hạc -Phong Châu (xứ Sơn Tây) vua lại phát hiện ra “một vùng đồi non chập chùng, sông đẹp núi lạ. Vua  bèn tìm mạch đất..[Đúng là nơi]Nghìn non nâng chủ, vạn thuỷ chầu nguồn, đều hướng về ngọn tổ sơn Nghĩa Lĩnh. Thu tận hình thế, vua nhận ra thế cục của đất này quý đẹp hơn đô thành cũ ở Hoan Châu, bèn lập Chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh để thỉnh thoảng ngự giá đến nghỉ ngơi.” . Tiếp đó, dường như để tổng kết nhắc lại việc xây dụng đô ấp của Kinh Dương vương, Bản BTPThọ viết tiếp một câu: “Kỳ kiến lập đô thành, thuỷ ư Thứu Lĩnh, chung ư Nghĩa Lĩnh. Kim dĩ Nghĩa Lĩnh vi Việt Thường thị đô ấp” (Việc dựng đô thành của vua, trước bắt đầu ở núi Thứu Lĩnh (Ngàn Hống), sau lại dựng ở núi Nghĩa Lĩnh, nay lấy núi Nghĩa Lĩnh làm nơi đóng đô ấp của họ Việt Thường) rất khó giải thích theo lôgic thông thường: Tai sao đô ấp của Việt Thường thị lại do vua Văn Lang “định”? Lại phải chăng trên vùng đồi núi đất Phong Châu ấy có cả đất của người Âu Lạc và người Việt Thường? ...Để hiểu được câu này tôi đã tìm xem thêm bản HVNP của TVQG, ký hiệu R. 285. Câu này ở bản TVQG viết như sau:
其建立城都,始在鶖嶺山,終於此,定都邑正殿寳位天城金池於義嶺山,為古越裳氏都邑所在



Đoạn này bản TVQG so với bản BTPThọ có thêm vài chi tiết (đắp thiên thành, đào kim trì v.v...), nhưng di biệt quan trọng nhất chỉ ở 1 chữ: Đó là khi nói về đô ấp của nước Việt Thường thì gọi đó là “Cổ Việt Thường thị”. Không có chữ “cổ” như ở bản BTPThọ thì cho một thông điệp khác hẳn: Dường như nước Văn Lang và nước Việt Thường là cùng thời. Nếu như thế thì lại có điều khó giải thích như đã nói trên. Còn một thông điệp khác,  với mạch suy nghĩ của tôi thì hơi quan trọng, nhưng: đó là theo HVNP (cả bản BTPThọ và bản TVQG, cả Kinh Dương vương và Việt thường thị đều có 2 địa điểm đóng quốc đô. Nhất là ở bản TVQG, chúng ta có thể thấy: để đề cao Kinh Dương vương,soạn giả HVNP dường như muốn nói: nơi đất đẹp vua chọn được để đóng quốc đô không phải là chỗ hoang vu, sau khi chọn được rồi mới hay nơi đó khi xưa đã từng là đô ấp của họ Việt Thường! Như vậy, trong tâm thức của các nhà huyền sử thế kỷ XV nước cổ  “Việt Thường” tất nhiên đã tồn tại trước thời Kinh Dương vương rất xưa rồi! Nhưng chỉ lần này, tức sau lần chọn đóng đô ở vùng Phong Châu, soạn giả HVNP mới tiết lộ nơi vua Kinh Dương chọn đó khi xưa cũng đã từng là đô ấp của nước Viết Thường! Vậy phải quay lại ngay để xem đối với lần đầu khi vua Kinh Dương chọn đóng đô ở Ngàn Hống HVNP đã ghi thế nào? Dưới đây là ảnh so sánh khác nhau ở hai bản HVNP :



Vấn đề nằm ở đây cùng loại vói việc bản BTPThọ không có chữ “cổ” trước từ Việt Thường:
Ở đây, sau khi đã nói vua tìm được thế đất đẹp ở thung lũng núi Hồng Lĩnh 199 ngọn đó, bản BTPT chép: 古云都,今曰岸Cổ vân Cựu đô, kim viết Ngàn Hống. Câu này rõ là lời của soạn giả HVNP giải thích với người cùng thòi với mình rằng, nơi đất này thời cổ gọi là Cựu Đô, ngày nay (thế kỷ XV về sau) gọi là Ngàn Hống”.
Với cách thể hiện của bản BTPThọ chúng ta không thể suy thêm ra được “Cựu đô” nói đây là “Cựu đô” của vị vua nào hoặc nước nào?
Nhưng vấn đề tỏ ra là khác hẳn với cách thể hiện ở Bản TVQG:
古云:都舊岸吼Cổ vân: Đô cựu Ngàn Hống
Thông điệp của văn bản huyền sử này gửi đến ý muốn của của người thuật chuyện muốn nói ngay cả khi vua Kinh Dương đặt chân đến thì nơi đó từ xưa (“cổ vân”) đã được goị là “Đô cựu Ngàn Hống”. Khi vua Kinh Dương mới đặt chân đến đất Hoan Châu, chưa có đô nào cả! Vậy, từ xưa nơi này đã gọi là Đô cựu Ngàn Hống thì đó phải là Đô cựu của vua nước Việt Thường!
Một lần nữa chúng ta hiểu rằng, ngay lần chọn định đô đầu tiên ở Ngàn Hống, vùng đất địa thế tuyệt đẹp: “ Vùng này giáp biển ở cửa Hội Thống, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông...” này hoá ra không phải một mình vua Kinh Dương nhận ra, từ xa xưa vua nước Việt Thường đã đóng đô ấp ở đây rồi.
Nếu vua Kinh Dương khi mới đến Ngàn Hống là mới tinh, chưa có Đô cũ Đô mới nào, thì đối với vua Việt Thường, từ xa xưa đã đóng đô ở đây, về sau thiên di ra Bắc, vua Việt Thường đã đặt Đô mới ở vùng Phong Châu.  Tình cờ cả hai lần vua Kinh Dương đi khắp đất nước xem phong thuỷ để chọn đất định đô thì cả hai lần vua đều đã chọn trùng vào địa điểm quốc đô của nước Việt Thường. Có tình trạng là người Việt mình thờì xưa thường hay diễn đạt trùng lặp, trong huyền thuyết HVNP soạn giả không e ngại sự trùng lặp đó, có thể còn coi đó là biện pháp để đề cao tài trí thông tuệ của vua Kinh Dương.
3.Huyền thuyết về việc định quốc đô của cả vua Kinh Dương và vua Việt Thường có lẽ nằm rất sâu trong tâm thức người Việt cổ phải chăng phản ảnh một hiện thực xa xưa về việc thiên di (bành trướng) của người Việt Thường ra và lên phía bắc toả ra khắp nơi cả ở miền đồng bằng (Cổ Loa) và trung du (Phong Châu) và nhiều nơi khác. Quá trình thiên di này diễn ra không phải trong một vài năm hay vài chục năm như những đợt di cư của người hiện đại, mà là cả một thời gian lịch sử rất dài, trên một lãnh thổ không rộng lớn lắm đủ để diễn ra một cuộc chung sống hoà đồng, không chỉ ngôn ngữ tập quán phong tục mà qua hôn nhân nhiều thế hệ đã diễn ra cả sự hoà đồng về huyết thống giữa người Việt Thường với cư dân của vương quốc Kẻ Chợ (Giao Chỉ) ở Miền Bắc Việt Nam.
 Tôi rất tự hào và hứng thú với nhà sử học Ngô Sĩ Liên bậc tiên tổ của dòng họ Ngô chúng tôi đã có một lời đúc kết súc tích mà rất quan trọng:
“Từ đời Thành Vương nhà Chu [1063-1026 TCN] mới gọi là Việt Thường thị, tên Việt bắt đầu có từ đấy.” (Toàn thư, NK1-1a-b)
Nhiều vấn đề liên quan mà mỗi vấn đề là cả một chuyên đề, tham luận này không có điều kiện trình bày hết, xin khất dịp khác.
PGS.TS Ngô Đức Thọ
15-7-2016


Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Xuất bản ấn bản 2016 của cuốn LA SƠN PHU TỬ của GS HOÀNG XUÂN HÃN







Ấn bản 2016 của cuốn LA SƠN PHU TỬ của GS HOÀNG XUÂN HÃN

 Ngạn Xuyên NGÔ ĐỨC THỌ
LỜI GIỚI THIỆU

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1995) xuất thân từ gia đình Nho học nhưng đã trở thành một trong những nhà khoa học tự nhiên đầu tiên của nước ta (Kỹ sư cầu cống, Paris, 1934; Cử nhân rồi Thạc sĩ Toán học,1936, sau còn đỗ Kỹ sư năng lượng nguyên tử và công tác tại Học viện KHKT hạt nhân Pháp). Nhưng ông còn gây bất ngờ lớn khi cùng vào khoảng thời gian và các lĩnh vực khoa học nói trên, ông đã trở về với lịch sử dân tộc với hai tác phẩm có tính đột phá là Lý Thường Kiệt (1949) và La Sơn Phu Tử (1952). Cuốn thứ hai xuất bản sau, nhưng ông đã đi thực địa sưu tầm tư liệu từ 1939 và đến đầu năm 1944 đã xuất hiện với dạng sơ thảo từ loạt 3 bài về La Sơn Phu Tử đăng trên Thanh Nghị (5-1944 – 3-1945). Đã có nơi trù tính để xuất bản, nhưng Cách mạng Tháng Tám 1945 là sự kiện lớn lao ngàn năm chỉ có một lần đã nổ ra nên dự kiến in sách chưa thực hiện đươc. Người yêu lịch sử dân tộc vui mừng đón đọc và có phần sững sờ thấy cả hai sách ấy sừng sững xuất hiện giữa bầu trời sử học mới của Việt Nam dường như chỉ mới được hé ra chỉ duy nhất với cuốn Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim. Về môn sử học cổ điển chúng ta có truyền thống lâu đời. Đời Lý có Sử ký của Đỗ Thiện (không còn), đời Trần có Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc, Đại Việt sử lược của Trần Phổ (tức Trần Chu Phổ), đời Lê có Đại Việt sử ký của Phan Phu Tiên, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên với các phần tục biên của Phạm Công Trứ, Lê Hy và các sử gia ở Quốc sử viện triều Lê, Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử ký tục biên của Nguyễn Hoàn v.v...Nhưng lịch sử Việt Nam viết theo phương pháp mới và bằng tiếng Việt đến những năm đầu thế kỷ XX chưa từng có. Nếu Trần Trọng Kim mở đầu sách sử Việt Nam chữ quốc ngữ bằng một bộ thông sử thì Hoàng Xuân Hãn tiếp theo cho môn học này bằng hai chuyên sử nhân vật. Bấy giờ đất nước còn bị thực dân Pháp đô hộ, tên tuổi của Lý Thường Kiệt bao giờ cũng ở vị trí cao sáng nhất trong tâm thức người Việt Nam. Học giả họ Hoàng cho thấy tác phẩm của ông thật công phu, đạt thành tựu đáng với tầm cỡ vị danh tướng được mọi người hâm mộ.
Còn La Sơn Phu Tử? Ông là một kiểu người khác, không có điểm đồng quy để so sánh với vị anh hùng họ Lý của chúng ta. Nhưng học giả họ Hoàng nhìn thấy ở La Sơn phu tử một nhân cách cao thượng, một Nho sĩ thực sự có lý tưởng trị đạo “yên dân trị quốc” của Nho giáo. Đọc sách rất nhiều, lại là học trò giỏi của Hồng Ngư tiên sinh tức Xuân Lĩnh hầu Nguyễn Nghiễm (thân phụ của Nguyễn Khản, Nguyễn Du), 21 tuổi, Nguyễn Thiếp thi Hương một khoa đỗ ngay Hương giải (Quý Hợi, 1743). Nhưng lạ  thay, khoa thi Hội liền sau đó Nguyễn Thiếp không đầu đơn dự thi! Hồng Ngư tiên sinh nổi giận không phải vì học trò thi hỏng hoặc không dám đi thi thì bẽ mặt thầy, mà là thầy tiếc cho con đường công danh rõ mồn một của “ông Nguyệt Ao”! Vì thế lần nào có khoa thi hai thầy trò đều xẩy ra cãi nhau, thầy Hồng Ngư phải hơn một lần giận mắng: “Đỉnh đang còn dành đó, chỉ một mình không chịu nghe sao?”. Nguyễn Thiếp chỉ có một câu để đáp lời thầy: “Chỉ vì hành thạch (làm quan) con không có bụng mà thôi”! Chuyện này kéo dài nhiều năm, nhưng Giáo sư Hoàng có tư liệu chứng minh có một lần thầy Hồng Ngư đắc thắng! Đó là khoa Bính Tuất (1766) Tham tụng Xuân Nhạc hầu Nguyễn Nghiễm lại thúc giục Nguyễn Thiếp nộp đơn để đi thi cùng với Ngô Phúc Lâm người Trảo Nha. Hai ông này đã ra Thăng Long, nhưng thầy Hồng Ngư chưa chắc đã thắng. Bởi vì sáng hôm nhập trường, trường thi (ở khoảng đầu phố Đội Cần đến cổng Bách Thảo hiện nay) bị mưa ngập nước, Ngô Phúc Lâm tìm lối vào được, Nguyễn Thiếp chần chừ một lúc rồi quay về, không thi cử gì nữa! Đó là việc năm 1766 Khi Nguyễn Thiếp 44 tuổi. Thực ra cái chí nguyện không muốn “hành thạch” (làm quan) của ông Cống Nguyệt Ao 10 năm trước đã bị thất bại một lần: Vì gia tư nhà họ Nguyễn đến đời ông đã sa sút nhiều, nhà đông con và còn mẹ già phải phụng dưỡng nên Nguyễn Thiếp đành chịu nhận một chức quan rất nhỏ là làm giáo thụ phủ Anh Đô (1756) để hàng tháng được lãnh lương cho mẹ già và con nhỏ có gạo ăn. Dạy học ở phủ cũng phù hợp với khả năng trình độ, nhưng Nguyễn Thiếp thấy quá tù túng, vì nơi đồng hoang núi trọc này ông không biết phải dùng cái sở học của mình vào đâu. Dù sao, thi “khảo khóa” không bị hỏng, ông được thăng làm tri huyện Thanh Chương (1763): bổng lộc tăng chút ít, nhưng so với chức giáo thụ lại càng nhàm chán hơn. Chưa đến kỳ khảo khoá sau, Nguyễn Thiếp đã gửi đơn xin từ quan về làng. Chỉ đợi đơn được phê chuẩn, ông cựu tri huyện đã xách khăn gói nhanh chân trở về trại Bùi Phong! Tuy vẫn nói về làm trại, nhưng các con vài đứa đã khôn lớn, không mấy khi cho cha làm. Tay ông ẩn sĩ ngày đêm vẫn không mấy khi rời quyển sách, gót chân ông thì in dấu hầu khắp các nơi di tích danh thắng vùng sông Lam núi Hồng. Cư sĩ đi đến đâu, các nhân sĩ và những người có học thường đón về nhà khoản đãi xin chỉ giáo chuyện thế sự và nhiều vấn đề của đạo Nho, lâu dần danh tiếng Bùi Phong cư sĩ không chỉ ở đất Hoan Châu mà cả triều quan và nhân sĩ Thăng Long cũng nhiều người biết tiếng. Không chỉ ở thời cuối Lê, cả thời Nguyễn sau này cũng còn khá nhiều người biết và viết về Bùi Phong cư sĩ, nhưng tất nhiên tài liệu rất tản mạn lại viết bằng chữ Hán Nôm nên đến khoảng đầu thế kỷ vừa qua, khi thi cử chữ Hán chấm dứt, lưa thưa vài báo quốc ngữ mới ra đời tuy có các mục sưu tầm sự tích thơ văn của người đời xưa, nhưng không còn mấy ai biết về ẩn sĩ làng Nguyệt Ao nữa. Phải đến La Sơn Phu Tử của Hoàng Xuân Hãn người Việt thế kỷ XX mới biết cư sĩ ấy là một người như thế nào? Nói ông là ẩn sĩ cũng gần đúng, nhưng thực ra Bùi Phong cư sĩ có ra làm quan, nhưng chỉ là một chức quan rất nhỏ: huấn đạo phủ Anh Đô rồi Tri huyện Thanh chương là một huyện miền núi ít người biết đến. Nhưng từ khi cư sĩ thôi quan trở về trang trại thì danh tiếng Lục Niên tiên sinh đã vang xa không chỉ trong dân gian. Hiệp trấn Nghệ An Bùi Huy Bích hâm mộ cư sĩ đã làm thơ tặng, cho người đem đến trang trại trình Lục Niên tiên sinh. Cư sĩ cũng nhân dịp đó viết thư cho quan Hiệp trấn xin giảm thuế cho dân Nghệ An. Bùi Huy Bích vốn trọng người có văn học, đã có đáp ứng thuận lợi đối với thư ấy của cư sĩ. Cả quyền Trấn thủ Vũ Tá Côn dịp ấy cũng có bản tâu về triều xin giảm ngạch tuyển lính cho Nghệ An. Và Tể tướng đương thời là Tĩnh vương Trịnh Sâm cho lính đưa thư mời “Cựu tri huyện Thanh Chương” ra Thăng Long để hỏi han quốc sự. Đó là chuyến ra Thăng Long đầu tiên của Lục Niên tiên sinh (1780). Không ai biết chúa Trịnh Sâm gặp ông già xứ Nghệ làm gì. Việc đó quá bí mật, nếu tiết lộ thì rụng đầu không phải chỉ một người: Trịnh Sâm nghe nói Lục Niên tiên sinh tinh thông Dịch số, muốn hỏi ý cụ việc thay bỏ nhà Lê nên hư thế nào. Lục Niên tiên sinh tuy trước là học trò của quan Đại Tư đồ triều Lê Trịnh nhưng không đồng quan điểm chính trị với thầy học, đã thẳng băng trả lời “Không nên”. Trịnh Sâm không vui, cho tiễn cụ ra về, nhưng có thể do câu trả lời không thuận của cụ mà Trịnh Sâm bỏ ý định gây chính biến soán vị vua Lê. Dồn dập các sự kiện cuối đời Cảnh Hưng: Chỉ hơn 1 năm từ cuối 1-1787 đến khi ra Bắc lần 2 giết Vũ Văn Nhậm, Chính Bình vương Nguyễn Huệ 3 lần sai quan cấp Thượng thư, Thị lang mang thư và lễ vật trọng hậu đến tận trại núi trình lên La Sơn Phu Tử (chính Nguyễn Huệ trân trọng gọi cư sĩ với tên hiệu này). Lời thư rất khiêm nhường, tôn Phu Tử lên bậc Y Doãn, Chu Công, trước còn nói mời Phu Tử ra giúp cho mình (“quả đức”), sau chỉ nói mời Phu Tử ra “giúp cho sinh dân thiên hạ”. Trước còn ghi niên hiệu Thái Đức, sau đề niên hiệu Cảnh Hưng, tỏ ý mình vẫn là thần tử của nhà Lê. Mong mỏi cầu hiền đến mức bức xúc, nhưng Chính Bình vương vẫn không thành công! Thư phúc đáp của La Sơn Phu Tử rất khéo léo, xưng tụng Nguyễn Huệ đậm đà hơn, nhưng vẫn một mực là “xin được ở yên cho trọn vẹn”. Trọn vẹn là trọn vẹn “danh tiết” mà giấu hai chữ ấy đi! Có chăng, Chính Bình vương chỉ nhận được một lời hứa có chuyển biến ít nhiều về phía La Sơn phu Tử: “Xin để ngày khác đứng ngoài mà làm một người cố vấn dự bị thì hơn”! Dò biết Vũ Văn Nhậm trước sau sẽ làm phản, Nguyễn Huệ quyết ra Thăng Long diệt Nhậm, nhân thể xóa luôn chính quyền của họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Một lần nũa Chính Bình vương lại phải nghĩ đến ảnh hưởng của La Sơn Phu Tử đối với sĩ phu Bắc Hà. Vương bèn sai Phó Tri phiên Binh phiên (như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) Nguyễn Quang Đại đi trước mang thư và lễ vật đến trại Bùi Phong. Lời thư vội vàng, nhưng vẫn tôn kính tột bậc. Không chỉ thăm hỏi, lần này thư mời hẳn “Phu Tử tới” và hẹn gặp ở núi Nghĩa Liệt (Vinh). Xong việc ở Thăng Long, trên đường về Phú Xuân, Chính Bình vương dừng nghỉ ở Vinh. Lần này vương không phải chịu thua: La Sơn Phu Tử quả nhiên đã chịu đến. Tại cuộc hội kiến đầu tiên này giữa người anh hùng áo vải và vị cư sĩ thành Lục Niên, Nguyễn Huệ có ý trách “phải chăng cụ chê quả nhân không đủ tài làm bậc anh hùng trong thiên hạ?”. Lục Niên tiên sinh hào hứng ca ngợi: “Hơn hai trăm năm nay quyền về tay họ Trịnh hung bạo. Vương mới đưa quân ra một lần mà dứt được, lập lại nhà Lê. Danh nghĩa chính đáng như vậy thì bậc anh hùng ai lại chẳng theo?” Nhưng không dừng ở đó, Lục Niên tiên sinh còn nói câu tiếp theo: “Nếu giả tiếng nhân nghĩa, nói dối tôn vua để lấy tiếng, thì hoá ra một kẻ gian hùng”! Đoạn đối thoại này cho thấy La Sơn Phu Tử tuy còn dè dạt nhưng đã thiên về chiều hướng khẳng định tính chính nghĩa của Chính Bình vương. Nghe câu đó Nguyễn Huệ có vẻ hơi chột dạ, nhưng cuộc hội kiến vẫn suôn sẻ tốt đẹp cho đến khi hai người chào biệt. Dinh Trịnh Bồng bị đốt, Lê Chiêu Thống chạy sang Kinh Bắc cho mẹ đem thư sang cầu viện nhà Thanh. Tháng 10 Mậu Thìn (11-1788) quân Thanh tràn sang nước ta, rồi Tôn Sĩ Nghị đưa Lê Chiêu Thống trở lại Thăng Long. Ở Phú Xuân, Chính Bình vương lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung. Ngoài Bắc trấn thủ Bắc thành Ngô Văn  Sở đã rút quân về đóng ở sau đèo Tam Điệp. Tại Phú Xuân, Quang Trung lên ngôi hoàng đế rồi lập tức lệnh cho đại quân thuỷ bộ hành quân thần tốc ra Bắc, chỉ 4 ngày sau Tiền quân của hoàng đế Quang Trung đã đến Nghệ An, lập tức sai quân đem thư mời La Sơn Phu Tử đến hội kiến. Lê quý kỷ sự chép về cuộc gặp lịch sử này kỹ nhất:
Quang Trung hỏi phương lược (đánh Thanh). Nguyễn Thiếp đáp:
-Người Thanh ở xa tới, mệt nhọc, không biết tình hình khó dễ thế nào, thế nên chiến thủ thế nào. Vả nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp đi thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan được. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được nó.
Huệ mừng lắm, trả lời:
-Ông nói chính hợp ý tôi.
Huệ bèn ở lại Nghệ An mười ngày, tuyển dân Nghệ An “ ba đinh lấy một lính”.
Sau đại thắng quân Thanh, Quang Trung lại gửi thư cho La Sơn Phu Tử, trong thư có câu:
“Trẫm ba lần xa giá Bắc Thành, Tiên sinh chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: “ Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ”. Lời Tiên sinh hẳn có thế thật”.
Có cứ liệu vững chắc như thế, lời nhận định sau đây của Giáo sư Hoàng cũng đáng khắc chữ vàng lên bia đá để đặt trước mộ vị Phu Tử ở huyện La Sơn:
“Xem vậy ta có thể tin rằng cụ (La Sơn Phu Tử) đã có công trong việc chiến thắng quân Thanh”
Sau ngày đánh tan quân Thanh, hoàng đế Quang Trung còn mấy lần gửi thư cho La Sơn Phu Tử về nhiều việc quan trọng: mời Phu Tử chính thức giữ chức Quốc sư, hỏi ý cụ về ý định lập đô ở Phù Thạch, hồi âm đồng ý với lời can của cụ chỉ dựng hành cung chứ không lập đô ở Phù Thạch vì địa thế ở đó không hợp và khiến cho sinh dân đau khổ, khen: “Lời bàn của Phu Tử như liều thuốc hay, rất xứng với ý ta” v.v...;  cử Phu Tử làm Đề điệu khoa thi Hương (mở ở Nghệ An); chiếu thư ban cho 1 xã (Nguyệt Ao) làm lộc điền. Không chỉ cám ơn việc cho lộc (cụ mấy lần từ chối), lần này Phu Tử gửi cho Quang Trung bức thư khá dài, nêu lên với nhà vua những nguyên tắc trị nước cơ bản: “Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên...Quan càng nhiều thì dân càng bị nhiễu...Mong Hoàng thượng chọn trong các bề tôi lấy một viên thanh, cần, nhân, dũng, ỷ cho tuỳ tiện mà làm. Giao cho phải làm thành hiệu. Dân gian tật khổ phải rành mạch khám thật. Tuỳ theo nhiều ít,.chước lượng, giảm xá cho dân...”.
Quá nhiều việc quốc gia đại sự, sau ngày ra Bắc đánh Tôn Sĩ Nghị, liên hệ chỉ bằng thư từ, Quang Trung chưa gặp lại La Sơn Phu Tử. Rồi với tờ chiếu ngày 10 tháng 7 năm Quang Trung thứ 4 (9-7-1791[1]), Quang Trung đã mời Phu Tử vào Phú Xuân để “Chúng ta có nhiều việc bàn nghị.” Trước khi đi Phu Tử đã chuẩn bị sẵn một bản Tấu văn, đó là nội dung Phu Tử sẽ nói với Quang Trung khi hội kiến. Bản tâu rất trang trọng bàn về 3 vấn đề: 1-Luận quân đức, 2- Luận nhân tâm,3 Luận Học pháp. Có thể nói đó những vấn đề đạo trị nước (Trị đạo) hết sức quan trọng, không chỉ với người làm vua mà là đối với tất cả những người trong bộ máy cai trị của chế độ. Người viết bài này lấy làm rất tiếc vì nội dung nói đến vua quan” mà từ trước đến nay chúng ta chưa bàn nói học hỏi được bao nhiêu cả về lời văn và tinh thần của bản luận văn quan trọng này – Bài luận chỉ hơn 700 chữ nhưng theo thiển ý chỉ riêng nó thôi đã là một di sản văn hoá tinh thần hết sức quý báu của dân tộc ta. (Trích):
Một là bàn về quân đức (đức của nguời làm vua): Vua dốc một lòng tu đức, ấy là gốc vạn sự. ....Từ xưa thánh hiền chưa có ai không bởi sự học mà có đức. Thượng đức tính chất cao minh, nghị luận lỗi lạc. Liệu việc, lượng người, hơn người ta. Nếu lấy sự học vấn mà tăng thêm tài, thì thật là một đấng ở trước đời Thang, Vũ.
Hai là bàn về nhân tâm (lòng dân) : Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên..... Một người cày, trăm kẻ ăn. Của hết, lực kiệt. Có kẻ đã chịu những suất lính, lại còn phải chịu nộp những đồ vật dụng như vải, củi. Có kẻ nhiều lần bị mùa mất, tất cả ruộng bị bờ bụi ăn lấp. Tuy đã có phen quan trên tới khám đạc, nhưng chưa được cứu giúp, giảm thuế.... Kẻ cùng quẫn đã không thể kêu đâu....; nhờ thế, may chi còn sống được. ...
Nhà nước thì võ uy có thừa mà ân trạch chưa ban ra khắp. Tiếng sầu oán rậy đường sá. ... Dân thường không mến nhớ, lại mến nhớ kẻ có nhân[2]. Lòng người mà quy phụ, tức là bởi mệnh trời. 
Ba là luận học pháp (phép học). “Ngọc không chuốt, không thành đồ; người không học, không biết đạo”. Đạo là những lẽ thường theo để làm người. Kẻ đi học là học điều ấy vậy. Nước Việt ta, từ khi lập quốc đến bây giờ, chính học lâu ngày mất. Người ta chỉ tranh nhau đua tập việc học từ chương, cầu công lợi .....Chúa tầm thường, tôi nịnh hót. Quốc phá, gia vong; những tệ kia đều ở đó mà ra....”

Sau hội kiến với Quang Trung, có lẽ La Sơn Phu Tử nghỉ lại vài ngày rồi về ngay. Chỉ sau 10 ngày Phu Tử đã nhận được chiếu chỉ cho thực hiện một việc lớn trong điều bàn về học pháp: Vua cho lập Sùng Chính thư viện và ban cho La Sơn Phu Tử làm Viện trưởng. Không chỉ có tên suông. Vua sai đặt ngay trụ sở viện ở núi Nam Hoa tức là để tiện cho sự làm việc của Phu Tử, giao quyền cho Phu Tử được chọn nhân viên để làm việc, trong đó có những học giả danh tiếng như hoàng giáp Bùi Dương Lich, tiến sĩ Phan Tố Định[3], hai ông Nguyễn Công, Nguyễn Thiện con cháu của Xuân quận công Nguyễn Nghiễm ở Nghi Xuân v.v...Dưới các ông này còn cho vài chục người giúp việc khác nữa. Chiếu ban ra cuối  năm Quang Trung 4 (1791) mà vua yêu cầu mùa xuân năm sau phải dịch xong mấy bộ sách Tiểu họcTứ thư. Vua đòi gấp như thế mà Sùng Chính viện vẫn làm được: Mùa xuân chưa xong, nhưng đến tháng 5 (6-1792) các bộ sách đã diễn dịch xong, tất cả gồm 32 tập, Tổng trấn Nghệ An sai quân kỵ hoả tóc chuyển về Phú Xuân tiến nộp. Một việc đồ sộ và tuyệt vời, làm việc thần tốc như vậy thật có bóng dáng của thời đại Quang Trung! Sách gửi về triều, vài vị quan triều đọc thẩm định sơ bộ có ý chê chú thích âm nghĩa còn sơ sài v.v...Nhưng khi sách dâng lên ngự lãm lại được vua đọc kỹ, khen ngợi và thưởng tiền: “Trẫm đã từng xem. Tiên sinh giảng bàn và phu diễn kể đã chăm chỉ. Những viên giúp việc là Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch đều có công”. Đây cũng là một trường hợp hi hữu mà chiếu chỉ của vua khen ngợi một việc làm sách không chỉ nêu tên viện và tên người đứng đầu mà nêu tên cả những người cùng làm (như nay ta gọi là “nhóm biên tập”). Đúng là thời đại sáng thịnh thì làm việc cũng mẫu mực.
Tiếc thay, mọi việc phải dừng lại vì vị hoàng đế anh hùng bất ngờ băng hà![4]
Quang Toản lên nối ngôi cũng muốn La Sơn Phu Tử chỉ giáo. Nhưng Phu Tử linh cảm bất an với sự nghiệp của thời hậu Quang Trung (cụ gửi biểu văn xin trả lại lộc điền đã được cấp). Triều Cảnh Thịnh đến năm thứ 4 đã thấy nguy cơ suy vong. Thái sư Bùi Đắc Tuyên lộng hành, các tướng trụ cột của trièu đình hãm hại nhau. Cảnh Thịnh muốn muợn danh La Sơn Phu Tử để vãn hồi thế cục, sai trấn thủ Nghệ An Nguyễn Văn Thận đem lễ vật vàng bạc và thư mời Phu Tử vào hội kiến ở Phú Xuân. Nhưng lúc đó (1801) đã là quá muộn để La Sơn Phu Tử có thể “giúp rập và khuyên bảo” điều gì cho ông vua này. Phu Tử đã 78 tuổi, vì ân tình với Quang Trung, khó từ chối không vào diện kiến người con nối ngôi của tiên hoàng. Sau, Cảnh Thịnh chạy ra Thăng Long rồi lại vòng về Nghệ An để cùng với Quang Thuỳ đến vấn kế La Sơn Phu Tử. Nhưng đại cục Tây Sơn lúc ấy như bát nước đổ nghiêng rồi, không cứu vãn thế nào được nữa.  
Nhưng duyên gặp gỡ của ẩn sĩ Nguyệt Ao với các vĩ nhân chưa hết: còn một người nữa. Đó là Thế tổ Cao hoàng đế triều Nguyễn (tức vua Gia Long) lúc đó chưa chính thức đăng quang ngôi hoàng đế.
Đại quân của Tiết chế Nguyễn Ánh lấy lại hầu hết các đất đai đã mất vào tay anh em Tây Sơn, Quang Toản và các tướng tá chạy ra Bắc. Tiết chế Nguyễn Ánh đưa đại quân tiến vào thu phục kinh đô Phú Xuân. La Sơn Phu Tử trước đó vào dự tang lễ của Bắc cung hoàng hậu, xong lễ còn nghỉ lại chưa về.  Nghe lính trinh sát báo có người hình trạng như thế, Thượng công Tiết chế phán ngay: “Đó chắc là ông Lục Niên”. Rồi Nguyễn Ánh cho lính mời La Sơn Phu Tử đến. Nguyễn Ánh có hỏi vài câu thăm dò ý, như hỏi: “ Nguỵ Tây Sơn mời cụ làm thầy. Vậy Tiên sinh dạy nó ra sao?” La Sơn Phu Tử thản nhiên dẫn tám điều trong sách Đại học, bảy đạo trong sách Trung Dung rồi nói: “Kinh sách như vậy, người giỏi thì làm được, người không giỏi thì không làm được”. Vua Nguyễn khen câu nói ấy hay, trọng đãi Phu Tử như khách, có ý mời ra giúp, nhưng Phu Tử xin về. Xét thật tình cụ La Sơn đã già yếu, vua Nguyễn thuận cho cụ nghỉ, sai quan quân tiễn cụ đến đầu địa giới núi Đèo Ngang.

Hình bóng người cư sĩ mờ dần trên đường về trại Bùi Phong núi cũ, nhưng danh tiếng của La Sơn Phu Tử giờ đây người dân Việt ít ai không biết đến. Dân gian vẫn có câu nói: “Vua biết mặt, chúa biết tên” để chỉ những người  tài giỏi trong thiên hạ. La Sơn Phu Tử  được hơn thế: Không chỉ một mà đến ba vị vua và một vị chúa tôn kính coi cụ là bậc quốc sư, vị nào cũng từng tham vấn cụ những vấn đề quan trọng của triều đại. Nhưng duyên gặp gỡ đằm thắm nhất có lẽ là giữa Phu Tử và vị hoàng đế anh hùng -Quang Trung Nguyễn Huệ. Trên thế gian thật hiếm vị vua nào mong mỏi hiền tài đến độ bức xúc như Quang Trung: chỉ hơn một năm ba bốn thư thăm hỏi vấn kế; ở ngôi chưa đầy ba năm mời hội kiến bốn lần - Riêng cuộc gặp thứ hai diễn ra khi vua đang hành quân ra Bắc đánh quân Thanh xâm lược, La Sơn Phu Tử chỉ kịp trả lời mấy câu vua hỏi về phương lược, đụơc Quang Trung đánh giá rất cao, coi là “ Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ”. Chất trí tuệ của con người La Sơn Phu Tử là như thế, được phát ra với đúng lúc đúng người là như thế.
Nhân dịp tái bản cuốn sách, tôi và nhiều người thế hệ hiện nay nhớ công lao Giáo sư Hoàng Xuân Hãn dày công sưu tầm nghiên cứu tư liệu, phân tích đánh giá sự kiện và nhân vật một cách khách quan, để lại cho đời một công trình nghiên cứu có giá trị khoa học cao về La Sơn Phu Tử, con người Việt Nam có những phẩm cách cao thượng, tiêu biểu cho nhũng nét đẹp tinh thần của dân tộc ta.
Hậu học
Ngạn Xuyên NGÔ ĐỨC THỌ
PGS.TS Hán Nôm học
12-2015


[1] Đương thời GS Hoàng chưa làm Lịch Tây Sơn, ngày DL này tôi quy đổi theo: Lê Thành Lân, Năm trăm năm Lịch Việt Nam, Nxb Hà Nội, 2010. Tr.384.
[2] Nguyên văn: “Dân võng thường hoài, hoài vu hữu nhân” / “Người dân không mến nhớ (quy phụ) ai vĩnh viễn (cố định) đâu. Họ chỉ mến nhớ (quy phụ) người có lòng nhân ái thôi”(Kinh Thư, Thái Giáp, Thượng)
[3] Phan Tố Định tức Phan Bảo Định, cùng đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi Chiêu Thống 1 (1787), cùng khoa với Bùi Dương Lich.
[4] Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792) [15-9-1792]

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Thăm đền ĐỨC THÁNH TIÊN ÔNG

Đền Đức Thánh Tiên Ông ở  xã Tượng Lĩnh huyện KimBảng tỉnh Hà Nam. Đền có Ngọc phả và nhiều sắc phong các triều Thời Lê-Nguyễn.[So lược]: Tương truyền đền thờ nhà sư cuối Trần đầu Lê là con của vị tướng thời Trần, quê ở Bắc Giang. Vị tướng này đóng quânnhiều nơi, mỗi nơi đều có một bà vợ. Bà vợ thứ 24 quê ở xã Tượng Lĩnh. Con trai của bà này lớn lên dựng thảo am thườ Phật và tu hành ở bản xã.Đến cuốiđời ngài được tôn xưng là Bồ Tát. Daukhi ngài hoá được triều đìh phong làm Thành hoàng xã Tương Lĩnh.Dân gian thường gọi ngài là Tiên Ông.Chùa sau chuỷen gọi là Đền Đức Thánh Tiên Ông.

Đứng trên đền nhìn ra đê sông Đáy ở vị trí đẹp, có tên là Tiêu Tương Bát cảnh.

Thăm Chủ nhân Mặc Hương thư quán


KS Lê Khắc Huy Chủ nhân Mặc Hương thư quán.
Tác phẩm mới của LÊ KHẮC HUY:
DICH TRUYỆN KIỀU RA HÁN NGỮ (Thể thơ Ngũ ngôn )